Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Chiến lược thoát Trung

Chiến lược thoát Trung

- Trần Văn Thọ — published 16/10/2016 17:55, cập nhật lần cuối 16/10/2016 18:46

Cú sốc thời gian - Chương 12


Chiến lược thoát Trung


Trần Văn Thọ


Phân tích ở Chương 9 đã đưa ra được các gợi ý cần thiết để Việt Nam có đối sách hữu hiệu trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Quy mô kinh tế của Trung Quốc lớn hơn Việt Nam nhiều, họ lại phát triển trước và với tốc độ cao hơn. Việt Nam phải ý thức về sự bất lợi này và tìm chiến lược bù trừ với bất lợi đó mới tránh được sức hút của “trung tâm” lớn này. Trong dài hạn phải có quyết tâm, khí phách để vươn lên hàng quốc gia thượng đẳng mới ngăn ngừa được những ảnh hưởng bất lợi, những khả năng liên quan đến sự tồn vong của đất nước. Dưới đây thử bàn thêm, phân tích thêm các chính sách chiến lược cần thiết trước mắt và trung, dài hạn.

1. Chiến lược, chính sách trước mắt và trung hạn:


Thứ nhất, phải chỉnh đốn ngay các quan hệ kinh tế với Trung Quốc, từng bước điều chỉnh để kéo các hiện tượng bất thường hiện nay trở lại trạng thái bình thường, giống như quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác. Áp dụng các tiêu chuẩn phổ quát, các quy định trong các bang giao kinh tế quốc tế, và các chính sách, các quy định của riêng Việt Nam, để loại bỏ những doanh nghiệp, những dự án kém chất lượng, những lao động nước ngoài bất hợp pháp hoặc không cần thiết của bất cứ nước nào, kể cả Trung Quốc. Trong việc chỉnh đốn lại các quan hệ với Trung Quốc, vấn đề tối quan trọng là phải rà soát lại năng lực và đạo đức của quan chức trung ương và địa phương phụ trách kinh tế đối ngoại, đừng để xảy ra khả năng do kém hiểu biết hoặc bị phía Trung Quốc mua chuộc mà có những quyết định bất lợi cho Việt Nam.1

Thứ hai, Việt Nam phải khắc phục về mặt tốc độ (trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển), có nhiều trường hợp phải tìm biện pháp “mua thời gian” trong quan hệ với Trung Quốc. Mua thời gian có nghĩa là trước khi củng cố nội lực chưa vội triển khai các chương trình hợp tác, chưa thúc đẩy các kế hoạch phát triển có yếu tố Trung Quốc. Chẳng hạn về việc xây dựng hạ tầng trong kế hoạch hai hàng lang một vành đai nên được hoãn lại.2 Sau sự kiện Giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam, vấn đề an ninh ở biên giới cần phải được quan tâm hơn. Các kế hoạch xây dựng hạ tầng giao thông, các dự án mà doanh nghiệp TQ có thể thắng thầu cần được lưu ý.

Thứ ba, các chính sách kinh tế đối ngoại trước khi quyết định ban hành phải ý thức đến sự tồn tại của Trung Quốc, phải lường trước những tác động, hậu quả đến từ nước láng giềng khổng lồ phía bắc. Phương châm nầy không hàm ý nghĩa kỳ thị với Trung Quốc nếu nhìn từ lý luận về địa kinh tế và kinh nghiệm của thế giới đã nói ở trên. Gần đây, chính phủ Việt Nam vừa công bố chính sách mới rất thông thoáng liên quan đến việc cho phép nước ngoài sở hữu bất động sản và mua cổ phần của công ty Việt Nam.3 Tôi không biết là chính phủ đã lường trước khả năng Trung Quốc sẽ ồ ạt vào chiếm hữu bất động sản và doanh nghiệp Việt Nam hay không mà vội công bố chính sách này?

