Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Tiếng cười trong bóng tối

Tiếng cười trong bóng tối

- Nabokov/Đặng Xuân Thảo — published 10/01/2015 00:00, cập nhật lần cuối 10/02/2015 22:22


DL

Tiếng cười trong bóng tối

Vladimir Nabokov


Vladimir Nabokov (1899 - 1977) là một nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình văn học, người Mĩ gốc Nga. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng, thường được xếp vào hàng những tác phẩm văn chương lớn nhất của thế kỷ, như Lolita (1955), Pale Fire (1962), Ada or Ardor: A Family Chronicle (1969). Laughter in the dark (1938), không nổi tiếng bằng các tác phẩm này, lại là một cuốn sách đặc sắc nằm ở biên giới giữa dịch thuật và sáng tạo. Với mục đích ban đầu là dịch ra tiếng Anh cuốn Камера обскура (1932) do chính ông viết bằng tiếng Nga, Nabokov đã biến đổi nó thành một tác phẩm mới - tài năng văn chương và ngôn ngữ xuất chúng của ông đã tạo nên vẻ hấp dẫn độc đáo cho một câu chuyện cũ bằng cách lồng nó vào khung cảnh và những sắc thái biểu cảm của một ngôn ngữ mới. 

Chúng tôi xin giới thiệu sau đây hai chương đầu của cuốn Laughter in the dark, trích từ bản dịch tiếng Việt Tiếng cười trong bóng tối, do Đặng Xuân Thảo dịch, NXB Nhã Nam và NXB Văn học phát hành vào cuối năm 2014.



Chương 1


Trước đây ở Berlin nước Đức có một người đàn ông tên là Albinus. Ông ta giàu, hạnh phúc, đáng kính; một ngày nọ ông bỏ người vợ của mình để theo một người tình trẻ tuổi; ông ta yêu; không được yêu; và cuộc đời ông kết thúc trong thảm họa.

Đó là toàn bộ câu chuyện và đáng ra chúng ta đã có thể dừng tại đây nếu không vì việc kể chuyện này sẽ mang lại lợi ích hay vui thú; và dù một tấm bia mộ viền rêu có rộng chỗ để khắc lại bản tóm tắt cuộc đời một người đàn ông, người ta luôn mong được biết chi tiết.

Chuyện là vào một đêm nọ, Albinus có một ý tưởng tuyệt vời. Đúng ra, ý tưởng này không thật sự là của ông, bởi vì nó được gợi lên từ một câu viết của Conrad (không phải ông Conrad nổi tiếng người Ba Lan mà là Udo Conradi, người viết cuốn Hồi ký của người hay quên và một cuốn khác về nhà ảo thuật già tự làm mình biến mất bí ẩn trong buổi biểu diễn giã biệt). Bất kể thế nào, ông đã biến ý tưởng đó thành của mình bằng cách yêu thích nó, chơi đùa với nó, để nó ngày càng chiếm nhiều cảm tình nơi ông, và chừng ấy là đủ để hợp pháp hóa một tài sản trong thành quốc tự do của tâm trí. Là một nhà phê bình nghệ thuật và chuyên gia về hội họa, ông thường thích thú với việc gắn mác danh họa này danh họa kia với những phong cảnh và khuôn mặt mà ông ta, tức Albinus, gặp trong đời thực: điều này đã biến cuộc sống của ông thành một phòng trưng bày tinh tế gồm những bức tranh giả hấp dẫn, bức nào cũng vậy. Rồi, một đêm, khi ông đang để bộ óc có học của mình nghỉ ngơi và viết một bài tiểu luận về nghệ thuật điện ảnh (không có gì đặc sắc cho lắm, ông không có tài năng gì xuất chúng mà), ý tưởng tuyệt vời đó nảy ra trong đầu ông.

