Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Maxime Gorki : những ý tưởng không hợp thời

Maxime Gorki : những ý tưởng không hợp thời

- Nguyễn Xuân Xanh chọn lọc và chuyển ngữ — published 03/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 24/01/2009 10:31

Những ý tưởng không hợp thời
về Văn hoá và Cách mạng


MAXIM GORKI (*)

Để kỷ niệm sinh nhật thứ 140 của Ông
(1868-2008)




Dân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều đế đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không dứt của văn hóa, tinh thần nô lệ đã hằn sâu trong nó phải bị tẩy sạch đi. MAXIM GORKI








Lời nói đầu


Trong bài này tôi không có ý định nói về cuộc đời của Gorki, mà chỉ muốn trình bày một số ý tưởng của ông trong những bài viết do chính ông đặt tên là Những ý tưởng không hợp thời, được đăng trên nhật báo Novaja Zizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918, trong bối cảnh của cách mạng tháng mười 1917. Không nghi ngờ, Gorki là người ủng hộ một cuộc cách mạng triệt để để giải phóng nước Nga khỏi ách thống trị của chế độ quân chủ đã kìm hãm sự phát triển của xã hội hằng nhiều thế kỷ, đã làm cho đất nước què quặt về khoa học, văn hóa và nghệ thuật. Ông là “con chim báo bão” của một cuộc cách mạng không tránh khỏi tại đất nước cùng khổ dưới ách thống trị độc tài của nền quân chủ chuyên chính bóp nghẹt phát triển. Vở kịch “Dưới đáy” (Nadne) của ông năm 1902 được diễn tại nước Nga vài trăm lần và chiếm lĩnh các sân khấu tây Âu, làm cho ông nhanh chóng nổi tiếng thế giới. Vở kịch gợi ra rằng chỉ có một cuộc thay đổi xã hội triệt để mới đem lại khúc quanh tốt hơn cho nước Nga. Sân khấu đối với ông đã thay đổi từ trường học đạo đức (Schiller) sang sân khấu của cách mạng.

Không nghi ngờ, Gorki ủng hộ cách mạng tháng Mười, ủng hộ Lênin. Nhưng sự ủng hộ đó không diễn ra theo đường thẳng, hay một chiều ngay từ buổi đầu. Lịch sử còn nhiều dấu hỏi. Những bài viết Những ý tưởng không hợp thời cho thấy hơn bao giờ hết những suy nghĩ rất độc lập của Gorki, rất ‘Gorki’ và vô cùng sâu sắc về những vấn đề văn hóa, xã hội, lịch sử của nước Nga, sự am hiểu của ông về dân tộc Nga và những con người của nó đến tận ‘tâm can’ của dân tộc đau khổ này. Những bài viết Những ý tưởng không hợp thời mãi đến khi chế độ Xô-viết sụp đổ mới được phép phổ biến chính thức tại Nga.

Khi Những ý tưởng không hợp thời (về văn hóa và cách mạng) được xuất bản ở CHLB Đức1 năm 1974, thì một bình luận gia của một tờ báo ở Đức viết “Tôi đã cầm lên tay cuốn sách trong mấy tuần qua có lẽ đến hai chục, nếu không phải ba chục lần và đọc ngấu nghiến. Mỗi lần nó đều cháy bỏng trên tay tôi. Một nhà báo, một chiến sĩ tuyệt vời! Đó là những câu nói về người Nga, gây lên ấn tượng rằng một quốc gia đang tiến lên bàn xưng tội. …

Một tờ báo khác tên tuổi của Thụy Sĩ (Neue Zürcher Zeitung) cũng đã bình luận về Những ý tưởng không hợp thời: “Điều làm say mê của sự tập hợp lại các lời phê bình của Gorki nằm ở chỗ, đây một nhà nhân bản và xã hội chủ nghĩa, mặc cho sự đổi thay của bối cảnh chính trị, đã không biết sợ hãi để cho tiếng nói của lương tâm vang lên.”

Cuộc đời của Gorki trong chừng mực nào không thoát khỏi hẳn di sản nặng nề mà chế độ chuyên chính đã để lại. Ông là một con người rất mạnh mẽ nhưng cũng không thoát khỏi hẳn hậu quả của di sản đó. Nhận định sau đây của ông dường như cũng đúng phần nào cho chính bản thân ông: “Người ta không yêu mến những con người mạnh mẽ trên đất nước Nga, cho nên những con người đó không sống lâu được trong đất nước chúng ta. Cuộc đời không yêu anh ta, văn chương cũng thế; nó tìm mọi cách có thể được để làm liên lụy ý chí mạnh mẽ của anh ta vào những mâu thuẫn, đẩy nó vào cái xó đen tối của ngõ cụt, hạ thấp nó xuống ngang bằng các điều kiện sống ô nhục để rồi hạ thủ nó. Người ta không đi tìm và yêu mến người chiến đấu, người kiến trúc của những hình thái mới của cuộc sống, mà yêu người ngoan ngoãn để nhận vào mình những tội nhẹ đáng ghét của những người tầm thường.” Vâng, ông không thoát khỏi hẳn những mâu thuẫnngõ cụt của xã hội trong thời đại ông, và luôn chực bị hạ thủ theo nghĩa này hay nghĩa khác, như những ai đã biết về cuộc đời ông.

Maxim Gorki sinh ra năm 1868 tại Niznij Novgorod, tên thật là Alexej Maximovitsch Peschkov, và mất năm 1936 tại Moscow, hưởng thọ 68 tuổi. Ông là con trai của một người bố thợ mộc, lớn lên hầu như không được học hành, sau đó làm công nhân, và làm một cuộc hành trình xuyên nước Nga. Là con người của tự học từ trường đời: “Người thầy đầu tiên của tôi một người lính – đầu bếp Sumuryj; người thầy thứ hai là luật sư Lanin, và người thứ ba là Korolenko (văn hào)”. Ông bắt đầu sự nghiệp văn học với một tác phẩm đầu tiên năm 1882 (Makar Tuschdra). Vở kịch “Dưới đáy” năm 1902 nhanh chóng đưa tên tuổi ông tới thế giới. Năm 1905 ông quen với Lênin. Sau chuyến đi Mỹ năm 1906 ông sống nhiều năm tại châu Âu, trở về Nga 1913. Trong những năm 1919 và 1921 ông ủng hộ những người Bolschevik. Năm 1921 ông lại ra nước ngoài. 1928 trở lại Nga, 1932 trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội văn học Xô-viết vừa được thành lập. Cái chết của ông còn nhiều bí ẩn.

Từ 1917 đến tháng 6.1918 Gorki viết một cách hệ thống cho công chúng: diễn văn, bình luận, kêu gọi, phác thảo v.v. Ông ủng hộ một cuộc cách mạng nhưng nghi ngờ chiến thắng của giai cấp vô sản, xác định mối quan hệ giữa trí thức và cách mạng, viết lời kêu gọi cho các dân tộc mỏi mệt vì chiến tranh cho năm 1918, và đóng vai trò người quan sát không thiên vị của lịch sử.

