Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / "hiểu biết" đó ... là vấn đề đức tin

"hiểu biết" đó ... là vấn đề đức tin

- HLL — published 04/11/2013 20:45, cập nhật lần cuối 04/11/2013 20:48

"hiểu biết" đó không còn là vấn đề tri thức,
nó là vấn đề đức tin



Kính gởi Ban Biên Tập Diễn Đàn Online


Nhân đọc bài "Hình ảnh buổi lễ cầu nguyện trước mộ phần Ngô Đình Diệm" tôi thấy tòa soạn có thêm lời bình luận: Một việc đáng suy nghĩ và tìm hiểu : sự tham gia của nữ sinh viên Phương Uyên. Người con gái kiên cường ấy có hiểu biết gì về nhân vật Ngô Đình Diệm và lịch sử đau thương của miền Nam, của Việt Nam trong chín năm 1954-63 ?

Tôi xin phép góp vài suy nghĩ như sau: cho đến lúc này, nếu một ai muốn tìm hiểu về ông Ngô Đình Diệm và chế độ "Đệ nhất cộng hòa" của ông ấy thì có khó khăn gì? Sách vở và tài liệu, tiếng Việt và một vài ngôn ngữ khác, đề cập đến ông Diệm có thiếu đâu. Và do đó, người đọc ấy có thể yên lòng là mình sẽ có "hiểu biết" để phê phán, bình luận, yêu ghét rất là thoải mái. Trường hợp của ông Diệm lại càng đặc biệt hơn nữa, ngay từ khi ông ấy bị chính bộ hạ của mình sát hại, đã có những nhóm người Việt luôn ca tụng công đức và tưởng nhớ ông ấy như một người lãnh đạo kính yêu của họ. Một sự cống hiến cho một điều gì lớn hơn, cao trọng hơn nữa. Và nhờ đó, cả một kho thông tin và tư liệu về ông Diệm luôn có đó. 

Nếu theo dõi sát các sinh hoạt, kể cả rất nhiều hình ảnh được ghi lại, của cô sinh viên Phương Uyên cũng như những hoạt động hỗ trợ và ủng hộ cô Uyên chúng ta cũng đã thấy cô ấy có dư cơ hội để được giúp đỡ tìm hiểu về sự nghiệp và con người của cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Vì lẽ đó, sự tham dự của cô Uyên trong buổi lễ cầu nguyện nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày mất của ông Diệm thiết nghĩ cũng là một điều khá dễ hiểu, nếu không nói là tất yếu.

*

50 năm trôi qua, những sự kiện, những biến cố phức tạp của một thời tất nhiên cũng đã có cơ hội được thu gọn, gạn lọc, sắp xếp theo nhiều kiểu, nhiều cách. Cái món mà người ta hay gọi dễ dãi là "lịch sử", nếu hiểu theo đời thường, thì thiết tưởng cũng chỉ là sản phẩm của trí tuệ con người. Cách người tiêu thụ sản phẩm ấy sẽ tự chọn lựa, hay được chọn lựa giúp, để nhận về cho mình một thứ "hiểu biết gì" cũng chỉ là một khâu tất yếu của chu trình truyền thừa món "lịch sử" kia. Cho nên, tôi có thể chủ quan tin rằng, cô sinh viên Phương Uyên có đủ điều kiện để tin rằng cô ấy "có hiểu biết gì" về nhân vật lịch sử (lại lịch sử) Ngô Đình Diệm. Đến một lúc nào đó, "hiểu biết" đó không còn là vấn đề tri thức, nó là vấn đề đức tin, nhất là khi yếu tố nghiệm sinh của bản thân và của người chung quanh trở thành cực kì thứ yếu. 

(Đó là chưa nói, như quí báo cũng đã gợi ý, trông ra, nó cũng có vẻ là một cái gì còn lều bều trên mặt nước).

Và đức tin thì vẫn mạnh hơn tri thức, vì nó không còn vướng víu những dấu hỏi.  

Kính thư.

H.L.L.

Một bạn đọc của Diễn Đàn Online.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us