Thứ tư, trước mắt cần có ngay các chính sách tăng sức cạnh tranh quốc tế của công nghiệp Việt Nam, trước hết là những mặt hàng phải nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Chiến lược thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là đối sách cần thiết khi gia nhập TPP vì quy chế nội địa không cho phép Việt Nam tiếp tục xuất khẩu qua Mỹ và các thành viên khác của TPP những mặt hàng có hàm lượng nhập khẩu cao từ Trung Quốc là nước không phải thành viên của TPP. Trong trung hạn phải có chiến lược chuẩn bị điều kiện để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, tham gia được vào sự phân công hàng ngang với Trung Quốc và các nước khác ở Đông Á trong những mặt hàng có hàm lượng kỹ năng cao. Có hai điểm quan trọng liên quan đến chiến lược nầy. Một là triệt để cải cách giáo dục và đầu tư thích đáng cho giáo dục và nghiên cứu khoa học, công nghệ để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn chuyển dịch cơ cấu công nghiệp như đã nói. Hai là có chiến lược chọn lựa, thu hút dòng đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng cao để nhanh chóng tham gia vào mạng lưới phân công lao động trong các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đòi hỏi kỹ năng lao động cao. Nếu không có các chính sách nầy, Việt Nam sẽ không bao giờ theo kịp Trung Quốc về công nghiệp.

Thứ năm, để thực hiện hiệu quả chính sách thứ ba nói trên, phải cải thiện ngay chất lượng của bộ máy nhà nước, đưa chất lượng hành chánh lên ngang hàng với Trung Quốc. Về phí tổn kinh doanh, tình trạng tham nhũng, hiệu suất của bộ máy hành chánh, và các chỉ tiêu khác liên quan chất lượng thể chế, Trung Quốc từ trước không trầm trọng bằng Việt Nam và sau đó còn cải thiện nhanh hơn Việt Nam. Hiện nay hầu như tất cả các chỉ tiêu này cho thấy Trung Quốc hơn hẵn Việt Nam. Chẳng hạn theo Doing Business 2014, số loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp tại Trung Quốc giảm từ 35 loại năm 2005 xuống còn 7 loại vào năm 2012. Trong thời gian đó, Việt Nam không giảm và vẫn ở mức cao là 32 loại. Trong cùng thời gian, phí để bắt đầu dự án (tính theo phần trăm trên thu nhập đầu người) tại Trung Quốc giảm từ 13,6% xuống 2,1% trong khi tại Việt Nam giảm từ độ cao 27,6% xuống 8,7%, vẫn còn cao gấp 4 lần Trung Quốc. Nhiều chỉ tiêu khác cũng cho thấy tình hình tương tự (Xem lại Bảng 4-1 trong Chương 4).

Thứ sáu, như đã đề cập trong phần bàn về mô hình lực dẫn ở Chương 9, Trung Quốc là một thì trường rất lớn nhưng khác với Thái Lan và nhiều nước ASEAN khác, khả năng thâm nhập của Việt Nam còn rất yếu, rất hạn chế. Song song với nỗ lực thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.


2. Chiến lược, chính sách dài hạn:


Trước khi bàn về chiến lược, chính sách dài hạn và cụ thể của Việt Nam, tôi ghi lại ở đây mấy nhận xét của tôi trong 3 chuyến đi khảo sát các tỉnh hai bên biên giới Việt Trung. Những điều trông thấy sẽ nói dưới đây giúp ta hiểu hơn về chất lượng thể chế ở Trung Quốc (tuy thể chế ở thượng tầng xã hội, chính trị thì không khác Việt Nam), và sẽ giật mình thấy họ không những có ưu thế về quy mô mà còn mạnh về nhiều mặt liên quan đến thể chế và chính những mặt này làm cho tốc độ của họ đi nhanh. Dưới đây là vài hiện tượng, vài cảm nhận đáng ghi lại:

Thứ nhất, tôi bắt gặp nhiều trường hợp cho thấy Trung Quốc nỗ lực theo kịp các nước tiên tiến Âu Mỹ và Nhật Bản trong việc làm chủ công nghệ. Nhiều công nghệ trước phải nhập khẩu nhưng dần dần Trung Quốc tự chủ được. Chẳng hạn, lúc tôi thăm Nam Ninh (2012), Trung Quốc đang khởi công xây tàu điện ngầm, được biết là bằng công nghệ của chính họ. Trước đó tầu điện ngầm tại Bắc Kinh và Thượng Hải phải dựa vào công nghệ nhập khẩu nhưng bây giờ thì họ tự chủ. Tại Quảng Châu, lúc ở trong thang máy của một tòa nhà văn phòng, một người bạn Nhật làm việc nhiều năm ở đây cho biết thang máy đó do Trung Quốc chế tạo bằng công nghệ của mình, trước đây họ phải nhập công nghệ của Hitachi, công ty hàng đầu về công nghiệp nặng của Nhật.4

