Quê hương tôi ơi
Quê hương tôi ơi
Không biết tôi đã đọc đi, đọc lại bao nhiêu lần bài Thơ " Không đau và rất đau " của ông Đỗ Trung Quân, vậy mà lần nào tôi cũng rưng rưng nước mắt, tim nhói đau, uất ức, ở đoạn kết của bài thơ :
Các
anh bẻ quặt tay tôi
Dẫu gì
Cũng
không đau lắm
Các anh thúc cùi
chỏ vào hàm tôi
Thú thật
Cũng
không đau lắm
Các anh đạp vào
mặt tôi
Dẫu gì
Cũng không
ê ẩm lắm
Các anh dúi chúng
tôi vào xe
Thú thật
Cũng chỉ
ngồi chật một tí
Các anh kẹp
cổ, lên gối tôi
Dẫu gì cũng
chỉ bầm dập chút
Cái chúng
tôi đau
rất đau...
Cái chúng
tôi bầm dập
Cái chúng tôi ê
ẩm
Chính là:
Các anh thay mặt
kẻ cướp nước
Bọn cướp
biển
Bẻ tay, đánh đập, bắt
bớ, đàn áp
CHÍNH - ĐỒNG
- BÀO - MÌNH
ĐỖ TRUNG QUÂN
Làm sao mà không đau cho được, làm sao mà không khóc cho được, không xót xa cho được, khi đất nước Việt Nam, ngày càng bị giặc Trung Quốc hung hăng xâm phạm, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam một cách trắng trợn.
Phàm là người, ai cũng có lòng yêu nước, đó là điều cơ bản, thiết yếu, không cần ai rao giảng, nhồi nhét vào ý thức. Lòng yêu nước trong huyết quản của mỗi người đã sôi sục, đã thúc đẩy chúng ta khắp nơi hãy đoàn kết, đứng dậy chống lại giặc ngoại xâm từ phương Bắc.
Tôi không phải là một học giả uyên bác, có thể trình bày mạch lạc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, địa lý, hải đảo của đất nước mình, càng không phải là một nhà văn, có thể viết những lời kêu gọi thống thiết, cũng không phải là một chính trị gia lỗi lạc, trổ tài hùng biện, ngoại giao, kêu gọi Quốc tế quan tâm, góp tiếng nói chung về chủ quyền của nước Việt Nam.
Tôi chỉ là một người phụ nữ sống xa quê hương, hằng ngày theo dõi tin tức của đất nước mình qua các trang mạng điện tử. Tôi yêu tổ quốc Việt Nam nên ruột gan rối bời, lo lắng, giận dữ khi thấy Trung Quốc ngày càng ngang nhiên lấn chiếm biển, điều chiến hạm đến Trường Sa. Tôi yêu dân nghèo quê tôi nên đau từng nổi đau của ngư dân Việt Nam, bị bọn cướp biển Trung Quốc hà hiếp, ngược đãi, đánh đập.
Đau xót quá đi chứ và làm sao tôi không tức phát khóc khi nhìn những khuôn mặt ngơ ngác, hốt hoảng của ngư dân Việt Nam, những người dân hiền lành đang mưu sinh ngay trên vùng biển của chính mình, không chống trả nỗi cướp Trung Quốc, họ ngang nhiên phá nát tàu bè của ngư dân Việt Nam nghèo, đã nghèo nay còn nghèo hơn. Tôi đang ước mình là một Thánh Gióng, với sức mạnh vô biên, về đánh đuổi bọn cướp biển tan tác.
Lòng yêu nước thúc đẩy tôi muốn xuống đường, mơ mình được hòa vào giòng người biểu tình, thể hiện chính kiến, gương cao biểu ngữ bảo vệ đất nước, chống giặc Tàu.
Tôi cảm động đến nghẹt thở khi nhìn hình ảnh thanh thiếu niên, phụ nữ, cụ già, em bé từ Hà Nội, đến Sài Gòn cùng nhau diễu hành tuần tự qua các con đường, miệng hô to: " Đả đảo Trung Quốc ", " Quyết tâm bảo vệ lãnh thổ Việt Nam ".
Quê hương, là điều gì rất thiêng liêng, chúng ta không thể nào ngồi yên, làm ngơ trước nỗi đau của dân tộc khi bờ cõi bị xâm chiếm, làm sao ta có thể làm ngơ được?
Nhưng rồi tôi cũng rất đau, một nỗi đau như nhà thơ Đỗ Trung Quân, khắc khoải muôn vàn câu hỏi xuất hiện trong đầu, lẫn uất ức, khi nhìn đoàn biểu tình bị ngăn chận, bị đánh đập, bị bắt bớ bởi chính quyền ngay trên quê hương mình.
Sáng nay được biết Trung Quốc đã gởi thêm 30 tàu bè đến Trường Sa, làm sao chúng ta có thể ngồi yên, nhìn quê huơng đang dần bị xâm chiếm. Các nhà lãnh đạo, các chính trị gia Việt Nam không bảo vệ nổi người dân của mình, không cho người dân bày tỏ chính kiến, không cùng một lòng với dân, nêu cao lòng yêu nước. Vậy thì ai đây ? nhà lãnh đạo sáng suốt nào sẽ dìu dắt đất nước chống giặc Trung Quốc ? Ai sẽ là người cho tôi câu trả lời xác thật nhất ?
Bích Ngọc
Frankfurt, 14.07.2012
Diễn Đàn xin cảm ơn chị Bích Ngọc về bức thư rất cảm động trên đây.
Nhân dịp này xin mạn phép nhắc các độc giả
và tác giả : Bài vở (hay thư dài) gửi cho Diễn Đàn xin dùng
kiểu chữ chuẩn Unicode và đính kèm văn bản theo thư điện tử;
xin đừng viết liền vào thư. Thư của chị không dùng văn bản đính kèm và
viết bằng một kiểu chữ chúng tôi không quen thuộc, nên tuy nhận được từ
4 ngày trước mà đến nay mới xuất bản được vì phải nhờ người đọc hộ và
chuyển mã.
Các thao tác trên Tài liệu