Luận về Sự Thật và Giả Dối theo nghĩa phi luân
Luận về Sự Thật và Giả Dối
theo nghĩa phi luân
(1873)1
Friedrich Nietzsche
Nguyễn Thanh Giản phiên dịch
Lời người dịch : Sự thật là gì ? Sự thật là tuyệt đối hay tương đối ? Trên bình diện tri thức luận, đó là những tiền đề, tuy phổ quát nhưng vô cùng nan giải ; luôn luôn là những tiền đề tranh luận gay go qua suốt 2500 năm của tiến trình phát triển lịch sử trí thức của con người, cách riêng trong tôn giáo và triết học, nhất là ở phương Tây. Từ lịch sử đó, khởỉ đi bằng những cuộc tranh biện cổ điển nổi tiếng giữa Socrates cùng với Plato, đồ đệ của ông, và nhóm đương thời được mệnh danh bằng một danh hiệu không mấy tích cực là “ngụy biện” (sophists) ; cho tới những cuộc tranh cải hôm nay giữa các phe phái về những giá trị đúng sai trong những định chế tôn giáo, luận lý, triết học và chính trị, chẳng hạn như về vấn đề đồng tình luyến ái, phá thai, công bằng, sát nhân v.v…
Dường như mọi cuộc chiến tranh hay xung đột về lý
tưởng tôn giáo và chính trị thường là do hệ quả bất
đồng thuận với nhau giữa các phe phái, tổ chức, dân
tộc hay quốc gia – nói chung. Nói cách khác, là những
tranh chấp giữa tương đối luận và tuyệt đối luận.
Theo Socrates, tri thức là sự thật tuyệt đối, phát xuất từ một Thực tại Siêu việt được nhận diện như một Logos (Thần trí, Ngôi Lời). Khác với tư kiến cá nhân, tri thức là sự thật tiên nghiệm, hoàn vũ mà con người thủ đắc qua tiến trình mà Socrates-Plato gọi là “hồi tưởng”. Ngược lại, đối với trường phái ngụy biện ở trên, sự thật là chủ quan, tương đối mà giá trị của nó còn tùy thuộc ở cá nhân, văn hóa, không gian và thời gian ; đúng như câu nói nổi tiếng của Protagoras, nhà ngụy biện tiêu biểu, thì rằng con người là thước đo lường của mọi sự.
Đối với Nietzsche, trong tư cách của một nhà ngữ văn
(nghiên cứu văn hóa cổ điển), cái gọi là sự thật,
thực chất chỉ là những quy ước cố hữu được phát
triển, ràng buộc và lưu hành trong mọi văn hóa ; qua nhiều
thế hệ và thời đại chúng trở thành sự thật. Nietzsche khám phá thêm
rằng sự thật có gia phả và lịch
sử của chúng và lịch sử đó được phản ảnh trong
ngôn ngữ của con người qua việc hình thành những khái
niệm dựa vào những nguyên tắc ký âm nhất định để
kết thành từ vựng.
Đây là bài tiểu luận quan trọng. Nietzsche vốn được xem là tiền thân của chủ nghĩa Hậu Hiện đại.
Nhóm triết gia Pháp (Deleuze, Derrida, Foucault, De Man v.v…)
đã sử đụng tư liệu này trong số những tác phẩm của
Nietzsche làm nền tảng để xây dựng hệ thống tư tưởng
của họ. Không như diễn giải siêu hình luận của
Heidegger về Nietzsche, Deleuze chủ trương rằng các tác
phẩm và tư tưởng của Nietzsche hàm ngụ vô số kể
những diễn giải và ý nghĩa ; Derrida thì cho rằng “ không
có cái gọi là sự thật về Nietzsche hay về những văn
bản của Nietzsche.”
Như vậy, đó là lý đo chính yếu rằng bài tiểu luận
này được tuyển chọn để phiên dịch sang Việt ngữ.
(Một ghi chú: bài tiểu luận này không được Nietzsche cho xuất bản vì bất luận lý do nào. Do đó, rất có thể rằng đây không hẳn là quan điểm chính thức của Nietzsche về sự thật hay nếu có, thì đã thay đổi ở Nietzsche sau này.)
1
Lúc xưa, ở một chân trời xa xăm của vũ trụ đã phát
sinh vô tận những thái dương hệ lấp lánh, từ đó có
một vì sao với những mãnh thú tinh quái đã sáng tạo ra
tri thức. Đó là giây phút kiêu căng và xảo trá nhất
của “lịch sử thế giới”, thế nhưng, chỉ cần một
phút. Sau vài hơi thở của thiên nhiên, vì sao trở thành
nguội lạnh và đậm đặc, và những con thú tinh quái đó
phải chết. Người ta ắt đã sáng chế ra một huyền
thoại như thế, nhưng rồi hắn vẫn không thể nào trưng
dẫn một cách đúng đắn rằng trí thông minh của con
người thì tội nghiệp biết bao, tăm tối và ngắn ngủi
biết bao, vô định và tùy tiện biết bao so với thiên
nhiên. Đã có những cái hằng hữu khi nó [trí thông
minh] chưa từng xuất hiện. Và cả khi nó bao trùm lên
trí óc con người, cũng chẳng có gì sẽ xảy ra. Bởi
rằng trí thông minh con người thiếu chức năng để có
thể phóng vượt qua khỏi kiếp người. Đúng hơn, chính
là con người, và sở hữu chủ và kẻ sáng tạo ra nó
mới coi đó là nghiêm trọng – như thể rằng cái trục
thế giới đã luân chuyển quanh nó. Nhưng nếu ta có thể
trao đổi được với một con nhặng, ta ắt sẽ nghiệm
ra rằng hắn cũng tương tự như những con nhặng bay lặn
trong không khí đều có cùng một chiều kích quan trọng
như nhau, rằng hắn cảm thấy như cái trung tâm điểm của
vũ trụ đang bay bổng trong hắn. Không có gì là quá hèn
kém và tầm thường trong thiên nhiên đến nỗi mà nó
không bị thổi phồng tức thì giống như trái bong bóng
được thổi nhẹ qua sức mạnh của tri thức. Và cũng
như mọi người gác cổng cần có người thán phục, cũng
thế thậm chí kẻ hãnh diện nhất, là triết gia, từng
giả định rằng hắn vốn đã hình dung ra mọi nhãn quan
của vũ trụ từ mọi hướng đang tập trung vào hành động
và tư tưởng của hắn một cách thấu suốt.
