Bạn đang ở: Trang chủ / Sách, văn hóa phẩm / Sách mới : Học và dạy "Khoa học buồn thảm"

Sách mới : Học và dạy "Khoa học buồn thảm"

- H.V. — published 07/10/2016 17:44, cập nhật lần cuối 07/10/2016 17:44

Giới thiệu Sách mới


Học và dạy "Khoa học Buồn Thảm" thời hậu khủng hoảng


do Nguyễn Đôn Phước và cộng sự tuyển chọn và dịch
NXB Đại học Quốc gia TPHCM 2016, 170 trang khổ bỏ túi.

Cuốn sách gồm 14 bài viết trên một số báo chí Âu, Mỹ, phản ánh những chuyển động đang diễn ra trong ngành kinh tế học kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008, kéo dài cho đến ngày nay ở các nước Tây phương. Bản dịch của các bài này đã được đăng tải trên trang mạng Phân tích kinh tế mà các dịch giả là những người khởi xướng.

Các bài được tuyển chọn chủ yếu là những phê phán các giáo trình kinh tế hiện đại tại các đại học phương tây. Dưới sự thống trị của các lý thuyết tân cổ điển (neoclassical economics), những giáo trình "dòng chính" này quá thiên vào các mô hình toán, và dạy làm toán nhiều hơn là các phương pháp định tính để xem xét các thực tế chính trị, xã hội và các kịch bản có thể xảy ra. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2008 gần như không có mô hình kinh tế dựa vào toán học nào dự đoán trước được... !

Lời kêu gọi "vì tính đa nguyên trong kinh tế học" của hơn 65 hiệp hội các sinh viên ngành kinh tế học từ hơn 30 quốc gia, mở đầu cuốn sách, phản ánh sự bất mãn của sinh viên kinh tế trước sự thống trị đó. Cũng như bài viết ngắn "Kinh tế học được sử dụng vào việc gì? Giảng dạy khoa học buồn thảm sau khủng hoảng" (tr. 46), điểm cuốn sách "What's the Use of Economics? Teaching the Dismal Science after the Crisis" do Diane Coyle chủ biên, mà một phần tiêu đề được dùng làm tên sách. 

Tiểu luận dài 62 trang "Cuộc đại suy thoái năm 2008 và công cuộc cải cách kinh tế học", của GS Geofrey M. Hodgson, đại học Hertfordshire, Anh, là một phê phán có bài bản và đầy đủ hơn về sự thống trị của kinh tế học "dòng chính" và yêu cầu thay đổi, đặc biệt là "cần nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại giữa kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác". 

Sách khép lại với bài viết "Vì một thời đại mới của kinh tế học", điểm qua một số thào luận tại hội thảo hàng năm lần thứ sáu của Viện Tư duy Kinh tế Mới (Institute for New Economic Thinking) năm 2015, một tổ chức nghiên cứu được thành lập hai năm sau cuộc đại khủng hoảng 2008, mà một trong những người chủ xướng chính là Georges Soros, nhà tư bản tài chính nổi danh...

H.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us