Giọt mực giọt đời : Chiếc Tata và cành ô liu
Chiếc
Tata và cành ô liu
Đỗ Kh.
Thomas
Friedman, nhà bình luận của tờ New
York Times, là tác giả của quyển sách
giải thích ngọn ngành về hiện
tượng toàn cầu hoá, Xe Lexus và
ngành ô liu. Nếu ca sĩ Phương
Dung là “ Nhạn trắng Gò công ”
thì Friedman được coi là giọng
oanh vàng của Tự do nói chung, đặc
biệt và nói riêng là tự do
giao thương (Free Trade)
và tự do thị
trường (Free Market).
Từ vài năm nay tư
tưởng mà ông thánh thót được
một số quần chúng học rộng biết
nhiều người Việt, nếu không nói
là thông thái trong và ngoài nước,
hâm mộ hết ý và khen ngợi hết
lời.
Câu
chuyện của tôi hôm nay rất ngắn.
Ông Friedman may mắn có vợ giàu. Tài
sản bên phía má bày nhỏ hay mẹ
của các cháu vào năm 2007 được
ước luợng là 3,5 tỉ USD, gốc là
từ nhà đất nhưng đầu tư
đủ thứ và toàn cầu theo đúng
nghĩa của từ tự do. Theo tờ Harper’s
Magazine số tháng hai 2009 thì tài sản
này cuối năm 2008 bị mất 97 %, tức
là chỉ còn có đâu đó
105 triệu ! Nếu chiếc Lexus LS 460 trị giá
80.000 USD cũng mất 97 % thì chỉ còn có
2.400 USD. Đây là giá của một
chiếc xe con Tata do Ấn Độ sản xuất,
được coi là chiếc xe con giá rẻ
nhất thế giới (2.467 USD). Còn cành ô
liu thì bao giờ cũng là cành ô
liu ông Friedman ạ, tuy từ 2007 đến 2008
ở Trung Đông giá của hoà bình
có lạm phát phi mã.
Câu
chuyện thứ nhì (đây là chuyện
đọc một tặng một để khuyến
mãi), cũng chỉ có thể xảy ra ở
nền kinh tế tự do thị trường mà
điển hình là nước Mỹ. Hai thẩm
phán bang Pennsylvania vừa bị phát hiện
là tham nhũng (xem đây).
Từ 2003 đén 2006 hai Bao Công này
liên tục gửi trẻ em vào tù để
họ lớn lên có hy vọng trở thành
công dân tốt và để hai quan toà
này đút túi 2,6 triệu USD. Các
em này mang tội vớ vẩn như là
tàng trữ ống hút cần sa, hay tập
làm Nguyễn Việt Chiến bằng cách viết trên trang My Space phê bình
thày
phó chủ nhiệm trường (em này
lãnh 3 tháng tù ở) !
Nhưng
tại sao bỏ trẻ em vào tù mà
lại được đút lót thì
chuyện này chỉ có ở Mỹ và
chỉ có từ năm 1984 (Hello ông Reagan1).
Đó là từ khi nhà tù được
tư hữu và khoán cho các công ty
tư nhân. Các công ty này mở nhà
tù và quản lý, chính quyền
địa phương hay là liên bang chỉ
việc áp tải tội phạm đến và
cuối tháng thanh toán tiền ăn ở
hộ các kẻ may mắn này. Số tù
nhân được bóc lịch tư hữu
này hiện nay là 115.000 người, khoảng
5% của tổng số tù nhân tại Mỹ
là 2,3 triệu. Cũng xin nói thêm nước
Mỹ là nước nhiều nhà tù
nhất thế giới với 738 tù nhân/100.000
người, Nga là siêu cuờng thứ nhì
với 611/100.000, Trung Quốc thì còn hụt
hơi mới đuổi kịp theo (xem đây 2
). Nhưng nhiều thế ở quận Luzerne của
bang trên vẫn còn chưa đủ, cho nên
công ty PA Child Care LLC mới phải nhờ hai vị
thẩm phán này gửi… khách đến
và hậu tạ bằng hoa hồng.
Tại Việt Nam hình như thị trường tù nhân cũng đang gặp khủng hoảng, trầm trọng đến nỗi phải mời khách đến tư thất của cựu Tổng bí thư để gài họ chụp ảnh và tóm cổ cả lũ ? (xem hình tư thất của ổng ở đây).
Đỗ Kh.
1 Tại Anh Quốc (từ 1992, Hello Thatcher chủ nghĩa), cũng có nhà tù tư nhân quản lý. Không hiểu có hoa hồng hay không nhưng có vấn đề khiến tù nhân nổi lọan và một nhà tù (trong số 12) được nhà nuớc mua lại của tư nhân.
2 Trung Quốc : 118/100.000, tức là ngang với lại Canada (107/100.000). Nhưng theo nhà tranh đấu nhân quyền Harry Wu, con số thật có thể lên gấp bội, nghĩa là gần bằng Mỹ. Việt Nam, con số chính thức là 105/100.000, chẳng hiểu chính xác đến mức độ nào. Đội sổ thế giới là Burkina Faso hiền hoà (23/100.000), nói chung là các nước Trung Phi, không có trộm cắp bị trừng trị mà chỉ có vài sĩ quan quân đội bất mãn và chống đối hay là đảo chính hụt.
Các thao tác trên Tài liệu