Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / MÚA RỐI NƯỚC DIỄN TUỒNG ANDERSON

MÚA RỐI NƯỚC DIỄN TUỒNG ANDERSON

- Võ Quang Yến — published 14/12/2013 14:50, cập nhật lần cuối 30/01/2014 16:21


MÚA RỐI NƯỚC DIỄN TUỒNG ANDERSON


Võ Quang Yến (*)



affiche

andersen

Trong khuôn khổ năm Pháp - Việt Nam, Việt Nam - Pháp, viện Bảo tàng Quai Branly ở Paris, nơi đối thoại các nền văn hóa, trình bày từ 26 đến 30.12.2013 một loạt 10 xuất (mỗi ngày 2 xuất) cuộc biểu diễn của đoàn Nhà hát Quốc gia Múa rối nước Việt Nam. Được chọn ba truyện hoang tưởng của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-1875) nổi tiếng về trí tưởng tượng phong phú và vẻ duyên dáng u sầu các câu chuyện. Phải chăng những nét đặc biệt nầy của Andersen đã hấp dẫn hai tác giả dự án mở đầu cho năm giao lưu Pháp Việt và kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp : một người Việt, Ngô Quỳnh Giao, và một người Pháp, Jean-Luc Larguier. Ông Larguier là Giám đốc Tổ chức Interacts, chuyên tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật, một trong những người đầu tiên hợp tác và có công đưa múa rối nước Việt Nam ra nước ngoài từ những năm 1980. Sinh năm 1942, con của họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh, ông Ngô Quỳnh Giao vẽ và chạm ở Nhà hát Quốc gia Múa rối Việt Nam trước khi qua học ở Trường Nghệ thuật Sân khấu Praha bên Tiệp Khắc (1967-1973) và trở lại học tiếp những năm 1987, 1988. Về nước, ông trở thành đạo diễn ở Nhà hát Múa rối đến 1984 truớc khi làm Phó giám đốc nghệ thuật rồi Giám đốc Nhà hát từ 1990 đến 2002. Ông đoạt giải nhất Skupova ở Cộng hòa Tiệp Khắc qua vở Con cọp nhảy với Suchin. Năm 2010, ông được tặng giải nhất Festival thứ nhì Múa rối Hà Nội. Ông là người khởi xướng ý tưởng chuyển thể một tác phẩm văn học nước ngoài thành vở diễn múa rối nước. Ông cũng là người sáng tác và trông nom chạm trổ các con rối. Ngày nay, hưu trí, ông tiếp tục cộng tác với Nhà hát Quốc gia Múa rối với tính cách nghệ sĩ, đặc biệt với chương trình Andersen ở Việt Nam nầy.


Ngoài chín nghệ sĩ múa rối người Việt, còn có một người Việt nữa là ông Phó giám đốc nhà Hát múa rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng đoàn nghệ sĩ sang lưu diễn tại Pháp, cùng lo việc đạo diễn với ông Ngô Quỳnh Giao, nếu không nói đến ông Nguyễn Thanh Hoa, phụ tá ở Hà Nội. Những người cộng tác khác đều là người Pháp : Henry Torgue, sáng tác nhạc, và Christophe Pitoiset, sáng tác ánh sáng, để chỉ kể hai nghệ sĩ chính. Ông Henri Torgue, sở trường đàn dương cầm, thường biểu diễn trong các buổi hòa nhạc ở Pháp cũng như ở ngoại quốc. Ông đã từng soạn nhạc cho những vở của Jean-Claude Gallota, Philippe Genty hay Carolyn Carlson. Song song, ông điều khiển phòng thí nghiệm “Môi trường kiến trúc và đô thị” ở Trường Cao đẳng Kiến trúc Grenoble. Trong lãnh vực văn hóa âm thanh hằng ngày và tưởng tượng không gian đô thị hiện đại, ông là tác giả nhiều sách về môi trường và môi sinh âm thanh thành phố. Christophe Pitoiset xuất thân từ Trường Quốc gia Cao đẳng Nghệ thuật và Kỹ thuật Sân khấu ENSATT, ông vào nghề trong lãnh vực ánh sáng sân khấu với vở La nuit et le Moment của Crébillon fils (Bordeaux 1989). Sau đó, ông trở qua sáng tác ánh sáng bắt đầu từ 1993 trong những tác phẩm mang tên ông, đặc biệt những opéra như Didon et Anée của Henry Purcell cho Xưởng Nhạc kịch Opéra de Paris (2008), La Bohème de Puccini ở Capitole – Opéra National Toulouse (2010). Ông còn cộng tác trong những sáng tác bố trí điệu múa (với José Montalvo). Trong lãnh vực múa rối nước, ông đã soạn nhạc cho vở Le Maître des marionnettes (Ông tổ múa rối) của Dominique Pitoiset (2011) (**).

