Con Quạ ‒ Edgar Allan Poe
Ngu Yên
Con QuạEdgar Allan Poe |
1. Giới Thiệu
Con Quạ, The Raven, bài thơ thuộc thể kể truyện của thi sĩ Hoa Kỳ Edgar Allan Poe, xuất hiện trong New York Evening Mirror vào ngày 29 tháng Giêng năm 1845. Được xem là bài thơ nhiều nhạc tính du dương, nhiều kịch tính, có phong cách ngôn ngữ riêng, mang không khí siêu hình. Con Quạ là bài thơ nổi tiếng nhất của Poe và là bài thơ giá trị của mọi thời đại. Bài thơ này được viết thành sách, minh họa, truyện tranh, đóng tuồng trên truyền hình.
Poe cho biết đã viết bài thơ này với ý định tạo nên giá trị hữu hiệu cho cả hai giới: phê bình và thưởng ngoạn. Và ông đã thành công. (Vào giữa thế kỷ 19, những phong trào văn chương như Ấn Tượng, Siêu Thực, Cụ Thể, Dụng Ảnh.... có thể chỉ mới bào thai. Thơ của Edgar Poe thuộc dòng văn chương lãng mạn nhưng khác với dòng văn chương lãng mạn phóng túng của G. Appolinaire, Rimbaud, Verlain... Có lẽ bài thơ này đã bắt đầu nghiêng về Tượng Trưng, Symbolism, một phong trào văn học bắt đầu vào cuối thế kỷ 19...)
Từ tiếng kêu duy nhất của con quạ "nevermore", (Không bao giờ nữa), mà ông xây dựng bài thơ gồm 18 đoạn, mỗi đoạn 6 câu. Kỹ thuật xây dựng nhịp điệu trong thể thơ, gọi là Trochaic Octameter: Trong mỗi đoạn, năm câu dài, mỗi câu mang 8 nhịp nhấn. Còn câu kết ngắn với 5 nhịp nhấn; đôi khi ra 6, 7, 8 nhịp nhấn.
Ví dụ: Trích trong Wikipedia / The Raven.
(Dấu / là nhịp nhấn)
2. Triết Lý Sáng Tác
Năm 1946, ông viết tiểu luận The Philosophy of Composition, Triết Lý Sáng Tác. Cho biết bài Con Quạ bị ảnh hưởng một phần bởi con quạ biết nói trong tiểu thuyết Barnaby Rudge: A Tale of the Riots of Eighty của Charles Dickens. Ông sử dụng nhịp điệu phức tạp trong bài thơ Lady Geraldine's Courtship của thi sĩ Elizabeth Barrett, cùng với nhịp điệu ngầm và tứ lập lại để cấu trúc bài thơ.
The Philosophy of Composition giới thiệu ba lý thuyết của Poe về thi văn. Ông dùng bài thơ Con Quạ làm ví dụ để diễn giải lý thuyết.
Điểm nhấn của Poe về cấu trúc văn bản là phải tìm ra kết luận với phản ứng cảm xúc hoặc ảnh hưởng mà tác giả muốn trình bày, rồi mới viết bài thơ. Phương pháp này có tên gọi là Unity of effect, Hiệu lực nhất quán.
Trong tiểu luận, ông mô tả sáng tác một bài thơ như vấn đề toán học và châm biếm những nhà thơ tuyên bố sáng tác bằng động lực mê cuồng, trực giác xuất thần.
Một bài thơ phải ngắn đủ và phải đạt được hiệu quả nhất quán trong khoảng thời gian dùng để ngồi đọc. Ông độ chừng trung bình vào khoảng 100 câu. Bài Con Quạ gồm 108 câu. (Có lẽ, ý ông muốn nói, nếu dài quá, người đọc sẽ không thể ngồi lâu, sẽ ngưng lại hoặc bỏ cuộc. Sẽ mất đi sự chú tâm theo dõi và mất luôn cảm hứng để đọc.)
Điều quan trọng mà Triết Lý Sáng Tác đưa đến là những câu chuyện của Poe được viết ngược. Hiệu quả được xác định đầu tiên, rồi mới trình bày toàn bài. Chi tiết mọc ra từ một ý kết, để giữ sự thống nhất xuyên suốt. (Poe, 1850)
Trong bài Con Quạ, Poe cho biết, muốn tạo nên một hiệu năng thẩm mỹ kết hợp với không khí sầu muộn của thơ. Ý chính của bài là tâm sự của người đàn ông thất tình, đau khổ vì người yêu vừa qua đời. Nhưng ông đã dùng biểu tượng con quạ để cấu trúc câu chuyện và không trình bày theo lối kể chuyện thông thường như chuyện tình Lan và Điệp. Điệp khúc "nevermore" là chìa khóa để nhất quán toàn bài. Những đoạn sáu câu được xây dựng để lập lại lời con quạ. Nevermore được hiểu khác nhau tùy vào ý nghĩa của mỗi đoạn thơ.