Đọc Gorki, thật là một thiếu sót lớn nếu bỏ qua Những ý tưởng không hợp thời, và sẽ không hiểu được chân thật Gorki. Chúng tôi muốn kỷ niệm sinh nhật thứ 140 của ông bằng sự giới thiệu Những ý tưởng không hợp thời qua một số chọn lọc. Trong chừng mực nào, đó cũng chính là những ý tưởng không hợp thời về những vấn đề của Việt Nam. Chúng ta đọc Những ý tưởng không hợp thời mà không khỏi không liên tưởng đến những vấn đề vẫn còn rất thời sự của Việt Nam đang tiềm ẩn xung quanh day dứt. Khoả hết đi những mắc mứu đau khổ của lịch sử, chúng ta sẽ thấy Những ý tưởng không hợp thời của Gorky sẽ toả sáng trên những miền đất tăm tối của lịch sử, và một ‘góc khuất’ của Gorki được sáng ra, giúp ta nhìn thấy những vấn đề dai dẳng của cá nhân và xã hội quanh ta đã được tích tụ thành những lớp địa chất lịch sử tối tăm từ bao đời, và cũng gợi ra một cuộc thay đổi toàn diện.

Cám ơn Gorki.

Nguyễn Xuân Xanh

Chọn lọc và chuyển ngữ
TP Hồ Chí Minh, cuối 2008



THƯ GỬI BẠN ĐỌC 2


Dân tộc Nga đã kết hôn với Tự do. Chúng ta hãy tin rằng từ mối liên kết này những con người mới mạnh mẽ sẽ hình thành trên đất nước đã bị đoạ đày về tinh thần và thể xác của chúng ta.

Chúng ta hãy tin vững chắc rằng các sức mạnh của lý trí và của ý chí, những cái đã bị đè nén và dập tắt qua hằng trăm năm áp bức, sẽ bùng cháy như ngọn lửa sáng trong con người Nga.

Chúng ta không được phép quên rằng tất cả chúng ta là những con người của ngày hôm qua, và tác phẩm vĩ đại của sự tái sinh của đất nước chính là nằm trong tay của những con người, do những ấn tượng nặng nề của quá khứ, đã bị giáo dục trong tinh thần đố kỵ lẫn nhau, không tôn trọng người đồng loại và trong tinh thần của chủ nghĩa vị kỷ đáng ghét.

Chúng ta đã được dạy dỗ lớn lên trong một không khí của “thế giới ngầm”. Điều mà chúng ta gọi là hoạt động hợp pháp xét theo bản chất của nó thì hoặc là sự tự hào vào khoảng chân không, hay là tính bè phái chính trị thiển cận của các phe nhóm hay cá nhân; một cuộc chiến tranh huynh đệ giữa con người với nhau mà ở đó cảm giác về nhân phẩm đã bị biến chất thành sự háo danh bệnh hoạn.

Chúng ta đã sống giữa những sự đểu giả đầu độc tâm hồn từ chế độ cũ, giữa sự vô chính phủ mà nó đã sinh ra; chúng ta đã thấy sức mạnh quyền uy của những kẻ phiêu lưu là vô độ như thế nào, những kẻ đã cai trị chúng ta; cho nên chúng ta bị tiêm nhiễm với tất cả những tính chất, tất cả các thói quen và cách hành xử của những con người đã khinh bỉ và nhạo báng chúng ta.

Chẳng lúc nào và bằng cách gì chúng ta có thể phát triển trong bản thân chúng ta cảm giác của trách nhiệm cá nhân cho cái tai hoạ của đất nước, cho cuộc đời nhục nhã; chúng ta đã bị tiêm nhiễm chất độc từ xác chết của nền quân chủ dẫy chết.

[…]

Bẩn thỉu, hỗn độn và độc hại đủ loại vẫn còn đầy đủ đó, tất cả không dễ biến mất nhanh chóng đâu; trật tự cũ tuy bị xóa sổ về thể xác, nhưng về tinh thần nó vẫn còn sống tiếp tục xung quanh ta, trong chính chúng ta. Con rắn Hydra nhiều đầu của Thất học, Man dã, Ngu dốt, Đểu cáng và Thô bạo đã không bị giết chết; nó đã giấu mình nhưng không mất đi khả năng nuốt chửng những linh hồn sống.

Người ta không được phép quên rằng chúng ta đang sống trong một cánh rừng của một khối người tính đến hàng triệu, những người dốt nát về chính trị và không được giáo dục về xã hội. Những người không biết họ muốn gì chính là những người nguy hiểm về xã hội và chính trị. Khối dân cư này sẽ không bị phân hóa nhanh chóng theo giai cấp và theo những quyền lợi được ý thức rõ ràng, họ sẽ không tự tổ chức được nhanh chóng và có năng lực cho cuộc tranh đấu xã hội một cách có ý thức và sáng tạo. Bao lâu họ không được tổ chức, thì họ sẽ nuôi dưỡng các con quái vật của quá khứ bằng nước cốt dơ bẩn và không lành mạnh của họ, những cái quái thai của chế độ cảnh sát trị mà người dân trung bình đã quen thuộc...

[…]

Chúng ta chứng kiến một khoảnh khắc cực kỳ khó khăn, buộc đòi hỏi phải động viên tất các lực lượng của chúng ta, lao động kiên trì và sự thận trọng cao nhất trong quyết định. Chúng ta không được quên những lầm lỗi có hậu quả nặng nề của 1905 và 1906; sự thanh toán dã man theo sau những lầm lỗi đó đã làm chúng ta kiệt quệ một thập niên, và đánh mất đi sự lãnh đạo. Trong thời gian này chúng ta đã suy sụp về chính trị và xã hội; cuộc chiến tranh huỷ diệt hàng trăm nghìn con người trẻ tuổi đã làm tiêu hao sức mạnh của chúng ta nhiều hơn nữa, bởi vì nó phá hoại đời sống kinh tế của đất nước đến tận gốc rễ.

Thế hệ đầu tiên nhận lãnh trật tự của cuộc sống mới đã đương nhiên hưởng được Tự do một cách ‘bất chiến tự nhiên thành’; thế hệ này hầu như không biết gì về những nỗ lực kinh khủng của những con người đã phá huỷ từng mảng thành trì đen tối của chủ nghĩa quân chủ Nga. Người dân thường không biết gì về hoạt động gậm nhấm khủng khiếp này, vì lợi ích cho anh ta; công việc khổ sai này không hề đi vào ý thức của người dân nào của khoảng 1000 quận huyện của nước Nga.


