Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Đêm tôi vẫn thường...

Đêm tôi vẫn thường...

- Đỗ Trung Quân - Nguyễn Chính — published 02/05/2009 06:53, cập nhật lần cuối 02/05/2009 06:53
đối thoại về "Tạ lỗi Trường Sơn" và "Việt Cộng".


Diễn Đàn : sau khi đăng phản hồi của độc giả Vũ Duy Chu trước bài thơ "Tạ lỗi Trường Sơn", cùng bài thơ "Việt Cộng" của ông, chúng tôi nhận được một trả lời ngắn của tác giả Đỗ Trung Quân, xin đăng lại để thông tin cùng bạn đọc, như sau :


... xin cảm ơn về ý kiến và chủ trương khi dẫn đường link vào blog của cá nhân tôi. tôi không có ý kiến gì thêm chỉ xin được chuyển tới anh Vũ Duy Chu đôi lời;


1-anh hoàn toàn không phải đối tượng của bài thơ vừa công bố của tôi

2-do đó anh không phải tự nhận 'bị xúc phạm'. nếu đọc thật bình tĩnh, có lẽ anh sẽ nhận ra bài thơ không nhằm nêu đích danh bất cứ cá nhân nào, vấn đề đã vượt lên mọi cá nhân

3-chúc anh Vũ Duy Chu vui khỏe


đỗ trung quân



Chúng tôi cũng nhận được phản ứng sau đây của ông Nguyễn Chính :


Đêm, đêm tôi vẫn thường tự véo tai mình


Cảm ơn diendan.org đã cho tôi có dịp được đọc bài thơ Tạ lỗi Trường Sơn của nhà thơ Đỗ Trung Quân và bài thơ Việt cộng của nhà thơ Vũ Duy Chu. Cả hai bài thơ đều chân thực, xúc động và nhói trong tôi sự xót xa. Ở góc độ một bạn đọc yêu thơ, tóc đã bạc gần hết, được sống cùng thời với các anh tôi xin có một vài ý nhỏ. Bài thơ Tạ lỗi Trường Sơn anh Đỗ Trung Quân viết từ năm 1982. Tôi không ngờ cách nay hơn 20 năm, tác giả phần ca từ của ca khúc Quê hương rất nổi tiếng, thế hệ nào hát cũng được, thời nào hát cũng được, lại có bài thơ hay đến thế, đau đến thế và hiện thực đến thế. Hiện thực đến từng chi tiết, hiện thực đến tận bây giờ. Còn với bài thơ Việt cộng, tôi đã lặng đi trong giây lát khi đọc đến câu Mỗi đêm tôi tự véo tai để biết rằng mình không mơ ngủ. Ở cái thời điểm ấy, đúng là tất cả đều xúc động, bồi hồi không thể tin ngay được sau 30 năm lại có được ngày cả nước im tiếng súng. Rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã thể hiện cảm xúc này, nhưng viết như anh Vũ Duy Chu thì thật giản dị, chân thực mà lại gây được hiệu ứng thẩm mỹ cao. Tôi bỗng nhớ đến cố nhạc sỹ Văn Cao, vào nửa đêm ngày 30/4/1975 ấy, tác giả Tiến quân ca , sau một thời gian dài không viết, đã lần đến bên cây đàn piano và trong bóng tối (ông không bật đèn) bài hát Ngày hòa bình đầu tiên đã ra đời, với giai điệu và ca từ xúc động đến rưng rưng Từ đây người biết thương người

Vâng ! thưa hai nhà thơ, năm tháng qua đi rồi, đã 30 năm có lẻ. Thời gian có thể đã làm nhạt nhòa đi nhiều thứ, nhưng cái giá của hai cuộc chiến thì không thể lấy gì khỏa lấp được. Cả hai bài thơ của các anh, dù thể hiện ở những góc độ khác nhau cuối cùng đều đọng lại ở một từ : Đau. Tôi cứ nghĩ, trách nhiệm của thế hệ chúng ta, mỗi người theo cách của mình đều nên góp phần lý giải để rút ra bài học cho muôn đời con cháu, rằng:

nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
phe nào thắng thì nhân dân đều bại

(Nguyễn Duy)

Câu này là tổng kết của một nhà thơ đấy, thưa các anh. Và, đã hơn 30 năm rồi, xin tất cả chúng ta hãy nhớ cho rằng, không có Việt cộng, Việt trừ gì cả, không có ngụy có tà nào cả. Chỉ vì những thứ đồ bỏ đó, mà chúng ta đã làm khổ nhau trong hai cuộc chiến, suốt hơn 1/3 thế kỷ rồi. Tôi đoan chắc rằng, với bài thơ Tạ lỗi Trường Sơn, anh Đỗ Trung Quân không hề có ý xúc phạm bất cứ ai. Cũng như bài thơ Việt cộng của anh Vũ Duy Chu, không đơn giản là những lời thanh minh, mà cao hơn ấy là ở sự thức tỉnh về hậu quả và cái giá phải trả cho cuộc chiến vẫn đang còn day dứt chưa nguôi …

Với những ý như trên, tôi xin được mượn ý câu thơ của anh Vũ Duy Chu, đêm đêm tôi vẫn thường tự véo tai mình, để đừng chăn ấm, gối êm mà quên mất hiện tình đất nước, để luôn tỉnh, thật tỉnh để mãi nhớ rằng, mình là người Việt Nam bằng xương, bằng thịt. Cũng như tất cả con dân đất Việt chúng ta dù ở góc bể chân trời nào, cũng đều là người Việt Nam bằng xương, bằng thịt. Để mà, dây bầu, dây bí thương nhau, cùng trí tuệ mà tránh xa những cuộc đụng đầu lịch sử cho những ý thức hệ lạc loài, chẳng ăn nhập gì với truyền thống và văn hóa của con Hồng, cháu Lạc./.


Nguyễn Chính


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us