3. Tóm lược bài thơ:
Truyện kể: Một đêm cuối mùa đông, lạnh lẽo, ảm đạm, một người đàn ông cô đơn, kiệt sức, mỏi mệt, buồn bã vì cái chết của người yêu, một thiếu nữ sáng sủa và khác thường, tên Lenore. Ông đang đọc những truyện truyền thuyết kỳ quái để lãng quên nỗi sầu, rơi dần vào giấc ngủ. Bổng nghe tiếng gõ cửa. Ông nghĩ rằng có người đến thăm nhưng khi mở cửa ra chỉ thấy đêm đen. Ông tự thì thầm, phải chăng là Lenore? Và nghe tiếng vọng lại thì thầm: Lenore.
Trở vào phòng, tiếng gõ lại tiếp tục. Lần này, khi mở cửa, một con quạ bay vào đậu lên tượng bán thân của nữ thần Pallas, nữ thần của sự thông thái, khắc trên đầu cửa phòng. Con quạ mang dáng dấp của một quái điểu, đến từ bờ địa ngục.
Ông hỏi con quạ tên gì, ngạc nhiên thay nó trả lời: Nevermore. Ông độc thoại và đối thoại cùng con quạ. Có khi xem nó như thiên sứ, nhà tiên tri; có khi xem nó như ác quỷ, chim gieo họa. mang đến điềm bất tường. Những lúc nghĩ thầm, những lần trò chuyện, con quạ đều kêu lên Nevermore. Thậm chí ông hỏi con quạ, có thể nào ông được gặp lại Lenore. Dĩ nhiên, chỉ nghe trả lời Nevermore.
Cuối cùng ông xác định, con quạ chỉ biết nói một chữ này thôi. Có lẽ nó nghe và học được từ vị chủ nhân có cuộc đời bất hạnh. Khiến ông chủ luôn luôn than vãn: Nevermore.
Vào cuối bài thơ, người đàn ông trở nên giận dữ, biết rằng cuộc đối thoại với quạ sẽ chẳng đi về đâu. Ông quát đuổi con quạ ra khỏi phòng, đuổi về Diêm Vương, để ông được yên ổn với cô đơn.
Đoạn cuối cùng của bài thơ, đột biến, từ câu chuyện quá khứ bỗng trở thành hiện tại. Con quạ không bỏ đi, dường như đã trở thành tượng, vẫn ngồi im trên tượng bán thân của vị thần thông thái, với điềm gở ám ảnh. Bóng của nó in xuống sàn nhà. Hồn của ông bị giam cầm trong bóng chim. Hồn muốn chỗi dậy, muốn thoát ra nhưng Nevermore. ‒ Không bao giờ nữa.
4. Ý nghĩa ám chỉ của con quạ:
Con quạ là vật tượng trưng được chọn lựa cuối cùng. Poe cho biết, khi bắt đầu, ông chỉ muốn tìm một con vật vô tri nhưng có khả năng phát âm giống tiếng người. Sau đó, ông nghĩ đến con két biết nói. Cuối cùng, ông chọn con quạ. Ký ức của ông đã có một con quạ trong truyện của Charles Dicken. Con quạ thường tiêu biểu điềm xấu. Ông có thể dùng nó để ám chỉ những gì không may mắn xảy ra. Như ông đã giải thích, chủ nhân trước của con quạ đã gặp nhiều bất hạnh, họa vô đơn chí. Ngoài ra, ông còn đưa người đọc liên tưởng đến con quạ trong chuyện thần thoại. Con quạ đến từ cõi âm. Con quạ liên quan đến Lenore, người tình đã qua đời.
Điều ám chỉ sau cùng, đó là cuộc chuyện trò giữa người đàn ông và con quạ. Ông đã biết con quạ chỉ có thể nói một chữ Nevermore nhưng vẫn tiếp tục đặt câu hỏi. Thậm chí, hỏi cả việc có thể nào gặp lại người tình Lenore. Cuối cùng, ông đành chấp nhận sự thật về con quạ không biết gì. Chỉ nói một cách vô tình, ngẫu nhiên khi đúng khi sai. Nhưng đã muộn, vì hồn ông đã bị giam cầm trong bóng chim.
