Đọc Bên Thắng Cuộc
Phan Huy Đường
Đọc Bên thắng cuộc
Quyển sách này có nhiều ưu điểm.
1/ Rất nhiều thông tin cụ thể, chi tiết, được thuật lại một cách khách quan, có nguồn gốc. Có thể tin được hoặc, chí ít, có đầu mối để truy tìm, kiểm soát. Nhà báo có trình độ và lương tâm nghề nghiệp.
2/ Gom góp những sự kiện và thông tin rải rác, tản mạn trong những làn sóng thông tin liên miên rối bời của thời cuộc, theo từng chủ đề và một số tác nhân quan trọng, giúp độc giả −ngay cả người quen hàng ngày theo rõi thời cuộc− hình dung được bối cảnh lịch sử, quá trình diễn biến và ý nghĩa từng lúc của từng sự kiện, thông tin.
Món này gọi là : lùi lại để quan sát, suy nghĩ một cách tổng hợp về một vấn đề hay một con người − đương nhiên với những thông tin mình có được.
Một đóng góp quý báu cho ai quan tâm tới sự vận động cụ thể của chính trường trong mấy thập niên vửa qua ở Việt Nam.
Một kho tàng thông tin có thể giúp các nhà sử học điều chỉnh phương pháp suy luận của mình.
3/ Bối cảnh lịch sử gồm đủ những mặt tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá, dư luận và ngoại giao, xuyên qua thế nhìn, cách tiếp cận, suy luận, hành động của nhiều cá nhân đã tác động trực tiếp vào đời sống mọi mặt ở nước ta. Qua đó ta được biết thêm ít nhiều về nhân cách của từng người trong cuộc bể dâu, những đấu tranh giữa họ và với bản thân mình.
Đúng là nhà báo khách quan, dù bị giới hạn như mọi người nhưng có tài, dễ đạt được 2 điều sau hơn người khác :
a/ Le concret est concret parce qu'il est la synthèse de multiples déterminations, donc unité de la diversité1.
Cụ thể là cụ thể bởi vì nó là hình thái tổng hợp của vô vàn yếu tố quyết định sự hình thành ra nó, và như thế, nó là thể thống nhất của sự khác biệt (hay đa dạng).
b/ […] ce qui est la substance même, l'âme vivante du marxisme : l'analyse concrète d'une situation concrète2.
[…] bản chất, linh hồn sống của chủ nghĩa Marx chính là : phân tích cụ thể một tình hình cụ thể
Vì sao ? Vì con người cụ thể là một thực-thể-ba-chiều-kích, là toàn bộ những quan-hệ của nó với thế-giới (coi Tư Duy tự do). Người Cộng Sản là một khái niệm trừu tượng hão. Những người cộng sản Việt Nam trong quyển sách này hầu hết là người thấm thía văn hoá "lai căng" Tàu – Ziao Chỉ. Cứ coi cách họ tiếp thu Chủ Nghĩa Cộng Sản ra sao thì biết. Đúng là : lịch sử tạo ra con người và con người làm nên lịch sử. (Marx).
4/ Một thú vị "bất ngờ", quyển sách này cho ta thấy thật cụ thể một nguyên lý kinh điển của học thuyết Marx : hạ tầng kinh tế, xét cho cùng, quyết định sự vận động của thượng tầng ý thức hệ, xuyên qua những cá nhân có đầy đủ kích thước người : văn hoá, ý thức hệ, chính trị, phong cách và bản lĩnh cá biệt. Nôm na : muốn phát triển kinh tế thị trường tư bản, phải cải tạo thể chế chính trị. Mặc dù : "bỏ điều 4 trong Hiến Pháp là tự sát". Dù không muốn tự sát, cách này cách nọ, sẽ có ngày tiêu vong. Chẳng phải vì bị "kẻ thù" bên ngoài hay bên trong đả kích, chỉ vì không thể nào khác được nên sẽ phải tự sụp đổ. Mong rằng sẽ không đẫm máu. Lại một nguyên lý khác của Marx dưới dạng khá bất ngờ : thể chế chính trị "cũ" đang tự đào mồ chôn chính mình.