Điều đáng kể là chính cái trí não thông minh đó thể hiện nơi những con người bất hạnh nhất, dòn mỏng nhất, và nhắn ngủi nhất như một thứ phương tiện nhằm hỗ trợ hắn trong cuộc hiện sinh nhất thời. Bởi không có nó con người ắt sẽ tìm ra mọi lý do để chạy trốn sự hiện hữu của mình một cách vội vã như đứa con trai của Lessing. Sự hãnh diện về tri thức và cảm thức đó khiến người ta bị phỉnh gạt, giống như con ếch với cặp mắt mù lòa thì các giác quan con người cũng sẽ lừa đảo hắn về giá trị của hiện hữu. Bởi chưng niềm hãnh diện đó đã hàm chứa trong nó sự phỏng định phỉnh nịnh nhất về giá trị của tri thức. Sự lường gạt là hiệu ứng tổng quát nhất của niềm hãnh diện như thế, tuy nhiên thậm chí vẫn có những hiệu ứng cá biệt nhất tiềm ẩn nơi chúng với cùng một tính chất lường gạt xảo trá.
Vốn được xem là phương tiện bảo tồn cuộc sống cá nhân, trí thông minh con người đã khai mở những nguyên động lực chính yếu bằng lớp mặt nạ mà những cá nhân hèn yếu, kém linh hoạt sử dụng để bảo tồn bản thân – bởi họ đã bị khước từ mọi cơ hội trong những cân nhắc tính toán của việc đấu tranh sinh tồn bằng sừng nhọn hay bằng hàm răng sắc bén của loài mãnh thú săn rình rập. Nghệ thuật của chiếc mặt nạ xảo trá này đạt tới mức tột đỉnh nơi con người. Lường gạt, nịnh bợ, dối gian, ảo tưởng, đâm thọc, xuyên tạc, sống bằng những huyền thoại hào nhoáng, đội mặt nạ, ẩn núp đằng sau những ước lệ, đội lốt kẻ khác và bản thân – tóm lại, đó là sự nhảy múa trên một ngọn lửa trùng điệp của hư không – vậy là quá đủ những quy tắc và luật lệ cho con người đến nổi chẳng còn gì để khó hiểu rằng làm cách nào họ có thể nảy sinh ra cái nhu cầu thành thật và thuần thục như thế trong việc mưu tìm sự thật. Họ đang lặn ngụp trong những ảo tưởng và trong những ảo ảnh của giấc mơ; mắt họ thoáng nhìn những lớp bì của sự vật và tìm thấy ở chúng những “dạng thức”. Những giác quan của họ không thể nào đạt tới sự thật. Họ mãn nguyện với những kích tố, như thể là mình đang tham dự vào trò nghiên cứu khảo xét từ bên trong của mọi sự thể. Hơn thế, con người tự nguyện phỉnh gạt mình trong những cơn mộng mỗi đêm của đời mình. Ý thức đạo đức của hắn không ngăn cản nổi sự kiện này. Mà ngược lại có những kẻ đã dừng lại cơn ngáy ngủ qua âm vang cường lực của ý chí. Thực tế con người biết gì về bản thân hắn ? Phải chăng, thực sự là hắn từng có khả năng thấu triệt chính bản thân của hắn, giống như sự phô trương của chiếc kệ trưng bày biểu hiện ? Không phải rằng thiên nhiên đã che giấu hắn mọi sự – thậm chí cả những điều liên quan tới chính thân xác của hắn – nhằm mục đích chế tài và khóa chặt hắn trong một ý thức kiêu hãnh, phỉnh gạt khỏi cơn biến loạn xào xáo của ngũ tạng, của dòng huyết mạch tuôn chảy, và những cơn run rẩy của từng phiến tế bào ! Thiên nhiên đã ném đi chiếc chìa khóa của nó ; và đối thủ của tính hiếu tri tai quái ắt có lúc sẽ nhìn xuyên qua kẽ hở của ý thức và rồi thấu nhận ra con người tồn hữu bất chấp sự vô minh của mình trước nghịch cảnh của lòng vô tâm, ích kỷ, tham lam và hãm hại – gần giống như là kẻ mộng du trên lưng cọp. Trong điều kiện như thế, làm thế quái nào để nảy sinh ra cái động cơ mưu tầm sự thật
Cho đến nay vì mỗi cá nhân muốn bảo vệ hắn khỏi tha nhân, hắn sẽ vận dụng trí thông minh của mình chủ yếu là để đánh lạc hướng trong các tình huống tự nhiên. Nhưng cùng lúc, vì sự nhàm chán và vì nhu cầu, con người khát vọng sống chung trong xã hội và đám đông ; vì thế, hắn cần hòa hoãn và tùy cơ ứng biến ra khỏi thế giới của mình ít nhất để hạn chế cái họa nghiệt ngã nhất là bellum omni contra omnes2. Một thái độ sống chung hòa bình như thế sẽ khai mở điều mà dường như là bước đi đầu tiên để hắn thủ đắc cái nhu cầu nan giải của việc truy tầm sự thật : có nghĩa là từ lúc này trở đi người ta đã xác định rõ những gì được xem là “sự thật”. Tức là, người ta đã phát kiến ra một quy ước hợp pháp và ràng buộc một cách đồng nhất cho mọi sự, và trong cùng một cách thức sự pháp chế hóa về ngôn ngữ này dẫn tới việc hình thành những quy luật tiên khởi về sự thật. Như vậy, sự tương phản giữa sự thật và sự gian dối bắt đầu được phân định từ đó. Kẻ nói dối là người sử dụng những quy ước hợp thức, những hình dung từ, nhằm biến một sự thể nào đó không thật trở thành thật. Chằng hạn, hắn nói : “tôi giàu”, [thực tế] để cho phù hợp với hoàn cảnh của hắn lẽ ra phải là chữ “nghèo”. Hắn lạm dụng những quy ước nhất định bằng việc thay thế tùy tiện hay thậm chí đảo nghịch danh tính. Nếu hắn hành xử như thế trong một cung cách ích kỷ và tệ hơn còn gây thiệt hại, thì xã hội sẽ không còn tin tưởng nơi hắn và do vậy sẽ khai trừ hắn. Người ta tránh né kẻ gian dối không chỉ đơn thuần vì bị lường gạt nhưng vì những tai hại gây ra bởi tính lường gạt của hắn. Vì vậy, thậm chí ngay trong tình cảnh như thế, đại để là họ không nhất thiết thù ghét bản thân tính lường gạt, nhưng chính là những hậu quả đáng ghét, thù địch của một loại lừa đảo nào đó. Tương tự trong một ý nghĩa giới hạn nào đó thì rằng người ta không muốn bất luận sự gì khác hơn là chính sự thật : hắn mong muốn mọi hệ quả dễ dãi, thăng tiến cuộc sống phát xuất từ sự thật. Hắn sẽ không một mảy may bận tâm tới những tri thức suông thuần túy không hàm chứa một hiệu quả nào ; thậm chí hắn có khuynh hướng ác cảm đối với những sự thật có thể dẫn tới những tai họa và hủy diệt. Và hơn vậy, thế còn bản thân của vấn đề quy ước trong ngôn ngữ là như thế nào ? Phải chăng chúng là sản phẩm của tri thức, tức là ý thức sự thật ? Phải chăng mọi quy ước đều tương ứng phù hợp với các sự thể ? Có thể nào rằng ngôn ngữ thì mô tả chính xác mọi thực tại ?