Trong ba truyện chọn lựa, hai tiết mục hoàn toàn xảy ra trên nước đúng với thiên hướng của đoàn múa rối nước : Vịt con xấu xí (Le vilain petit canard) và Nàng tiên đuôi cá (La petite sirène), khác với truyện thứ ba chỉ có một đoạn trên rãnh, lạch và trong bụng cá : Chú lính chì dũng cảm (L’intrépide soldat de plomb). Điều kiện biểu diễn ở Pháp có phần khác bên nhà nên trong chuyến công diễn tại Pháp lần này, “Nhà hát Quốc gia Múa rối nước Việt Nam và Công ty Interarts đã điều chỉnh một số chi tiết kỹ thuật để vở diễn phù hợp với sân khấu và đồng thời đáp ứng tốt hơn thị hiếu khán giả châu Âu’’. Ví dụ như bể nước bên ta cao 1m, bên nầy chỉ còn lại một nửa nên các nghệ sĩ phải diễn “quỳ’’ thay vì “đứng’’ và số nghệ sĩ 20 người phải sụt xuống 9 mà số các con rối vẫn đứng nguyên. Trước mỗi tiết mục, thay cho ông Tễu là một con rùa vàng giới thiệu. Đáng tiếc là nghệ sĩ điều khiển con rối ra mặt quá sớm, như trong vở Ông tổ múa rối, ví chi để vào sau cuộc biểu diễn thì càng kéo dài bi ẩn của nghệ thuật rối nước hơn.


hinh-1

hinh-2


Trong truyện Chú lính chì dũng cảm nầy, một em bé nhận được một hộp 25 người lính bằng chì, trong số ấy một chú lính cụt một chân. Trên bàn đặt hộp đồ chơi, chú lính ấy để ý thấy có một vũ nữ đang nhảy trên một chân, chân kia cong lên đàng sau, tưỏng cô ta cũng cụt chân như mình và đâm ra yêu thương. Mỗi tối, khi mọi người đều đi ngủ, những đồ chơi cùng nhau nhảy múa và chàng lính cụt chân mê muội nhìn cô vũ nữ. Con quỷ trong hộp cảnh cáo chú lính đừng có nhìn cô vũ nữ nữa nhưng chàng không nghe. Hôm sau, từ cửa sổ con quỷ lừa đẩy chú ta rơi ra ngoài đường, bọn trẻ dành nhau đặt chú lên một chiếc ghe giấy trên rãnh lề đường, ghe rơi vào cống, dẫn vào lạch rồi chú bị một con cá lớn nuốt chửng. Cá bị bắt, bán đi, mua lại, sau cùng đưa về nhà mổ bụng thi chú lính được giải phóng đặt lại trên bàn cũ đồ chơi lúc trước. Chú cảm động thấy lại cô vũ nữ ngày xưa. Nhưng chú bị em bé (có lẽ bị ảnh hưởng của con quỷ) vứt vào chảo rán, cô vũ nữ cũng rơi theo. Cả hai cùng nhau nóng chảy, chàng lính để lại một trái tim chì và cô vũ nữ thành một nắm tro.