Trong thí dụ này, nguyên lý kinh điển trên thể hiện cụ thể bằng bước phát triển từ kinh tế "sĩ3 nông công thương" qua kinh tế thị trường tư bản, với đặc điểm : Việt Nam đi vào kinh tế thị trường tư bản trong lúc hình thái kinh tế này liên miên khủng hoảng ngay tại các nước tư bản phát triển ở Châu Âu vì bị anh tư bản khổng lồ Tàu, láng giềng của Việt Nam, và vài anh khác, lấn áp.
5/ Tính văn chương
Tác giả hạ bút như một nhà báo, kể chuyện mắt thấy tai nghe, "như nó là", thỉnh thoảng cũng "tình cảm", làm sao tránh được ? nhưng chẳng mấy khi "hoa lá cành". Đúng là viết văn kiểu "hiện thực chủ nghĩa" (réalisme littéraire).
Thế mà có lúc đọc ta cảm thấy như tiếp cận một bi kịch kiểu Hy Lạp cổ (tragédie grecque) !
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên : kiếp người tự nó có lúc là một bi kịch…
Thí dụ : cái chết của Đoàn Khuê.
Ông Đoàn Khuê một đời dấn thân cách mạng cộng sản. Có lẽ trong mơ ông cũng không tưởng tượng được có ngày ông có cơ hội trở thành chủ tịch nước CHXHCH Việt Nam. Thế mà :
“Sau khi anh em đưa cho tôi bệnh án của Đoàn Khuê: ung thư gan giai đoạn ba, chỉ có thể kéo dài cuộc sống không quá một năm, họp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi đưa vấn đề sức khỏe ra, ông Đoàn Khuê vẫn cãi. Tôi phải công bố bệnh án”. Đoàn Khuê đập bàn tuyên bố : “Tôi là người khỏe mạnh, chúng nó phá. Tôi sẽ cho hai thằng đó nghỉ”. Đại tá Vũ Bằng Đình nhớ lại: “Cả tôi và anh Lê Thi, bí thư Đảng ủy Viện 108, nhận được quyết định nghỉ ngay lập tức”. Không chỉ “lỡ cơ hội” trở thành nguyên thủ quốc gia, bệnh tình Đoàn Khuê tiến triển xấu từng ngày. Cuộc sống của ông chỉ còn sáu tháng thay vì một năm như dự đoán. Ngày 16-1-1998, Tướng Đoàn Khuê chết.
Quyển sách này có nhiều nội dung, tình tiết, "nhân vật" độc đáo, cỡ "thời đại" :
Ông Võ Văn Kiệt là một người quyết đoán, có rất nhiều công trình lớn mang đậm dấu ấn của ông, đồng thời cũng gây ra nhiều tranh cãi. Việt xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất là một ví dụ. Những người chỉ trích cho rằng chính trị đã xen vào quyết định kinh tế.
Năm 1995, tập đoàn Total SA của Pháp bỏ đi vì rằng vị trí đặt nhà máy nằm cách quá xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong nước. Các định chế quốc tế như WB, IMF cũng nghi ngờ hiệu quả kinh tế của Dung Quất. Ngày 8 và 9-6-2005, các đại biểu Quốc hội (kỳ họp thứ 7, khóa XI) đã chất vấn về quyết định và tiến độ xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Chủ tịch Quốc hội đã phải “nhận lỗi trước cử tri”. Ngày 10-6-2005 ông Võ Văn Kiệt có thư gửi Quốc hội (đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra cùng ngày) giải thích:
Total muốn địa điểm đặt tại Long Sơn (Vũng Tàu)... nhưng Chính phủ không muốn “tập trung quá lớn những công trình trọng điểm quốc gia vào một khu vực”; ở Long Sơn không có cảng nước sâu, để xây nhà máy lọc dầu phải làm 3 km cầu cạn nhưng lý do chính, Chính phủ e “quá trình vận chuyển dầu, nếu có sự cố rò rỉ sẽ đe dọa trực tiếp hoạt động của khu du lịch Vũng Tàu”. Petronas (Malaysia) sẵn sàng xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất với điều kiện được phân phối sản phẩm ngay tại thị trường VN để tránh khỏi phải chi phí vận chuyển về lại Malaysia để rồi mới xuất đi. Theo ông Kiệt đề nghị này đã không được ông Đỗ Mười chấp thuận do đó Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị đi đến quyết định tự mình làm lấy. Thư của ông Võ Văn Kiệt viết: “Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu, góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu bây giờ, trước những diễn biến của tình hình, Quốc hội phân tích và kết luận việc lựa chọn đó là sai thì người nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm đó phải chính là tôi, Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Võ Văn Kiệt cả gan lấy vợ mà không thèm xin phép Đảng, còn cười : Lấy vợ chứ có phải lập chi bộ đâu, quả đã làm một cuộc cách mạng trong cách mạng !