Ý tưởng này liên quan đến thể loại phim hoạt hình màu vừa mới xuất hiện vào thời kỳ đó. Thật hấp dẫn làm sao, ông nghĩ, nếu người ta có thể sử dụng phương pháp này để tái tạo hoàn hảo trên màn hình một bức họa nổi tiếng nào đó, hay nhất là một bức thuộc trường phái Hà Lan, trong màu sắc rực rỡ và thổi vào đó sự sống - những chuyển động, cử chỉ được triển khai sinh động và hài hòa trọn vẹn với trạng thái tĩnh của chúng trong bức tranh; ví dụ như, một quán rượu với những hình người nhỏ bé đang say sưa uống quanh những chiếc bàn gỗ, và hình ảnh ngập nắng thoảng qua của một mảnh sân với đàn ngựa thắng yên... tất cả bỗng trở thành một cảnh sống khi người đàn ông nhỏ bé mặc áo đỏ đó đặt chiếc cốc vại xuống, cô gái kia đang bê chiếc khay uốn mạnh người để tự thoát ra, và một con gà mái thì bắt đầu mổ lên ngưỡng cửa. Cảnh đó có thể tiếp tục bằng cách đưa những nhân vật nhỏ bé ra ngoài trời, đi xuyên qua một bức phong cảnh của chính họa sĩ ấy; cảnh đó có thể có bầu trời nâu xám với con kênh đóng băng, và những người đi giày trượt lạ mắt dùng ở thời đó, đang trượt thành những đường lượn tròn kiểu xưa gợi lên bởi bức tranh; hay cảnh đó có thể có một con đường ẩm ướt trong sương mù và một cặp hai người cưỡi ngựa - kết thúc là quán rượu lúc trước, rồi từng bước từng bước các nhân vật và ánh sáng được khôi phục theo đúng trình tự và được ổn định đâu vào đó, đại khái là mọi thứ cuối cùng quay về như trong bức tranh ban đầu. Sau đó, ta cũng có thể thử dùng tranh của các họa sĩ Ý: mảng màu xanh hình nón của một ngọn đồi ở phía xa, một con đường mòn màu trắng lượn vòng quanh, dòng người hành hương nhỏ bé đang uốn khúc đi lên. Và thậm chí ta có thể dùng cả tranh theo chủ đề tôn giáo, nhưng chỉ những bức với nhân vật thu nhỏ. Và người hoạ sĩ làm phim không những phải hiểu biết sâu về nhà danh họa và thời đại của ông, mà còn phải được trời phú cho đủ tài năng để tránh mọi tương phản giữa chuyển động mới thêm vào và chuyển động bị nhà danh họa thời xưa làm ngưng lại - để làm việc đó họa sĩ kia phải lấy cảm hứng từ bức họa - ờ, việc này cũng khả thi đấy. Còn màu sắc... màu sắc thì nhất thiết phải thật tinh tế hơn màu sắc trong phim hoạt hình. Câu chuyện được kể sẽ thú vị biết bao, câu chuyện được kể bởi trí tưởng tượng của một nhà danh họa, một chuyến du hành ngây ngất của đôi mắt và cây cọ vẽ, một thế giới toát lên phong cách của nhà danh họa và tràn ngập những gam màu do chính ông tạo nên!

Một thời gian sau, Albinus có dịp nói đến chuyện đó với một nhà sản xuất phim, nhưng ông này không một chút hào hứng - ông ta nói rằng ý tưởng này sẽ cần đến một công việc tinh xảo đòi hỏi những cải tiến mới trong phương pháp làm phim hoạt hình, và sẽ tốn một núi tiền; ông ta nói rằng vì thiết kế quá công phu, độ dài hợp lý của một bộ phim như thế sẽ không thể nhiều hơn vài phút; và kể cả nếu được chiếu, bộ phim cũng sẽ làm đa số khán giả chán đến tận cổ và ai cũng sẽ thấy thất vọng.

Rồi Albinus lại bàn chuyện đó với một nhà điện ảnh khác, và ông ta cũng gạt bỏ toàn bộ đề xuất này. “Chúng ta có thể bắt đầu bằng một bộ phim khá đơn giản,” Albinus nói, “một ô cửa sổ kính màu bỗng trở nên sống động, một huy hiệu chuyển hoạt hình, một hoặc hai ông thánh nho nhỏ.”

