Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Thư bạn đọc : Phim Đức ở Hà Nội

Thư bạn đọc : Phim Đức ở Hà Nội

- Diễn Đàn — published 25/04/2007 11:46, cập nhật lần cuối 25/04/2007 11:46
Cuốn phim CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC đã được chiếu lần thứ ba tại Viện Goethe Hà Nội. Phản ứng của một bạn đọc.

Chiếu hay không chiếu ?

Tôi rất chú ý tới việc cuốn phim Das Leben der Anderen (Cuộc sống của những người khác) đã được chiếu ở Viện Goethe Hà Nội (xem Diễn Đàn). Tôi muốn biết buổi chiếu ngày 23.4 có diễn ra đúng như chương trình đã thông báo của Trung tâm văn hoá Đức hay không ? Và phản ứng của công chúng như thế nào ?

K.T. (Frankfurt, Đức)

TRẢ LỜI CỦA DIỄN ĐÀN

Theo thông tin của chúng tôi, buổi chiếu lần thứ ba (tối thứ hai 23.4.2007) đã diễn ra bình thường như hai buổi đầu. Phòng chiếu có khoảng 100-120 chỗ ngồi. Buổi nào cũng đông nghẹt, nhiều người phải ngồi ở lối đi hay phải đứng. Người xem khoảng 90% là người Việt Nam. Phim nói tiếng Đức, phụ đề tiếng Anh, bản dịch đối thoại ra tiếng Việt được phát cho khán giả, và khán giả cũng có thể nghe thuyết minh bằng tiếng Việt qua ống nghe. Buổi 23.4 bắt đầu muộn, có lẽ vì thế mà không có phần thảo luận sau đó. Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng lá thư của một bạn đọc ở Hà Nội đã tham dự buổi này.


Đêm được sống với người khác

Lâu lắm mới được xem phim mà không cần vé vào cửa. Điều khác thường nho nhỏ này đã xảy ra ở ba trong bốn buổi chiếu phim CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC (Das Leben der Anderen/ The Lives of Others) tại một phòng chiếu giản dị của Viện Goethe Hà Nội. Nghe nói, trung bình mỗi buổi chiếu, lượng khán giả không có vé cũng lên đến hơn một phần ba. 

Nói thưc, nếu chỉ xem qua lời giới thiệu phim, chưa chắc đã đủ lôi cuốn người ta đến rạp trong cuộc sống đầy bận bịu như hôm nay. Mãi cho đến khi nghe một người anh ở phương xa nhắn nên đi xem cho thỏa chí tò mò, tôi mới thấy mình đã có dịp may hiếm có để khám phá những điều mới lạ ở nước Đức xa xôi, nhưng đang cần có trong đời sống thường nhật của Việt Nam hôm nay.

Wiesler, một nhân viên cao cấp của mật vụ Stasi, đã lạnh lùng và khéo léo kéo khán giả đi từ hết nghẹt thở này đến nghẹt thở khác. Vây bủa cuộc đời riêng của nhà văn Dreyman tài năng và ngây thơ về chính trị, cùng những người thân xung quanh ông, bằng nghiệp vụ tinh thông và trang thiết bị theo dõi tối tân nhất thời đó. Sự cay đắng của các nhân vật trong phim, cho dù họ đại diện cho quyền lực hay là nạn nhân của chế độ, cũng không đến một cách bất ngờ. Bởi nó luôn thường trực trong hơi thở, trong suy nghĩ và hành động sống của mỗi người trong chính họ. Ngày hôm sau dồn nén và cay nghiệt hơn ngày hôm trước. Và, như một nhân vật trong phim nói : “ Chỉ có hy vọng là chết cuối cùng ”. Còn người xem, hình như họ muốn nói một câu khác nữa : “ Chỉ có hy vọng mới là thứ cuối cùng giữ người ta tiếp tục sống trong hoàn cảnh như vậy ”. Hy vọng nhỏ nhoi này tiếp tục giữ người xem ngồi lại dõi theo cuộc sống của các nhân vật, thay vì bật dậy ra khỏi phòng chiếu vì những căng thẳng quá sức tưởng tượng của phim.

Nhưng, nếu chỉ có những cay nghiệt đó, hẳn không phải là ý định đay nghiến quá khứ của đạo diễn Florian Henckel Von Donnersmarck, người đã đưa về cho nước Đức một giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 2007 này.

Một cái kết đầy tha thứ và lãng mạn, khi nhà văn Dreyman đã dành tác phẩm lớn của đời ông, và của chính nước Đông Đức cũ, cho chính nhân vật mẫn cán một thời của chế độ, Wiesler, không phải vì hắn đã cứu thoát cho cuộc sống của riêng ông. Có lẽ đó chỉ vì ông đã có cơ may duy nhất trong số những người thân của ông còn sống sót để nhìn ra cái sự thật trong quá khứ. Phải chăng đạo diễn vẫn muốn giữ cho nhân vật Dreyman của ông tiếp tục một cuộc sống ngây thơ về chính trị trong một nước Đức nay đã thống nhất ? Hay Dreyman đã chưa đi đến cùng của sự cay đắng ? Và còn nhiều câu hỏi nữa… Xin hãy nhường sự đánh giá đó cho những ai có dịp xem phim.

Nước Đức hôm nay, cũng giống như một số quốc gia có hoàn cảnh tương tự, đang và sẽ tiếp tục công cuộc hàn gắn những vết thương của quá khứ để hướng tới tương lai. Bộ phim như một lời nhắn cho những ai đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống hãy tìm thấy cái cách cho riêng mình để chia sẻ và tha thứ, để tiếp tục sống cuộc sống của chính bản thân và cộng đồng.

Thay cho lời kết, tôi muốn dẫn ý tâm sự của một khán giả lớn tuổi cùng xem đêm nay. Cụ nói đại ý thế này : tôi đã từng sống ở đó nên cố đi xem cũng chỉ vì muốn hiểu rõ những mặt trái của một nước Đông Đức hào quang năm xưa, nhưng hình như tôi lại học được một bài học mới về cuộc sống của những người khác. Hay cụ muốn nói đến những người sống xung quanh của ngày hôm nay ?

H.L. (Hà Nội, đêm 23/4/2007)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us