Thứ hai, những thành phố tôi đi qua đều tươm tất, phương tiện giao thông công cộng phát triển, xe máy rất ít và nhất là không có cảnh họp chợ tràn lan bên lề đường. Đặc biệt nhiều khẩu hiệu trên đường phố kêu gọi mọi người sống có văn hóa, chấp hành luật lệ, không có khẩu hiệu liên quan đến Đảng Cộng sản hoặc hô hào theo một chủ nghĩa, một ý thức hệ. Ở Hà Khẩu, chỗ xuất nhập cảnh với Việt Nam, họ đặt hòm thư nhận ý kiến người dân về thái độ, năng suất phục vụ của quan chức phụ trách. Nhân đây nói thêm, trò chuyện với hai quan chức ở châu Hồng Hà, một châu của tỉnh Vân Nam tiếp giáp với biên giới Việt Nam, tôi được biết chính quyền ở đó cấm quan chức làm thêm, bị phát hiện sẽ bị tước mất khả năng thăng tiến. Tham nhũng thì bị phạt rất nặng. Họ cũng cho biết đó là quy định chung cho quan chức ở nhiều nơi khác, không phải riêng ở châu Hồng Hà.

Thứ ba, các đại học ở 3 tỉnh cực nam của Trung Quốc cũng để lại nhiều ấn tượng và bắt phải suy nghĩ về trường hợp của Việt Nam. Khuôn viên của Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu, Đại học Dân tộc Quảng Tây và Đại học Vân Nam, những nơi tôi ghé thăm trong các chuyến khảo sát kinh tế biên giới, đều rộng rãi, hoành tráng, đầy cây xanh. Khuôn viên đại học làm nên vẻ đẹp và điểm nhấn đáng tự hào của một thành phố. Không cần nghiên cứu chi tiết nội dung giảng dạy và cách tổ chức, chỉ đến sân trường ta cũng có thể thấy sự phóng khoáng của các đại học này. Ngay cổng vào Đại học Vân Nam đã thấy ngay một tấm bảng lớn, xây bằng đá kiên cố, khắc hình của Einstein và một trong những câu nói nổi tiếng của nhà khoa học thiên tài này. Tại Đại học Trung Sơn, tên của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên, sự đóng góp của Hoa kiều rất thực tế và được trân trọng. Tòa nhà có tên Vĩnh Phương Đường do Hoa kiều Malaysia Diệu Vĩnh Phương xây dựng dùng làm trung tâm giảng dạy và nghiên cứu của khoa Sử. Tòa nhà văn phòng và tòa nhà giải trí cho sinh viên do một số Hoa kiều Hong Kong xây dựng.

Thứ tư, không chỉ về mặt kinh tế, các tỉnh Trung Quốc gần biên giới có vẻ ngày càng thu hút nhiều sinh viên Việt Nam sang du học và nhiều quan chức địa phương Việt Nam ở 7 tỉnh gần biên giới sang chữa bệnh hoặc du lịch. Hiện nay riêng tại Quảng Tây có tới hơn 3.000 du học sinh Việt Nam. Tuy thu nhập bình quân đầu người ở Nam Ninh hay Côn Minh lớn hơn Hà Nội nhưng giá nhà, giá sinh hoạt, dịch vụ y tế lại rẻ hơn. Nhiều người nước ngoài có nhận xét là vật giá ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thường cao hơn hoặc tương đương với các thành phố của Trung Quốc và nhiều nước ASEAN mặc dù thu nhập đầu người thấp hơn nhiều. Nguyên nhân có lẽ do giá đất, giá thuê mặt bằng ở Việt Nam quá cao, và nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ ở Việt Nam chịu nhiều phí tổn hành chánh mà hậu quả là giá thành bị nâng lên cao. Đây là hiện tượng làm méo mó cơ cấu giả cả, cần phải giải quyết ngay nếu muốn tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Riêng trong văn cảnh ở đây, do sự méo mó giá cả ở Việt Nam, cùng với tác động về kinh tế, các tỉnh bên kia biên giới sẽ ngày càng trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế.