Sự kiện rằng chỉ khi nào thông qua sự quên lãng con người mới vọng tưởng rằng hắn có thể đạt tới “sự thật” theo phân hạng vừa được biểu thị trên. Nếu hắn bất bình với sự thật ở hình thái lặp ngữ, tức là, nếu hắn không được toại nguyện với những lớp vỏ rỗng tuếch, thì hắn luôn luôn có thể hoán chuyển sự thật bằng ảo tưởng. Một từ (word) là gì ? Đó là sự sao chép về âm thanh [ký âm] của những kích tố thần kinh. Nhưng để rút tỉa ra những kết luận từ những kích tố thần kinh đó đối với một nguyên nhân ngoại tại thì đó là hệ quả của việc ứng dụng sai lầm và không thể biện minh theo nguyên tắc lý trí đầy đủ. Nếu bản thân sự thật là yếu tố quyết định trong việc hình thành ngôn ngữ, và nếu dựa vào nguyên lý trên tính chắc chắn để xác định mọi quy ước, thì làm cách nào để ta bạo dạn phát biểu là “hòn đắ kia cứng rắn” như thể rằng “cứng rắn” là thuộc tính mà ta không quen thuộc, và đó không chỉ hoàn toàn là một kích thích tác động chủ quan sao ! Ta phân loại vạn vật dựa theo giới tính, chỉ định cái cây to là giống đực và cây nhỏ là giống cái. Quả là một phân loại tùy tiện biết bao ! Còn cần đi bao xa nữa để sự kiện này vượt qua khỏi những chính bản của tính chắc chắn ! Ta hãy nói [thí dụ] về một “con rắn” : sự đặt định này chỉ mới đụng chạm tới khả năng của nó [con rắn] để nó tự xoáy quyện lấy thân của nó và tuy thế người ta ắt cũng có thể gọi đó là một con trùng. Thật là sự phận biệt tùy tiện biết bao ! Thật là thiên kiến một chiều biết bao lúc thì thế này lúc thế nọ ! Việc tỉ giảo đối chiếu giữa các ngôn ngữ khác nhau chứng minh rằng không bao giờ có vấn đề về sự thật, không bao giờ có vấn đề diễn tả chính xác ; nếu không tất nhiên sẽ không có quá nhiều ngôn ngữ như vậy. Cái gọi là “vật tại thân” [thing in iself] (đó chính hẳn là sự thật thuần túy, độc lập khỏi mọi hệ quả của nó) mà kẻ sáng tạo ra ngôn ngữ không thấu triệt và trong tối thiểu không đáng để ta theo đuổi. Người sáng tạo trên chỉ việc sắp đặt, ấn định tương quan sự vật cho con người, và vì phải mô tả những tương quan đó, hắn cần sử dụng những biểu tượng táo bạo nhất. Để bắt đầu, người ta chuyển hóa một kích tố thần kinh thành một hình tượng : đó là biểu tượng thứ nhất. Từ cái hình tượng đó, người ta chuyển hóa nó thành cái âm thanh : biểu tượng thứ hai. Và cứ mỗi lần có sự nhảy vọt triệt để từ một phạm trù, sẽ tiến đến một phạm trù toàn toàn mới và khác biệt. Ta có thể mường tượng ra một người hoàn toàn bị điếc và chưa từng bao giờ cảm nhận được âm thanh và âm nhạc. Có lẽ một người như thế sẽ chăm chú nhìn vào những ký âm của Chladni một cách kinh ngạc ; có lẽ hắn sẽ khám phá ra các nguyên nhân làm dao động sợi dây đàn và lúc bấy giờ hắn sẽ thề độc rằng hắn biết rõ cái mà người ta gọi là âm thanh. Chính là ở phương thức này khiến ta những người quan tâm tới ngôn ngữ ; ta tin rằng mình hiểu biết nhiều về bản thân của mọi sự vật khi nói về các cây cối, màu sắc, tuyết, và những bông hoa ; và tuy nhiên ta không biết gì cả ngoại trừ là những biểu tượng tiêu biểu cho mọi sự -- những biểu tượng mà chúng hoàn toàn không có gì tương ứng với mọi thực thể ở nguyên thuỷ. Trong cùng một phương cách mà cái âm thanh kia dường như biểu thị một hình ảnh sỏi cát, thì cái huyền nhiệm X của vật tại thân thoạt tiên xuất hiện giống như một kích tố thần kinh, rồi biến thành một hình tượng, và sau cùng trở thành âm thanh. Như vậy thì trong mọi trường hợp, việc khai sinh của ngôn ngữ không được tiến hành dựa theo một cơ bản lý luận nào cả, và tất cả mọi vật liệu nội tại và con người của sự thật, khoa học gia, và triết gia sau này đã sử dụng và kiến tạo dựa vào chúng, nếu [chúng] không phải xuất phát từ miền đất-không-bao-giờ-không-bao-giờ, thì ít nhất cũng không phát xuất từ yếu tính của vạn vật.