Bút tích của Maxim Gorki 1909


[…]

Nền dân chủ cách mạng bản thân nó phải thấu hiểu và thực hiện những nhiệm vụ nhà nước phổ thông; nó phải tham gia tích cực vào tổ chức các lực lượng kinh tế của đất nước, vào sự phát triển năng lực sáng tạo, và việc bảo vệ tự do của nước Nga chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài và bên trong.

Chỉ mới có một chiến thắng duy nhất – đó là sự chiếm lĩnh quyền lực chính trị; nhiều cuộc thắng lợi khó khăn hơn nhiều còn cần phải được giành lấy, nhưng trên hết chúng ta có nghĩa vụ phải chiến thắng các bệnh ảo tưởng của chính mình.

[…]

Sự nhận thức một cách can đảm những chỗ yếu của mình là sự thúc đẩy tốt nhất cho một ý chí lành mạnh và cho cách tự đánh giá đúng đắn chính mình.

Các năm chiến tranh đã cho chúng ta thấy rõ một cách khủng khiếp chúng ta bệnh hoạn như thế nào về văn hóa, yếu kém ra sao về mặt tổ chức. Sự tổ chức các lực lượng sáng tạo của đất nước là quan trọng cho chúng ta như bánh mì và không khí.

Chúng ta đã khao khát tự do cao độ. Với thái độ thiên về chủ nghĩa vô chính phủ, chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất tự do – khả năng đó là hiện thực.

Không ít nguy cơ đang đe doạ chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đối phó và khuất phục chúng nếu chúng ta lao động âm thầm và đoàn kết cho sự củng cố trật tự của cuộc sống mới.

Sức mạnh sáng tạo và quý báu nhất chính là con người; con người càng phát triển về tinh thần, và càng được trang bị về kiến thức kỹ thuật tốt hơn, lao động của nó càng vững chắc và quý báu hơn, và chính nó càng trở thành có văn hóa và có tính cách thời đại hơn.

Điều đó chúng ta chưa hiểu; giai cấp tư sản không quan tâm đúng mức đến việc tăng trưởng năng suất lao động; con người, đối với họ vẫn giống như con ngựa, là nguồn sức kéo thô thiển.

Quyền lợi của tất cả con người có một cơ sở chung mà trên đó họ đoàn kết lại mặc cho sự đối kháng giai cấp không thể loại bỏ: sự phát triển và tích lũy tri thức. Tri thức là một vũ khí cần thiết trong cuộc đấu tranh giữa các giai cấp đang ngự trị trong trật tự thế giới hiện hành. Cuộc chiến đấu này là một thời khắc bi thảm của giai đoạn lịch sử này đã có sẵn, một sức mạnh tất yếu trong sự phát triển văn hóa, - và nó không thể tránh khỏi được.

Tri thức là sức mạnh cuối cùng sẽ phải đưa con người đến chiến thắng các sức mạnh thô thiển của thiên nhiên, và sẽ tạo điều kiện để chế ngự các sức mạnh này theo các lợi ích của con người và của nhân loại.

Tri thức phải được đại chúng hóa, người ta phải làm cho nó trở thành công việc của cả dân tộc; tri thức chính là nguồn gốc của lao động hiệu quả, là cơ sở của văn hóa. Và chỉ có tri thức mới làm cho chúng có năng lực tự nhận thức, giúp chúng ta đánh giá đúng sức lực và nhiệm vụ của chúng ta, và chỉ ra cho chúng ta con đường rộng lớn đến những thắng lợi tương lai.

Lao động âm thầm là lao động hiệu quả nhất.

Sức mạnh, cái đã củng cố tôi trong suốt cuộc đời và vẫn còn luôn củng cố như thế trên quả đất này, đã và vẫn còn là niềm tin của tôi vào lý tính của con người. Cho đến hôm nay, cuộc cách mạng Nga trong mắt tôi là một chuỗi những diễn biến hân hoan và sáng sủa của lý tính. Một dấu hiệu mạnh mẽ đặc biệt của lý tính thầm lặng là ngày 23 tháng Ba, ngày của những mai táng tại Marsfeld3.

Lần đầu tiên và gần như trực tiếp tôi cảm nhận được tại cuộc diễu hành này của cả hằng trăm ngàn người: Vâng, nhân dân Nga đã hoàn tất cuộc cách mạng, những người chết đã sống lại, và nhân dân bây giờ hướng về tác phẩm cao cả của hòa bình – đó là cuộc xây dựng các hình thức mới của cuộc sống tự do hơn.

Thật là hạnh phúc biết bao được chứng kiến ngày này!

Và từ trái tim mình tôi cầu chúc cho nhân dân Nga rằng nó luôn luôn tiếp tục đi như thế, một cách thầm lặng và mạnh mẽ, tiến lên và cao hơn, cho đến cuộc Đại lễ của Tự do của toàn thế giới, của Bình đẳng và Huynh đệ của tất cả con người!

***


Nếu chúng ta nhìn tổng quát về hoạt động toàn diện và nhiều mặt của chế độ quân chủ, thì ý nghĩa của hoạt động này sẽ hiện rõ ra trước chúng ta, rằng bộ máy quan liêu làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn sự phát triển về chất lượng và số lượng của giới trí thức.

Chế độ cũ đã bất lực, nhưng bản năng sống còn đã chỉ ra cho nó rất đúng, rằng kẻ thù nguy hiểm nhất của nó chính là bộ óc con người, và do đó nó tìm mọi cách có được để ngăn cản sự tăng trưởng của các lực lượng trí thức của đất nước, và làm cho nó què quặt đi. Trong hoạt động tội ác này, (một) nhà thờ đã giúp sức nó một cách hiệu quả, cái đã bị bộ máy quan lại của nó nô dịch, và một xã hội đã bị lung lay về tâm lý cũng tiếp tay cho nó không kém, một xã hội trong những năm qua đã hoàn toàn để nó cưỡng bức.

Chiến tranh đã phơi bày ra một cách khủng khiếp những hệ quả của tình trạng bệnh hoạn tinh thần lâu đời này, bởi vì đứng trước một kẻ thù có trình độ văn hóa cao và được tổ chức tuyệt hảo, nước Nga đã tỏ ra yếu ớt và bất lực.[…]

Trong một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với tất cả tài nguyên và tài năng thì, như hệ quả của sự bất lực về tinh thần của nó, tình trạng vô chính phủ trên tất cả các lãnh vực đã bộc lộ rõ ra. Công nghệ và kỹ thuật ở trong trạng thái phôi thai, và không có mối liên hệ với khoa học; khoa học tự nó nằm ở đâu đó trong những sân sau, trong bóng tối, và dưới sự giám sát thù địch của một quan chức; nghệ thuật, do bị giới hạn và biến dạng bởi kiểm duyệt, đã tách ra khỏi cái chung để đánh mất mình trên đường đi tìm các dạng thể mới và một nội dung sống động, thúc đẩy và nâng cao nhân phẩm.

