Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Quan hệ Mỹ - Trung Quốc / Quan hệ Mỹ - Trung Quốc (6)

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc (6)

- Nguyễn Văn Nhã — published 20/09/2012 04:00, cập nhật lần cuối 23/09/2012 18:00
Chương 6 (chương cuối) Quan hệ Mỹ - Trung Quốc : CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA MỸ THỜI BIẾN ĐỘNG


Quan hệ Mỹ - Trung Quốc



NGUYỄN VĂN NHÃ

tập hợp và biên dịch



Chương 6

CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA MỸ
TRONG THỜI BIẾN ĐỘNG



Cuốn sách này tập hợp những bài viết và biên khảo liên quan tới quan hệ Mỹ - Trung Quốc, do Nguyễn Văn Nhã tuyển chọn và biên dịch (xem Lời nói đầu Đánh thức Rồng).

Đã xuất bản ngày   3.9.2012 : Chương 1 - Tình hình Kinh tế 2012

Đã xuất bản ngày   4.9.2012 : Chương 2 - Một số vấn đề xã hội ở Trung Quốc

Đã xuất bản này   11.9.2012 : Chương 3 - Một số quan điểm an ninh của Mỹ và Trung Quốc

Đã xuất bản ngày 14.9.2012 : Chương 4 - Trung Quốc và các nước lân bang

Đã xuất bản ngày 17.9.2012 : Chương 5 - Tranh luận về tương lai Trung Quốc


Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu 9 bài của Chương 6 : Chiến lược mới của Mỹ trong thời biến động


Lời vào đầu

Sơ lược về Chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ
(American exceptionalism)

hay là Tính chất đặc thù của nước Mỹ


Người Mỹ từ lâu vẫn nghĩ rằng nước Mỹ có những đặc điểm mà không một quốc gia nào có : đất đai rộng rãi, nhiều tài nguyên, văn hóa Mỹ cao cấp hơn những nước khác, do đó, Mỹ có vai trò dẫn dắt thế giới tới một kỷ nguyên an lành, thịnh vượng. Nhưng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, gây lo sợ cho vấn đề bá quyền của Mỹ trên thế giới, giới học giả đã phải đánh tiếng chuông cảnh báo cho nhân dân Mỹ : nước Mỹ không có ngoại lệ gì cả. Nếu họ làm việc bền bỉ hơn người khác, họ sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn lên thế giới.  Ngược lại, nếu họ chỉ chú trọng tới tiêu thụ, lơ là công việc, thì họ cũng sẽ rơi vào cảnh yếu kém, như mọi quốc gia khác. Bàn về chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ, tức là đả kích sâu xa vào tính tự tôn tự đại của người dân Mỹ, trong mục đích làm họ hiểu rõ là của cải, quyền lực không phải tự trên trời rớt xuống, mà là do lao động bền bỉ tạo ra.


Chủ nghĩa ngoại lệ là lý thuyết cho rằng nước Mỹ về phẩm chất có nhiều khác biệt với các quốc gia khác. Theo quan niệm này, chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ bắt nguồn từ cuộc cách mạng độc lập (1776), lúc đó nước Mỹ trở thành một quốc gia mới hiện diện trên thế giới, và có một ý thức hệ riêng biệt cho nước Mỹ. Nền tảng của ý thức hệ này là : tự do, bình đẳng, cá nhân chủ nghĩa, dân túy và phóng túng (laissez faire). Nhận định này bắt nguồn từ Alexis de Tocqueville, người đầu tiên mô tả nước Mỹ là một ngoại lệ (từ 1831-1840). Sử gia Gordon Wood lý giải lý thuyết này là : “ Người Mỹ chúng ta tin vào tự do, bình đẳng, thượng tôn Hiến pháp, và hạnh phúc của người thường dân xuất phát từ thời cách mạng. Do đó, người Mỹ chúng ta là một quốc gia đặc biệt với một định mệnh đặc biệt, để dẫn dắt thế giới tiến tới tự do và dân chủ ”.