Như trong nhiều truyện khác của Andersen, chú lính cụt chân là một người riêng rẽ, cô độc. Khuyết tật hiển nhiên đã hướng chú về một số phận, một con đường sống riêng biệt. Tàn tật kịch phát năng lực cảm giác của chú, chú nghe nhiều hơn, chú thấy nhiều hơn, chú cảm nhiều hơn, chú mơ nhiều hơn và để cho những bạn đồng đội, nhất là cô vũ nữ, khỏi nhận ra cảm giác của mình, mỗi lúc chú phải tỏ ra kiên cường, gan dạ. Để chịu đựng được những xúc phạm vật chất và tâm lý thế giới bên ngoài, chú đã lấy dũng cảm làm khẩu hiệu cho sự sống còn. Khi bị quay cuồng trên chiếc ghe nhỏ hay rơi vào cống, lạch và bị cá nuốt, chú luôn tỏ ra có nhiều nghị lực để chống chỏi. Khi về lại chốn cũ, tìm lại được tình yêu, cả chú lính lẫn cô vũ nữ cảm thấy áp lực xã hội có nhiều ảnh hưởng lên giáo dục hơn những lý trí của trái tim. Nhưng sau cùng tình yêu biểu lộ ra mạnh hơn áp lực xã hội. Truyện chú lính chì nầy là một mẫu hiếm có cảm giác và tinh tế. Ít có truyện tuy giản dị như vậy mà gây biết bao mơ mộng, gợi bao kinh ngạc xúc cảm. Trong ba tiết mục biểu diễn hôm nay, truyện chú lính chì nầy có lẽ đi sát nhất bản chính của tác giả, có đủ hầu hết các chi tiết và ít thay đổi.


hinh-3

hinh-4


Tiết mục thứ nhì là truyện Vịt con xấu xí. Ở một cánh đầm êm đềm tĩnh mịch, trong lau sậy, một con vịt cái đẻ một đợt trứng và chờ đợi ngày trứng nở. Lần lượt sáu con vịt con ra đời, xinh xắn, đáng yêu trong mắt hân hoan của con vịt cái. Vũ điệu “Hồ các thiên nga’’ (Lac des cygnes), quen thuộc trong ba lê Nga trên nhạc của Piotr Ilitch Tchaikovski, xen vào đây là một màn làm thỏa thuê mọi khán giả thích nhạc. Chậm hơn một chút, một con vịt con thứ bảy đen thui, xấu xí ra mắt mẹ và các anh chị. Không ai chịu nhận và rút cuộc nó phải rời gia đình đi hoang. Đi đâu nó cũng bị hất hủi, xô đuổi. Đến một lúc nó gặp một đoàn thiên nga gần giống vịt nhưng đẹp đẽ trắng trẻo và uy nghi hơn. Nó lại nhập bọn và được nhận ngay : thì ra nó cũng là một thiên nga ! Trên sân khấu, nó vẫn còn đen nhưng mang một mũ miện vua chúa. Truyện nầy là một bài học luân lý, có thể xem như một bài khai tâm, nhập môn. Con trẻ nào lớn lên cũng phải học hỏi để tự biết mình và chấp nhận mình, bất chấp phán xét của người xung quanh, những người không giúp mình đánh giá mình. Có người xem đây là một ưu điểm : sự khác biệt (chủ quan) lúc ban đầu gây ra những lý do chòng ghẹo, loại trừ, có nghĩa thua kém, nhưng với thời gian trong những điều kiện nào đó có thể trở nên một bài chủ, một phương tiện để thành công, để làm tăng giá trị. Đứng về phương diện tự truyện có thể xem đây là sự phục thù của tác giả (thiên nga) trước những người đương thời (đàn vịt) khi ông khám phá một môi trường trong ấy tài năng của ông được chấp nhận.

Cần biết là Anderson lớn lên trong một môi trường nghèo khổ tầng dưới xã hội thành phố Odense nên tiếp xúc rất sớm với khái niệm vịt con xấu xí từ nhỏ. Sau khi cha mất, chàng trẻ cũng mấy được bà mẹ trìu mến : bà cho đứa con bà điên vì nó đọc những vở kịch hát nó viết. Anh đến trường vào tuổi 18, lớn hơn những học trò khác năm tuổi, nên phải nghe những lời chế nhạo, khinh bỉ, không những từ học trò mà còn từ thầy giáo, ông hiệu trưởng, về tuổi tác đã đành mà còn về tham vọng trở nên văn sĩ. Anh bị đuổi ra khỏi trường vì đã mất công ngồi vẽ một lâu đài trong tưởng tượng. Cơ thể cao, chân tay dài, anh không đẹp trai và không mấy thành công về mặt ái tình. Trong lãnh vực văn chương, lúc ban đầu anh cũng bị chỉ trích nhiều… Mọi mặt góp phần vào cảm tưởng là anh lập dị, là bị ruồng bỏ. Nhiều nhà văn như Andersen triển khai đề tài không được hiểu thấu, một đề tài lãng mạn thường gặp thế kỷ XIX. Nhưng sau cuốn Truyện cho trẻ con (1835) được hưởng ứng, ông quyết tiếp tục trong đề tài nấy và cho xuất bản đến 164 cuốn. Lãng mạn, những truyện của ông kết hợp huyền diệu và mỉa mai. Với một ngôn ngữ thông thường, những thành ngữ, thổ ngôn bình dân, với một cách viết giản dị, ông thành công diễn tả những xúc cảm tế nhị, những ý tưởng tinh vi, dễ dàng lướt từ văn thơ qua mỉa mai, từ kịch hề qua bi thảm… Ông từ trần ở Copenhague năm 1875, những truyện của ông được dịch ra 80 thứ tiếng, được hoan nghêng mọi nơi và gợi cảm cho biết bao nhà văn, họa sĩ, chạm trổ, đạo diễn, dựng phim, bố trí điệu múa,…