“Tôi e rằng đây không phải là ý tưởng hay, “ ông ta đáp. “Chúng tôi không thể liều làm một bộ phim quá cầu kỳ.”

Nhưng Albinus vẫn ôm giữ ý tưởng của mình. Cuối cùng thì ông nghe nói đến một anh chàng thông minh, Axel Rex, một tay cực giỏi vẽ tranh quái dị - trên thực tế tay này đã làm bộ phim dựa trên một câu chuyện cổ tích Ba tư làm giới trí thức ở Paris thích thú và cũng đồng thời làm phá sản người bỏ vốn cho vụ kinh doanh mạo hiểm này. Vì thế Albinus cố tìm gặp hắn, nhưng được biết hắn vừa trở lại Mỹ để vẽ tranh biếm họa cho một tờ báo ảnh. Một thời gian sau, Albinus tìm được cách liên lạc với hắn và Rex có vẻ quan tâm.

Vào một ngày tháng Ba, Albinus nhận được một lá thư dài của hắn, nhưng lá thư lại đến đúng vào lúc chuyện đời tư - rất riêng tư - của ông đang trải qua một cơn khủng hoảng đột ngột, cho nên ý tưởng tuyệt vời đó (mà lẽ ra đã có thể sống dai dẳng và biết đâu sẽ tìm được một bức tường để bám vào rồi đơm hoa kết trái) vừa héo khô rồi teo quắt lại một cách lạ lùng trong tuần trước đó.

Rex viết rằng việc tiếp tục cố thu hút dân Hollywood chỉ là vô vọng thôi, rồi hắn thản nhiên đề xuất rằng Albinus là người có của cải, thì nên tự bỏ vốn để thực hiện ý tưởng của mình; trong trường hợp đó, hắn, tức Rex, sẽ chấp nhận một khoản tiền công như thế như thế (một số tiền nghe mà giật mình) mà một nửa phải trả trước, để thiết kế một bộ phim, ví dụ lấy cảm hứng từ bức Thành ngữ của Breughelii chẳng hạn, hay bất cứ thứ gì khác mà Albinus muốn hắn dựng thành hình ảnh động.

“Nếu là anh, tôi sẽ thử mạo hiểm. Các phim thông thường khác tốn tiền hơn... Ý tôi nói những bộ phim về chiến tranh có các tòa nhà sụp đổ,” ông em vợ của Albinus tên Paul, một người béo mập và tốt bụng, với hai cái bút chì và hai cái bút máy gài ở túi áo ngực, nhận xét.

“Ờ, với những bộ phim như thế người ta sẽ thu hồi được vốn, còn tôi thì sẽ không.”

“Hình như tôi nhớ,” Paul nói trong khi rít một hơi xì gà (họ sắp kết thúc bữa ăn tối), “anh dự định cúng vào đó một món tiền đáng kể - không ít hơn số tiền công hắn đòi là bao. Thế thì tại sao, vấn đề là gì vậy? Trông anh không còn vẻ hăng hái như cách đây không lâu. Anh sẽ không bỏ cuộc đấy chứ?”

“Hừm, tôi cũng chẳng biết nữa. Cái khía cạnh thực dụng này làm tôi hơi khó chịu; chứ nếu không, tôi vẫn thích ý tưởng của mình.”

“Ý tưởng gì vậy?” Elisabeth hỏi han.

Đó là một trong những thói quen vặt của bà - hỏi về chuyện đã được bàn bạc thấu đáo khi có mặt bà. Đó hoàn toàn là do bà bồn chồn, chứ không phải do bà chậm hiểu hay thiếu tập trung; và quá nửa số lần, ngay khi đang hỏi, đang lỡ buột ra câu nói không dừng được nữa, tự bà vẫn nhận ra mình luôn biết câu trả lời. Chồng bà biết rõ thói quen vặt này mà không lấy làm bực mình, ngược lại, ông thấy cảm động và thích thú. Lúc thường, hẳn ông sẽ bình thản tiếp tục câu chuyện bởi ông biết chắc (còn chờ đợi nữa là khác) rằng bà sẽ đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi của mình. Nhưng vào cái ngày tháng Ba đó, Albinus đang trong cơn bực dọc, bối rối, khổ sở, đến độ ông không còn giữ được bình tĩnh nữa.

