Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Cảnh và người

Cảnh và người

- Kiến Văn — published 02/05/2013 11:52, cập nhật lần cuối 02/05/2013 11:52


Cảnh và người




Sáng nay, nhận được thư của một anh bạn gửi từ Hà Nội (hay Sài Gòn, tôi cũng không biết nữa, vì do công việc và chuyện nhà, độ này anh đi như con thoi giữa hai thành phố), cuối thư có câu này : "chưa bao giờ Hà Nội và Sài Gòn lại có vẻ tẻ nhạt với ngày 30 tháng 4 như năm nay : hình như trong số "một triệu người vui" của ông Võ Văn Kiệt đã có nhiều người cũng buồn rồi".

Sự "tẻ nhạt" của "ngày 30-4", tôi không rõ anh bạn nói tới các lễ nghi và kịch bản mà chính quyền vẫn tổ chức vào dịp này (30-4 liên tiếp với 1-5 là dịp nghỉ dài thứ nhì trong năm, sau những ngày tết cổ truyền), đánh giá là tự chúng cũng "tẻ nhạt" (tôi thì tôi nói "rẻ tiền") hơn mọi năm, hay nói đến sự tiếp nhận của công chúng. Rất có thể chính quyền cũng thấy trong tình hình này mà bày trò "hoành tráng", "phấn khởi", "hồ hởi"... thì chỉ càng bị chê bai. Tôi không có can đảm xem TVT4 để xem "khúc ruột không dặm" -- "người Việt Nam ở nước ngoài" được gọi là "khúc ruột ngàn dặm", thì "người Việt Nam không ở nước ngoài" tất nhiên là "khúc ruột không dặm" -- năm nay làm ăn ra sao.

Còn nói về lòng người, thì đúng như anh bạn viết trong thư : buồn. Kể cả những người, từ năm 1975 vẫn vui khi nghĩ tới ngày 30.4 -- tất nhiên, có niềm vui nào trọn vẹn, nhất là đối với một sử kiện như 30.4. Bản thân tôi, buồn vui lẫn lộn. Hình ảnh đầu tiên ra trong đầu óc tôi, mỗi lần nhớ tới ngày 30.4, lần nào cũng như lần nào, không phải là hình ảnh chiếc xe tăng ủi cổng sắt của Dinh Độc Lập, mà là hình ảnh bà mẹ ôm chầm lấy người con từ Côn Đảo trở về (một hai tuần sau đó), cả mẹ lẫn con đều khóc. 

Ngày 30.4  vẫn là ngày 30.4. Cảnh địa lí hay cảnh lịch sử vẫn là thế. Nhưng người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ. 

Kiến Văn



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us