Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Tin buồn / Jacqueline Nguyễn Thanh Nhã (1933-2013)

Jacqueline Nguyễn Thanh Nhã (1933-2013)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 23/03/2013 00:25, cập nhật lần cuối 27/03/2013 12:28




Tưởng nhớ chị
Jacqueline Nguyễn Thanh Nhã



Chúng tôi vừa được tin muộn, chị Jacqueline Nguyễn Thanh Nhã, nguyên giảng sư Trường đại học Luật khoa Paris, đã từ trần ngày 3 tháng 3 năm 2013, thọ 81 tuổi. Lễ hỏa táng đã cử hành trong vòng gia đình ngày 7 tháng 3. TIN GIỜ CHÓT : Lễ cầu siêu sẽ tổ chức vào một ngày sẽ thông báo sau.


Thế là gần năm năm sau anh Nhã, chị Jacqueline đã giã từ chúng ta để đến bên anh. Theo thông tin của gia đình, bình di cốt của chị sẽ đặt bên bình di cốt của anh, tại tháp Báo Ân, chùa Trúc Lâm (Villebon sur Yvette).

Bạn bè anh chị độ sau rất ít khi được gặp chị. Từ nhiều năm nay, mấy năm trước khi anh Nhã ra đi, chị Jacqueline bệnh tim nặng, ít khi đi ra ngoài. Sinh thời anh Nhã, một năm anh chị thường nửa năm sống ở Juan-les-Pins (bờ biển Địa Trung Hải), nửa năm sống ở căn hộ ở quận 5 Paris, không xa điện Panthéon và tòa nhà "Fac de Droit" (nay là một trong những trường sở của Trường đại học Paris 1 / Sorbonne Panthéon) nơi anh chị đã giảng dạy suốt đời -- chị dạy luật, anh dạy kinh tế. Những năm ấy, chị cũng ít đi ra ngoài, và khi ra khỏi nhà, thường xuyên nhất là để đi thư viện mượn sách. Mấy lần được anh chị mời xuống nghỉ hè tại ngôi nhà ở Juan-les-Pins, một phần của một tu viện có từ thời Trung cổ -- ai được vào khu vườn nhà, chắc khó quên cây o-liu ba bốn trăm năm đứng ở giữa sân -- tôi tình cờ được biết chị đọc rất nhiều và rất nhanh, mỗi ngày một cuốn sách là thường.

Tình cờ được quen anh chị ngay từ những năm đầu sang học ở Pháp -- có lẽ lần đầu ở nhà anh Lê Bá Đảng và chị Myshu, hai cặp bạn tri kỷ --  nhưng phải thú thật là tôi biết rất ít về chị, vài điều biết được, thường đều do tình cờ. Ngay tên con gái của chị, hôm nghe tin chị từ trần, mới hỏi qua người cháu, được biết nhũ danh của chị là Lưu Thị Đệ, sinh năm 1933 tại Paris. Trước đây, tôi chỉ biết họ của chị là Lưu : hai cụ thân sinh của chị đã mở tiệm ăn Lưu Đình, một trong những quán ăn Việt Nam đầu tiên ở Khu Latinh Paris, không biết từ thập niên 1930 hay 1940. Nghĩ lại, phải thú thật là tôi biết về chị Jacqueline ít hơn là biết những món ăn của chị, những đặc sản Bắc Bộ chắc là "gia truyền".