Khắp nơi, trong nội tâm của con người cũng như xung quanh nó, chúng ta thấy sự tàn phá, đổ nát, hỗn loạn và những dấu vết của một trận đánh kéo dài, như trận đánh chống lại Chan Mamaj4. Di sản mà chế độ quân chủ đã để lại là khủng khiếp.

Dù chúng ta muốn nói một lời an ủi thế nào đi nữa, chân lý của thực tại không thể cho phép một sự an ủi, và người ta phải nói với tất cả sự thẳng thắn: Chế độ quân chủ, trong nỗ lực bóp nghẹt nước Nga về tinh thần, đã đạt đến sự thành công gần như tuyệt hảo.

Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần. Một câu tục ngữ cổ nhưng không phải dở nói rằng: “Căn bệnh đến bằng một lạng, nhưng nó đi bằng một cả một cục chì”. Quá trình mở mang trí thức của đất nước diễn ra vô cùng chậm chạp; nhưng chính vì thế lại càng cần thiết hơn bao giờ hết cho chúng ta, và cuộc cách mạng bây giờ, thông qua những lực lượng lãnh đạo của nó, nhất định phải tự nhận lãnh tránh nhiệm lập ra những tổ chức và định chế lo cho việc phát triển các lực lượng trí thức của đất nước một cách kiên trì và tức khắc.

Lực lượng trí thức là lực lượng sản xuất quan trọng nhất về mặt chất lượng. Sự ưu tư về một sự tăng trưởng nhanh như có thể phải là sự ưu tư nóng bỏng của tất cả mọi giai cấp.

Chúng ta cùng đảm đương công việc của một sự phát triển toàn diện về văn hóa; cách mạng đã đánh đổ những trở ngại trên con đường dẫn đến một sự sáng tạo tự do. Và giờ đây chính ý chí của chúng ta phải chứng minh tài năng và thiên phú cho chính mình và thế giới thấy. Sự cứu rỗi chúng ta là lao động, vâng chúng ta hãy tìm thấy trong đó một niềm vui.

“Không phải lời nói mà là hành động đã tạo ra thế giới”, đó là một sự diễn tả rất hay, và cũng là một chân lý không thể nghi ngờ được.

Cách mạng và Văn hóa
18.4.1917


***


Cấu trúc mới của đời sống chính trị đòi hỏi ở chúng ta một cấu trúc mới của tâm hồn.

Trong hai tháng dĩ nhiên người ta không thay đổi được hoàn toàn, nhưng chúng ta càng rũ sạch mình khỏi bụi bẩn của quá khứ, thì sức khỏe tinh thần chúng ta càng tốt hơn, lao động sáng tạo ra các hình thức mới của sự tồn tại xã hội càng có năng suất cao hơn.

Chúng ta sống trong một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối. Điều đó là tự nhiên, nhưng lại đe doạ bẻ cong đi tính cách của chúng ta, và làm cho nó phát triển một cách giả tạo theo một hướng nhất định. Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách phát triển nhanh chóng và um tùm. Nếu đếm hết những cái xấu chứa trong con người – thì tất cả những thứ đó đều phát triển đặc biệt rất nhanh trên miếng đất của cuộc đấu tranh chính trị. […]

Sự thù địch giữa con người là một hiện tượng không bình thường; những tình cảm tốt đẹp nhất của chúng ta, những ý tưởng lớn nhất của chúng ta được hướng đến việc loại bỏ sự thù địch xã hội trên thế giới. Những tình cảm và ý tưởng này tôi sẽ gọi là “chủ nghĩa lý tưởng xã hội”, bởi vì sức mạnh của nó cho phép chúng ta khuất phục được tất cả những cái kinh tởm trong cuộc sống, và một cách dẻo dai và bền bỉ, hướng về sự công bằng và cái đẹp của cuộc sống, hướng về tự do. Trên con đường này chúng ta đã sinh ra các anh hùng, những người dám chết vì tự do, những con người đẹp nhất trên trái đất; tất cả những cái đẹp trong ta sẽ tuôn ra từ sự phấn đấu này. Những nhân tố tốt đẹp nhất của tâm hồn chúng ta sẽ được đánh thức một cách thành công nhất, mạnh mẽ nhất bằng sức mạnh của nghệ thuật. Khoa học là lý trí của thế giới, nghệ thuật là linh hồn. Chính trị và tôn giáo chia con người thành các nhóm lẻ; nghệ thuật khám phá cái nhân tính chung trong con người, và thống nhất chúng ta lại. Không có gì uốn nắn tâm hồn con người một cách dịu dàng và nhanh chóng như thế, như là ảnh hưởng của nghệ thuật và khoa học.

Quyền thù địch của giai cấp vô sản đối với các giai cấp khác có thể được biện giải. Nhưng đồng thời chính giai cấp vô sản mang ý tưởng vĩ đại và đem lại hạnh phúc của một nền văn hóa mới, ý tưởng của một tính huynh đệ phổ quát vào cuộc sống chúng ta.

Vì thế, chính giai cấp vô sản phải từ bỏ các phương pháp cũ trong cách đối xử con người bởi chúng không thích hợp.

Chính giai cấp vô sản phải phấn đấu bền bỉ mở rộng và làm cho thêm thâm sâu tâm hồn, cái khung chứa tồn tại của chúng ta. Đối với giai cấp vô sản, những tài năng của nghệ thuật và khoa học có một giá trị cao – đối với gian cấp vô sản, những thứ đó không phải là sự giết chết thời gian nhàn rỗi, mà là những phương tiện để thâm nhập vào những bí mật của cuộc đời.

Tôi cảm thấy xa lạ khi nhìn thấy giai cấp vô sản, được đại diện bởi cơ quan thừa hành và tư duy của nó, hội đồng binh sĩ và công nhân, tỏ ra dửng dưng và bàng quan khi các nhà âm nhạc, nghệ sĩ và diễn viên, và những người khác, những người không thể thiếu cho tâm hồn của giai cấp vô sản, lại được gửi ra mặt trận như bia đỡ đạn. Nếu dân tộc chúng ta gửi những con người tài năng nhất của nó ra chỗ sát sinh, chẳng phải nó làm suy yếu trái tim của nó và rứt đi những phần thịt tốt nhất ra khỏi cơ thể hay sao?

Có lẽ chỉ để một người Nga tài năng giết chết một người Đức tài năng về nghệ thuật sao? […]

Hãy suy nghĩ nhân dân đã tốn bao nhiêu công sức để đào tạo nên những con người tài năng, những người để diễn tả được cảm xúc và ý tưởng của tâm hồn nó?