Nói cách riêng, ta hãy khảo cứu xa hơn việc hình thành các khái niệm. Mỗi từ tức khắc trở thành một khái niệm, chính xác ở một cấp độ nào đó dường như rằng người ta không giả định nó được sử dụng để gợi tưởng một kinh nghiệm hoàn toàn nguyên ủy, cá nhân và độc nhất liên quan tới nguồn gốc của nó ; nhưng đúng hơn, một từ trở thành một khái niệm ở một góc độ nào đó dường như nó đồng loạt phải phù hợp vô kể với mọi trường hợp hơn kém tương tự -- có nghĩa là, nói một cách tinh túy và đơn giản, có những trường hợp mà chúng không bao giờ đồng đẳng và như vậy hoàn toàn bất đồng đẳng. Mỗi khái niệm được khai triển từ phương trình của những sự vật bất đồng đẳng. Điều chắc chắn như rằng chiếc lá này tuyệt nhiên không bao giờ giống như chiếc lá kia, như vậy, chắc chắn cái khái niệm “chiếc lá” được hình thành một cách tùy tiện bất kể tới những khác biệt giữa chúng và bằng việc thông qua những khía cạnh dị biệt của chúng. Sự kiện này gợi tưởng lên rằng trong thiên nhiên, ngoài những chiếc lá kể trên, còn tồn tại một “chiếc lá”: tức là mô hình nguyên thủy mà qua đó tất cả mọi chiếc lá có lẽ được kiến trúc, phác họa, đo lường, tráng màu, uốn nắn, và tô sơn – nhưng không được gầy dựng do bởi bàn tay khéo léo cho nên chẳng có loại lá nào là rập khuôn, đáng tin tưởng, và phản ảnh trung thành với mô hình nguyên gốc. Ta gọi một người là “thành thật”, và rồi thắc mắc : “Sao nay hắn lại hành xử quá thành thật như thế ?” Câu trả lời thường tình của ta : “bởi vì hắn là thành thật”. Rõ là thành thật ! Sự kiện này dẫn tới rằng chiếc lá này là căn nguyên của những chiếc lá kia. Ta tuyệt nhiên không biết gì về phẩm chất của cái gọi là “thành thật” ; nhưng ta biết rõ có vô số kể những hành vi cá nhân và dị biệt mà ta xếp hạng chúng bằng nhau bất chấp sự kiện là chúng không đồng hạng và bây giờ ta sắp xếp là những hành vi “thành thật”. Sau cùng, qua những tiến trình trên ta rút tỉa ra công thức qualities occulta3 mang danh tính “trung thực”. Ta thủ đắc khái niệm cũng như dạng thức, bằng việc bỏ qua không đếm xỉa gì tới những cái cá biệt và thực hữu ; ngược lại, thiên nhiên tuyệt nhiên không hề biết tới mọi dạng thức và khái niệm, và cũng như về mọi loài, tuy nhiên chỉ có một ẩn số X là bất khả tri và bất khả định đối với ta. Bởi vì ngay cả việc so sánh tương phản của ta về giữa cá nhân và một loài chỉ là thuộc tính con người gán cho chúng nhưng không phát xuất từ bản thể của vạn vật ; tuy nhiên ta không thể giả định rằng sự tương phản này thì không tương ứng với bản chất của mọi thực tại : dĩ nhiên đó hẳn là một quả quyết giáo điểu và, như vậy, vẫn không thể chứng minh bằng phản đề của nó.
Như vậy sự thật là gì ? Một chuỗi năng động của những biểu tượng, biểu ngôn và nhân hóa thể (tạm dịch từ anthropomorphisms) -- tóm lại, đó là tổng thể của những tương quan con người, vốn được tăng cường, chuyển dịch, và đánh bóng một cách thi phú và hùng biện, và sau thời gian sử dụng lâu dài, dường như đối với mọi người [chúng] trở thành ổn định, chính bản (canonical), và ràng buộc. Sự thật là ảo tưởng mà qua đó người ta đã quên đi rằng nó chỉ là vậy – Chúng là những biểu tượng đã trở thành mai một và bị dốc cạn bởi cảm lực, là những đồng tiền đã đánh mất mã bóng và nay chỉ còn là miếng kim loại, không còn là đồng tiền nữa.
Ta vẫn không hiểu nổi nhu cầu về sự thật đến từ đâu. Vì cho tới nay ta chỉ nghe đó là nhiệm vụ mà xã hội áp đặt nhằm tồn tại : trung thực (truthful) có nghĩa là sử dụng những biểu tượng thường nhật. Như thế, để diễn tả nó theo luân lý, đây là bổn phận phải nói dối dựa theo một quy ước nhất định, nói dối cho đám đông và theo một cách thức khả dĩ ràng buộc mọi người lại với nhau. Dĩ nhiên bây giờ người ta đã quên đi rằng đây là cung cách mà mọi sự vật biểu hiện cho hắn. Như vậy hắn sẽ dối gian theo phương thức được chỉ định ở trên, một cách vô thức và phù hợp với những thói quen từ nhiều thế kỷ ; nói chính xác hơn, hắn đạt tới ý thức sự thật qua vô thức và sự quên lãng. Với ý thức rằng người ta phải phân loại một vật cho là “màu đỏ”, vật khác là “lạnh”, và cái thứ ba là “câm lặng”, đó chỉ là một ngẫu hứng luân lý liên quan tới sự thật. Danh dự, uy tín và sự tiện lợi của sự thật là những thuộc tính mà một cá nhân trưng dẫn cho bản thân để tương phản với kẻ nói dối, một người không đáng tin cậy và cần phải khai trừ. Là một chủ thể “có lý tính”, bây giờ hành xử của hắn bị chi phối bởi những cái trừu tượng. Hắn không còn chịu đựng nổi những lôi cuốn bởi các ấn tượng đột xuất, bởi những trực giác. Tiên quyết, hắn phổ cập hóa tất cả những ấn tượng này thành những khái niệm kém màu sắc, lạnh lùng hơn, nhờ vậy hắn có thể nhờ cậy vào kim chỉ nam của đời mình và hành xử theo đó. Sự kiện để phân biệt con người khỏi loài vật là tùy thuộc vào khả năng hóa giải những biểu tượng thuộc cảm thức theo một bố cục nào đó, và như thế tức là biến một hình tượng thành một khái niệm. Bởi chưng những gì khả thể trong phạm trù của những bố cục này ắt đã không bao giờ có thể được thành tựu bởi những ấn tượng linh động đầu tiên : sự hình thành thứ bậc của một trật tự kim tự tháp dựa theo giai tầng và cấp độ, sự gầy dựng một thế giới mới kèm theo những luật lệ, đặc quyền, sự tuân hành, và những ranh giới có phân định rõ ràng – một thế giới mới bây giờ đương đầu với thế giới khác linh động hàm chứa những ấn tượng tiên nguyên mà so với thế giới nhận thức tức thời thì vững vàng hơn, phổ quát hơn, và nhân tính hơn, và do vậy là một thế giới thuộc quy luật và mệnh lệnh. Ngược lại mỗi biểu tượng thuộc cảm thức thì cá biệt và bất đồng đẳng và vì thế có thể tránh thoát khỏi mọi phân loại, chính cái kiến trúc vĩ đại của những khái niệm này phơi bày luật lệ cứng nhắc [như] của căn hầm La mã và rằng trưng dẫn một luận lý kiên cường và vững chãi là những đặc trưng hoá của toán học. Bất cứ ai cảm nhận ra sự vững chãi này [của luận lý] sẽ khó lòng tin tưởng rằng thậm chí chính cái khái niệm dù là liều lĩnh, táo bạo, và uyển chuyển như con xúc xắc (a die) – đơn thuần chỉ là vết tích của một biểu tượng, và rằng chính cái ảo tưởng của nghệ thuật sẽ biến hóa một kích tố thần kinh thành một hình