Cụm từ “ chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ ” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1929 bởi Stalin, phê phán Đảng Cộng sản Mỹ.

Vào thời kỳ đó, Jay Lovestone, tổng bí thư Đảng Cộng sản Hoa Kỳ đã mô tả tính đặc biệt của nền kinh tế Mỹ, đã cho rằng quốc gia này có nhiều sức mạnh dự trữ (đất đai, lao động…) cho nên không cần làm cách mạng vô sản. Năm 1929, Stalin đã gọi Lovestone là “ một kẻ dị giáo theo chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ ”. Đó là lần đầu tiên từ ngữ chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ đã được sử dụng.

Mặc dù cụm từ này không hàm nghĩa dân tộc Mỹ cao cấp hơn các dân tộc khác, nhưng nhiều người bảo thủ ở Mỹ lại hàm ý nó ám chỉ sự thượng đẳng của Mỹ. Đối với họ, nước Mỹ giống như một “ Thành phố chói lọi trên đỉnh đồi ” ở trong Kinh thánh, và không bị ảnh hưởng bởi những lực của lịch sử như các quốc gia khác.

Từ năm 1960, các học giả hậu dân tộc (bên tả) đã bác bỏ chủ nghĩa này. Họ lý luận nước Mỹ không phải là hoàn toàn  tách rời khỏi ảnh hưởng của lịch sử châu Âu, mà vẫn có bất bình đẳng giai cấp, đế quốc và chiến tranh. Thêm vào đó, họ nghĩ là mọi quốc gia đều có một hình thức nào đó của chủ nghĩa ngoại lệ.

Sử gia Louis Hartz (1955) đã lý luận là trong truyền thống chính trị của nước Mỹ, thiếu những phong trào tả phái xã hội chủ nghĩa, và phong trào hữu phái (quý tộc). Không giống như các quốc gia châu Âu, ở Mỹ không có truyền thống phong kiến, giống như giáo hội lâu đời, lãnh địa vua chúa và quý tộc gia truyền. Cho nên chính quyền Mỹ không mang tính chất tập trung hay mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa như ở châu Âu.

Một số học giả Mỹ cũng cho rằng một số quốc gia khác cũng mang tính chất ngoại lệ, theo nghĩa là họ theo đuổi một cách có hệ thống một công trình bất vụ lợi, ví dụ nước Nga vào thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa và nước Pháp sau thời cách mạng dân chủ.

Tính ngoại lệ của nước Mỹ  hiện nay

Các học giả thường sử dụng từ này để mô tả sự khác biệt giữa nước Mỹ và các nước châu Âu già cỗi. Đó là Hoa Kỳ được xây dựng trên một loạt những lý tưởng, và nó không có những tầng lớp quý phái cha truyền con nối như ở lục địa cũ. Đó là cơ hội may mắn cho người châu Âu qua định cư, trong một đất nước rộng lớn, thưa dân, và hầu như có đủ mọi tài nguyên quan trọng cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, chính sách của Mỹ còn rộng mở cho sự du nhập kiều dân từ đủ mọi quốc gia trên thế giới. Do đó, khi nhắm tới tính ngoại lệ của nước Mỹ, người ta phải kể ra 4 đặc điểm sau đây : nước Mỹ giàu có một cách đặc biệt, nước Mỹ hùng mạnh đặc biệt, nước Mỹ tạo ra cơ hội làm giàu cho mọi công dân của nó, và vai trò đặc biệt của Mỹ ngày càng được mở rộng trên trường quốc tế.