Phải chăng khi con người đau khổ, thất bại, mất mát, thường tìm đến niềm tin. Dù có khi cảm thấy niềm tin đó không thật, như người đàn ông bám víu con chim bình thường bằng niềm tin thần linh nhập vào con quạ. Con người đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong một cõi không ý nghĩa, đó là nguồn cơn của đức tin. Dù đức tin cao lớn, mạnh mẽ đến đâu, cũng không thể chứng minh, đức tin có thật, một cách thực tế, phải chăng là bi kịch? Niềm tin phát sinh ra từ sự bất lực. Tận cùng, sát đáy của đức tin là nghi ngờ. Nghi ngờ phủ phục như con voi. Đức tin như cái thúng.
5. Edgard Allan Poe
(Tháng Giêng, 1809 - Tháng Mười, 1849.)
Nhà văn, chủ biên, nhà phê bình nhưng trên hết là thi sĩ.
Viết văn, ông nổi tiếng về truyện ngắn. Văn thơ đều mang tính bí ẩn và rùng rợn. Nhưng ông được xem là nhân vật trung tâm của phong trào văn chương lãng mạn tại Hoa Kỳ. Ông cũng được nhìn nhận là nhà văn tiên phong về tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết khoa học. Ông sống bằng nghề viết cho đến khi qua đời.
Ông ra đời tại tiểu bang Boston, Hoa kỳ, 1809. Mẹ mất sớm, ông được gửi đi học xa ở Anh Quốc. Năm 1826, 17 tuổi, trở về Hoa Kỳ theo học đại học Virginia. Một năm sau, nghiện rượu, bỏ học, đăng vào quân đội. Năm 1830, vào đại học quân sự West Point. Nhưng rồi ông lại bỏ ra vì vấn đề thiếu thốn tài chánh. Năm 1831, ông dời đến New York. bắt đầu sự nghiệp văn chương. Mặc dù khá giàu có nhưng khi qua đời, cha ông đã không nhắc đến tên ông trong di chúc. Poe lây lất một thời nghèo khó.
Mãi đến 1835, ông mới nhận được công việc chủ biên trong một tòa báo, nhờ câu truyện thi giải, The Manuscript Found in a Bottle, (Bản Thảo Tìm Thấy Trong Chai.)
Năm 1836, ông lấy vợ, Viriginia, là người trong họ, cô mới tuổi mười ba; năm đó, Poe 27 tuổi. Qua nhiều khó khăn kinh tế và sự nghiệp, ông di chuyển nhiều tiểu bang, làm báo và viết văn nhưng không thành công về tài chánh dù truyện viết được ngưỡng mộ.
Vào ngày 3 tháng 10 năm 1849, người ta tìm thấy Poe nằm trước cơ sở xuất bản Gunner's Hall. Đưa vào bệnh viện, ông hôn mê từ đó và không ai biết được lý do chuyện gì đã xảy ra.
Ông qua đời tại bệnh viện ngày 7 tháng 10 năm 1849.
6. Con Quạ
Đêm
khuya ảm đạm, suy tư, đuối sức
mệt mỏi, |
Ghi:
Chuyển dịch theo thể thơ, 10 chữ câu dài và 5-8 chữ trong câu kết của mỗi đoạn. Ngôn ngữ Việt đơn âm, không dùng dấu nhấn như đa âm nên dùng chữ làm đơn vị. Sở dĩ, chọn 10 chữ thay vì 8 chữ theo 8 nhịp nhấn vì nếu đếm chữ trong bài Con Quạ, mỗi câu dài thường có trung bình khoảng 10 chữ. Câu ngắn mang khoảng 5 đến 8 chữ.
Nhịp dùng dấu ngắt trong câu dài:
4,2,4
6,4
4,6
và câu ngắn:
2,3 hoặc ngắt lơi.
(1) Pallas, nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Đại diện cho sự thông thái.
(2) Cạo tóc là một hành động của các hiệp sĩ thời xưa, tự làm nhục mình hoặc quyết tâm chiến đấu.
(3) Những người bạn bỏ đi hoặc đã chết.
(4) Người đâu, chuyển dịch theo ý nghĩa văn cảnh.
(5) Balm in Gilead: Một loại hương từ vùng Gilead, theo Thánh Kinh. Có nghĩa, ' Mai sau, tôi còn có hy vọng?
The RavenOnce
upon a midnight dreary, while I pondered, weak and weary, |
Các thao tác trên Tài liệu