tượng, nếu không là mẹ đẻ, thì phải là bà tổ của mỗi khái niệm đặc thù. Nhưng trong cái trò chơi quấy rối bằng khái niệm về “sự thật” có nghĩa là trò chơi xúc xắc theo một phương thức nhất định, đếm mọi nút chấm cho chính xác, lập khuôn theo đúng phạm trù, và tránh không bao giờ vi phạm trật tự về đẳng cấp và giai tầng. Tương tự như dân La mã và dân Etruscans phân chia thiên đàng bằng những đường thẳng toán học cố định và phân định mỗi thần thể vào mỗi khu vực giới hạn gọi là linh khu (templum), cũng vậy mỗi dân tộc đều có một thiên đàng của khái niệm được phân định theo toán học như thế ở trên và từ đó tưởng rằng sự thật đòi hỏi ta phải truy cập mỗi thần đế về khái niệm chỉ trong cõi riêng của mình. Tới đây người ta chắc chắn sẽ khâm phục con người quả là thiên tài quyền năng về kiến tạo, bởi hắn đã thành công trong việc gầy dựng cái tháp vòm vô cùng phức tạp của những khái niệm trên nền tảng lung lay của nó, và giống như trên vùng nước tuôn chảy. Dĩ nhiên, để chống đỡ một nền móng như thế, công cuộc kiến tạo của hắn giống như việc kiến trúc màng nhện : tinh vi đủ để chuyển tải mọi cơn sóng, kiên cường đủ để không bị cuốn hút theo chiều gió. Với tư cách là thiên tài về sáng tạo con người tự cho mình siêu việt lên mọi loài ong theo cách thức này : trái ngược với loài ong xây dựng bằng sáp lấy từ thiên nhiên, con người xây dựng bằng những tư liệu vô cùng tinh vi mà hắn đầu tiên phải nhào nắn từ trong khối óc của hắn trước. Hắn rất được khâm phục là vậy, nhưng không phải vì động cơ tìm kiếm sự thật của hắn hay bởi tri thức thuần túy của hắn về vạn vật. Khi một người nào đó che giấu một đồ vật trong bụi cây và sau đó trở lại tìm kiếm và tìm thấy vật đó ở cùng một chỗ, công cuộc tìm kiếm như thế quả chẳng có gì để khen ngợi cả. Song đây chính là vấn đề của việc tra tìm “sự thật” trong phạm trù của lý trí. Nếu tôi đưa ra một định nghĩa về một con nhũ thú (a mammal), và rồi, sau khi xem xét một con lạc đà, dõng dạc tuyen bố : “hãy ngó coi, [đó là] một con nhũ thú”, cứ như thế tôi thực tế vừa trưng bày một sự thật ra ánh sáng, nhưng đó là một sự thật không mấy giá trị. Tức là, một thứ sự thật hoàn toàn bị nhân hóa không có gì là “thật tại thân” (true in iself) hay có giá trị chân thực và phổ quát bên ngoài con người cả. Cho cùng, kẻ tra tìm sự thật như thế chỉ là đi tìm chuyển hóa thế gian vào cõi người. Hắn nỗ lực tìm hiểu thế giới qua những gì quen thuộc tương ứng với con người, và trên hết bằng sức phấn đấu của mình hắn đạt được cái cảm giác hội nhập. Tương tự như thế, các chiêm tinh gia coi các vì sao là để phục vụ con người và [coi chúng] có liên hệ tới niềm vui hay nỗi khổ của hắn, như kẻ tra cứu coi toàn thể vũ trụ có liên đới với con người : cả vũ trụ là dư âm tan vỡ cùng tận của con-người-tượng-thanh nguyên thủy ; cả vũ trụ là bản sao phân chia vô tận của con-người-tượng-hình nguyên thủy. Phương pháp của hắn là đối xử với con người bằng sự đo lường của vạn sự ; nhưng khi làm như thế hắn tiến hành một cách sai lầm rằng hắn có trong tay những thứ [mà hắn sử dụng để đo lường] như chỉ là những vật thể, đối tượng. Hắn quên đi rằng mọi biểu tượng nguyên thủy về khái niệm cũng chỉ là biểu tượng và bản thân chúng hẳn không phải là thực tại.
Người ta chỉ có thể sống bình yên, an toàn, và nhất trí nếu biết quên đi cái thế giới sơ đẳng của biểu tượng : chỉ trong tư thế hiện hữu và sự tích lũy sung mãn những hình tượng xuất phát từ suối nguồn của quan năng tưởng tượng cơ bản của con người như khối nước cuồng nộ, chỉ ở niềm tin sắt son rằng chính cái mặt trời này, khung cửa này, cái chính bàn này là sự thật, nói tóm lại, chỉ khi hắn quên đi rằng bản thân hắn là một chủ thể sáng tạo nghệ thuật, thì lúc đó con người mới sống trong bình yên, an toàn và nhất trí. Nếu giả như hắn có thể trốn thoát khỏi tường ngục của niềm tin đó, sự “tự thức” của hắn ắt sẽ tan biến ngay lập tức. Thậm chí còn một điều nữa khó khăn đối với hắn để nhìn nhận với mình rằng loài côn trùng hay loài chim cảm nhận một thế giới hoàn toàn khác biệt với cái thế giới của loài người, và rằng cái câu hỏi liên quan tới nhận thức nào trong số những nhận thức này về thế giới là đúng thực hơn là một câu hỏi vô nghĩa ; bởi vì tiên quyết nó cần phải xác định đâu là kim chỉ nam của nhận thức đúng đắn, có nghĩa là, một chuẩn mực như thế không thể đạt được. Dù sao trong mọi trường hợp, đối với tôi dường như rằng cái “nhận thức đúng đắn” kia – mà ta có thể hiểu là “sự diễn tả đúng đắn về một khách thể trong chủ thể” – đã là điều bất khả thể đầy mâu thuẫn. Bởi vì giữa hai phạm trù tuyệt đối khác biệt, như giữa chủ thể và khách thể, không hề có một tương quan nhân quả nào, không có đúng sai, và không có diễn giải ; tối đa, chỉ tồn tại một tương quan thẩm mỹ : ý tôi, chỉ là sự luẩn quẩn của ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ – là bởi vì người ta sẽ đòi hỏi tôi, ở mọi trường hợp, một phạm trù trung gian tự do sáng tạo và một nguyên lực làm môi giới. “Sự biểu hiện” (appearance) là thuật ngữ mang nhiều cám dỗ, đó là lý do tại sao tôi vốn tránh né nó4. Vì rằng thể tính của sự vật “có vẻ như” (appears) trong thế giới thực nghiệm là sai lầm. Một hoạ sĩ ước muốn phác họa một bức tranh bằng bản nhạc trong tâm tưởng của hắn nhưng không dùng tới đôi bàn tay, bằng cách hoán chuyển này giữa hai cõi, [hắn] vẫn trưng dẫn nhiều về thể tính của mọi sự vật hơn cả cái thế giới thực nghiệm kia. Thậm chí tương quan giữa một kích tố thần kinh so với cái hình tượng nảy sinh từ đó là chuyện không cần thiết. Nhưng khi cùng một hình ảnh đó phát sinh cả triệu lần và được kế thừa qua nhiều thế hệ và sau cùng xuất hiện mội lần trong cùng một tình huống cho nhân loại, thì lúc đó cho cùng nó dường như sẽ là một hình ảnh thiết yếu duy nhất và dường như mối tương quan của chính kích tố thần kinh nguyên thủy so với cái hình ảnh nảy sinh trên là một tương quan nhân quả thuần túy. Trong cùng một cách, người ta có thể cảm nhận ra một giấc mơ vốn tái diễn vô tận và coi đó là thực tại. Dù sao việc tăng cường và củng cố một biểu tượng tuyệt nhiên không bảo đảm tính cần thiết của nó và sự biện minh triệt để.