Sự sợ hãi trước ý tưởng, đó chính là sự sợ hãi trước hoạt động tự do của lý tính. Sự sợ hãi này của người dân là chỗ dựa của tòa nhà mục nát của chế độ quân chủ, chế độ đã gần như thủ tiêu đất nước chúng ta. […]

20.4.1917

***



Maxim Gorki 1903

[…]

Cái hạnh phúc lớn của tự do không được phép làm ảm đạm đi bằng tội ác đối với con người, vì nếu không, chúng ta sẽ đánh chết tự do bằng chính bàn tay của chúng ta.

Chúng ta phải hiểu, và cuối cùng phải hiểu, rằng kẻ thù khủng khiếp nhất của tự do và của công lý nằm trong chính chúng ta; đó là sự ngu muội của chúng ta, sự tàn bạo của chúng ta, và cả cái hỗn độn của những cảm giác đen tối vô chính phủ đã được nuôi dưỡng bởi sự đàn áp không chùn tay của chế độ cũ ở mọi thời, bởi sự hung ác vô liêm sỉ của nó trong tâm hồn chúng ta.

Chúng ta có hiểu được điều đó?

Nếu chúng ta không khả năng hiểu được, chúng ta sẽ không từ bỏ các hành động bạo lực hung ác nhất chống lại con người, như thế sẽ không có tự do cho chúng ta. Nếu thế thì tự do chỉ là một ngôn từ mà chúng ta không có sức mạnh để mang lại cho nó một nội dung cần thiết. Tôi nói, những kẻ thù chính của chúng ta là ngu dốt và tàn bạo.

Chúng ta có chống lại chúng, có muốn chống lại hay không?

Đó không phải là câu hỏi hoa mỹ, mà một câu hỏi về chiều sâu và tính đúng sự thật của hiểu biết của chúng ta về các điều kiện mới của đời sống chính trị, câu hỏi của một sự đánh giá mới của con người và vai trò của nó trên thế giới.[…]

Và bây giờ, được giải phóng khỏi sự nô lệ bề ngoài, chúng ta lại tiếp tục sống với những cảm xúc của những người nô lệ.

Một lần nữa: kẻ thù không thương tiếc của chúng ta chính là quá khứ chúng ta.

Hỡi các công dân! Chúng ta không tìm được trong chúng ta sức mạnh để giải phóng mình ngay lập tức khỏi quá khứ này hay sao, vứt bỏ đi sự dơ bẩn và quên đi những cái vô liêm sỉ đẫm máu của nó hay sao? Hãy trưởng thành hơn, hãy ưu tư hơn và cẩn thận hơn trong cách đối xử với chính chúng ta. Và đó là điều bức thiết!

Về giết người
23.4.1917


***


Tổ quốc sẽ ít bị đe doạ hơn, nếu có nhiều văn hóa hơn.

Rất tiếc dường như chúng ta không đạt đến các quyết định rõ ràng văn hóa nào là cần thiết cho chúng ta, và loại văn hóa nào chúng ta cần đến. Trong thời gian đầu của cuộc chiến, khi các nhà triết học Moscow so sánh Kant và Krupp5 rất sâu sắc và hoàn toàn thành thật, thì những quyết định này đối với chúng ta là không rõ ràng. […]

Nói thế nào đi nữa, chúng ta đã quan tâm ít ỏi nhất đến sự phát triển của văn hóa phương Tây – của khoa học thực nghiệm, nghệ thuật tự do và của một nền công nghiệp hùng mạnh. Và cho nên một cách tự nhiên, quần chúng của chúng ta không hiểu được ba nền tảng của văn hóa. […]

Kể cả các khoa học nhân văn lẫn tự nhiên có thể có một vai trò trọng đại vào việc nâng cao phẩm chất của các bản năng, nhưng một sự tham gia của các nhà khoa học vào cuộc sống trong lúc này hãy còn ít.

Tôi chưa biết trong thể loại văn hóa đại chúng có một quyển sách nào được viết đàng hoàng và thuyết phục nói về tầm quan trọng của vai trò tích cực của công nghiệp trong quá trình phát triển văn hóa hay không. Dân tộc Nga cần lắm một quyển sách như thế từ lâu. […]

Đối với tôi, lời kêu gọi “Tổ quốc bị lâm nguy” là không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!

9.5.1917


***


Tôi biết rằng tương lai của dân tộc là không có ý nghĩa gì đối với những nhà giáo điều điên rồ: họ xem dân tộc như chất liệu cho các cuộc thử nghiệm xã hội; tôi biết rằng tất cả những tình cảm và suy nghĩ, những thứ có thể xé nát trái tim của những người dân chủ chân thật, lại đều là xa lạ đối với họ.

8.11.1917


***


Giới trí thức Nga còn phải nhận lãnh sứ mạng to lớn là chữa trị dân tộc về mặt tinh thần. Họ có nhiều tự do hơn cho nhiệm vụ này, và không có nghi ngờ gì họ cùng với phần phát triển nhất của giới tri thức lao động vô sản hôm nay còn đang chìm đắm và nghẹt thở trong khối người không được giáo dục sẽ hoạt động cho sự đổi mới tinh thần của đất nước.

Giới trí thức vô sản và dân chủ có nhiệm vụ đoàn kết tất cả cá lực lượng trí thức của đất nước trên cơ sở của lao động văn hóa. Nhưng công việc này chỉ có thể thành công nếu chúng ta từ bỏ chủ nghĩa bè phái của các đảng phái và hiểu rằng người ta không những xây dựng nên ‘con người mới’ và chúng ta không phục vụ cho chân lý nếu chúng ta để các phương pháp đông cứng lại thành giáo điều, mà chúng ta còn làm tăng lên số các sai lầm nguy hại làm cho lực lượng chúng ta phân tán đi.[…]

Đất nước chúng ta cần hai cơ quan với những nhiệm vụ khác nhau: một cái cần báo cáo về công việc của khoa học thuần túy và ứng dụng, cái kia về công việc văn hóa và giáo dục; các cơ quan này có thể sẽ rất hữu ích cho việc giáo dục ý tưởng và tình cảm. Chúng ta phải lao động, các công dân quý mến, chúng ta phải lao động! Chỉ có lao động mới có thể cứu rỗi chúng ta, không gì khác!

1.5.1918


***


Cuộc cách mạng, thoát thai từ một cuộc chiến tranh, chắc chắn sẽ tỏ ra bất lực khi giai cấp vô sản không đem cả sức lực lao động vào cuộc xây dựng xã hội, mà chỉ biết nghe lời các người lãnh đạo của nó, phá huỷ đến cùng các cơ sở kỹ thuật của “giai cấp tư sản” thay vị học hỏi để nắm vững chức năng vận hành của chúng và kiểm tra lao động như cần thiết.

Cuộc cách mạng sẽ tiêu vong bởi sự kiệt quệ bên trong nội tâm nếu giai cấp vô sản chỉ biết khép mình vào tính không khoan nhượng cuồng tín của các ‘uỷ viên nhân dân’ và ngày càng xa dần dân chủ. Ý thức hệ của giai cấp vô sản không phải là ý thức hệ của chủ nghĩa ích kỷ giai cấp; các bậc thầy của nó, Mác và những người khác, đã đặt lên vai những lực lượng tốt của nó nhiệm vụ giải phóng con người khỏi sự nô dịch về xã hội và kinh tế.

