Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Michel Beaud & Gilles Dostaler : Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes

Michel Beaud & Gilles Dostaler : Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes

- vhn — published 18/11/2008 22:48, cập nhật lần cuối 18/11/2008 22:56
sách nghiên cứu, nxb Tri Thức, Tủ sách Dẫn Nhập, 2008, Nguyễn Đôn Phước dịch


Nguyễn Đôn Phước

Tác giả : Michel BEAUDGilles DOSTALER
Nguyễn Đôn Phước dịch



Lời giới thiệu của Trần Hải Hạc

Trong kinh tế học, sách về lịch sử tư tưởng kinh tế là một lĩnh vực đặc thù, ở đó cuốn sách của Michel Beaud và Gilles Dostaler có một vị trí đặc biệt.

Trước hết, đây là một tác phẩm về lịch sử tư tưởng kinh tế đương đại, bao quát sáu mươi năm sau cùng của thế kỷ thứ XX – nếu kể cả lời tựa của Dostaler và lời bạt của Beaud mà hai tác giả đã viết riêng cho bản dịch tiếng Việt. Hầu hết các cuộc tranh luận tư tưởng trong sáu thập kỷ này đều xoay quanh câu hỏi trung tâm đặt ra từ khi Keynes cho xuất bản Lí thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest, and Money), năm 1936: nền kinh tế thị trường tự điều tiết lấy hay cần có nhà nước điều tiết nó? Một mặt, các học thuyết tự do chủ nghĩa – dưới các dạng khác nhau của nó (cân bằng chung, trọng tiền, kinh tế cung, vốn con người, dự kiến duy lý, trật tự tự phát...) – khẳng định thị trường có đặc tính điều tiết tự nhiên, ngay cả trong giai đoạn phát triển cao nhất hiện nay của nó là đầu cơ tài chính; cho nên các lĩnh vực khác của xã hội, trước tiên là chính trị, phải tôn trọng, phục tùng quy luật của thị trường tự do. Mặt khác là các học thuyết xuất phát từ Keynes (tổng hợp tân cổ điển, mất cân bằng, keynesian mới, hậu keynesian...) – và những lý thuyết chịu ảnh hưởng xa gần của Keynes (thuyết về thể chế, về phát triển, về điều tiết, về quy ước...) – đều phủ nhận rằng toàn dụng lao động và công bằng xã hội là kết quả tự nhiên của thị trường vận hành tự do; bởi đó là những yêu cầu đạo lý, những mục tiêu chính trị mà một cộng đồng xã hội tự đặt ra, hay không, cho nó.

Các học thuyết kinh tế nói trên không chỉ đối lập qua lời đáp khác nhau mà chúng đưa ra cho cùng một vấn đề. Cơ bản hơn, tính đối lập của các học thuyết ở trong cách đặt vấn đề khác nhau của chúng, mà Beaud và Dostaler còn gọi là “lăng kính” hay “mô thức” (paradigme) của chúng. Điều mà quyển Beaud - Dostaler đặc biệt làm nổi bất là không có một cách duy nhất mà có nhiều cách đặt vấn đề trong kinh tế học, và chúng tồn tại song song trong tương quan xung đột. Ở mỗi thời điểm lịch sử, có một cách đặt vấn đề giữ thế “thống trị” và được xem là “chính thống”, tuy nhiên vị trí thống trị này không hề tuyệt đối (bao giờ nó cũng phải đương đầu với những cách đặt vấn đề “phi chính thống”) và nó cũng không vĩnh viễn (có những cuộc “cách mạng” và “phản cách mạng” đưa đến việc hoán ngôi).

Lịch sử tư tưởng kinh tế đương đại không chỉ là sự phân cực các tác giả giữa hai cách đặt vấn đề khác nhau, thường gọi hồ đồ là “keynesian” và “tân cổ điển”. Quyển Beaud-Dostaler còn làm nổi bật đặc biệt một điều khác: không có một cách duy nhất mà có nhiều cách đọc một tác giả. Trong kinh tế học, có bao nhiêu mô thức thì có bấy nhiêu cách đọc một văn bản lý luận. Như trong trường hợp của Keynes, Lí thuyết tổng quát có nhiều lối diễn giải khác nhau, thậm chí đối lập nhau, tùy theo lăng kính của người đọc. Những thuyết “tổng hợp tân cổ điển” (do Hicks mở màn), “mất cân bằng” (được Clower khởi xưởng) hay “keynesian mới” (mà Mankiw là một đại biểu) đều đọc Keynes với lăng kính của phương pháp luận tân cổ điển, mà đặc tính là thế giới xác tín, cá nhân duy lý và đề án xác lập những cơ sở vi mô của kinh tế học vĩ mô. Còn các thuyết “hậu keynesian” thì đọc Lí thuyết tổng quát với lăng kính phương pháp luận do Keynes đề ra khi ông phê phán học thuyết tân cổ điển: thế giới bất trắc, ứng xử quy ước và đề án xác lập những cơ sở tiền tệ của nền kinh tế thị trường. Do đó mà “keynesian” là một từ nhập nhằng, nước đôi, đến mức Keynes cũng đã phải lên tiếng rằng ông “không phải là keynesian” để không bị hiểu lầm. Về phía các học thuyết chủ trương tự do thị trường, ngoài quan điểm chính thống “tân cổ điển” (mô hình cân bằng chung), có những quan điểm phi chính thống – như “trường phái Áo” – cũng bác bỏ định đề về con người duy lý trong một thế giới xác tín. Còn, trong các học thuyết phi chính thống như tư tưởng của Marx hay tư tưởng về thể chế, thì lại xuất hiện những cách đọc tân cổ điển, đưa đẩy những thuyết này vào khung kinh tế học chính thống.

Không hề che giấu sở kiến phương pháp luận và chính kiến của mình, Beaud và Dostaler mang đến cho người đọc một tư duy “phê phán” về kinh tế học, với tính đa nguyên, phức tạp và biện chứng của nó, xa lạ với mọi tư duy “tuân phục” (conformisme), thường giản đơn, phiến diện hay một chiều. Quyển Beaud-Dostaler còn giúp cho người đọc hình dung không khí và văn hóa học thuật trong không gian tự do tư duy của những trường đại học đích thực tự trị ở phương Tây: tranh luận dân chủ và bình đẳng, rốt ráo và quyết liệt, nhưng không bao giờ vắng bóng sự trung thực trí thức. Đồng thời người đọc cũng mường tượng được rằng đằng sau vẻ hàn lâm của các cuộc tranh luận này – đôi khi đầy kịch tính – là những được mất của nhiều phong trào xã hội. Cộng với phần từ điển giới thiệu vắn tắt tiểu sử, sự nghiệp và tư tưởng của 150 nhà kinh tế đương đai và hai phụ lục, bản dịch tiếng Việt do Nguyễn Đôn Phước thực hiện và Nhà xuất bản Tri thức xuất bản, cung cấp một công cụ tra cứu không chỉ quý giá cho người nghiên cứu, giảng dạy và sinh viên đại học, mà còn bổ ích cho tất cả những ai muốn theo dõi những trào lưu tư tưởng kinh tế đương đại.

Trần Hải Hạc

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us