Từ phân tích ở các phần trước và từ mấy nhận xét bổ sung ở trên, ta có thể nêu lên mấy điểm cốt lõi trong chiến lược dài hạn của Việt Nam trước thách thức của Trung Quốc như sau:

Một là, vấn đề căn bản là Việt Nam phải từng bước vững chắc phát triển thành một nước giàu, mạnh, dân chủ, văn minh theo những chuẩn mực phổ quát mà các nước tiên tiến đã đạt được và nhiều nước khác đang hướng tới. Muốn vậy, phải thực hiện ngay cuộc cải cách thể chế toàn diện theo hướng dân chủ hóa và trọng dụng nhân tài mới động viên được các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực có cả trong và ngoài nước, hướng vào các mục tiêu ấy. Hiện nay, nội lực Việt Nam suy yếu trầm trọng, cụ thể là đạo đức xã hội suy đồi, bộ máy nhà nước yếu kém, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học đang xuống dốc. Không mạnh dạn cải cách thể chế thì không có tiền đề để phát triển mạnh mẽ. Những cải cách này còn có hiệu quả làm giảm phí tổn hành chánh, tăng chất lượng hạ tầng, chất lượng lao động, và như vậy sẽ bù trừ những bất lợi về quy mô kinh tế so với Trung Quốc. Chạy đua với thời gian trong các cải cách này cũng là tiền đề để tránh ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hai là, tuy Trung Quốc và Việt Nam có cùng thể chế ở thượng tầng chính trị, xã hội, nhưng chất lượng thể chế ở hạ tầng cơ sở thì Trung Quốc hơn Việt Nam nhiều, thể hiện ở mặt quản lý bộ máy nhà nước chính quyền địa phương, ở khả năng tự chủ về công nghệ, ở việc xây dựng đại học, v..v. Việt Nam phải nhận rõ vấn đề này và khẩn trương khắc phục. Từ đó, trong dài hạn Việt Nam phải theo đuổi một chế độ chính trị tiến bộ hơn, tốt hơn Trung Quốc thì mới có thể đối phó hữu hiệu với sự trỗi dậy của nước láng giềng khổng lồ và đầy tham vọng này. Thể chế như vậy sẽ được thế giới đánh giá cao, từ đó Việt Nam sẽ có một sức mạnh mềm hơn hẵn Trung Quốc. Trong thời đại toàn cầu hóa này, chính những giá trị đó sẽ thu hút đầu tư và hợp tác từ những nền kinh tế đã phát triển với chất lượng cao như Nhật, Mỹ, Tây Âu. Kết hợp nội lực và ngoại lực theo hướng này sẽ tạo nên sức mạnh đề kháng được với sự trỗi dậy của nền kinh tế khổng lồ ở phía bắc.


Vài lời kết:


Thay lời kết tôi muốn chép lại đây mấy câu kết trong bài “Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt Trung” tôi viết đầu năm 2009 và in lại trong Trần Văn Thọ (2011) : “Sau khi thắng giặc Minh, giành lại chủ quyền cho đất nước, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi nhấn mạnh thực thể độc lập, hiên ngang của nước Đại Việt, một đất nước đã sánh vai được với cường quốc phương Bắc:

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương...

Trong thời đại ngày nay, về phương diện phát triển kinh tế, khí phách Nguyễn Trãi được thể hiện ở quan hệ ngoại thương hàng ngang giữa hai nước Việt Trung... Việt Nam phải từng bước thoát ly khỏi tính chất Bắc Nam trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc”.

Tính chất Bắc Nam là cách nói đã cũ, chỉ quan hệ của nước tiên tiến và nước còn trên đường phát triển. Bài viết hơn 6 năm trước ấy chỉ bàn về mậu dịch, nhưng hiện nay, như đã phân tích ở trên, quan hệ kinh tế Việt Trung đã phức tạp, trầm trọng hơn và do đó, thách thức đối với Việt Nam còn lớn hơn nhiều. Việt Nam phải gấp rút đặt ra chiến lược và đẩy nhanh việc thực thi các chính sách nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Về lâu dài, như đã nhấn mạnh, Việt Nam phải đi trước Trung Quốc về mặt thể chế mới mong sánh vai được với nước láng giềng khổng lồ và nhiều tham vọng này.

Đúc kết lại, ba từ khóa của chương này là tinh thần Nguyễn Trãi, thời gian và thể chế./.