13.1.1918


***


Một cảnh trong vở “Dưới đáy”. Sân khấu đối với Gorki không còn là trường học đạo lý mà đã trở thành sân khấu của cách mạng

Bản chất đích thực của văn hóa và ý nghĩa của nó nằm ở chỗ biết kinh tởm đích thực mọi cái dơ bẩn, đê tiện, dối trá và thô bạo làm hèn hạ đi con người và làm cho nó đau khổ. Chúng ta phải học ghét cái đau khổ; chỉ như thế chúng ta mới thanh toán nó được. Chúng ta phải học yêu thương con người như nó trong hiện tại, và cũng phải yêu thương nó một cách nhiệt tình, như nó trong tương lai.

Cái gì chữa trị chúng ta và làm sống lại sức mạnh của chúng ta? Cái gì có thể làm mới lại chúng ta từ bên trong?

Chỉ có lòng tin vào chính chúng ta, không có gì khác. Chúng ta phải nhớ lại nhiều điều, bởi vì trong cuộc chiến đấu giành lấy quyền lực và một miếng bánh mì chúng ta đã bỏ quên đi quá nhiều.[…]

Đối với phần lớn trong họ, chủ nghĩa xã hội chỉ là một học thuyết kinh tế được xây dựng trên sự ích kỷ của giai cấp công nhân, cũng giống như các học thuyết khác dựa lên sự ích kỷ của giai cấp tư hữu.[…]

Người ta chỉ có thể thật sự cảm xúc và hiểu văn hóa nếu người ta kinh tởm sâu sắc tất cả những gì tàn bạo, thô lỗ và đê tiện trong chính bản thân và trong môi trường xung quanh.[…]

Việc chúng ta không hiểu hay đánh giá thấp các sức mạnh của tri thức là một sự cản trở nghiêm trọng ‘trên con đường tiến lên văn hóa’. Không có tri thức và ý thức về chính mình, chúng ta sẽ không bao giờ ra khỏi vũng bùn dơ bẩn của hiện tại.

16.5.1918


***

[…]

Những dày vò, đau khổ khiến dân tộc Nga phải gầm rú và lăn lộn như con thú. Phải thay đổi diện mạo tâm lý của nó, các thành kiến và định kiến, bản chất tinh thần của nó. Nó phải nhanh chóng hiểu một điều: dù kẻ thù bên ngoài có dũng mãnh và tham lam đến đâu, dân tộc Nga có một kẻ thù bên trong nguy hiểm hơn nhiều – đó là thái độ của nó đối với chính nó và với con người mà nó đã không được dạy dỗ để biết tôn trọng và quý trọng; đó là quan hệ của nó đối với tổ quốc mà anh ta không có cảm xúc, thái độ của anh ta đối với lý tính và tri thức mà anh ta không biết sức mạnh của nó và cũng không biết quý trọng. Anh ta gán hai thứ đó như một loại phát minh của giai cấp địa chủ chỉ có thể gây hại cho người nông dân.

Dân tộc Nga sống vô thức trong sự khôn vặt cũ kỹ của châu Á mà không nghĩ đến ngày mai, và để mình điều khiển bởi câu tục ngữ: “Rồi một ngày qua mau - Cám ơn Chúa!”. Bây giờ kẻ thù bên ngoài đã chứng minh cho nó rằng sự khôn vặt của một con cọp bị săn đuổi không là gì cả trước ý chí thép của lý tính được tổ chức. […]

Chúng ta không quen sống với tất cả sức mạnh của trái tim và lý trí của chúng ta. Cho nên chúng ta mệt mỏi với cách mạng – Đó là một sự mệt mỏi đến sớm và nguy hiểm cho tất cả chúng ta. Tôi không tin vào sự mệt mỏi sâu xa, tôi muốn nói, nó sẽ biến mất nếu có một tiếng nói gây hy vọng và phấn chấn vang lên – tiếng nói này phải được đánh lên!

Trong một trận đánh ở phương Tây một vị chỉ huy người Pháp dẫn một đội quân của mình tiến công vào các vị trí địch. Anh ta nhìn thấy một cách tuyệt vọng các binh lính của mình lần lượt ngã xuống. Có những người bị giết bởi đạn, nhưng phần lớn ngã xuống đơn giản chỉ vì sợ hãi, họ không tin vào sức chiến đấu của chính mình và tuyệt vọng trước nhiệm vụ dường như không thể hoàn thành được đối với họ. Lúc đó vị chỉ huy thét lên như một người Pháp đã được lịch sử anh hùng giáo dục:

“Hãy đứng dậy, hỡi những con người đã chết kia!

Những chiến sĩ bán sống bán chết vì sợ hãi kia liền đứng dậy, và kẻ thù bị đánh bại. Tôi tin với cả tâm hồn rằng ngày kia sẽ đến khi có một người yêu thương chúng ta, hiểu được tất cả và có thể tha thứ sẽ kêu lên:

Hãy đứng dậy, hỡi những con người đã chết kia!

Và chúng ta sẽ đứng dậy, và sẽ chiến thắng kẻ thù chúng ta.

Tôi tin điều đó.

17.5.1918


***


Tôi nghĩ, một chủ nghĩa lý tưởng xã hội là vô cùng cần thiết chính trong giai đoạn cách mạng. Dĩ nhiên tôi muốn nói một chủ nghĩa lý tưởng lành mạnh để tinh luyện tình cảm, một chủ nghĩa lý tưởng mà nếu không có nó cuộc cách mạng sẽ mất đi sức mạnh để làm cho con người ý thức về xã hội hơn so với giai đoạn trước cách mạng, một chủ nghĩa lý tưởng mà nếu không có nó cách mạng sẽ mất đi sự biện minh đạo đức và mỹ học của nó. Không có chủ nghĩa lý tưởng, cách mạng và cả cuộc sống sẽ biến thành một bài toán thuần toán học khô khan, thành sự phân phối hàng hóa vật chất. Đấy là một bài toán mà giải pháp của nó đòi hỏi sự tàn bạo mù quáng và những bể máu, một nhiệm vụ đánh thức các thú tính và qua đó giết chết tinh thần xã hội của con người như chúng ta chứng kiến trong thời đại chúng ta.

26.5.1918


***


Bằng sự chiếm lĩnh quyền lực chính trị nhân dân đã có được cơ hội để tạo ra trong tự do các hình thái mới của cuộc sống xã hội; nhưng dân tộc vẫn còn, trong nội tâm và bên ngoài, sống dưới ảnh hưởng của meo mốc và rỉ sét của các hình thái sống cũ. Trong các tầng lớp dân chúng không có những dấu hiệu của một sự phấn đấu có ý thức thay đổi một cách cơ bản quan niệm lỗi thời của con người về chính mình, về đồng loại và về cuộc sống.