hinh-5



hinh-6


Truyện thứ ba là nội dung tiết mục Nàng tiên đuôi cá tức là Nữ thần mình người đuôi cá. Nàng sống vui vẻ đầm ấm dưới biển với vua cha, mẹ, bà và sáu cô chị. Tục lệ cho phép một nàng tiên đuôi cá lúc lên mười lăm tuổi có quyền bơi lên mặt nước để ngắm đời sống bên ngoài. Khi lên mặt nước, nàng thấy một ông hoàng trẻ đẹp vào tuổi nàng đứng trên một chiếc tàu. Vào lúc ấy bão táp nổi lên và ông hoàng rơi xuống biển, ngất đi. Nàng tiên đuôi cá cứu ông, đưa vào bờ, nhưng khi thấy một cô gái lại gần thì rút lui về dưới nước. Ông hoàng tỉnh dậy tưởng cô gái đã cứu mình. Nàng tiên đuôi cá khám phá người trần chết sớm, hỏi bà thì được giải thích là người trần sống lâu hơn cá tiên nhưng có một linh hồn bất diệt. Nàng cũng muốn có linh hồn bất diệt thì bà cho hay cô phải cưới một người trần thế làm chồng. Nhất quyết cưới cho được ông hoàng, nàng tiên đuôi cá lại nhờ bà phù thủy giúp. Bà đổi cho nàng một lá bùa, uống vào thì đuôi rụng, có hai chân thế vào, nhưng nàng phải hiến bà giọng nói hay ho của loài tiên đuôi cá. Ngoài ra, nếu nàng không lấy được người yêu thì nàng sẽ biến thành bọt biển, trừ phi nàng giết chàng trai kia. Không do dự, nàng tiên đuôi cá nhận lời, bơi lên mặt biển, uống lá bùa, tức khắc đuôi rụng, đau như bị dao cắt, nhưng đồng thời chân mọc. Tình cờ có mặt ông hoàng trên bờ biển đưa nàng về dinh, xem như một người bạn. Chàng không dè nàng cũng đau khổ khi bước với căp chân mới nhưng nàng mất giọng nói thì không than phiền gì được. Chàng vâng lệnh vua cha lấy thuyền đi gặp cô vợ sắp cưới, đem nàng theo. Thì ra cô vợ sắp cưới ấy không ai khác là người con gái có mặt hôm chàng bị nạn. Hai người yêu nhau và sẽ cưới nhau. Các cô chị nàng đến dục nàng giết ông hoàng để trở về lại làm nàng tiên có đuôi cá nhưng nàng không nỡ giết người yêu và nhảy xuống nước trở thành bọt biển ! (Từ nay, đi chơi biển, bạn nên để ý nhìn bọt biển, xem có bọt nào tương tự nàng tiên không…)