“Mới từ cung trăng rơi xuống à?” ông cộc cằn hỏi, và vợ ông liếc nhìn móng tay mình rồi nói xoa dịu:

“Dạ vâng, em nhớ ra rồi.”

Đoạn bà quay sang cô bé Irma tám tuổi đang ngấu nghiến một đĩa đầy kem sô cô la mà la lên:

“Đừng ăn nhanh như thế, con yêu, mẹ xin đấy, đừng ăn nhanh như thế.”

“Tôi cho rằng,” Paul lên tiếng trong khi rít điếu xì gà, “mọi phát minh mới...”

Bị cuốn trong dòng cảm xúc lạ lùng, Albinus nghĩ: “Mình quan tâm đến cái tay Rex này làm quái gì nhỉ, cả cái cuộc đàm luận ngớ ngẩn này, cả cái món kem sô cô la này...? Mình đang phát điên lên đây mà chẳng ai biết gì. Còn mình thì không dứt ra được, có cố cũng chỉ vô vọng, và ngày mai mình sẽ lại đi đến đó ngồi như một gã điên trong cái chỗ tối om... Không thể tin nổi.”

Điều đó chắc chắn là không thể tin nổi - càng không thể tin nổi khi mà trong suốt chín năm làm chồng, ông luôn kiểm chế được bản thân, chưa bao giờ, chưa bao giờ... “Thực ra,” ông nghĩ, “mình phải nói với Elisabeth về chuyện đó; hay là chỉ cần đi đâu với cô ấy một thời gian ngắn; hay là đi khám bác sĩ tâm lý; nếu không thì...”

Không, người ta không thể rút súng bắn chết một cô gái họ thậm chí không quen, đơn thuần vì bị cô nàng cuốn hút.


Chương 2


Albinus chưa từng gặp nhiều may mắn trong tình trường. Mặc dù có ngoại hình điển trai kiểu gia giáo kín đáo, không hiểu sao ông không thu được lợi ích thiết thực nào từ sức hấp dẫn phụ nữ của mình - bởi vì rõ ràng có cái gì đó rất quyến rũ trong nụ cười dễ thương và trong đôi mắt xanh nhạt hơi lồi ra mỗi khi ông suy nghĩ căng thẳng (và do đầu óc ông hơi chậm chạp nên điều này xảy ra ngoài ý muốn khá thường xuyên). Ông là người nói chuyện có duyên, chỉ có đôi chút ngập ngừng khi diễn đạt, ưu điểm lớn nhất của tật nói lắp vốn mang đến nét duyên dáng tươi mát cho cả câu nói cũ rích nhạt nhẽo nhất. Điểm cuối nhưng không kém quan trọng (vì ông sống trong một xã hội Đức trưởng giả) là ông được cha mình để lại một tài sản đang dùng để đầu tư an toàn; ấy thế mà, sự lãng mạn lần nào đi ngang qua đời ông cũng đều có thủ thuật để trở thành lãng xẹt.