Cuộc sống giàu có những ý tưởng quý báu đối với quần chúng hoàn toàn mới, nhưng những ý tưởng này thâm nhập vào phạm vi các bản năng và cảm xúc thô thiển và chật hẹp. Trong phạm vi này các ý tưởng chỉ được tiếp thu một cách khó nhọc, nếu chúng có thể được tiếp thu, điều rất tiếc đáng nghi ngờ.

Cuộc cách mạng, được tạo ra bởi sức mạnh của những con người kiên quyết, tiêu hao và ngốn hết sức mạnh rất quý báu này, và quá trình tập trung và tổ chức sức mạnh mới diễn ra chậm chạp một cách nguy hiểm.[…]

Rõ ràng rằng tuyên truyền chính trị thôi không đủ để tạo ra con ngưới mới. Không đủ nếu chỉ tổ chức tư duy, mà người ta còn phải tổ chức ý chí, và giáo dục, phát triển và đào sâu thêm tình cảm.

Chúng ta phải làm sao cho sự giáo dục đạo đức và thẩm mỹ cho nhân dân cùng phát triển liên tục với giáo dục chính trị; chỉ dưới điều kiện này nhân dân ta mới được giải phóng hoàn toàn khỏi gánh nặng của lịch sử bất hạnh của nó; chỉ như thế nhân dân mới thoát khỏi ngục tù của các hình thái sống cũ. […]

Người ta phải nhớ rằng nhân dân được giáo dục hàng trăm năm bởi giáo lý cứng nhắc, khe khắt và tẻ nhạt về sự vô nghĩa của con người trước một quyền lực huyền bí điều khiển vận mệnh, và rằng giáo lý này được chứng minh rất ư là rõ ràng và nghiêm khắc qua tất cả những điều kiện sống xã hội là hệ quả của sự áp bức vô nghĩa trong thời gian của nền quân chủ Nga.[…]

Cuộc cách mạng, để có thể giải phóng và tinh luyện được con người, phải diễn ra trong nội tâm của nó và chỉ đạt được khi con người được rũ sạch khỏi meo mốc và bụi bẩn của những ý tưởng lỗi thời.[…]

Sương mù độc hại của cuộc sống hằng ngày, một cuộc sống bị làm hoen ố bởi cuộc chiến đấu kiếm cơm thường xuyên, được soi sáng lên và giảm bớt cường độ trong mọi thời đại và ở mọi dân tộc, - chỉ có khoa học và nghệ thuật mới tinh luyện được các hình thức sống man dã của chúng ta. Đã đến lúc khẩn thiết phải đưa những thành tựu vĩ đại nhất của những nhà khoa học và nghệ sĩ vào hiện tại hoang dã không thể tưởng của chúng ta – tất cả những cái quý nhất của thế giới, tất cả tài sản tinh thần của nó, tất cả cái gì có được năng lực và sức mạnh để giáo dục lại con người và nâng nó – kẻ sáng tạo ra những thực tế, vượt lên khỏi những thực tế.

Nhân loại đã sáng tạo ra nhiều cái đẹp, nhưng hằng ngày con người cũng tạo ra vô số những cái xấu xa và giấy lộn, và dưới đống của những cái nhỏ nhoi này tất yếu cái đẹp đã bị che lấp đi.

Chúng ta phải sống sao để chúng ta luôn thấy cái đẹp trước mắt, lúc đó nó sẽ đánh thức trong ta những cảm xúc và hành động xứng đáng với nhân phẩm con người.

Còn nếu người ta đem nhốt một người vào chuồng heo thì sẽ là một sự điên rồ nếu đòi hỏi nó phải trở thành một thiên thần.

4.6.1918


***


Hôm nay chúng ta thấy rõ hơn bao giờ hết dân tộc Nga bị lây nhiễm bệnh thất học thế nào, các quyền lợi của chính đất nước là xa lạ với họ ở mức độ khủng khiếp nào, dân tộc hành xử thô thiển làm sao trên lãnh vực văn minh, và ý thức của nó về lịch sử và hiểu biết về chỗ đứng của mình trong quá trình phát triển lịch sử non kém thế nào.

Nếu nói ‘dân tộc Nga’, tôi hiểu không chỉ các giới công nhân và nông nhân; không, tôi nói cả dân tộc nói chung, tất cả các giai cấp, bởi vì bệnh thất học và bệnh thiếu văn hóa là tiêu biểu cho cả quốc gia Nga. Từ khối lượng hàng triệu những người thất học này, những người không có quan niệm nào về giá trị của cuộc sống, người ta chỉ có thể tách ra số lượng vài ngàn người không đáng kể của giới được gọi là trí thức, nghĩa là những người ý thức được tầm quan trọng của nhân tố trí thức trong quá trình lịch sử. Những người này, mặc cho những sai lầm của họ, là phần quan trọng nhất mà nước Nga đã tạo ra được trong cả quá trình lịch sử khó khăn và gớm ghiếc của nó; những con người này vẫn đã là và vẫn là trái tim và khối óc của đất nước chúng ta. Những lầm lỗi của họ được cắt nghĩa bởi miếng đất của nước Nga không mầu mỡ cho những tài năng tri thức. Chúng ta tất cả đều là tài năng về cảm xúc, là tài năng trong nhân hậu, trong sự tàn bạo và nỗi bất hạnh; trong chúng ta có nhiều anh hùng, nhưng chỉ một ít con người khôn ngoan và mạnh mẽ có thể làm tròn được nhiệm vụ công dân của họ một cách can đảm – một nghĩa vụ khó khăn trong những điều kiện của nước Nga. Chúng ta yêu các anh hùng, nếu họ không chống đối chúng ta, và chúng ta không rõ rằng chủ nghĩa anh hùng chỉ đòi hỏi một giờ hay một ngày sự nỗ lực cảm xúc, trong khi sự can đảm đòi hỏi cả cuộc đời.[…]

Tôi không tin rằng người ta có thể gọi khối người vô sản là một lực lượng tri thức và có văn hóa. Nhưng có lẽ điều đó (ca ngợi vô sản) tiện lợi hơn cho cuộc bút chiến với giới tư sản dễ dàng hơn, để doạ nạt họ và làm cho mình can đảm hơn; nhưng tại đây nơi con người họp mặt lại, như tôi tin, những người chân thật và lo lắng sâu sắc về tương lai của đất nước, thì điều (ca ngợi) đó là thừa. Giai cấp vô sản như khối người chỉ là một lực lượng vật chất, không hơn; cũng như thế với giai cấp nông dân. Nhưng với giới trí thức công nhân và nông dân thì khác; họ dĩ nhiên là lực lượng sáng tạo về trí tuệ, và với tư cách như thế họ đã tách ra khỏi giai cấp của họ và họ cũng cô đơn, như giai cấp tri thức chúng ta lâu đời và bị áp bức, cô đơn và bị tách ra khỏi khối người lao động – bị áp bức không phải chỉ vì một phần của họ bị đưa vào các trại lao động, mà vì các điều kiện sống của họ ở nước Nga, vì cả cuộc sống của họ và công việc của họ. […]

