Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Chung quanh lá thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chung quanh lá thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Diễn Đàn — published 06/11/2007 00:28, cập nhật lần cuối 06/11/2007 00:28


Người Việt Nam tốt ở đâu ?


Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tiếng, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên tiếng, Hội sử học, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư xã hội học Tương Lai [xem bài ở dưới thư này] cũng đã lên tiếng, nhưng còn rất đông Người Việt Nam Tốt chưa lên tiếng, bao giờ quý vị mới lên tiếng ?

Người ta sắp phá Hội trường Ba Đình đầy di tích quý báu, ngưới ta sắp xâm phạm di tích lịch sử Hoàng Thành của Hà Nội ngàn năm văn hiến, chỉ vì tin phong thuỷ hay vì đã tham nhũng.

Bây giờ không phải là thời 20, 30 năm trước, bây giờ quý vị lên tiếng, tiếng nói của quý vị sẽ có âm vang trên toàn cầu, không ai có thể bưng bít tiếng nói chính đáng. Và cũng không ai có thể đàn áp quý vị, vì quý vị có hậu thuẫn ở trong và ngoài nước.

Thưa quý vị giáo sư, các nhà hoạt động văn hoáa, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học, doanh nhân, sinh viên, và tất cả những người Việt Nam Tốt,

Đây không phải là vấn đề toà nhà mà thôi, đây là di sản văn hoá, là vấn đề Tâm Linh của cả dân tộc, là “mộ tổ” chung của Dân Tộc, chúng tôi chờ nghe tiếng nói của quý vị..

Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối
Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn ?
những người tốt đang cần liên hiệp lại ” (Nguyễn Duy).

Một người Việt sống xa quê hương trên 30 năm,

Hà Dương Dực

T.B.-  Xin lỗi quý vị đã lên tiếng mà chúng tôi chưa được biết.




Một việc đáng trân trọng

LTS - Như chúng tôi đã đưa tin khi công bố bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho đến nay Đại Đoàn Kết (số 145, ra ngày 1.11.2007) là tờ báo đầu tiên đã "xé rào" sau lệnh cấm của "Ban tuyên giáo trung ương". Tuy Đại Đoàn Kết không phải là tờ báo có nhiều độc giả, sự kiện này đã có "hồi chấn" trong làng báo. Xin giới thiệu dưới đây bài viết của nhà xã hội học Tương Lai (báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4.11.2007) :

Báo Đại Đoàn Kết ngày 1.11.2007 vừa đăng đề nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Bảo tồn và tiếp tục sử dụng Hội trường Ba Đình, chưa nên xây dựng Nhà Quốc hội và không xây dựng tại Khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu. Điều này đáp ứng đòi hỏi của đông đảo công chúng muốn biết nội dung bức thư tâm huyết, “sự trăn trở, day dứt của một vị khai quốc công thần”, nhưng không được các báo đăng, góp phần “giải toả những bức bối từ các vị cán bộ lão thành và nhiều bạn đọc có quan tâm đến vấn đề này” như “lời tòa soạn” đã nêu. Đây là một việc đáng trân trọng của tờ báo của Măt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đáng trân trọng vì tờ báo đã trân trọng công luận, trước hết là trân trọng trí tuệ, tình cảm thể hiện ý chí chính trị của các bậc cách mạng lão thành và trân trọng ý kiến, nguyện vọng đóng góp của công chúng, điều mà Nghị quyết Đại hội X đã khẳng định : “nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Quốc hội, “cơ quan đại biểu nhân dân cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” chắc rồi sẽ xem xét và có ý kiến quyết định. Việc công bố nội dung bức thư tâm huyết nói trên sẽ là một đóng góp có ý nghĩa đến những suy tư, cân nhắc của các đại biểu QH và quyết định của QH trong kỳ họp đang diễn ra cạnh Hội trường Ba Đình lịch sử.

Đáng trân trọng vì đã thực hiện sứ mệnh cao cả của báo chí : “con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là sợi giây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước” như C.Mác đã chỉ ra. Cá nhân một công dân bình thường, nếu có ý chí chính trị, quan tâm đến sự nghiệp chung của đất nước mà bộc bạch ý nghĩ của mình, mong đến được nơi có trách nhiệm, thì sự trân trọng lắng nghe của các cấp có thẩm quyền đã là một ứng xử cần có. Huống hồ, đây lại là lời tâm huyết của một vị “khai quốc công thần” [từ của báo ĐĐK] mà tên tuổi và sự nghiệp đã là niềm tự hào và sức cổ vũ lớn ý chí và tấm lòng ngưỡng mộ của nhân dân, thì sự công bố bức thư tâm huyết này có ý nghĩa khởi động nhiệt tình và ý chí của nhân dân trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Tinh thần nhân dân”, trong lời của C.Mác, bao giờ cũng là cội nguồn sức mạnh của người cầm quyền. Cho nên, bàn về ý nghĩa của Hội Nghị Diên Hồng đời Trần, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép lời bình của Ngô Sĩ Liên : “Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn, há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão sao ? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ cái nghĩa của người xưa chăm người già để xin lời hay vậy”. Cái nghĩa ấy lớn lắm !