Những ai quen thuộc với những tư duy trên chắc chắn sẽ cực kỳ bất tín nhiệm mọi duy thức luận loại này : thường thì hắn tự thuyết phục mình ngay từ lúc ban đầu về sự nhất trí hằng cửu, sự hiện diện phổ quát, và sự khả thể sai lầm của những quy luật tự nhiên. Hắn đã đi tới kết luận rằng cho tới nay ta có thể chú tâm ở đây – từ độ cao xa thẳm đến chiều sâu cùng tận – rằng mọi sự thể đều đã ổn định, viên mãn, vô cực, cân xứng, và liên tục. Khoa học luôn luôn có thể khai mở tuyến lộ này một cách thành công mỹ mãn, và những gì người ta khám phá ra sẽ hòa hợp, ăn khớp thay vì xung khắc với nhau. Điều này gần như không ăn nhập gì tới sản phẩm của trí tưởng tượng cả, bởi nếu là như thế, thì ở một nơi chốn nào đó người ta ắt sẽ thần thánh hóa ảo tưởng và thực tại. Đối nghịch với nó, ta phải nói rằng : giả nếu như mỗi người chúng ta đều có một loại giác quan khác nhau – tức là nếu ta chỉ nhận thức vạn vật như lúc thì là con chim, lúc là con sâu, lúc là cây thực vật, hoặc giả một người trong chúng ta nhìn thấy một kích tố giống như màu đỏ, cái khác màu xanh, trong khi cái thứ ba thậm chí cùng một kích tố nhưng lại là âm thanh – lúc đó hẳn không còn ai bàn luận về quy luật thiên nhiên nữa, đúng hơn, người ta sẽ thấu hiểu thiên nhiên chỉ là sự sáng tạo thuần túy chủ quan ở mức độ tột đỉnh. Cho cùng, một loại quy luật thiên nhiên như thế có nghĩa là gì với ta ? Ta chưa từng quen thuộc với vật tại thân, nhưng chỉ biết tới những hiệu năng của nó, tức là qua tương quan của nó với những quy luật khác trong thiên nhiên – từ đó ta nhận ra chúng chỉ là các tổng thể của những tương quan. Như vậy tất cả những tương quan này luôn luôn phụ thuộc vào những tương quan khác và ta tuyệt nhiên không thấu hiểu nổi thể tính của chúng. Toàn bộ sự kiện mà ta thực sự thông hiểu về những quy luật thiên nhiên này là ở chỗ chính ta gán cho chúng – thời gian và không gian, và cùng với mối quan hệ về trình tự và chuỗi số. Nhưng mọi sự kỳ diệu về các quy luật thiên nhiên, những cái làm ta ngạc nhiên và dường như cần phải giải thích, những cái mà qua đó khiến ta hoài nghi về duy thức luận : tất cả đều hoàn toàn và duy nhất nằm trong hạn định của toán học và sự nhất trí trong những biểu tượng của ta về thời gian và không gian. Nhưng chúng ta đã phát minh ra những biểu tượng này từ bên trong và từ chính bản thân ta trong cùng một nhu cầu cần thiết tương tự nhu cầu của con nhện đang giăng tơ. Nếu ta bị bắt buộc để quán triệt tất cả những sự kiện này chỉ ở những dạng thức này, thì không còn gì ngạc nhiên là ta thực sự không biết điều gì khác cả, ngoại trừ những dạng thức đó. Bởi vì chúng chắc chắn sẽ cưu mang với chúng mọi quy luật về con số, và chính con số là đáng kinh ngạc nhất trong mọi sự thể. Mọi sự đều tuân theo luật lệ, do đó ta có nhiều ấn tượng về sự chuyển động của những vì sao trên trời và về các hóa trình, trùng hợp dưới đáy với những thuộc tính mà ta đặc trưng hóa cho mọi vật. Như vậy chính ta đã tự thán phục bản thân bằng một phương thức như thế. Liên quan tới sự kiện này, dĩ nhiên phải kế ra rằng tiến trình nghệ thuật của việc hình thành biểu tượng mà qua đó làm nảy sinh từng cảm giác trong ta, chính đó hàm ngụ một giả định về sự tồn tại của những hình thái này và như thế tiếp diễn ở bên trong chúng. Chỉ một cách duy nhất khả dĩ tiếp nối việc cấu tạo một kiến trúc trừu tượng từ chính những biểu tượng khiến người ta có thể lý giải được chính là sự nhất trí về căn bản của những mô hình nguyên thủy này. Tức là những kiến trúc trừu tượng thuộc khái niệm này là mô phỏng của những tương quan về thời gian, không gian và con số trong phạm trù của biểu tượng.