Trong hoàn cảnh của nước Nga công việc văn hóa không đòi hỏi chủ nghĩa anh hùng mà là sự can đảm, sự thích nghi thường xuyên và bền bỉ của tất cả sức mạnh tâm hồn. ‘Gieo cái hợp lý, cái thiện và cái vĩnh cửu trên các miếng đất đầm lầy của nước Nga’, đó là một công việc vô cùng khó khăn, và chúng ta biết rồi các hạt giống của giòng máu tốt nhất của chúng ta, của cái tinh tuý của thần kinh chúng ta, sẽ chỉ nở ít ỏi và tiều tuỵ trên những cánh đồng của nước Nga. Mặc dù thế chúng ta vẫn phải gieo, và đó là nhiệm vụ của những người trí thức, những người hôm nay bị loại ra khỏi cuộc sống bằng bạo lực, và ngay cả bị liệt vào những kẻ thù dân tộc. Nhưng chính họ phải tiếp tục công việc đã được bắt đầu lâu rồi, công việc tẩy sạch và đổi mới về tinh thần cho đất nước, bởi vì chúng ta không có lực lượng trí thức nào khác ngoài họ.[…]

Nếu chúng ta trải lên cả đất nước một mạng lưới các tổ chức hoạt động văn hóa và giáo dục, và qua đó tập hợp lại tất cả các lực lượng tinh thần của đất nước, chúng ta có thể nhóm lửa lên khắp nơi để đem lại đất nước ánh sáng và sự ấm áp để giúp đất nước lành mạnh lại và đứng vững được trên đôi chân mình – khỏe mạnh, cứng cáp và có năng lực xây dựng và sáng tạo. Tôi không nói một sự liên kết hình thức và cứng nhắc của con người, mà một sự liên kết nội tâm và sống động của tất cả những ai cùng có cảm nhận như nhau. Chỉ như thế và chỉ bằng cách đó chúng ta mới tìm được lại văn hóa và tự do đích thực.[…]

Chính trị luôn luôn gớm ghiếc, bất kể ai làm nó, bởi vì nó tất yếu phải đi đôi với nói dối, vu khống và bạo lực. Và bởi vì đó là một chân lý đen tối, mọi người cần biết chân lý này, và chân lý này phải giúp ta nhận thức rằng công việc văn hóa là quan trọng hơn công việc chính trị.[…]

Đáng lẽ tốt hơn nếu người ta không để mình bị mê hoặc trong quá khứ, vì trong dân tộc Nga chắc không bao giờ có cái gì là mê hoặc, nhưng người ta để mình bị lôi cuốn và thất vọng – điều đó không thay đổi được. Mê hoặc là công việc của lòng tin, và thất vọng là một sự trừng phạt cho lòng tin mù quáng. Tri thức giúp chống lại thất vọng và là cái duy nhất người ta có thể khuyên cho những kẻ bị thất vọng. Cả đời tôi, trong những cảm xúc, ý tưởng và hành động tôi đều xuất phát từ con người, bởi vì tôi luôn tin tưởng không suy suyển rằng chỉ con người tồn tại, rằng tất cả những cái còn lại đều là ý kiến và hành động của nó.

Và trong giai đoạn này, giai đoạn khủng khiếp cho chúng ta, khủng khiếp cho đất nước chúng ta, đất nước đã được lập nên bởi nhiều thế hệ, những thế hệ đã làm cho chúng ta hôm nay như thế, trong giai đoạn của điên loạn, kinh hoàng, của chiến thắng sự ngu muội và đê tiện, trong giai đoạn đó tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất: tất cả những cái đó đều do con người mà ra, là sản phẩm của nó.

Con người đã tạo ra tất cả cái đẹp trên trái đất, tất cả thi ca, tất cả những hành động to lớn của lòng can đảm và danh dự, tất cả niềm vui và lễ hội của cuộc sống, tất cả vẻ quyến rũ, sự khôi hài và vĩ đại, tất cả những giấc mơ đẹp và khoa học tuyệt vời. Con người tạo ra trí tuệ táo bạo và ý chí không lay chuyển để vươn lên hạnh phúc.

Đó là con người, trong những ngày bi thảm, những ngày của đau khổ và dày vò, luôn kiên trì tin vào sự chiến thắng của các nguyên lý tốt đẹp mới mẽ đối với những cái cũ kỹ và xấu xa; đó là con người bất khuất đã mang chúng ta đến cuộc nói chuyện hòa hợp và đầy nhân tính ở đây. Chúng ta hãy đến với con người đã gây ra nhiều tội lỗi, nhưng sám hối sự dơ bẩn và tội lỗi bằng những đau khổ lớn lao và cùng cực. Chúng ta có thể tạo ra một không khí để con người có thể dễ thở hơn được chăng? Chúng ta phải và có thể được làm điều đó!

Diễn văn trước buổi họp công khai
của Hội ‘
Văn hóa và Tự do’ ở Moscow
30.6.1918


(*) Có nơi viết Maksim Gorkij, hay Maxim Gorky tiếng Anh.

1 NXB Surkamp taschenbuch, 350 trang.

2 Lá thư này được đăng lần đầu tiên trong nguyệt san văn hóa Letopis (Niên giám) tại Petersburg tháng 5, 1917; sau đó được đăng lại trong nhiều tạp chí khác. Các đề tài trong lá thư được Gorki tiếp tục đề cập nhiều lần trong những bài báo của tờ báo Novaja Zizn (Đời Mới) cho đến tháng 7, 1918 khi nó bị cấm.

3 Công trường diễu hành tại St. Petersburg. Ngày 9.1.1905 Gorki chứng kiến công nhân của Petersburg bị vệ binh của Nga hoàng bắn chết thế nào tại Marsfeld (Ngày thứ hai đẫm máu). Ngày 23.3.1917 một buổi lễ mai táng các nạn nhân của cuộc cách mạng tháng Hai được tổ chức mai táng tại Marsfeld. Lễ mai táng biến thành cuộc biểu tình lớn của công nhân Petersburg.

4 Đội quân của người Tatar Chan Mamaj bị quân Nga đánh tan tành trong trận chiến tại Kulikovo năm 1380. Trong tiếng Nga trận đánh này đã trở thành đồng nghĩa với một cuộc chiến đấu hỗn loạn, ác liệt.

5 Krupp là vua sắt thép và chế súng đạn của Đức thế kỷ 19 và 20.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us