Phụ lục Chương 12

Sự kiện đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho thấy
nguyên nhân lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc


Tháng 6 năm 2015 dư luận trong nước xôn xao về sự kiện Việt Nam mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Người dân đặt nghi vấn là tại sao phải mua của Trung Quốc, trong khi công nghệ tàu đường sắt của các nước tiên tiến chất lượng cao hơn. Hơn nữa, Việt Nam đang nhập siêu nhiều với Trung Quốc, ai cũng thấy phải cải thiện quan hệ một chiều này.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã giải đáp thắc mắc nầy trong buổi gặp mặt báo chí ngày 9/6/2015. Nếu những ý kiến của Bộ trưởng phản ảnh trên báo là chính xác thì thật đáng lo cho Việt Nam. Tôi thật sự ngạc nhiên nhưng hiểu được lý do tại sao Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc trong nhiều phương diện. Sự kiện này cho thấy nhiều lãnh đạo, quan chức Việt Nam, những người quyết định vay vốn nước ngoài, không hiểu hoặc không chịu tìm hiểu tình hình và chế độ hiện hành trên thế giới để so sánh điều kiện của Trung Quốc với các nước khác, từ đó quyết định chọn nước đối tác có lợi nhất cho Việt Nam.

Trong dự án 13 đoàn tàu nói trên được biết Trung Quốc cho vay vốn và đặt điều kiện phải dùng tiền đó mua tàu của họ. Bộ trưởng Đinh La Thăng bảo rằng nước nào cho vay cũng đặt điều kiện như vậy, chẳng hạn Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng như vậy. Điều này hoàn toàn sai. (Trước khi chứng minh nhận định đó là không đúng, ta có thể đặt thêm một câu hỏi nữa: Nếu các nước khác cũng có cùng điều kiện đó, tại sao lại chọn Trung Quốc? Công nghệ của Trung Quốc cao hơn?)

Vấn đề các nước tiến tiến hỗ trợ vốn vay ưu đãi (gọi là ODA mà ở Việt Nam dịch là viện trợ phát triển chính thức) cho các nước đang phát triển có một lịch sử đã trên 50 năm. Trong giai đoạn đầu (khoảng trước thập niên 1980), đúng là hầu hết ODA đều có ràng buộc phải mua máy móc, vật liệu, tư vấn kỹ thuật từ nước cho vay (gọi là tied loan). Sau đó hình thức nầy dần dần chỉ còn là ngoại lệ, nhường chỗ cho hình thức cho vay không ràng buộc (untied loan) phổ biến hơn. Đó cũng là kết quả của các thỏa thuận giữa Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Anh.., những thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Để cho dễ hiểu và đi ngay vào vấn đề, tôi giới thiệu trường hợp của Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay. ODA của Nhật Bản có 2 loại: Loại tặng không (grant) dùng cho lãnh vực giáo dục, y tế,… và loại cho vay (yen loan) dùng cho việc xây dựng hạ tầng. Loại cho vay cũng có hai hình thức: Vay không ràng buộc (untied loan) trong đó nước đi vay có thể mua vật tư, thiết bị, tư vấn kỹ thuật từ bất cứ nước nào xét thấy có lợi nhất (qua hình thức đấu thầu công khai). Hình thức thứ hai là vay có ràng buộc (tied loan) nhưng điều kiện rất ưu đãi mà Nhật gọi là STEP (Special Term for Economic Partnership). Loại STEP ràng buộc nên điều kiện lãi suất ưu đãi hơn loại untied loan. Cần nói thêm là tuy STEP là loại tied loan nhưng các công ty Nhật Bản phải cạnh tranh với nhau trong đấu thầu. Các nước nhận ODA có thể chọn lựa giữa hai hình thức này. Theo tôi biết, hầu hết các nước ASEAN nhận cả hai loại ODA vì loại ràng buộc cũng dễ chấp nhận do lãi suất được ưu đãi hơn loại untied loan và kỹ thuật, công nghệ, máy móc của Nhật được đánh giá cao.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua (2010-2014), bình quân mỗi năm ODA của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam theo hình thức STEP là 45 tỉ yen (lãi suất chỉ có 0,1%) và theo hình thức untied loan là 124 tỉ yen (thời hạn 30 năm, lãi suất 1,4%/năm). Như vậy ODA không ràng buộc vào công ty Nhật Bản chiếm tới 73%, nghĩa là công ty Nhật phải tham gia đấu thầu trong các dự án phát sinh từ nguồn vay nầy. Tỉ lệ công ty Nhật thắng thầu cũng chỉ có 36%, không phải 100% như nhận định của ông bộ trưởng. Ngay cả trường hợp STEP là loại có thể hoàn toàn ràng buộc vào Nhật, công ty Nhật cũng chỉ chiếm 87% vì họ mời các công ty Việt Nam cùng tham gia trong việc cạnh tranh với các công ty khác của Nhật. Một thí dụ gần đây là dự án sân bay Nội Bài tuy theo hình thức STEP nhưng được thực hiện bởi công ty Xây dựng Taisei của Nhật và Công ty Vinaconex của Việt Nam, dự án cầu Nhật Tân cũng do một liên doanh giữa Nhật và Việt Nam xây dựng.

