Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / Xem phim CÔNG BINH của Lê Lâm

Xem phim CÔNG BINH của Lê Lâm

- Hải Vân — published 16/01/2013 21:40, cập nhật lần cuối 17/01/2013 11:08
Về mặt điện ảnh – kỹ thuật lẫn nghệ thuật – Công binh là một thành công. Nhà đạo diễn đã vận dụng các hình thái nghệ thuật để tạo nên cảm xúc, kết hợp tài tình các phỏng vấn lính thợ với cảnh phục hiện theo ước lệ sân khấu, các phim tài liệu với trích đoạn phim truyện, hình ảnh ngày xưa với cảnh quan ngày nay... Sáng tạo nhất là việc sử dụng nghệ thuật múa rối nước để dẫn chuyện...


Xem phim


Công binh
của Lê Lâm, ‘kẻ đưa đò ký ức


Hải Vân


cba

Câu chuyện của những lính thợ hay công binh – 20 000 người Việt, chủ yếu là nông dân bị chính quyền thực dân cưỡng bức đưa sang Pháp năm 1939 để lao động trong những điều kiện hầu như là nô lệ –, bắt đầu được nhiều người gần đây biết đến. Tiếp theo luận văn sử học của Trần Nữ Liêm Khê (1988), quyển sách của nhà báo Pierre Daum (Immigrés de force, les travailleurs indochinois en France 1939-1952, nxb Actes Sud 2009) đang vận động cho sự thừa nhận trang lịch sử đã bị che khuất trong ký ức tập thể ở Pháp và cả ở Việt Nam. Ở Pháp, 5 thị xã đã tổ chức lễ ghi nhận công lao lính thợ Việt Nam với sự hiện diện của các công binh sống sót hay con cháu của họ, và 18 thị xã đã đón tiếp cuộc triển lãm lưu động Người lao động Đông Dương trong thế chiến thứ hai của hội Histoires vietnamiennes. Ở Việt Nam – nơi lính thợ thường bị quy kết là đi lính cho Tây –, chuyến đi thuyết trình của Pierre Daum đưa tác giả đến Huế, Sài Gòn và Hà Nội, mặc dù bản dịch tiếng Việt quyển sách của ông không được chính quyền cho phép xuất bản (xem khung : Lịch sử công binh, vài cột mốc).


Đề án phim Công binh, đêm dài Đông Dương (+) cũng bắt nguồn từ đấy, như đạo diễn Lê Lâm trình bày : « Tôi không phải nhà báo cũng không phải nhà sử học, mà nhà làm phim. Tôi muốn kể lại câu chuyện này nhưng với sự chủ quan của tôi và từ góc nhìn Việt Nam của tôi. Công binh không chỉ là một phim tài liệu, nó là phim điện ảnh như mọi phim truyện của tôi. Đây là một trong những bộ phim riêng tư nhất của tôi » (xem khung : Lê Lâm, phim mục).


Lê Lâm
phim mục

Sinh năm 1948 ở Hải Phòng, Lê Lâm sang Pháp du học năm 1966. Trước Công binh, đêm dài Đông Dương, ông đã thực hiện các phim truyện Long vân khánh hội (Rencontre des nuages et du dragon, 1981), Đế chế tàn lụi (Poussière d’Empire, 1984), 20 đêm và một ngày mưa (20 nuits et un jour de pluie, 2006).


Về mặt điện ảnh – kỹ thuật lẫn nghệ thuật – Công binh là một thành công. Nhà đạo diễn đã vận dụng các hình thái nghệ thuật để tạo nên cảm xúc, kết hợp tài tình các phỏng vấn lính thợ với cảnh phục hiện theo ước lệ sân khấu, các phim tài liệu với trích đoạn phim truyện, hình ảnh ngày xưa với cảnh quan ngày nay, đoạn đọc văn bản kinh điển về chủ nghĩa thực dân (Frantz Fanon, Aimé Césaire) với trích đọc hồi ký của công binh. Sáng tạo nhất là việc sử dụng nghệ thuật múa rối nước để dẫn chuyện, đặc biệt khi lính thợ đón nhận tin Việt Nam trở thành nước độc lập – cở đỏ sao vàng từ nước ao trồi lên, Tiến quân ca trỗi dậy – là trường đoạn đỉnh cao của phim.


