Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / Xem phim A TOUCH OF SIN của Giả Chương Kha

Xem phim A TOUCH OF SIN của Giả Chương Kha

- Kiến Văn — published 29/12/2013 16:30, cập nhật lần cuối 30/12/2013 21:06
Hiện thực bạo liệt của xã hội Trung Quốc (và... Việt Nam) hôm nay qua ống kính của một đạo diễn tài năng, trung thực.


Xem phim


A Touch of Sin

của Giả Chương Kha (贾樟柯 / Jia Zhangke)

touch


Tên tiếng Anh của phim này (A Touch of Sin / Một chút tội lỗi) ám chỉ cuốn phim kiếm hiệp của King Hu / Hồ Kim Thuyên (A Touch of Zen / Một chút thiền ; tên gốc là Hsia Nü / Hạ Nữ). Nếu kiếm hiệp là đánh đấm, chém giết, máu me, thì quả thật A Touch of Sin chẳng thua gì phim kiếm hiệp Hồng Kông và Đài Loan. Và cảnh Tiểu Ngọc (Xiaoyu, do Triệu Đào, vợ và người cộng tác thân thiết của Giả Chương Kha đóng) cầm dao đâm vào tên khách làng chơi đúng là cảnh, động tác và bài bản kiếm hiệp.

Nhưng sự giống nhau ngừng ở đó.

A Touch of Sin là bức tranh hiện thực của xã hội Trung Quốc ngày nay, 35 năm sau ngày ông Đặng Tiểu Bình "khai phóng", phác họa "giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình. Tên Hoa ngữ mà Giả Chương Kha đặt cho nó là Thiên chú định (Trời định). Chắc là đặt chơi vậy thôi. Thiên chú định, cũng như 9 phim truyện dài khác của nhà điện ảnh 43 tuổi này, kể từ phim đầu tay Xiao Wu (Tiểu Vũ, tên móc túi, 1997), không nói gì tới Trời, mà toàn nói chuyện Người -- con người Trung Hoa hôm nay, sản phẩm của Trung Quốc và của chủ nghĩa Mao.

Thiên chú định gồm bốn câu chuyện độc lập với nhau, xảy ra ở những nơi khác nhau : tỉnh Sơn Tây (quê quán của vợ chồng Giả Chương Kha và Triệu Đào) và Quảng Đông, ngọn cờ đầu của công cuộc hiện đại hóa, với những nhà máy lắp ráp hiện đại, những vũ trường và nhà mát-xa hiện đại không kém.

Đại Hải (Dahai), thợ mỏ, không chịu nổi sự tham nhũng của chủ tịch xã, câu kết với đại gia chủ mỏ, quyết định hành động (hành động hiểu theo nghĩa mao-ít : quyền lực ở nòng súng). Tam Nhi (San'er) khám phá ở nòng súng còn đẻ ra tiền. Tiểu Ngọc (Xiaoyu), tiếp viên ở một phòng mát-xa (nhưng không làm nghề mát-xa "từ A tới Z") sau khi chứng kiến thái độ nước đôi của người tình (có vợ), dứt khoát không chịu sự ép tình của một khách hàng, trở thành sát nhân. Tiểu Huy (Xiaohui) đổi việc làm xoành xoạch để có tiền gửi về cho mẹ già, chuyển từ xí nghiệp này sang kỹ viện nọ... Nông thôn hay đô thị đều chìm ngập trong bạo lực, bạo lực của công an, côn đồ đánh ghen thuê, bạo lực của đồng tiền...

Những cảnh bạo lực trong phim vượt mức chịu đựng của nhiều khán giả. Nhưng phải thừa nhận đó là bạo lực cần thiết để Giả Chương Kha chuyển tải nhận thức của anh về xã hội Trung Quốc ngày nay (khán giả Việt Nam không thể không liên hệ tới hiện thực Việt Nam : chỉ cần điểm lại những sự kiện xảy ra trong năm 2013, từ vụ Đoàn Văn Vươn, đến những án mạng, hay vụ thẩm mỹ viện... cũng đủ thấy sự tương đồng). Nhà điện ảnh này vốn kiệm lời, không bao giờ rơi vào sự khoa trương, chơi trội. Cuốn phim thứ 10 này của anh, mặc dầu bạo lực tràn ngập, vẫn trung thành với đường hướng ấy, và được phục vụ truyệt vời nhờ diễn xuất của các diễn viên, chính cũng như phụ, hình ảnh, âm thanh...

Giả Chương Kha là một đạo diễn tiêu biểu cho "thế hệ thứ sáu" của điện ảnh Trung Quốc. Tốt nghiệp trường điện ảnh Bắc Kinh vào đúng năm 1989 (Thiên An Môn), Giả được gửi về tình lẻ làm vô truyến truyền hình địa phương (đây là quyết định "quyết liệt" của Đặng Tiểu Bình cho toàn khóa điện ảnh). Với thẻ của phóng viên truyền hình nhà nước, với bạn bè, anh quay chui phim đầu tay Tiểu Vũ, tên móc túi với ngân sách khiêm nhường 50 000 USD (do bạn bè "Mùa xuân Bắc Kinh" tị nạn ở Hồng Kông tài trợ). Rồi cuốn phim được làm hậu kỳ ở Hồng Kông, gửi ra nước ngoài tham gia các liên hoan (đặc biệt là Festival des 3 continents ở Nantes).  Từ đó, tài năng của Giả Chương Kha mỗi ngày thêm khẳng định và được thừa nhận (nhất là từ năm 2006, khi Still Life đoạt Sự tử Vàng ở Venise). Chính quyền Bắc Kinh đủ khôn khéo để "thu dung" Giả Chương Kha, để cho anh thực hiện những phim tiếp theo nhưng vẫn hạn chế, cấm đoán việc công chiếu trong nước. Với A Touch of Sin cũng thế, ban Tuyên giáo Trung ương hứa hẹn sẽ cho chiếu từ đầu tháng 11 (phim này được giải kịch bản ở Cannes, tháng 5.2013). Nhưng đến nay, năm hết tết đến, vẫn chưa thấy gì. Tình hình chắc sẽ tiếp tục dài dài, chừng nào Giả Chương Kha không bán mình cho quỷ, như Trương Nghệ Mưu.

Ở Việt Nam, một cuốn phim như vậy, đĩa DVD sao lậu ở Quảng Châu vào được năm, mười bản, bán ở phố Bảo Khánh (Hà Nội) và đường Hai Bà Trưng (Hồ Chí Minh). Sẽ chỉ mấy chục người thật sự mê điện ảnh (trong đó có vài đạo diễn) muốn và được xem A touch of Sin.

Bao giờ 16 chữ vàng được thực hiện giữa những nhà điện ảnh chân chính Việt Nam và Trung Quốc ?

Kiến Văn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us