2
Chúng ta nhận ra về nguồn gốc, ngôn ngữ tác động như thế nào trong việc cấu tạo các khái niệm, một lao tác mà khoa học đảm nhận sau này. Giống như loài ong đồng hành xây cất những túi nhỏ của tổ ong và đổ đầy chúng bằng mật ong, khoa học cũng liên tục vun đắp kho tàng khái niệm, một nghĩa địa đầy những nhận thức. Nó luôn luôn kiến tạo câu chuyện mới, vượt cao hơn và củng cố, thanh lọc, và khử trừ những tế bào cũ ; trên hết, nó vất vả nhọc nhằn để lấp đầy cái tháp tầng kinh khủng này và bố trí ở đó một thế giới thực nghiệm, tức là một thế giới nhân hóa. Ngược lại con người của hành động ràng buộc cuộc sống của hắn vào lý trí và những khái niệm của nó để hắn khỏi bị cuốn trôi và lạc hướng, nhà khảo cứu khoa học xây chòi ngay bên cạnh tháp ngà của khoa học ngõ hầu hắn có thể làm việc ở đó và tìm thấy một chổ trú ẩn cho bản thân bên dưới những căn hầm hiện đang có đó. Và hắn cần phải có nơi trú ẩn, vì sẽ có những động lực rùng rợn luôn rình rập hắn, những động lực đối kháng với “sự thật” khoa học là những loại “sự thật” hoàn toàn khác biệt được bao che bởi những thứ biểu tượng dị biệt nhất.
Nhu cầu sáng tạo những biểu tượng là nhu cầu căn bản nhất của con người, trong bất luận trường hợp nào người ta không thể tránh khỏi nó về mặt tư duy, vì làm thế ta sẽ hủy diệt luôn chính bản thân mình. Nhu cầu này thực sự không thể bị xóa bỏ và cũng khó lòng để ta kiềm hãm bởi sự kiện là ta vẫn cần tồn tại một thế giới mới thường hằng và cố định như ngục tù lẩn tránh mọi sản phẩm phù du, những khái niệm. Nó [nhu cầu] cần phải có một phạm vi mới và một kênh khác để hoạt động, và chung chung nó đã tìm thấy nơi huyền thoại và ở nghệ thuật. Nhu cầu này tiếp tục rối nhiểu các phạm trù khái niệm và những phân bào (cells) bằng việc tiến cử thêm những trường hợp mới, biểu tượng mới, và hoán từ mới. Nó tiếp tục biểu hiện ước vọng mãnh liệt nhằm tái tạo thế giới này nhằm tự cống hiến cho con người đang tỉnh, một thế giới đầy mộng mơ nhưng là màu mè, bất thường, kém hiệu quả và thiếu nhất trí, qưyến rũ, và đó là thế giới mộng mị luôn luôn cập nhật. Quả thực, chỉ có phương cách của một mạng khái niệm thường hằng và cố định thì con người tỉnh thức mới nhận ra tỏ tường rằng mình đang thức tỉnh ; và chính bởi vì vậy mà hắn đôi lúc nghĩ rằng hắn phải chìm vào giấc mơ một khi cái mạng khái niệm này bị xâu xé bởi nghệ thuật. Pascal quả là đúng khi cho rằng nếu ta có cùng một giấc mơ mỗi tối thì ta ắt cũng sẽ bận tậm tới nó như ta bận tậm tới công chuyện ban ngày trong mỗi ngày. Pascal từng nói, “Nếu có một người thợ nào quả quyết sẽ nằm mơ suốt mười hai tiếng đồng hồ mỗi tối thì hắn phải là vua,” “Tôi tin rằng hắn ắt phải hạnh phúc như một vị vua nằm mộng trong suốt mười hai tiếng đồng hồ mỗi tối cũng sẽ hóa thành người thợ.” Thực tế, qua huyền thoại người ta mặc nhiên nhìn nhận rằng các phép lạ luôn luôn xảy ra, rằng cuộc sống tỉnh thức của một dân tộc nhạy bén về huyền thoại – như dân tộc Hy lạp, chẳng hạn – càng gần với giấc mơ hơn so với cái thế giới tỉnh thức của một tư tưởng gia bị vỡ mộng về khoa học. Một khi mà các cây cối bất ngờ có thể nói được như một nữ thần, khi một thần đế có hình dạng một con bò đực ôm giữ được nhiều trinh nữ, thậm chí khi ta thấy chính thần nữ Athena bất chợt đi trong nhóm người Peisastratus cỡi xe ngựa qua phố chợ của Athens với đàn ngựa xinh đẹp và đó là điều mà những người liêm chính của Athens tin tưởng – nếu vậy, thì cũng giống như trong giấc mơ, chuyện gì cũng có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào, và cả thiên nhiên bao quanh con người dường như không gì khác hơn là cách ngụy trang của các thần thể chỉ muốn tiêu khiển cho mình bằng việc phỉnh gạt loài ngưòi trong muôn vàn hình dạng.
Nhưng con người có khuynh hướng quyết tâm tự cho phép mình để bị lường gạt và từng, hay đã từng phấn khởi với niềm hoan lạc khi có kẻ ngâm vịnh kể cho hắn những thiên hùng ca lịch sử rồi cho đó là thật, hay khi một kịch sĩ đóng vai vua hơn cả vua thật. Bậc quân sư về sự lường gạt đó, trí thông minh đó, được tự do [hành xử] miễn sao có thể lường gạt mà không gây tổn thương ; nó [trí thông minh con người] trước kia vốn được giải thoát khỏi tình huống nô lệ và giờ đang hân hoan bất tận trong hội hè Saturnalia. Nó chưa từng bao giờ trở nên xa hoa hơn, phong phú hơn, hãnh diện hơn, khôn khéo hơn và can trường hơn. Bằng thú vui sáng tạo nó khiến mọi biểu tượng thành hỏa mù và đảo lộn mọi phiến đá trừu tượng, đến mức mà, chẳng hạn, nó quy định dòng nước là “tuyến lộ vận tải cho con người thay vì là để cuốc bộ.” Bây giờ cái trí thông minh đó đã tháo gỡ gông cùm nô lệ khỏi nó. Có nhiều lúc, nó cố gắng, một cách lanh chanh hoài công, chỉ đường vẽ lối và trưng dẫn những dụng cụ cho kẻ nghèo nàn ham sống ; nó giống như kẻ hầu hạ tìm kiếm phần thưởng và rình rập cho chủ của hắn. Nhưng này nó đã thành ông chủ và còn có gan phủi sạch hết nét nhăn nghèo khốn trên khuôn mặt. So với hành xử trước đó của nó, mọi sự lúc này đều đánh dấu bằng lớp mặt nạ giả tạo, đúng như lúc trước bằng sự xuyên tạc. Cái trí thông minh tự do này sao chép lại cuộc sống con người, nhưng nó xem cuộc sống đó là điều tốt đẹp và dường như còn mãn nguyện với nó. Bởi rằng cái mô hình và cương lĩnh của những khái niệm mà kẻ nghèo hàn bám víu cả cuộc đời dài đẳng của mình vào nhằm duy trì cuộc sống của hắn thì không là gì khác hơn cái khung sàn và trò chơi cho những thao diễn ngoạn mục nhất của một trí tuệ đã được giải phóng. Và khi nó dập nát khung sàn đó tan tành thành mảnh vụn, đưa chúng đến chỗ hỏa mù, và rối ráp nối nó lại với nhau theo một cung cách hài hước nào đó, bắt cặp những thứ trái ngược và phân tách cái đồng đẳng nhất, điều này chứng minh rằng nó [trí thông minh] không cần tới những nét tạm bợ của nếp nghèo túng và giờ nó sẽ được hướng dẫn bởi những trực giác thay vì bằng khái niệm ; Không có một con đường chính thức nào quy hướng từ những trực giác tới miền đất phối trí ma giả tạo, miền đất của những cái trừu tượng. Không hề tồn tại những trực giác như thế ; khi con người nhìn rõ vào mình, hắn trở nên ngu dại, nếu không thì hắn chỉ là nói năng bằng những biểu tượng bị cấm đoán và bằng tổng hợp của nhưng khái niệm chưa-từng-nghe. Hắn lằm thế để phá tan và châm biếm những cái phòng thủ cũ của khái niệm mà trong ít nhất là hắn có thể liên ké một cách sáng tạo với cái ấn tượng của trực giác hiện tại mãnh lực nhất.