Ngày nay, sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 80 năm qua, người Mỹ chưa nhận thức được tình hình thế giới đang có nhiều chuyển biến, và họ chưa nhận thấy nhu cầu phải cải tổ lại chính sách cho thích hợp với tình hình. Đảng viên của Đảng Cộng hòa luôn luôn chỉ trích chính phủ của Tổng thống Obama là không hiểu gì về tính ngoại lệ trong lịch sử Hoa Kỳ, mà họ cho đó là một giá trị sâu xa của nước Mỹ. Không một chính trị gia nào ở Mỹ đã đặt lại vấn đề ngoại lệ của đất nước. Mặc dù nhiều người đã kín đáo đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ còn giữ được tính ngoại lệ của mình nữa không, trong bối cảnh những thay đổi dồn dập trên thị trường thế giới hiện nay. Không phải chỉ nói rằng Hoa Kỳ đặc biệt giàu có, đặc biệt hùng mạnh, đặc biệt năng động, mà nước Mỹ sẽ vẫn được như vậy. Tính đặc biệt không phải là một tính chất bất biến, tồn tại vĩnh viễn, giống như một bằng cấp đại học, mà người ta phải tranh đấu liên tục để giữ lấy nó. Nếu không, có thể một số nước khác sẽ vượt qua Mỹ, và tính ngoại lệ trong lịch sử của nước Mỹ sẽ không tồn tại nữa. Muốn được như vậy, theo các tác giả Thomas Friedman và M.Mandelbaum, Hoa Kỳ phải đáp ứng được 4 thách thức lớn của thế kỷ 21 : thách thức của toàn cầu hóa, thách thức của cuộc cách mạng công nghệ tin học (I.T.), giải quyết được núi nợ công ngày càng tăng, và làm sao giảm bớt được sự tiêu thụ thái quá năng lượng. Ngày nay, nước Mỹ chưa có chính sách nào cả để giải quyết 4 vấn đề này.

Về giáo dục, họ chưa chỉnh sửa lại chương trình giảng dạy, để đào tạo một lớp sinh viên có khả năng làm những công việc cao cấp trong công nghệ thông tin, và trong một thế giới toàn cầu hóa. Nước Mỹ cũng không có khả năng giải quyết những tranh cãi giữa các chính đảng (Dân Chủ và Cộng hòa), để có chung một chính sách quốc gia giải quyết tình hình công nợ thái quá, và giảm bớt thâm hụt ngân sách. Mỗi lần phe Dân Chủ muốn cắt giảm ngân sách, họ liền bị phe Cộng Hòa chặn lại. Chủ nghĩa dân túy đòi hỏi các chính trị gia phải thỏa mãn những yêu cầu của quần chúng (tăng công ăn việc làm, tăng lương) mà không cần để ý đến mối nguy hiểm của thâm thủng ngân sách. Nếu họ không thỏa mãn được yêu cầu này, có khả năng họ sẽ mất phiếu của cử trị trong lần bầu cử sắp tới. Vì lẽ đó, ngân sách liên bang, cũng như ngân sách của các tiểu bang ngày càng thâm hụt trầm trọng. Cũng vì chính sách kinh tế lấy tiêu thụ trong nước làm động lực phát triển kinh tế (lý thuyết của Keynes về chi phí hao hụt của nhà nước), cho nên sự tiêu thụ thái quá năng lượng hóa thạch (dầu hỏa, khí đốt, than) không được kiềm chế, và trở thành mối đe dọa cho các thế hệ tương lai.

(Theo Thomas Friedman & Michael Mandelbaum : America really was that great,
tạp chí Foreign Policy, số tháng 11.2011, trang 76)



6.1. Stephen M. Walt : Huyền thoại về chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ

6.2. Charles M. Blow : Sự suy tàn của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ

6.3. Zbigniew Brzezinski : Hậu Mỹ

6.4. Richard N.Haass : Chủ thuyết phục hồi

6.5. Joseph M.Parent, Paul K MacDonald : Sự khôn ngoan của chính sách tinh giảm

6.6. Christopher Layne : Cân bằng ngoài khơi

6.7. Micah Zenko, Michael Cohen : An toàn hiện nay rất rõ ràng

6.8. Chas Freeman : Tháu cáy Trung Quốc

6.9. Zbigniew Brzezinski : Cân đối phía Đông, nâng cấp phía Tây






Để đọc mỗi bài, bạn đọc chỉ việc bấm chuột vào con số tương ứng ở dưới đây :

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us