Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Lời Việt cho Les feuilles mortes

Lời Việt cho Les feuilles mortes

- Hàn Thuỷ — published 22/02/2011 23:25, cập nhật lần cuối 14/05/2013 19:20
...tại hạ tự nhiên có cao hứng dịch lại thành lời Việt cho bài hát, vì bài « Les feuilles mortes » ấy không chỉ là một bài thơ. Âu cũng là dịp đầu năm khai bút. Sau đó cũng xin dông dài thêm vài chuyện, vọng cổ cho vui...


Lời Việt cho Les feuilles mortes

Hàn Thuỷ



Sau bản dịch bài thơ Prévert này của Phan Huy Đường, tại hạ tự nhiên có cao hứng dịch lại thành lời Việt cho bài hát, vì bài « Les feuilles mortes » ấy không chỉ là một bài thơ. Âu cũng là dịp đầu năm khai bút. Sau đó cũng xin dông dài thêm vài chuyện, vọng cổ cho vui...


Mùa lá chết



Người ơi, nhớ người, tôi xin người nhớ ngày xưa,
Thời hạnh phúc mình chung sống tình bạn đầm ấm,
Ngày xưa ấy đời tươi thắm đẹp hơn bao giờ,
Và nắng trưa nồng cháy, nay chừng đã lạnh câm.


Mùa rơi lá nhiều rơi chết tàn úa đầy sân
Tôi nhớ, thấy không người, vẫn nhớ.
Mùa lá rơi nhiều lá rơi tàn úa vô vàn
Mà những kỷ niệm tiếc nuối thì cũng cầm như...


Để rồi cho gió bắc cuốn đi về xa,
Vào trong đêm lạnh giá của lãng quên.
Tôi nhớ, thấy không người, vẫn nhớ,
Nhớ khúc ca khi người hát tặng tôi...


Một bản tình ca, là ảnh hình hai ta,
Hình ảnh tình yêu, của người và tôi.
Một thời còn nhau, một trời một đôi,
Người là tình yêu, và tôi yêu người.


Nhưng đời chia lìa những người yêu nhau,
Êm đềm sâu lắng, chẳng tiếng xôn xao.
Và trên bãi cát dạt dào biển sóng xoá mờ,
Những bước chân nhân tình cách lìa đau.


Nhạc: Kosma, lời: Prévert,
     bản dịch lời: Hàn Thuỷ





…chuyện cũng đã từ hơn 60 năm rồi. Cả hai đều rất nổi tiếng. Prévert viết lời và Kosma viết nhạc, chung, chứ không hẳn là nhạc hay thơ có trước. Cặp này (trong một thời, từ 1939 đến 1951, sau đó họ không cộng tác với nhau nữa) cộng lại cũng sánh như một Bob Dylan hay một Trịnh Công Sơn : lời và nhạc quyện vào nhau không thể chia cắt. Và điều quan trọng là họ đều thể hiện tình cảm của nhiều người trong thời họ đang sống, và đều được đón nhận nồng nhiệt như nhau.

Vậy thời của Prévert, Kosma và bài hát này ? Đó là vào đầu năm 1945 – và ta nhớ, tháng 8 năm 1944 Paris mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức Quốc Xã. Trước đó Kosma đi vào kháng chiến bí mật và Prévert hoạt động công khai, nhưng cũng như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác trong vùng tạm chiếm, ông tỏ thái độ ủng hộ kháng chiến chống Đức một cách gián tiếp khéo léo, do đó tình bạn của họ không hề sứt mẻ, và khi Kosma từ kháng chiến về họ hợp tác lại với nhau ngay –, bài hát này là một phần của ca kịch « Le rendez vous » (cuộc hẹn hò), cũng do hai người cộng tác, như nói trên; sau họ chuyển thể thành phim « Les portes de la nuit » (ngưỡng cửa của đêm), do Marcel Carné đạo diễn, nhạc Kosma, đối thoại và lời nhạc Prévert. Không cần đi vào chi tiết của hai bản ca kịch hay phim này, chỉ biết là bài hát trong phim do Yves Montand thể hiện, và từ đó về sau nó nổi tiếng trên cả thế giới, cũng như bài hát khác trong phim là « Les enfants qui s'aiment » (Những đứa trẻ yêu nhau).

*

Bây giờ thử suy diễn tại sao bài hát đã được đón nhận rộng rãi như thế. Trước hết, tuy khởi đi từ một hoàn cảnh cụ thể, nhưng nó đã vượt lên để trở thành phổ quát, do đó nó sống qua thời gian và không gian. Sống qua thời gian và không gian vì thời gian và không gian ấy đã trở vào trong nội tâm, đã trở thành một tình cảm trong nội tâm, như bang chủ Cái bang AMVC (PHĐ) viết « thời gian và nhớ nhung … một. Thời gian … nhớ nhung ! ». Nhưng vượt qua cũng là một phủ định biện chứng (hè hè !) và da thịt của cuộc phủ định này đau đớn lắm. Thời gian thực của nhớ nhung là thời gian trước chiến tranh, và sự phủ định thực của thời gian đó là chiến tranh, đối với những con người bình thường giản dị – người anh hùng hay triết gia có thể không coi chiến tranh là sự triệt tiêu hạnh phúc của mình.