Có những thời đại trong đó con người của lý tính và con người của trực giác sánh vai kề nhau, kẻ này thì sợ trực giác, kẻ kia thì khinh chê trừu tượng. Kẻ sau thì cũng phi lý như kẻ trước là người thiếu nghệ thuật. Cả hai cùng ước vọng chinh phục đời sống : kẻ trước, biết cách thỏa mãn những như cầu thiết yếu qua năng lực dự phóng, cân nhắc và điều tiết ; kẻ sau, coi nhẹ những như cầu này, coi mình như một “hào kiệt hân hoan tràn ngập,” nhìn cuộc sống chỉ là thật nếu nó được ngụy trang bởi lớp vỏ ảo tưởng và nét thẩm mỹ. Dù ở thời đại nào, chẳng hạn như trường hợp của người Hy lạp ở cổ đại, con người trực giác biết sử dụng vũ khí của mình một cách điêu luyện và thắng lợi hơn so với đối thủ của hắn, như vậy, trong mọi điều kiện thuận lợi, một nền văn hóa sẽ được hình thành và con người có thể quán triệt nghệ thuật hơn cả cuộc sống. Mọi biểu hiện của một cuộc sống như thế đồng thuận với sự nguỵ trang này, sự xóa bỏ nghèo nàn này, vẻ hào quang của những trực giác mang tính biểu tượng này, và, nói chung, đích thị sự ngụy trá này thì rằng : không phải là cái nhà kia, dáng dấp nọ, hay y phục này, hoặc bình sét kia là bằng chứng chứng minh người ta đã phát minh ra chúng bởi vì một nhu cầu cấp bách nào đó. Dường như chúng được người ta sáng tạo nên nhằm biểu dương niềm hạnh phúc cao vời, nét trong sáng như thần Olympia, và như đã từng là, một trò chơi đùa giỡn một cách nghiêm trọng. Người mà được hướng dẫn bởi những khái niệm và những cái trừu tượng chỉ thành công bằng nếu thoát khỏi mọi rủi ro bất hạnh, nhưng hắn không hề đạt tới hạnh phúc cho bản thân bằng những cái trừu tượng này. Và đang khi hắn nỗ lực trốn chạy mọi đau khổ lớn lao nhất, loại người có trực giác, dậm chân giữa lòng văn hóa, sẽ gặt hái qua thể tính trực giác của hắn một mùa khải thị tuôn chảy bất tận, niềm hoan lạc, và phục hưng – chưa kể tới rằng hắn đã bảo toàn khỏi mọi biến loạn rủi ro. Chắc chắn, khi hắn đau khổ, hắn sẽ đau khổ nặng nề hơn ; thậm chí hắn đau khổ thường xuyên hơn, vì rằng qua kinh nghiệm hắn chưa hề biết cách học hỏi và nên vẫn tiếp tục rơi tụt xuống cùng một hố thẳm nhiều lần lập đi lập lại. Lúc đó hắn trở nên nghịch lý khi buồn cũng như khi vui : hắn khóc to lên và không ai có thể thể vỗ về hắn được cả. Nào có khác gì đâu cái con người khắc kỷ đó vốn từng học hỏi qua kinh nghiệm và tự điều kiển mình bằng những khái niệm đang bị chi phối bởi những điều bất hạnh ! con người này, có lúc đã không đeo đuổi điều gì cả ngoại trừ sự thành thật, sự thật, sự tự do khỏi mọi điều gian dối phỉnh gạt, và tránh né khỏi mọi cạm bẫy tấn công bất ngờ, nhưng nay lại khởi phát một tuyệt phẩm của sự lường gạt gian xảo : hắn thực thi tuyệt phẩm xảo trá của hắn trong nỗi bất hạnh, đang khi loại người khác hành xử tuyệt phẩm như thế của mình trong lúc hoan lạc. Hắn có bộ mặt con người liều lĩnh và dễ thay đổi, nhưng, đó hẳn chỉ là chiếc mặt nạ với dáng vẻ danh dự, cân xứng. Hắn không khóc lóc ; thậm chí hắn không đổi giọng. Khi một cơn mây bão tố thực sập tới gây sấm sét ở trên cao, hắn chùm mình trong chiếc áo choàng, và rồi chậm rãi bước đi trên mặt đất.
2 Thành ngữ bằng tiếng La tinh rất nổi tiếng của Thomas Hobbes, có nghĩa là “cuộc đấu tranh của tất cả chống lại tất cả.”
3 Tiếng La tinh có nghĩa “những phẩm chất tiềm ẩn”.
4
Truyền thống triết học nhị nguyên phân chia thực tại thành hai cõi “thế
giới thực” và “thế giới biểu hiện” bắt nguồn từ chủ thuyết của Plato.
Nietzsche đã phê phán tính cách giả tạo và tùy tiện này. Đề tài này đã
được tôi bàn cãi chi tiết trong một bài khảo luận ; người đọc muốn tham
khảo thêm về chủ đề này cũng như nói chung về Nietzsche bằng Việt ngữ,
xin bấm vào nhưng link dưới đây :
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/nhan-sinh-quan-nietzche/
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tong-quan-triet-ly-cua-nietzsche/
Các thao tác trên Tài liệu