Việt Nam hiện đang nhận nhiều ODA, trách nhiệm của lãnh đạo, của quan chức liên hệ là làm sao phải chọn lựa những nguồn vốn vay với điều kiện ít phí tổn nhất và mang lại hiệu quả lớn nhất.

Trong quan hệ với Trung Quốc, ta đã thấy có nhiều hiện tượng bất bình thường, như nhập siêu tăng ở mức dị thường, doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án trọng điểm trong các ngành quan trọng của Việt Nam, nhiều dự án họ đưa giá rẻ nhưng sau khi thắng thầu họ điều chỉnh giá và thương lượng lại, nhiều dự án không xây dựng đúng tiến độ và nhiều trường hợp công trình mới xây xong đã bị hỏng hoặc xuống cấp, v.v.. ,.. Lao động chui và lao động được cấp phép từ Trung Quốc sang cũng nhiều một cách khó hiểu.

Nguyên nhân nằm ở đâu? Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã cho thấy một phần của vấn đề. Trước mắt cần công khai nội dung (qui mô vốn vay, thời hạn hoàn trả, ràng buộc hay không, lãi suất, v.v..) tất cả các dự án vay vốn nước ngoài để xây dựng hạ tầng.

Bây giờ là lúc phải chỉnh đốn ngay các quan hệ kinh tế với Trung Quốc, từng bước điều chỉnh để kéo các hiện tượng bất thường nói trên trở lại trạng thái bình thường, giống như quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác./.


Trần Văn Thọ


Chú thích :


1 Trong phần phụ lục của chương này, tôi phê phán vấn đề mua tàu của Trung Quốc cho dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một vấn đề làm dư luận bức xúc. Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng vay tiền của nước ngoài thì phải mua hàng của nước ngoài, một quy định chung cho mọi nước, không riêng Trung Quốc. Đây là một trường hợp điển hình cho thấy sự thiếu hiểu biết đã làm cho Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc. Cũng có nhiều trường hợp không phải thiếu hiểu biết mà vì quan chức Việt Nam bị Trung Quốc mua chuộc nên đã dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp Trung Quốc.

2 Gần đây Myanmar cũng cách giác với tham vọng bành trướng của Trung Quốc nên đã cho ngưng lại các dự án hạ tầng liên quan đến Trung Quốc. Chẳng hạn, dự án đường sắt nối Côn Minh của tỉnh Vân Nam đến cảng Kyaukpyu của Myanmar dự kiến cho Trung Quốc đầu tư 20 tỉ USD và vận hành trong 50 năm, nay phải ngưng lại vì bị dân chúng địa phương và các đoàn thể dân sự phản đối rất mạnh (Trung Quốc muốn thông qua đường sắt này để tiến sang Ấn độ dương). Đập thủy điện phía bắc Myanmar do Trung Quốc đầu tư 3,6 tỉ USD cũng đã bị hoãn lại. Theo Asahi Shinbun ngày 20/8/2014.

3 Theo báo Nikkei ngày 1/7/2015, chính sách mới của Việt Nam cho phép người nước ngoài có thể sở hữu địa ốc tối đa 50 năm và được triển hạn thêm 50 năm nữa, tổng cộng là 100 năm (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), và có thể mua 100% cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam trên sàn chứng khoán (có hiệu lực từ 1/9/2015). Cho đến nay người nước ngoài không được phép sở hữu địa ốc và chỉ có thể mua tối đa 49% cổ phần của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

4 Tàu điện cao tốc (shinkansen) là trường hợp nổi tiếng về nỗ lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Thu 2016
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us