Những giá trị chứ không phải những cái "tội"
Ngây
Thơ, Lý Tưởng, và sự Trinh Bạch
là
những giá trị chứ không phải là
những cái “tội”
Trương Phước Trường
Trước khi ta “phán xét” về hành động của LS Lê Công Định, ta cứ thử giả dụ như thế nầy: giả sử như ông thật sự là một con người còn ngây thơ, vì lý tưởng muốn thay đổi xã hội để cho nó có được thêm sự dân chủ, công bằng, người dân được ấm no, và vì lòng ông còn trinh bạch, nên chưa hiểu hết được tất cả những cái “oái ăm” của cuộc đời rằng trong một xã hội mà kỷ cương chưa phát triển, phép tắc chưa thông thì kẻ nói dối nịnh bợ mới là kẻ dễ thăng quan tiến chức, còn người chính trực không vụ lợi thì không nên quá nhiệt thành với những tình cảm trong sạch của mình. Bởi có khi chính những điều ấy sẽ đem hoạ vào cho thân. Cứ giả dụ là như thế (vì sự thật thì có lẽ thời gian mới trả lời được), ta có nên nghĩ rằng các hành động “ngây thơ”, “lý tưởng”, và “tình cảm trong sạch” như thế là những gì để cho ta chê cười? Hay ngược lại nó mới chính là những giá trị mà chúng ta phải hết lòng đề cao, quí mến? Bởi thật sự, nếu không có những giá trị như thế, thì làm sao có thể bảo rằng con người ta sống vì một niềm tin ở tương lai? Nếu các sự “ngây thơ”, “lý tưởng”, và “tình cảm trong sạch” như thế, nhất là của tuổi trẻ, bị chà đạp, đàn áp và giết hại, vì những sự tranh chấp, mua chuộc, hay dụ dỗ của những ý thức hệ và thế lực chính trị, dù là chính trị phía nào, thì nhất quyết, người ta không thể nào đòi hỏi và hy vọng rằng tuổi trẻ của xã hội ấy, khi “lớn lên”, “trưởng thành”, sẽ là những động lực của các sự phát minh, sáng chế, sáng kiến để phát triển cho xã hội ấy dược. Tuổi trẻ có thể trở sẽ thành những con người với các trí khôn tuyệt vời, nhưng có lẽ cũng chỉ là những trí “khôn vặt”, phụng sự cho cá nhân, cho các sự chạy đua vì danh dự và quyền lợi cá nhân, chứ không nhất thiết là vì một lý tưởng muốn phục vụ cho xã hội, nếu như nó không được khuyến khích và ươm ấp bởi những sự hồn nhiên, ngây thơ và trinh bạch khi còn trẻ.
Cứ thử tưởng tượng rằng, một luật sư trẻ tuổi, ở trong một quốc gia dân chủ, viết một “đề án” để đề nghị sửa đổi Hiến Pháp, đã không được các Viện Nghiên cứu Quốc gia, các cơ quan Luật pháp Nhà nước, các trường Đại học Luật, mời vào để thuyết trình, để tìm hiểu xem các ý kiến ấy là thế nào, lại đi kết tội các sự phát minh, các sáng kiến ấy là “phản động”, là “vi phạm luật pháp”, là “chống phá nhà nước. Một quốc gia như thế, dù đã phát triển và đã có dân chủ, cũng sẽ trở thành môt nước lạc hậu và đi sau người khác trong một thời gian ngắn, huống hồ là một quốc gia còn “đang phát triển” hay “chưa phát triển”!
Cách đây gần 4 thế kỷ, năm 1616, khi nhà thiên văn học người Ý, Gallileo Galilei, vì sự yêu chuộng và khám phá khoa học, muốn công bố rằng trái đất xoay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời xoay quanh trái đất. Nhưng Giáo hội Công giáo lúc bấy giờ vì muốn giữ chặt quyền lợi và sự thống trị của mình, nhất là thống trị trong tư tưởng với người dân, đã buộc tội ông Gallileo là nghe theo lời “dụ dỗ” của lý thuyết Copernicus, dám tuyên truyền những tư tưởng “chống lại với Kinh Thánh”. Vì chỉ là một nhà trí thức, chứ không phải là một nhà quân sự hay “cách mạng” đang dấy quân chống lại “Nhà nước”, cho nên dĩ nhiên là Gallileo không thể nào tiếp tục “anh hùng” mà cưỡng lại với các quyền lực độc tài áp chế của Giáo hội đuợc, và vì thế ông phải đồng ý viết bài “nhận tội” để lui về bình an (cho đến hơn 15 năm sau mới trở lại “bảo vệ” lý thuyết của mình một lần nữa, và rồi cũng bị “quản thúc” thêm một lần nữa). Nay nhìn lại lịch sử, người ta đặt câu hỏi: vì lý do gì mà Giáo hội Công giáo lúc bấy giờ lại cho rằng lý thuyết của Gallileo là “phản lại Thánh Kinh? Bởi vì xét cho cùng chẳng có điều gì là mâu thuẫn giữa lý thuyết của Gallileo và Thánh Kinh cả! Cũng như người ta có thể hỏi sau nầy: vì lý do gì mà Nhà nước Việt Nam hiện giờ lại kết luận rằng những “đề án về sự thay đổi Hiến pháp”, hay các đề nghị về “sự phát triển dân chủ theo một con đường Việt Nam” của Lê Công Định (giả dụ như có thật) là “chống lại nhà nước Việt Nam?! Tại các quốc gia dân chủ, đề nghị sửa đổi Hiếp pháp sao cho hợp thời, là một việc làm gần như tự nhiên và cần thiết. Đề nghị phải có một “con đường phát triển dân tộc” để không lệ thuộc vào chính sách ngoại giao, kinh tế hay chính trị của một quốc gia khác, là một việc làm không những không “chống” mà còn là tích cực yêu nước nữa! Thế thì tại sao tại Việt Nam người ta có thể kết luận một cách không cơ sở khoa học và phản lại với chính tinh thần dân tộc như vậy? (cũng như cách đây gần 400 năm Giáo hội Thiên Chúa đã có những sự phán xét vô cùng phản khoa học và chẳng phụng sự gì cho Thánh Kinh cả).
Câu kết luận, người ta chỉ có thể đoán, có lẽ đúng như theo lý thuyết của Karl Marx: khi một lực lượng xã hội không còn là “tiên phong” “tiến bộ” trong xã hội nữa vì nó đã làm xong vai trò lịch sử của mình rồi thì chính lực lượng “tiên phong” ấy bây giờ biến thành môt “phản lực”. Hay nói theo lý thuyết vật lý khoa học: mọi sức lực “tác động” đều có khả năng tạo ra một sức lực “phản động”, và phản động hay tác động là tùy theo ta nhìn từ góc cạnh nào. Đối với một sức kéo để làm cho guồng máy xã hội đuổi kịp với người, với sự tiến triển của thế giới thì chính sự ù lì (inertia) mới là sự phản động, chứ không thể gọi người đem hết sức mình ra để “kéo” là “phản động” được.
TPT
Các thao tác trên Tài liệu