Tôi vốn dị ứng ông Trường Chinh và ông Tố Hữu. Có lẽ vì vai trò của họ trong lĩnh vực văn học, văn chương, nghệ thuật. Đọc quyển sách này, tôi khám phá một con người Trường Chinh khác hẳn thành kiến của tôi.
Quyển sách này có thể dùng như nguyên liệu để sáng tác một tiểu thuyết hay, có tầm cỡ nhân loại, thiết thân với người Việt Nam đời nay. Xin mời các nhà văn tài hoa, có khả năng kéo chủ nghĩa hiện thực lên mức sáng tác nghệ thuật, múa bút. Một dịp hiếm, khả thi, không cần vay mượn bất cứ kỹ thuật hành văn nào từ bất cứ nước nào để sáng tác tác phẩm để đời.
Mong rằng sẽ có ngày có vài tác phẩm cùng cỡ bổ sung, nhưng từ thế nhìn và nghiệm sinh Việt Nam Cộng Hoà, Việt Kiều tứ xứ – tôi không lạc quan lắm, nhưng… biết đâu ? – và thế nhìn của người Mỹ, thậm chí của người nhiều nước khác. Được vậy, ta sẽ có được một bức tranh quý giá mọi mặt về một giai đoạn lịch sử của nước ta.
Thực ra, để có ý kiến "đáng kể" về quyển sách này, cần nhiều thời gian. Đọc đi đọc lại vài lần và "nhớ hết", rồi đối chiếu với nhiều nguồn thông tin khác, nhiều kiểu suy luận khác, lùi lại, lạnh lùng tư duy như một nhà nghiên cứu "khoa học, khách quan". Muốn tư duy như thế, cần nhiều thời gian và hứng thú, cần một tấm lòng và trí tuệ lạnh lùng "khách quan", "khoa học". Cơ bản, tôi hết còn những điều kiện ấy. Chúng có giá trị tri thức thế nào, tôi không khẳng định được. Tàn đời, tôi chỉ còn chút tình nghệ sĩ với thời cuộc, tuy tôi chưa hề muốn hay coi mình như một nghệ sĩ và cũng chẳng có ai coi tôi như thế. Tư duy khoa học ngày nay hạn chế tôi, lý trí nghệ thuật ngày nay cũng vậy. Đành vậy. Thôi thì xin phát biểu như bất cứ ai về những sự kiện và những con người đã từng quyết định đời mình ngoài ý muốn của chính mình.
Đây là quyển sách hay nhất về thời cuộc Việt Nam mà tôi được đọc sau khi đọc hồi ký của Trần Văn Giàu.
Một đời làm báo mà viết được một quyển sách như thế, thật sảng khoái.
Độc giả hưởng lây. Hè hè…
2013-02-24
Phan Huy Đường
1 Marx, Introduction à la critique de l'économie politique.
2 Lénine : http://www.marxists.org/francais/lenin/works/1920/06/vil19200612.htm
3 quan lại Cộng Sản
Các thao tác trên Tài liệu