Thời sinh viên ông có một chuyện tình chán ngắt, vào loại nặng ký, với một người phụ nữ đứng tuổi u buồn, về sau trong chiến tranh, bà này gửi ra mặt trận cho ông những đôi tất màu tím, những chiếc áo len dặm người và những lá thư thắm thiết dài lê thê, được viết nhanh như chớp trên giấy da với kiểu chữ nguệch ngoạc khó đọc. Tiếp đó còn có vợ một vị giáo sư mà ông gặp bên bờ sông Rhine; bà ta xinh đẹp nếu chỉ nhìn từ một góc và dưới một ánh sáng nhất định, nhưng lãnh đạm và bẽn lẽn đến độ ông nhanh chóng bỏ cuộc. Cuối cùng, ở Berlin, ngay trước đám cưới của mình, ông dính vào một người phụ nữ gầy gò buồn tẻ với khuôn mặt thô kệch, bà hay đến mỗi đêm thứ Bảy và có thói quen kể tỉ mỉ về toàn bộ quá khứ của mình, nói đi nói lại về cái chủ đề đáng nguyền rủa đó, thở dài mệt mỏi trong vòng tay ông và luôn kết thúc bằng câu tiếng Pháp duy nhất bà biết: “C’est la vieiii.” Những lầm lỡ ngu ngốc, những trải nghiệm dò dẫm, những nỗi thất vọng; vị Thần Ái Tình bảo hộ cho ông chắc hẳn vụng về, nhát gan và không hề có trí tưởng tượng. Bên cạnh những mối tình nhạt nhẽo này có hàng trăm cô gái mà ông chỉ mơ đến chứ không hề làm quen được; họ lướt qua đời ông, để lại cái cảm giác mất mát tuyệt vọng kéo dài một hai ngày, chính cái cảm giác làm cho cái đẹp được là cái đẹp: một cái cây đơn độc xa xăm trên nền trời vàng ánh kim; những gợn sóng ánh sáng hắt lên mặt cong cong phía trong của một cây cầu; một điều gì đó không thể nắm bắt nổi.

Ông lấy vợ, nhưng, dù ông yêu Elisabeth theo cách của mình, bà cũng không đem đến được cho ông những rung cảm ông đang ngày càng mòn mỏi vì khao khát. Bà là con gái một ông chủ nhà hát nổi tiếng, một thiếu nữ tóc vàng mảnh mai yểu điệu, với đôi mắt nhợt màu và những mụn li ti tội nghiệp ngay trên cái mũi nhỏ nhắn mà các nữ văn sĩ Anh sẽ tả là “hếch”iv (hãy lưu ý chữ “e” thứ hai thêm vào để tránh nhầm lẫn). Làn da của bà mỏng đến độ chỉ cần chạm nhẹ cũng để lại một vết đỏ lâu mới nhạt.

Ông lấy bà bởi vì mọi chuyện diễn ra như thế. Một chuyến đi chơi trên núi cùng bà, thêm vào cậu em trai to béo và bà chị họ đặc biệt cường tráng mà, ơn Chúa, cuối cùng cũng bị bong gân mắt cá chân ở Pontresina, là sự kiện chịu trách nhiệm chính về cuộc hôn nhân của ông bà. Bà có nét gì đó thật xinh xắn và nhẹ nhõm, bà còn có giọng cười thật nhân hậu. Họ làm đám cưới ở Munich để tránh cuộc tấn công của đám bạn bè quen ở Berlin. Những cây hạt dẻ đang nở rộ. Một cái hộp đựng thuốc lá vốn được coi như của quý bị mất trong khu vườn bỏ hoang. Một ông bồi bàn ở khách sạn nói được bảy ngôn ngữ. Elisabeth lộ ra là có một vết sẹo nhỏ mềm mại, di chứng của lần viêm ruột thừa.

Bà là người bình dị hay quyến luyến, nhu mì và dịu dàng. Tình yêu của bà phảng phất nét của loài hoa huệ; nhưng đôi lúc nó bùng cháy và khi đó Albinus mê muội mà nghĩ rằng mình không cần thêm một bạn tình nào khác.

Lúc có thai, đôi mắt bà mang một vẻ hài lòng trống rỗng, như thể đang bà trầm tư suy ngẫm về thế giới bên trong mới mẻ của mình; dáng đi ơ hờ của bà chuyển thành lạch bạch đầy cẩn trọng và bà ngấu nghiến những nắm tuyết bốc vội lên khi không ai nhìn. Albinus cố chăm sóc bà hết mình; ông dẫn bà đi dạo thật lâu và chậm rãi; ông trông nom sao cho bà phải đi ngủ sớm và chú ý không để đồ đạc có góc nhọn trong nhà làm bà đau khi đi lại; nhưng khi đêm đến ông lại mơ thấy một cô gái trẻ nằm dài trên bãi biển nóng bỏng hiu quạnh, và trong giấc mơ đó một nỗi sợ bị vợ bắt quả tang bất thình lình choán lấy ông. Buổi sáng Elisabeth ngắm thân hình đang phình lên của mình trước tủ gương và nở nụ cười hài lòng bí ẩn. Rồi một hôm bà được chở đến nhà hộ sinh và Albinus sống đơn độc trong ba tuần. Ông chẳng biết làm gì một mình cả; ông uống khá nhiều rượu brandy và bị hai ý nghĩ đen tối dằn vặt, mỗi ý nghĩ đen tối theo một kiểu riêng: một là vợ ông có thể chết, hai là, giá mà can đảm hơn đôi chút, ông đã có thể kiếm một cô gái thân thiện nào đem về phòng ngủ trống trải của mình.

