Vài ý kiến về bài của Kornai
Mấy ý nghĩ nhỏ của một
độc giả
về một bài viết
quan trọng của Kornai
Nhân đọc bài của Kornai viết về Marx do Nguyễn Quang A dịch, là một người có quan tâm chút ít đến vấn đề này, tôi có mấy ý nghĩ sau đây, mạo muội gửi đến quý vị tham khảo :
Trong kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng những nhà kinh tế, những người hoạt động chính trị, nhân danh cho những lợi ích thực tiễn để đọc Marx, rồi khen hay chê phần nhiều đều hời hợt, không nghiêm chỉnh, không thật đáng tin. Chủ đề mà Marx đề cập là kinh tế chính trị chứ không phải kinh tế thực hành và chỗ đứng mà ông dựa vào để phê phán thứ kinh tế chính trị ấy chính là cái quan điểm triết học - chính trị của ông về con người, về lịch sử.
Những người cộng sản kiểu Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông… khi theo Marx để chống lại những chính sách tư bản ăn cướp, thực dân, đế quốc đã xử sự với tư tưởng của ông theo kiểu chính trị thực dụng. Những tệ hại mà họ gây ra là sau khi đạt được mục đích rồi họ vẫn xài Marx theo cách đó : họ xem những suy lý triết học chính trị của Marx như là kinh thánh và dùng bạo lực áp dụng vào cái gọi là “xây dựng kinh tế”. Chẳng có gì là kinh tế trong chính sách tập thể hoá của Stalin. Chẳng có gì là kinh tế trong những lò luyện thép gia đình của Mao. Kể cả cái gọi là “ cải cách ruộng đất ” của Bắc Việt Nam v.v...
Cũng xin nói thêm : cũng chẳng có gì là “ mácxít ” trong những thứ quỷ quái ấy cả !
Những người theo kinh tế tư bản, dựa vào những nguyên lý kinh tế tự do, hay dẫn ra một số câu của Marx để so sánh, rồi cho rằng chính Marx phải chịu trách nhiệm về những gì mà những kẻ độc tài đã nhân danh Marx để gọi là “ vận dụng ” vào việc xây dựng nên cái mô hình mácxít về “ chủ nghỉa xã hội ”, những nhà kinh tế này cũng chỉ lý sự một cách “ vô duyên ” không kém gì những kẻ độc tài mà họ chống lại : họ cũng hoàn toàn không chú ý gì đến cái tính chất lôgích trong biện luận cùng với hàng loạt những điều kiện Marx đã hình dung cho cái viễn cảnh, cũng lôgích, mà ông suy ra trong quá trình phê phán kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa thời ông.
Cũng xin nói thêm : những nhà kinh tế ấy chỉ chống một hình rơm của Marx !
Đưa ra những kết luận về sự lỗi thời của học thuyết Marx cũng là vớ vẩn – triết học không phải là cái kiểu áo ta mặc, không có thứ triết học nào hợp thời hay lỗi thời cả – cách diễn đạt đó không khác gì cách ăn nói của những kẻ mộng du nhắm mắt nhắm mũi bảo vệ Marx như một chân lý ngàn năm. Điều đáng suy ngẫm về Marx sau hơn 150 chủ nghĩa Marx ra đời, với bao nhiêu đổi thay xảy ra trên mặt đất, không còn phải là tính khả thi hay không của nó nữa mà là sự tồn tại của những cơn đau có thật do một chế độ tư bản vô tâm, vô cảm, ngạo mạn, huênh hoang gây ra cho con người, vẫn còn kéo dài từ khi Marx nêu ra như một nghiệm sinh, cho đến nay có vẻ như vẫn vô phương chấm dứt.
Cũng xin nói thêm điều này : cái thứ chủ nghĩa tư bản ấy không phải chỉ lộng hành bên Mỹ mà đang tác oai tái quái trên đất nước Việt Nam, tệ hại hơn nhiều lần !
Tất cả những xét đoán về Marx, với chúng ta ngày nay, thiết nghĩ chỉ có bấy nhiêu đó mới đáng gọi là quan trọng. Tôi cho rằng Kornai đã suy nghĩ về Marx như một nhà kinh tế tầm thường : theo sự trình bày của ông thì ông theo Marx cũng chỉ vì chính trị thực dụng, nay ông bỏ Marx mà vẫn vớt vát mấy điều để xài cho được thì cũng chỉ vì lý do đó thôi – chẳng có gi khác cả.
Lữ Phương
Thành phố Hồ Chí Minh, 12.05.2009
Các thao tác trên Tài liệu