Do đó lời của bài thơ này rất giản dị, rất đời thường. Chỉ có ba ẩn dụ, một là « lá chết », hai là « những dấu chân trên cát », cả hai tương đối phổ biến. Ẩn dụ thứ ba, « gió bắc », sẽ xin đề cập sau. « Lá chết» thì chắc chắn đã có từ lâu trên cả địa cầu, và tượng trưng cho buồn đau nhung nhớ. Ở đây đau thương này gợi đến rất cụ thể hàng triệu người đã chịu chết hay mất mát trong chiến tranh, bởi vậy Prévert không viết kiểu lá thu vàng bay lất phất qua song cửa... mà viết: lá chết... « se ramassent à la pelle » (nghĩa đen : phải hốt đi bằng xẻng), thành ngữ thông thường của tiếng Pháp, có nghĩa: vừa rất nhiều, vừa tàn tạ, không có giá trị gì cả. Còn về ẩn dụ thứ hai thì – tại hạ không biết đủ để khẳng định điều này – có thể « dấu chân trên cát » là một sáng tạo rất đẹp của Prévert, sau đó mới trở thành phổ biến; nếu thế, quả là một kỳ diệu của thiên tài : cái đẹp vừa được sáng tạo bỗng lập tức thành quen thuộc vì cảm nhận được ngay. Còn lại thì sao ? chỉ có người yêu tôi và tôi yêu người, ngày xưa mình hạnh phúc, vân vân... phức tạp hơn một chút thì thấy ngày xưa mặt trời nóng bỏng hơn.

« Thế mà tràn trề nhục cảm, biến thành thơ ! » (PHĐ). Sao vậy ? vì ở đây có một tứ thơ chủ yếu khác : sự ca ngợi tình yêu một cách đơn giản trần trụi « tôi yêu người, và người yêu tôi » kiểu từ thượng cổ tới nay ai cũng nói được đó, lại là một ẩn dụ thứ tư nữa, chính ẩn dụ đó đã đi vào lòng người đang đau đớn. Tứ thơ này kỳ lạ ở chỗ, thường thì ẩn dụ là một hình ảnh nào đó được dùng để kín đáo gợi lên một ý tưởng hay cảm xúc chỉ có một liên hệ mảnh mai với nó; vậy mà ở đây: một câu nói thông thường, nếu đọc và nghe tỉnh táo trong một văn cảnh khác sẽ thấy gần như thô lỗ, lại gợi lên... chính nó, tình yêu, một cách mãnh liệt, tràn đầy, trong lòng mọi người.

Vì nó còn là sự phủ định chiến tranh, phủ định số phận nghiệt ngã làm nên cuộc chia ly, mà bài thơ chỉ nhắc đến như « gió bắc » và « đời ». Sự chối từ đó làm nên điều kỳ diệu của ngôn ngữ: nói « gió bắc » – ẩn dụ kín đáo về quân đội Đức Quốc Xã, nước Đức ở phía đông bắc của nước Pháp – cuốn đi kỷ niệm và tiếc nuối vào quên lãng, thực ra là vì không muốn nói « gió bắc » cuốn đi đời sống ngày xưa, làm cho nó thành kỷ niệm và tiếc nuối. Chứ còn, trong một cuộc sống hạnh phúc, có đâu thời gian cho kỷ niệm và tiếc nuối. Và rồi « gió bắc » ở đoạn đầu đã trở thành « đời » một cách chung chung trong điệp khúc, như « số phận », « định mệnh »... như điều luôn luôn hiện hữu trong mỗi đời người.

Nhạc và lời bốn câu trong đoạn giữa của bài hát da diết nhất và có kịch tính cao nhất, chính vì nó thể hiện biện chứng tâm lý « biết nhưng không muốn biết nữa » này, nhất là ở hai câu giữa : quên và không quên đối chọi nhau đột ngột. Quên là muốn quên hết khung cảnh quá khứ và lý do làm cho mình đã mất hạnh phúc, nhớ là chỉ nhớ tới tình yêu thôi, tình yêu trần trụi trong tiếng nhạc ngân lên khẳng định trong bốn câu sau đó. Và những lời thủ thỉ giữa một người với một người trở thành tiếng ngân vang tha thiết với đời trong điệp khúc của bài hát, mà âm điệu thay đổi hoàn toàn. Nếu trong nửa đầu ca sĩ nói với người yêu – có thể đang xa cách, có thể không xa cách nhưng do hoàn cảnh đã đổi thay không yêu nhau nữa, có thể đã chết – trong tâm tưởng của riêng mình, với giọng điệu kể lể rất riêng tư thân mật; thì trong nửa sau ca sĩ vừa nói với người đã yêu, vừa đồng thời nói với mọi người, « người và tôi » trở thành « những người yêu nhau », ngôi thứ ba.