cbb

Nhưng bất ngờ lý thú nhất là nhạc phim : nhà đạo diễn chọn âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý, cô gái Đà Nẵng 25 tuổi mà ca khúc tự sự và giọng hát trong trẻo tạo ra như một hiệu ứng về khoảng cách, một khoảng lùi đối với câu chuyện công binh. Nhạc tươi sáng của Lê Cát Trong Lý như nói rằng Công binh cũng là bộ phim của thế hệ trẻ hôm nay nhìn về lịch sử hôm qua của cha ông.


« Lịch sử được viết ra bởi những người đứa con đi tìm hiểu những người cha » – Lê Lâm đặt câu nói này của Paolo Pasolini vào đầu phim. Ông đã tìm đến hơn hai mươi lính thợ còn sống sót ở Việt Nam và Pháp – tất cả đều hơn 90 tuổi và 5 người đã từ trần trong lúc dựng phim – để họ truyền lại ký ức « như là cha đối với con ». Còn đối với nhà đạo diễn, bộ phim là « di sản » mà bản thân ông mong muốn để lại cho con và thế hệ đi sau. Với Công binh, Lê Lâm đã làm công việc của « kẻ đưa đò ký ức » – un passeur de mémoires, như người Pháp nói.


Hải Vân


(+) Phim Công Binh sẽ bắt đầu công chiếu tại Pháp từ ngày thứ tư 30.1.2013. Ở Paris, Studio de la Clef (34 rue Daubenton, 75005 Paris, M° Censier-Daubenton) sẽ tổ chức ba buổi chiếu có thảo luận với tác giả : thứ tư 30.1 lúc 20g, chủ nhật 3.2 lúc 16 giờ và thứ tư 6.2 lúc 20 giờ (xem trang mạng của Studio de la Clef). Thông tin về cuốn phim : http://www.congbinh.net/


Lịch sử công binh, vài cột mốc


Tháng 8 1939 : Trước ngày tuyên chiến với Đức, chính phủ Pháp ra quyết định trưng tập người và tài sản của Đông Dương, với mục tiêu là đưa 60 000 người sang lao động trong các nhà máy vũ khí, thay cho công nhân Pháp phải ra chiến trường. Cơ quan quản lý nhân lực thuộc địa M.O.I. (Main d’œuvre indigène) được thành lập để tổ chức lực lượng người trưng tập này theo kỷ luật hầu như quân sự.

Tháng 10 1939 : Tổng cộng 15 chuyển tàu đã vận tải 20 000 người Việt, phần lớn thuộc Trung Kỳ và Bắc Kỳ, đến cảng Marseille.

Tháng 6 1940 : Khi Pháp bại trận, chính quyền tập kết công binh trong những trại ở vùng miền Nam (Vénissieux, Sorgues, Mazargues, Agde, Bergerac…) và tiến hành hồi hương một số. Đa số (14 000 người) bị kẹt lại Pháp suốt thời gian thế chiến thứ hai.

Tháng 11 1942 : Khi Đức chiếm đóng vùng Nam nước Pháp, cơ quan MOI cung cấp lính thợ cho công nghiệp phục vụ chiến tranh của Đức. Số còn lại bị đưa đi lao dịch cho các chủ nhân Pháp trong nhà máy, lâm trường, nông trại, ruộng muối, ruộng lúa (thù lao chỉ bằng 1/8 của mức lương công nhân Pháp). Về sau, hơn 2000 công binh đã đào ngũ để gia nhập lực lượng kháng chiến Pháp.