Gợi nhớ lại lịch sử là để trân trọng lịch sử, trân trọng những gì mà qua đó quá khứ và hiện tại vẫn còn thông với nhau cho dù cách nhau hàng chục thế kỷ. Lời tâm huyết của Võ Đại tướng chính là hiện thân độc đáo, có một không hai về sự thông nhau đó. Đăng bức thư, chính là lời chúc thọ có ý nghĩa nhất gửi đến vị lão tướng của nhân dân đang trăn trở với sự nghiệp đất nước.

Tương Lai


Tìm đâu ra Đại Đoàn Kết trên mạng ?

Tôi rất cảm ơn Diễn Đàn đã công bố toàn văn bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp kèm theo những lời bình cần thiết, thoạt tiên hơi "khó nghe" khi người ta ngồi ở trên cao, nhưng bản lĩnh của người lãnh đạo quốc gia chính là ở chỗ biết nghe, và dám nhận thức sai lầm của mình để sửa sai kịp thời. Như quý báo đã nhắc lại vụ "Quốc ca mới" hồi đầu những năm 1980. Chính ông Trường Chinh, trong thời kỳ giáo điều của mình, đã chủ xướng việc thay thế bản Tiến quân ca của Văn Cao. Người ta thậm chí đã mở cuộc thi sáng tác, và đã chọn (nếu tôi nhớ không lầm) 17 bài dự thi (tác giả đều là những "nhạc sĩ nhớn", "đại nhà thơ" cả) vào chung kết. Ở Quốc hội, không ai dám phát biểu một câu nào để "can gián" -- nói chi đến phản đối. Báo chí càng chẳng dám ho he (hồi đó, Ban tuyên huấn không cần ra chỉ thị cấm : cái gì không được phép thì đương nhiên bị cấm). Người dân chỉ còn ca dao vỉa hè và truyện tiếu lâm. Tôi còn nhớ câu chuyện tiếu lâm : vòng chung kết không có 17 bài mà chỉ có 2. Đó là "Người ơi người ở đừng về" và "Bèo dạt mây trôi". Chỉ vậy thôi mà ông Trường Chinh và Bộ chính trị thời đó cũng biết nghe ra, và cho chìm xuồng luôn cái vụ "Quốc ca mới". Lẽ nào bây giờ người ta không còn biết nghe nữa ? Không biết nghe thì cũng phải biết đọc chứ !

Vào mạng Diễn Đàn nhiều người cũng còn ngại, người nào không ngại thì khi được khi không, không phải ai cũng biết vượt tường lửa. Vậy tôi muốn biết muốn đọc báo Đại Đoàn Kết, phải vào mạng như thế nào ?

Nguyễn Kết Đoàn (Hà Nội)


Đại Đoàn Kết là cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Trên trang chủ của Mặt trận (http://www.mattran.org.vn/), cột bên trái,  có logo của Đại Đoàn Kết, nhưng khi bấm vào thì không thấy mở ra gì cả. Qua công cụ tìm kiếm như Google, ta có thể tìm ra một trang nhà của báo (xem đây), nhưng từ đó cũng khó tìm ra số báo ra ngày 1-11-2007.  Tuy nhiên, bạn đọc có thể vào trang chủ của Dịch vụ đọc báo trực tuyến - Quang Minh DEC rồi tìm trong khung của số ở phía trên tên báo Đại Đoàn Kết và số báo 145 (ngày 1-11-2007), sẽ ra số báo cần tìm. Lời toà soạn ở trang 1, lá thư của tướng Giáp ở trang 3. Chúng tôi đã đăng toàn văn lá thư, chỉ sửa một vài lỗi hiển nhiên, ví dụ : Hội trường Ba Đình (in nhầm là Hội nghị Ba Đình). Qua dịch vụ đọc báo trực tuyến kể trên, độc giả có thể đọc được vài chục tờ báo Việt Nam. Đó là địa chỉ URL đáng ghi vào mục Bookmark/Favoris.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us