Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Buổi giới thiệu cuốn Les Confessions tại TP HCM

Buổi giới thiệu cuốn Les Confessions tại TP HCM

- Nguyễn Xuân Xanh — published 21/10/2012 14:45, cập nhật lần cuối 23/10/2012 22:08
Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này được ra mắt này đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm sinh nhật của Rousseau

Buổi giới thiệu cuốn sách
Les Confessions ở TP HCM


Nguyễn Xuân Xanh


Bài "tường thuật" này vốn là một bức thư gửi một nhóm bạn bè, được tác giả tu chỉnh đôi chút và gửi cho Diễn Đàn.


Rousseau

Các Anh Chị quý mến,

Tối qua, ngày 20 tháng 10, năm 2012, tại nhà văn hoá IDECAF, trung tâm văn hoá Pháp tại TP, có buổi giới thiệu quyển sách Les confessions của Jean-Jacques Rousseau, với hai diễn giả: anh Bùi Văn Nam Sơn là người giới thiệu dẫn nhập, và Bà Lê Hồng Sâm (mọi người gọi kính trọng là Cô, 82t) là người thuyết trình về quyển sách và cuộc đời Rousseau mà bà là người chuyển ngữ. [Bà cũng từng là người đồng chuyển ngữ quyển Emile hay là về giáo dục, tác phẩm giáo dục tuyệt vời của Rousseau.]

Quyển sách tên tiếng Việt: Những lời bộc bạch của J.J. Rousseau. NXB Tri Thức. Đây là buổi giới thiệu thứ hai sau buổi giới thiệu thứ nhất tại Hà Nội mà báo Tia Sáng đã đưa tin (tại đây)

Những bài của anh Sơn và Cô Sâm là tuyệt vời. Căn phòng chứa khoảng hai ba trăm người chật ních và đa số vẫn còn ở lại đến cuối sau nhiều giờ liền không biết chán. Các phát biểu đều được dịch song ngữ trong sự hiện diện của Tổng lãnh sự Pháp tại TP. Sự ra mắt này đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm sinh nhật của Rousseau. Buổi giới thiệu biến thành một ‘buổi giáo dục’ tuyệt vời và mới mẻ cho đọc giả, với đầy ắp những giá trị nhân văn một chốc được đánh thức và khêu lên.

Các nhà khai sáng của thế kỷ 18 có thể nói mới khai sáng có một nửa thế giới, về sức mạnh của lý tính và thời đại của nó đang lên. Nhưng còn một nửa kia, mảng còn tối tăm, được một mình Rousseau khai sáng, thế giới của cảm xúc và đạo đức của con người, "khoa học về con người", « học làm người ». Rousseau đã «đi ngược » lại khai sáng, nhưng là để khai sáng phần con người còn khuất tất. Ông đã cảm nhận sâu sắc về "số phận chung của loài người". Ông nổi lên như một con người đơn độc giữa các nhà hàn lâm, không chịu giam hãm trong quyền uy nào của thời đại, với những lý lẽ ‘kỳ lạ’ và ‘tự do’ (Lê Hồng Sâm). Ông được tung hô rồi bị truy bứt. Ông bị ruồng bỏ ở quê nhà nhưng được tôn vinh bởi những nhà như Lessing, Goethe, hay Kant ở Đức. Ông từ chối sự ban thưởng của vua để sống một cuộc đời chật vật nhưng trung thành với bản chất của mình. Người khác có thể chê bai, ghét bỏ ông, nhưng ông quyết sống với con người thật của mình: "Nếu tôi không đáng giá hơn, thì ít ra tôi là một con người khác".

Lê Hồng Sâm, người am tường văn hoá Pháp, một trong ít viên ngọc của "thế hệ vàng" (sinh năm 1930) còn lại được anh Sơn giới thiệu là một "cây đại bút trong làng dịch thuật". Với 82 tuổi Cô vẫn còn nói chuyện sáng sủa, chắc nịch, uyên bác, thuyết phục, đầy tính nhân văn. Ôi may mắn thay.

Các đại học VN cần mời cô Sâm đến nói chuyện cho sinh viên mình. Việt Nam chưa có khai sáng theo kiểu Voltaire, tin tưởng tuyệt đối vào lý tính mà không lường hết những bất cập của nó, mà cũng chưa có khai sáng kiểu Rousseau, đặt niềm tin vào bản chất sống động và đa dạng của con người không thể ‘được lập trình tất định’, tin vào sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Đọc Rousseau để thấy con người là hạt giống vô giá của tạo hoá, có sức sáng tạo mãnh liệt mà đời có thể dễ làm "thui chột". Và nó có tự do, sẵn sàng để bước ra khỏi xã hội chật hẹp. Rousseau là con người ‘cách mạng’, theo nghĩa khám phá cái vĩ đại trong con người, tự do và khả năng hoàn thiện, hoặc hư hỏng của nó, do đó xem ‘giáo dục làm người’ là nhiệm vụ giáo dục hàng đầu. Quả thật ông được xem là ‘con chim báo bão’ của Cách mạng Pháp 1789.

Ông kêu gọi khẩn thiết « đừng huỷ hoại một công trình độc nhất vô nhị và hữu ích…và xin đừng tước đi của người đã qua đời vật lưu niệm chắc chắn duy nhất về tính cách của tôi, chưa bị kẻ thù làm biến dạng ».

Và : « Cuối cùng, dù chính quý vị có là một trong những kẻ thù không đội trời chung ấy, xin thôi thù địch với nắm tro tàn của tôi, và xin đừng mang sự bất công tàn ác của mình cho đến thời mà quý vị cũng như tôi không còn sống nữa, để quý vị ít ra cũng một lần có thể cao thượng tự chứng tỏ mình đã quảng đại và nhân hậu khi có thể ác tâm và hằn thù: nếu cho rằng điều ác dành cho một người chưa từng làm hoặc muốn làm điều ác, có thể được gọi là trả thù » như trong lời tựa ngắn ngủi của ông.

Những lúc cảm thấy chật hẹp, hay bị cuộc đời vây hãm, xin hãy đến Rousseau để tìm lại mình, thấy có một chỗ dựa vô cùng vững chắc. Những ai thấy mình "yếu đuối", xin hãy đến với Rousseau để thấy mình không phải "yếu đuối" như thế, mình chỉ khác hơn thôi.

 

Xin giới thiệu quý Anh Chị.

Nguyễn Xuân Xanh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us