Tháng 12 1944 : Khi nước Pháp được giải phóng, đại hội đầu tiên của lính thợ, lính chiến và sinh viên trí thức Việt Nam ở Pháp được tổ chức tại Avignon và thành lập Tổng đại diện người Đông Dương ở Pháp. Với sự ủng hộ của tổng công đoàn lao động CGT, cuộc đấu tranh của công binh đòi được bình quyền với lao động Pháp, đặc biệt là quyền hoạt động công đoàn và quyền được học nghề.

Tháng 9 1945 : Khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập, các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh bắt đầu trong các trại công binh.

Tháng 11 1945 : Chính quyền Pháp giải thể Tổng đại diện người Đông Dương ở Pháp. Đại hội thứ 2 của người Việt Nam ở Pháp họp ở Marseille và lập tổ chức Việt kiều Liên minh.

Tháng 5 1946 : Luận án đầu tiên về công binh Les Travailleurs indochinois en France pendant la seconde guerre mondiale 1939-1945 của Pierre Angeli (trường đại học Paris).

Tháng 6 1946 : Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng thăm chính thức nước Pháp và tiếp xúc với công binh. Hội nghị Fontainebleau thất bại.

Tháng 1 1948 : Chính quyền Pháp bắt 129 người Việt xem là cầm đầu phong trào phản kháng chiến tranh Đông Dương và đưa về quản thúc ở Việt Nam. Đợt bắt thứ hai gồm 300 người.

Tháng 5 1948 : Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa cộng sản Đệ tam và cộng sản Đệ tứ đưa đến vụ thảm sát ở trại công binh Mazargues (6 người chết, 30 người bị thương, 13 người bị án tù).

Tháng 12 1952 : Pháp chấm dứt chương trình hồi hương công binh và giải thể cơ quan quản lý người lao động Đông Dương. Chỉ còn lại khoảng 1000 cựu công binh, phần lớn đã lập gia đình với người Pháp. Đến năm 1962, Pháp công nhận cho công binh quyền được hưởng chế độ hưu trí, nhưng từ chối áp dụng điều này đối với người đã hồi hương, tức là cho đại đa số

1988 : Luận văn sử học Les Travailleurs indochinois en France de 1939 à 1948 của Trần Nữ Liêm Khê (trường đại học Paris 10).

1996 : Phim tài liệu truyền hình Les hommes des trois Ky của Lê Dzu (Ellipse sản xuất). Tiểu thuyết Lính Thợ O.N.S. của Đặng Văn Long được xuất bản ở Hà Nội (nxb Lao Động). Là đại biểu công binh thuộc nhóm Đệ tứ, tác giả công bố tiếp theo đó ở Paris hồi ký Người Việt ở Pháp 1940-1954 (Tủ sách nghiên cứu 1997).

2003 : Website travailleursindochinois.org của Joel Phạm dành cho lính thợ và con cháu của họ.

2009 : Sách Immigrés de force, les travailleurs indochinois en France 1939-1952 của Pierre Daum (nxb Actes Sud). Từ đó, thành phố Arles tổ chức lễ đầu tiên ghi nhận công lao của lính thợ, đặc biệt trong ngành trồng lúa. Tiếp theo là các thị xã Saint-Chamas, Miramas, Sorgues, Bergerac.

2010 : Bản dịch tiếng Việt quyển sách của Pierre Daum không được giấy phép xuất bản ở Việt Nam vì những chương nói về vai trò của nhóm Đệ tứ trong phong trào công binh, tuy nhiên tác giả của nó thực hiện được năm buổi thuyết trình và thảo luận tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Nhà xuất bản Đà Nẵng cho ra tập sách song ngữ Những người lính thợ - Les travailleurs indochinois requis. Parcours 1939-2006 của Liêm Khê Luguern.

2011 : Triển lãm lưu động Les travailleurs indochinois de la Seconde guerre mondiale của Association Histoires vietnamiennes mà một đối tượng quan trọng là học sinh và giáo viên.

2012 : Phim tài liệu Công Binh, la longue nuit indochinoise của Lê Lâm (ADR sản xuất).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us