Chuyện đáng buồn như nhiều truyện khác của Anderson. Nhưng múa rối nước không có lời rất khó trình bày một nỗi lòng tâm sự. Làm sao nói lên được nỗi đau chân của nàng mỗi khi chuyển động cạnh ông hoàng ! Làm sao nàng thổ lộ được tình yêu khi đã hiến giọng nói của mình cho bà phù thủy ! Trong một truyện khác, ai cũng hiểu Vịt con xấu xí được xem như là tự truyện của Anderson. Öng đau khổ như con vịt đen giữa bầy thiên nga trắng đẹp nhưng tin tưởng một ngày mai kia ông sẽ có tiếng như những nhà văn khác. May thay cho ông những tác phẩm của ông rồi cũng được hoan nghênh ngay khi ông còn sống. Viết năm 1842, sau vở kịch Con chim trong cây Lê (L’Oiseau dans le Poirier) bị thất bại, biểu diễn từ tháng bảy năm ấy đến tháng mười năm sau, ông trình bày hầu hết các thời kỳ tuổi trẻ của ông ở Odense, những năm ở trường, gia đình Collin, cùng các nhân vật như bà Drewsen, con gái đầu của Jonas Collin. Như múa rối của ta, Andersen đã lấy rất nhiều tài liệu trong dân gian nhưng những vở chọn lựa trình bày ở viện Bảo tàng Quai Branly chỉ có cốt mà không có hồn. Cốt dù có đẹp bao nhiêu đi nữa mà thiếu cái hồn thì không có vẻ sống. Trong vở Le Maître des Marionettes chỉ có một ông Tây, Dominique Pitoiset, lo liệu thì còn có thể hiểu được. Ông Tây nầy cũng như các vị khác lâu năm lặn lội trên đất Việt, tưởng đã đi sâu vào lòng người con Rồng cháu Tiên, chắc còn phải thêm nhiều bước nữa mới mong cảm nhận được cái hồn Việt Nam, hưởng thụ được cái tinh thần Việt Nam.


hinh-7
ảnh V.Q.Y.

hinh-8
ảnh V.Q.Y.

Kỹ thuật hoàn toàn mỹ mãn, những con rối chạm trổ tinh vi, nhưng đâu thấy những chi tiết hài hước, hóm hỉnh của múa rối nước xứ ta hay cả múa rối Pháp ! Andersen thường viết những kịch buồn mà múa rối nước ta, ngay cả trong những tích sử ký nghiêm trang, luôn có những màn cười dân dã. Chọn múa rối nước để biểu diễn tuồng Andersen không dễ và đòi hỏi đạo diễn thông thạo sâu đậm văn hóa hai nước, để không nói hai châu, điều kiện để có thể thực hiện có hiệu lực cuộc đối thoại. Khi thấy đàn vịt tung tăng trong ánh nước, tôi tuởng mình đang chờ đợi một con chồn vượt qua bắt con vịt rối trèo lên trốn trên cây cao. Vẫn biết vở kịch phương Tây, biểu diễn bên trời Tây thì múa rối nước nhập tịch phải nhập gia tùy tục. Đằng khác cần mở rộng phương trời để múa rối nước hết còn phải bị gò bó trong những chương trình cổ điển cố định. Đây là một dịp để hồi sinh, làm mới nghệ thuật truyền thống múa rối Việt Nam. Vẫn biết những con rối lạ mắt thấy biểu diễn trong bể nước đưa nghệ thuật truyền thống ấy vào lòng công chúng châu Âu, châu Mỹ, khán giả nhỏ cũng như lớn. Ông Nguyễn Tiến Dũng đã từng nhận định “Ý tưởng dàn dựng một câu chuyện nổi tiếng của châu Âu trên sân khấu múa rối nước truyền thống của Việt Nam là một sự thể nghiệm táo bạo, đòi hỏi sự sáng tạo nhưng đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc của môn nghệ thuật độc đáo này’’. Vì vậy không thể quên nguồn gốc múa rối nước trước tiên được đặt ra cho những người nông dân tiêu khiển, giải trí sau những tháng làm việc mỏi mệt trên đồng quê ! Họ cần đùa giỡn trong vài ngày nghỉ ngơi. Ở viện Bảo tàng Quai Branly, khán giả nhiệt liệt vỗ tay nghệ thuật múa rối độc đáo Việt Nam nhưng tôi đợi mãi không thấy những trận cười hồn nhiên phát xuất từ những tấm lòng trong trắng, từ những trái tim con trẻ ngây thơ… Và chắc chắn nếu các màn diễn còn giữ vẻ mộc mạc, chất phác đất Việt thì còn được hoan hô tán thưởng hơn nữa ! Dự án hợp tác múa rối nước với Pinocchio thật đáng hoan nghênh vì cũng là các chú rối giống nhau, chắc dễ thực hiện hơn…


hinh-9

hinh-10


hinh-11

hinh-12


Võ Quang Yến

Thành Xô 30.12.2013
Mừng Tết Giáp Ngọ




(* ) ảnh lấy trong internet và trong chương trình phát cho khán giả.

(**) xem Múa rối nước Việt diễn kiểu Pháp, Diễn Đàn Forum 22.03.2012.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us