Cũng tình cờ mà tôi biết trong những năm 1960, chị đã trao đổi thư từ với Cụ Hồ. Chị kể khi nghĩ Mĩ ném bom miền Bắc, chị đã thức đêm viết một lá thư dài (hình như mười trang) cho "Bác" và ít lâu sau, nhận được thư trả lời. Chị viết bằng tiếng Pháp (chị nói tiếng Việt thông thạo, phát âm có những vần hơi "cứng" như nhiều anh chị em sinh trưởng ở nước ngoài, tôi không biết chị viết tiếng Việt ra sao, nhưng chắc để nói rõ suy nghĩ và tâm can, tất phải dùng tiếng Pháp), không biết Cụ Hồ trả lời bằng ngôn ngữ nào. Mong rằng một ngày kia, những người cháu gọi chị bằng cô hay bác, sẽ cho chúng ta được đọc. Chị gặp Hồ Chí Minh mùa hè năm 1946 khi chủ tịch sang Pháp. Năm ngoái, khi ông Raymond Aubrac mất, tìm trên mạng tôi thấy được tấm ảnh chụp tại nhà ông bà Aubrac (xem hình dưới đây), nhận ra chị ngồi giữa, phía trước Cụ Hồ (lúc đó chị 13 tuổi). Tôi gửi một bản cho chị, và được chị xác nhận tấm ảnh này có trong sưu tập của gia đình, nhưng từ lâu chị không tìm ra. Đó là một trong những lần cuối tôi được nói chuyện với chị qua điện thoại.

hcm_jacqueline

Jacqueline Nguyễn Thanh Nhã (ngồi giữa, hàng đầu) và
chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa hè 1946, tại nhà của ông R. Aubrac (bên trái,
hàng sau). Bên phải là ông Vũ Đình Huỳnh (một trong những người
bị đàn áp trong vụ "xét lại chống Đảng" (1967-1973)

Mấy lần sau, không dám nói dài sợ chị mệt, tôi chỉ ngắn gọn "báo cáo" với chị về chuyện dịch ra tiếng Việt cuốn Tableau économique du Vietnam aux XVIIe et XVIIIe siècles (Toàn cảnh kinh tế Việt Nam thế kỉ 17 và 18, nhà xuất bản Cujas, Paris 1970) của anh Nguyễn Thanh Nhã. Như sử gia Lê Thành Khôi nhận xét, đây là "một trong những công trình sử học về Việt Nam hay nhất đã được công bố", "tác giả đã sử dụng toàn bộ các nguồn tư liệu hiện có được, tư liệu Việt Nam cũng như tư liệu Âu Châu, để đi tới một cái nhìn toàn cục về những điều kiện vật chất cuộc sống thời đó, đặt chúng vào phối cảnh lịch sử và xã hội chung", thế kỉ 17 và 18 là "giai đoạn chuyển tiếp trong đó Việt Nam -- bờ cõi vừa mở rộng, phải đối diện với những đòi hỏi tự thân để "điều chỉnh", đột nhiên mở ra trước một đời sống quốc tế đang bị chủ nghĩa bành trướng của Châu Âu chế ngự -- phải kinh qua một thời kỳ phân tranh đau đớn trước khi tìm lại được sự thống nhất được củng cố". Dịch và xuất bản tác phẩm giá trị này ở trong nước là ý nguyện chưa thành của anh Nhã. Sau khi anh mất, chúng tôi bàn với chị và được chị trao phó việc tìm người dịch (dịch cuốn này không dễ). Chị muốn chịu toàn bộ chi tiêu cho việc biên dịch và hiệu đính, nhưng một số anh chị em, người ở Pháp, người ở Hoa Kì, đã cùng anh Trần Hải Hạc, gom góp số tiền cần thiết. Cuối cùng, anh Nguyễn Nghị, ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã nhận biên dịch và đã hoàn thành bản dịch vào mùa thu vừa qua. Được biết nhà xuất bản Tri Thức đang tiến hành việc xuất bản. Anh Trần Hải Hạc đã chuyển kịp bản dịch, dưới dạng điện tử, tới tay chị Jacqueline, khi chị nằm giường bệnh.

Ra đi, chị Jacqueline chưa mang được bản in cho anh Nhã xem. Chỉ biết xin hứa, khi nào sách in xong, sẽ mang ngay lên chùa, đặt trước di ảnh của anh chị.

Nguyễn Ngọc Giao

Paris, 17.3.2013

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us