Đứa bé đó rồi có chịu ra đời không đây? Albinus dạo lên dạo xuống dọc lối đi dài được quét vôi và láng men trắng xóa, có cái cây cọ trông như một cơn ác mộng đặt trên đỉnh cầu thang; ông căm ghét nó; ông căm ghét cái sắc trắng tuyệt vọng của nơi đó và những cô y tá má đỏ, đầu gắn cánh trắng, rì rầm nói chuyện và lúc nào cũng tìm cách đuổi ông đi. Cuối cùng thì bác sĩ phụ mổ cũng ló ra và nói bằng giọng rầu rĩ: “Xong rồi, mọi việc xong rồi.” Albinus thấy trước mắt mình rơi xuống một màn mưa bụi đen sẫm như ánh nhập nhòe của các bộ phim rất cổ (1910, một dòng người đưa tang gấp gáp đứt khúc với những đôi chân bước quá nhanhv). Ông lao vào phòng bệnh nhân. Elisabeth vừa hạnh phúc cho ra đời một bé gái.

Đứa bé ban đầu đỏ và nhăn nhúm như một quả bóng đồ chơi bị xẹp. Nhưng rồi nhanh chóng, da mặt cô bé phẳng ra, và sau một năm thì cô bé bắt đầu nói bi bô. Bây giờ cô bé tám tuổi và bớt lém đi nhiều, do thừa hưởng tính rụt rè của mẹ. Nét tươi vui của cô bé, cũng giống mẹ mình, một nét vui tươi kín đáo dị thường. Nó đơn thuần là một niềm vui thích lặng lẽ về cuộc sống của bản thân, thoáng điểm thêm vẻ ngạc nhiên hài hước về việc mình đang sống thật - vâng, về căn bản nó là thế đấy: một nét tươi vui buồn tẻ đến chết người.

Và trong suốt những năm đó, giữa hai luồng cảm xúc làm ông rất đỗi rối bời, Albinus vẫn luôn chung thủy. Ông cảm thấy mình yêu vợ chân thành trìu mến - quả thực cũng nhiều như ông có thể yêu một người đồng loại, và ông hoàn toàn thẳng thắn với bà về mọi việc, trừ cái niềm khao khát thầm kín điên rồ đó, cái giấc mơ đó, cái nỗi ham muốn đang đốt thủng đời ông. Bà đọc hết mọi lá thư ông viết đi hay nhận được, muốn biết mọi chi tiết công việc của ông - đặc biệt là công việc liên quan đến xử lý các bức tranh cổ màu sắc tối tăm mà giữa những vết rạn nứt có thể phát hiện ra mông một con ngựa trắng hoặc một nụ cười ảm đảm. Họ trải qua cùng với nhau những chuyến du lịch nước ngoài rất thú vị và những buổi chiều đẹp êm ả ở nhà khi ông ngồi với bà ngoài ban công cao phía trên khu phố màu xanh có những đường dây điện và ống khói vẽ ngang qua chân trời hoàng hôn bằng mực tàu, và ông ngẫm nghĩ rằng mình thật sự hạnh phúc hơn so với mình đáng được hưởng.