Tóm lại về sự trần trụi phổ quát của lời bài hát : Người kia đã chết ? không biết ! Người kia ở xa ? không biết ! Người kia đã đổi thay ? Không biết ! Ai gây ra cuộc chia ly, biết nhưng không muốn biết nữa. Ngày xưa chúng tôi/ta yêu nhau, và bây giờ tôi chỉ muốn nhớ lại tình yêu ấy, thế thôi. Và cuối cùng chấp nhận, ngay cả nỗi nhớ về tình yêu đó, nỗi nhớ đã được « vật thể hoá thành âm thanh và ký hiệu, thành vết chân có thực của con người ở đời » (PHĐ), cũng đang được sóng biển xoá đi... Nhưng xoá đây nằm ở thì hiện tại, đang xoá, có nghĩa là không chắc xoá được ! bốn câu kết cực kỳ đẹp: trách móc số phận, buồn đau, cam chịu và hy vọng cùng hiện diện.

Thế rồi khắp nơi, không chỉ ở Pháp – và không chỉ sau chiến tranh thứ hai – người ta hát và khiêu vũ trên nền một bản nhạc buồn, khi thủ thỉ khi da diết. Một bài hát khẳng định tình yêu với lời lẽ dung dị của đời thường. Nhưng hát được như thế là khởi đầu của giải thoát khỏi thảm kịch – bất kể thảm kịch nào – và khẳng định quyền có hạnh phúc của những con người bình thường. Nhưng người ta trên thế giới khi phóng tác lại lời thường không diễn tả hết những ẩn ý và cảm xúc của nguyên bản. Có sao đâu ! Cảm xúc tập thể của một cộng đồng ở một thời đại không giống như của một cộng đồng khác ở một thời đại khác.

Nếu muốn, mời bạn đọc nghe Thái Thanh hát lời Việt do Phong Vũ đặt từ năm 1957, trong đó ẩn dụ « muà thu lá vàng bay... » đã lấy lại hình ảnh buồn man mác muôn thủa của nó. Cũng thế, xin nghe thêm « Autumn leaves » (lá mùa thu), bản tiếng Mỹ – chỉ dùng lại điệp khúc thôi – do Doris Day hát năm 1956, và Eva Cassidy hát, qua phong cách Jazz, 50 năm sau. Cuối cùng xin giới thiệu Phạm Ngọc Lân hát cả lời Pháp lẫn lời Việt do ông phóng tác, và tự đệm đàn guita rất điêu luyện (tại hạ không quen ông, chỉ bất ngờ thấy trên mạng bản vidéo khá hấp dẫn này khi đi tìm thông tin về bài hát).

Bạn đọc có thể xem nguyên bản nhạc và lời ở tài liệu đính kèm.

*

Vài dòng về việc dịch, dịch khởi đi từ cảm hứng, rồi phần lớn về sau là lao động chữ nghĩa, khi đó phải loay hoay chọn lựa và sắp xếp từ ngữ... gần như giải một bài toán khô khan. Vì vậy, theo thiển ý, việc dịch thơ chỉ may ra đạt nếu không khi nào quên cảm nhận (xin dùng chữ này để chỉ chung ý tưởng và cảm xúc nhận được). Cảm nhận phải bao trùm bản dịch thơ, ưu tiên hơn sự trung thành với ngôn từ. Dịch lời cho một bài thơ/nhạc nhuần nhuyễn như bài này thì cảm nhận đến từ cả nhạc lẫn lời – có khi các ca sĩ lớn cũng có phần ảnh hưởng. Bạn sẽ thấy Yves Montand không hát mà chỉ đọc tám câu thơ đầu, và... ối giời ! nụ cười của Juliette Greco khi chuyển sang điệp khúc.

Cảm nhận đó (dĩ nhiên chủ quan) vừa được trình bày ở trên.

Tại hạ, khi dịch để hát được bằng tiếng Việt, cố theo sát cả âm điệu lẫn ý tưởng và tình cảm từ đó toát ra, mặc dù biết rằng như thế là « quy hình tròn thành hình vuông ». Không thể không có khuyết điểm, đặc biệt là với câu hỏi « tiếng Việt này có là tiếng Việt không ? » Xin bạn đọc xét xem và lượng thứ. Nhưng có một điều có lẽ thấy lạ tai, đó là hai chữ « người », và « tôi ». Chỉ xin nói đó là lựa chọn của tại hạ từ trước khi bắt đầu.


Hàn Thuỷ


Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: thơ dịch
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us