Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / Cuốn phim của Nguyễn Thị Thắm dự cuộc thi quốc tế Phim đầu tay

Cuốn phim của Nguyễn Thị Thắm dự cuộc thi quốc tế Phim đầu tay

- Kiến Văn — published 19/03/2014 00:18, cập nhật lần cuối 19/03/2014 00:18
Liên hoan "CINEMA DU REEL" 2014 tại Centre Pompidou Paris


Cinéma du Réel 2014
Centre Pompidou Paris


CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG CỦA CHỊ PHỤNG

LE DERNIER VOYAGE DE MADAME PHUNG


phim dài đầu tay của Nguyễn Thị Thắm

dự cuộc thi quốc tế phim đầu tay


chuyendi

"Cinéma du Réel" là một liên hoan điện ảnh quốc tế về phim tài liệu được tổ chức hàng năm vào cuối tháng ba tại Trung tâm Pompidou Paris.

Chính tại đây, những cuốn phim tài liệu quan trọng của lịch sử điện ảnh Việt Nam đã được giới thiệu với công chúng quốc tế và được đánh giá cao : Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy, Giấc mơ là công nhân của Trần Phương Thảo.

Năm nay, cuốn phim dài (86 phút) đầu tay của Nguyễn Thị Thắm Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã được ban tổ chức Liên hoan tuyển chọn để dự cuộc thi quốc tế "phim đầu tay".

"Chị" Phụng thực ra là một người đàn ông giả trang cũng như những người khác trong đoàn hát của "chị". Thời thanh niên, anh đi tu, phải lòng một chàng trai đến chùa, từ đó nhận thức khuynh hướng đồng tính của mình và quyết định từ bỏ cuộc đời tu hành. Gánh hát rong, đi cùng khắp Tây Nguyên và những vùng xa vùng sâu Nam Bộ và miền nam Trung Bộ, là cách kiếm sống chật vật nhưng khả dĩ bảo đảm sự tồn tại của một cộng đồng sống ngoài lề xã hội. Chật vật về vật chất, và cả về tinh thần : một nhóm "bê đê" (danh từ phổ biến ở miền Nam, biến âm từ tiếng Pháp "pédé", hàm ý xấu xa, chỉ người đồng tính) tất nhiên là đối tượng của sự tò mò lẫn kỳ thị của đám "trai làng" và bọn đàn ông đàn đúm (nhân tiện cũng xin giải thích hai chữ "cuối cùng" trong tên gọi cuốn phim : khi cuốn phim làm xong hậu kỳ, chị Phụng đã từ trần sau mấy tháng bị ung thư, một người khác trong đoàn vì SIDA).

Điều cần nhấn mạnh và hoan nghênh là Nguyễn Thị Thắm tuyệt đối không khai thác khía cạnh "câu khách" của đề tài đồng tính khá phổ biến trong điện ảnh thế giới đương đại. Trung thành với "tinh thần Varan" của Jean Rouch, Thắm dùng ống kính như ngòi bút để "chị" Phụng và người trong đoàn hát giãi bày cuộc sống và tâm tư của họ. Không dễ tạo ra sự tin cậy để những con người trần ai khổ ải ấy chấp nhận và cởi mở. Sự có mặt của camera và của nữ đạo diễn (một người lớn lên ở nông thôn đồng bằng Sông Hồng) không hề làm trở lực mà dường như đã trợ lực để họ giãi bày với thế giới bên ngoài một cách an nhiên, chừng mực. Tài năng của Nguyễn Thị Thắm chính là ở đó. Và kết quả là một tác phẩm chân thực, đầy ắp tính nhân văn.

Năm nay là năm thứ 11, hiệp hội Varan tổ chức những khóa đào tạo điện ảnh ở Việt Nam. Nhờ đó, những người trẻ ngoài nghề đã đặt chân vào điện ảnh, mang lại những tác phẩm chân chất, những cái nhìn tinh tế, khác lạ về thực tế Việt Nam của những Phan Thị Vàng Anh, Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Đào Thanh Tùng, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Thắm... Những tia sáng hi vọng, bên cạnh những thành tựu tương tự của nhóm Doclab, song song với những phim truyện nghệ thuật của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Siu Phạm... khiến chúng ta còn có thể lạc quan trong bối cảnh khá đen tối của phim quốc doanh đang hấp hối và phim thương mại ngày càng rẻ tiền.

Kiến Văn



Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng sẽ được chiếu ba buổi trong Liên hoan Cinéma du Réel :

* hai buổi có giao lưu với đạo diễn Nguyễn Thị Thắm : thứ hai 24.3 (20g) tại Petite Sallethứ sáu 28.3 (13g) tại phòng Cinéma 1, Centre Pompidou

* buổi chiếu thứ ba : ngày thứ ba 25.3 (18g30) tại rạp Nouveau Latina, 20 Rue du Temple, 75004 Paris.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us