Vào một buổi chiều (một tuần trước lần nói chuyện về Axel Rex), trên đường đến quán cà phê nơi ông có buổi hẹn công chuyện, ông nhận ra đồng hồ của mình đang chạy như ngựa (đây cũng không phải lần đầu tiên), vì thế ông còn cả tiếng đồng hồ, một món quà miễn phí cần phải sử dụng bằng cách này hay cách khác. Dĩ nhiên đi xuyên qua thành phố về lại nhà thì thật là ngớ ngẩn, nhưng ông cũng không cảm thấy muốn ngồi đó đợi: cảnh những người đàn ông khác bên người yêu luôn làm ông khó chịu. Ông đi lang thang vơ vẩn và đến trước một rạp chiếu bóng nhỏ, ánh đèn từ đó hắt lên lớp tuyết một vùng sáng màu đỏ thắm. Ông liếc nhìn tấm áp-phích (vẽ một người đàn ông đang ngước nhìn lên một ô cửa sổ đóng khung quanh một đứa trẻ mặc áo ngủ), chần chừ, rồi mua vé vào cửa.

Ông mới chỉ vừa bước vào khoảng tối mượt như nhung thì luồng sáng hình ô van của chiếc đèn pin đã quét ngay về phía ông (như vẫn thường diễn ra) rồi không kém phần nhanh chóng và nhẹ nhàng dẫn ông xuống lối đi thoai thoải tối mờ. Chính khi ánh đèn chiếu lên tấm vé đang cầm trong tay, Albinus nhìn thấy khuôn mặt nghiêng nghiêng của cô gái và rồi, khi bước sau cô, ông lờ mờ nhận ra thân hình rất thon thả và vẻ nhanh nhẹn cân đối trong dáng đi bình thản của cô. Lúc loạng quạng ngồi vào ghế, ông ngước lên nhìn cô và thấy lại tia sáng trong trẻo từ mắt cô mỗi khi tình cờ được ánh đèn chiếu tới và đường viền tan nhòe của gò má trông như nét bút của một danh họa vĩ đại trên nền đen đậm đặc. Chuyện này không có gì đặc biệt cho lắm cả: những chuyện như thế đã từng xảy ra với ông và ông biết chỉ có dại dột thì mới nghĩ ngợi về chuyện đó. Cô ta đi khỏi rồi mất hút trong bóng tối, và ông bỗng cảm thấy chán ngán và buồn bã. Ông vào xem lúc bộ phim đã sắp hết: một cô gái đang bước giật lùi giữa đống đồ đạc tung tóe, phía trước một gã đeo mặt nạ tay cầm súng. Chẳng có gì thú vị khi theo dõi những chuyện xảy ra trong phim mà ông không thể hiểu được vì chưa xem đoạn đầu.

Trong giờ nghỉ, ngay khi đèn được bật lên, ông nhìn thấy cô lần nữa: cô đứng ở lối ra, cạnh tấm rèm màu tím đến hãi hùng mà cô vừa kéo sang một bên, và dòng người đi ra tràn qua cô. Một tay cô đút trong túi chiếc tạp dề ngắn có thêu, chiếc váy màu đen ôm rất sát hai tay và ngực cô. Ông gần như khiếp đảm chăm chú nhìn khuôn mặt cô. Đó là một khuôn mặt trắng xanh, hờn dỗi, đẹp đến nhức nhối. Ông đoán cô khoảng mười tám tuổi.

Rồi khi phòng chiếu hầu như không còn ai nữa và dòng khán giả kế tiếp bắt đầu lan ngang ra, dọc theo các hàng ghế; cô đi qua đi lại, vài lần đến khá gần ông; nhưng ông quay mặt đi vì cảm thấy đau đớn khi nhìn và vì ông không thể không nghĩ tới chuyện biết bao lần cái đẹp - hay những gì ông gọi là cái đẹp - đã đi ngang qua ông rồi tan biến mất.

Ông ngồi trong bóng tối thêm nửa tiếng nữa, đôi mắt lồi dán lên màn hình. Rồi ông đứng dậy bước ra ngoài. Cô kéo rèm sang một bên cho ông, làm những chiếc vòng gỗ khẽ kêu lách cách.

“Ôi, nhưng mình sẽ nhìn thêm lần nữa,” Albinus đau khổ nghĩ.

