Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Dịch và tán láo về thơ Prévert

Dịch và tán láo về thơ Prévert

- Jacques Prévert, Phan Huy Đường — published 16/02/2011 20:00, cập nhật lần cuối 23/02/2011 10:36
Thoạt đọc, ngôn ngữ giản dị, hồn nhiên, thậm chí trẻ con (tu vois… tu vois…). Tầm thường như ngôn ngữ hàng ngày, toàn ý-chung. Thế mà tràn trề nhục cảm, biến thành thơ ! Lạ thật.


Dịch và tán láo về thơ Prévert


Phan Huy Đường



 

  

Les feuilles mortes

 

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,
Des jours heureux quand nous étions amis,
Dans ce temps là, la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui.
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Tu vois, je n'ai pas oublié.
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi,
Et le vent du nord les emporte,
Dans la nuit froide de l'oubli.
Tu vois, je n'ai pas oublié,
La chanson que tu me chantais...
C'est une chanson, qui nous ressemble,
Toi qui m'aimais, et je t'aimais.
Nous vivions, tous les deux ensemble,
Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.
Et la vie sépare ceux qui s'aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit.
Et la mer efface sur le sable,
Les pas des amants désunis.


  

 

Souligné : PHD
Thơ Jacques PREVERT / Nhạc Kosma

 

 

Thuở lá chết

 

Ôi, ta quá mong em nhớ,
Những ngày âu yếm bạn giữa chúng ta,
Thuở ấy, đời đẹp hơn,
Và mặt trời nóng bỏng hơn hôm nay.
Lá chết nhiều không sao ôm hết,
Em thấy không, ta đã không quên.
Lá chết nhiều không sao ôm hết,
Kỷ niệm và hối tiếc cũng thế thôi,
Và gió Bắc cuốn chúng đi,
Vào đêm lạnh quên lãng.
Em thấy không, ta vẫn không quên,
Bài ca em hát cho ta…
Đó là một bài ca giống chúng ta,
Em, người yêu ta và ta, người yêu em.
Chúng ta cùng sống,
Em, người yêu ta và ta, người yêu em.
Rồi cuộc đời chia lìa những kẻ yêu nhau,
Dịu dàng, không tiếng động.
Và biển xoá sạch trên cát,
Dấu chân những tình nhân đã chia ly.


PHĐ "dịch" càn



Nhấn mạnh : PHĐ
Thơ Jacques PREVERT / Nhạc Kosma



Bài thơ này độc đáo ở chỗ nào ?

Thoạt đọc, ngôn ngữ giản dị, hồn nhiên, thậm chí trẻ con1 (tu vois… tu vois…). Tầm thường như ngôn ngữ hàng ngày, toàn ý-chung. Thế mà tràn trề nhục cảm, biến thành thơ ! Lạ thật.

Ba câu sau tạo âm hưởng cho toàn bộ bài : lưu luyến, thiết tha, ám ảnh.

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,

Tu vois, je n'ai pas oublié.

Tu vois, je n'ai pas oublié,

Ba câu thơ như trên trời rơi xuống. Không hoà vần với câu trước, câu sau, nên lời và tồn tại… độc lập. Thế thì còn "thi phú" gì nữa ? Nỗi nhớ nhung tha thiết ám ảnh này loan ra, lây vào tất cả những câu văn sau khiến chúng ngây ngất… nhớ, bất kể nhớ gì ! Vì sao thế ? Vì nỗi nhớ ấy phi thời gian, phi không gian.

Từ tant ở đây quả khó dịch. Nghĩa rất mơ hồ. Đại ý là nhiều. Nhiều bao nhiêu ? Không biết ! Có thể dịch thành quá nhiều ? Cũng được. Thí dụ : Ôi, ta quá muốn… Nhưng quá ở đây không có nghĩa là quá xá, quá độ, quá lâu, nên giảm bớt, mà có nghĩa… ngược lại : bao nhiêu cũng không đủ nói hết được lòng ta ! Thế thì nhiều hay quá ở đây không thuộc phạm trù số lượng, không chỉ là quan hệ về lượng của con người với không gian. Điều ta mong muốn không là thấy em trước mắt mình. Ta muốn em… nhớ.

Từ tant kín đáo hoà âm với từ quand trong câu thơ sau. Quand ám chỉ thời gian. Thời điểm nào trong năm tháng một đời người ? Không biết… Bao lâu ? Không biết… Chỉ nhớ đó là thời… hạnh phúc ! Thế thì không là quan hệ về lượng của con người với thời gian.

Tóm lại, đây không là quan hệ của con người với vật giới. Là quan hệ của ta với em, của ta với mình, của mình với nhau. Trong tâm khảm ta, tất cả những thứ khác – lá chết, gió Bắc, e tutti quanti – chỉ tồn tại và có ý nghĩa xuyên qua quan hệ ấy. Quan hệ gì ? Yêu. Người đời coi đây là bài thơ tình, quả không sai.

Quand lại kín đáo hoà âm với ce temps . Ce thường được dùng để chỉ định một điều gì đích xác trong ngoại giới. Ở đây lại chỉ định một thời gian hàm hồ không có dấu mốc, không có độ dài trong Thời Gian… vật lý, chỉ có hình thái nhớ nhung. Thế thì, ở đây, dưới dạng ngôn ngữ, thời gian và nhớ nhung … một. Thời gian … nhớ nhung ! Nhớ nhung một cuộc sống đẹp. Trong bài thơ này. Nhớ nhung hiện sinh hoá thành ngôn từ, vật thể hoá thành âm thanh và ký hiệu, thành vết chân có thực của con người ở đời, trong thế giới thực và, biết đâu, có thể, trong lòng người khác.

Temps lại kín đáo hoà âm với brûlant trong câu thơ tiếp : nóng bỏng. Thế thì, ở ta, thời gian chỉ là nỗi nhớ nhung nóng bỏng một cuộc sống đẹp, một cuộc sống chỉ em mới có thể cho ta. Hè hè…

Ta khẳng định điều ấy với em :

Em thấy không, ta đã không quên.

Em thấy không, ta vẫn không quên,

Đây là câu nói chuyện trực diện với người khác. Nó có nghĩa : ngay bây giờ em đang ở ta. Thế thì điều ta khao khát khi ta quá mong em nhớ là : ta được… ở em như em ở ta. Ngay bây giờ. Mãi mãi.

Ta chỉ khao khát thôi, không nỡ xin. Vì ta đã dám làm.

Điên thật, hè hè…

Ôi Trời Xanh đểu giả, cho ta đủ thứ hay dở, sao nỡ không cho ta chút tình thơ ?


P.H.Đ.

2011-02-03



Lời bình loạn của người văng mạng : 

Edith Piaf , Juliette Greco , Yves MontandMouloudji ,

là những danh ca của Pháp đã hát bài này.
Bạn đọc muốn nghe xin bấm vào tên người.




1 Prévert có nhiều bài thơ được dạy ở tiểu học.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us