Ông thấy đôi môi cô dường như hơi chúm lại. Cô thả tấm rèm xuống.

Albinus giẫm phải vùng nước đỏ như máu; tuyết đang tan, màn đêm ẩm ướt, mọi sắc màu không phai của đèn đường đều chảy tan ra. “Argus”vi - tên này cho rạp chiếu bóng thật hay.

Ba ngày sau thì ông không thể lờ đi những ký ức về cô được nữa. Ông cảm thấy phấn khích một cách lố bịch khi bước vào chỗ đó lần nữa, cũng lại giữa chừng một bộ phim nào đó. Mọi thứ lại diễn ra đúng như lần đầu: ánh đèn pin quét qua, đôi mắt dài giống trong tranh của Luinivii, bước đi nhanh nhẹn trong bóng tối, cử động yêu kiều của cánh tay trong lớp vải đen khi cô lách cách kéo rèm sang một bên. “Bất cứ người đàn ông bình thường nào cũng biết cần làm gì,” Albinus nghĩ. Một chiếc ô tô đang ngoằn ngoèo lao xuống con đường trơn có những chỗ ngoặt hình chữ chi giữa một bên là vách đá một bên là vực thẳm.

Khi ra về, ông cố tìm ánh mắt cô, nhưng không được. Bên ngoài, mưa không ngừng trút xuống và vỉa hè sáng loáng một màu đỏ thẫm.

Giá ông không đến đó lần thứ hai, ông hẳn đã có thể quên cái bóng ma của lần phiêu lưu đó, nhưng giờ thì đã quá muộn. Ông lại đến đó lần thứ ba, kiên quyết là sẽ mỉm cười với cô - và cái liếc mắt đưa tình của ông hẳn sẽ tuyệt vọng biết bao, nếu ông làm được. Cuối cùng thì tim ông đập quá mạnh đến nỗi ông lỡ mất dịp đó.

Ngày hôm sau Paul đến ăn tối, họ bàn về chuyện làm ăn với Rex, bé Irma ăn ngấu nghiến món kem sô cô la và Elisabeth hỏi những câu quen thuộc.

“Mới từ cung trăng rơi xuống à?” ông hỏi lại, và rồi cố gỡ gạc cho sự ác ý của mình bằng nụ cười gượng gạo muộn màng.

Sau bữa tối ông ngồi cạnh vợ trên chiếc xô pha rộng, phủ lên bà những chiếc hôn nhanh trong lúc bà đang ngắm váy dạ hội và đồ trang sức trong một tạp chí cho phụ nữ, và ông ngơ ngẩn nghĩ thầm:

“Quỷ tha ma bắt, mình đang hạnh phúc, mình cần cái gì hơn nữa nào? Cái loại người lả lướt trong bóng tối... Muốn bóp nghiền cái cổ xinh đẹp của cô ta. Hừm, đằng nào thì cô ta cũng đã chết rồi, vì mình sẽ không đến đó nữa.”


i Chỉ Joseph Conrad, nhà văn Anh gốc Ba Lan nổi tiếng với các tác phẩm viết bằng tiếng Anh.

ii Pieter Brueghel (1525-1569) là họa sĩ và nhà đồ họa in ấn người Hà Lan. Bức Thành ngữ Hà Lan, còn gọi là Áo choàng xanh, là một bức tranh lớn minh họa nghĩa đen của nhiều thành ngữ, trong đó trung tâm là một người đàn bà khoác cho chồng mình chiếc áo choàng xanh, có nghĩa là cắm sừng chồng.

iii Tiếng Pháp, nghĩa là “Đời là thê”.

iv Nguyên tác "retrousée", từ gốc tiếng Pháp.

v Đoạn này tác giả liên hệ đến đám ma của đại văn hào người Nga Lev Tolstoi.

vi Argus là một nhân vật có trăm mắt trong thần thoại Hy Lạp.

vii Bernardino Luini là một danh họa người Ý. Ở đây tác giả ám chỉ đôi mắt phụ nữ hơi hiếng trong tranh của Luini.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us