Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Khi công an văn hoá…

Khi công an văn hoá…

- Phan Huy Đường — published 24/08/2010 22:49, cập nhật lần cuối 24/08/2010 22:49
... Nghĩa là : hạ sách của một chính quyền độc tài tầm thường trong thế phòng thủ, bị động. Thế thôi. Chẳng bao lâu nữa Hội nhà văn Việt Nam sẽ hiện lên nguyên hình với mọi người, kể cả hội viên của nó : một vỏ quyền lực trống rỗng, chẳng văn chương văn học gì hết, tốn kém và bất lực.


Khi công an văn hoá…


Phan Huy Đường



Khi "chính" quyền đành sai trung tướng công an công khai lên bục dằn mặt nhà văn1, chế độ toàn trị cơ bản đã rạn nứt, vô phương cứu chữa, vãn hồi.

Sức mạnh đặc thù của chế độ toàn trị không ở nhà tù, súng đạn, tra tấn. Những món đó, xưa nay, chế độ độc tài nào mà chẳng có, cũng dã man chẳng thua ai. Nó ở sự sợ hãi đã ngấm vào máu thịt, xương tuỷ, trí não của con người, biến thành một loại "bản chất", "căn cước", "bản thể" thứ hai, khiến con người thường trực run rẩy, nghi ngờ mọi người : gia đình, bạn bè, họ hàng, làng xóm, bất cứ ai và… chính mình. Trong hoàn cảnh ấy, lĩnh tụ chẳng cần doạ một lời mà bàn dân cứ lo lo sợ sợ, dòm trước ngó sau, luôn luôn căng thẳng đoán mò ý đồ "thực" của lĩnh tụ để ngả theo. Khi lĩnh tụ tuyên bố hằm bà lằn, mọi người đồng thanh nhất trí ủng hộ tuy không biết mình nhất trí, ủng hộ điều gì. Khi lĩnh tụ im lặng, mọi người nơm nớp ngóng trông. Thế là xong, cần gì phải trương mặt công an ra doạ dẫm ?

Điều trên chỉ khả thi khi chính quyền nắm cùng lúc bao tử và tư duy của bàn dân, chí ít là cái tư duy khiếp sợ vì hướng về đâu đi nữa cũng không có lối thoát ngoài… tự huỷ. Số người dám "tự huỷ", một cách dứt điểm hay mòn mỏi, để bảo vệ nhân cách của mình, xưa nay dĩ nhiên hiếm. Tuy vẫn có, ở mọi nước.

Đã đặt chân vào kinh tế thị trường tư bản toàn cầu hoá, hai điều kiện trên ắt phải mai một. Lại một ý tưởng kiểu Marx !

a/ chính quyền mất khả năng thắt bao tử của bàn dân. Bàn dân đã có thể nuôi thân bằng lao động của mình. Hơn thế, chính lao động đó tạo ra của cải để vỗ béo quan lại của chính quyền xuyên qua hối lộ, tham nhũng, phong bì…

Ngoài ra, quan lại sống nhờ gì ? Buôn bán người, quyền lực. Ăn cắp của công thủ túi, đặc biệt qua chuyện buôn bán đất đai, nguyên liệu quốc gia. Và bòn rút viện trợ quốc tế, những món nợ sẽ do bàn dân Ziao Chỉ tương lai thanh toán với lao động của họ.

Ngoài những nguồn lợi tức loại ấy, quan lại không có khả năng tự nuôi thân, nói chi đến chuyện làm giàu.

b/ đã mở cửa kinh tế, chẳng thể nào tránh được chuyện bàn dân Ziao Chỉ tiếp cận văn hoá của thế giới, nghĩa rộng, trong đó có khoa học và kỹ thuật hiện đại, những giá trị nhân bản của các nền văn minh và những… ý thức hệ ! Với vốn liếng tư duy nghèo nàn gom góp thành vài quyển sách ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lênin Ziao Chỉ, và Tư tưởng Hồ Chí Minh mà chẳng mấy ai, kể cả đảng viên Đảng Cộng Sản Ziao Chỉ, đã đọc2, tiếc thật, chính quyền không còn một chỗ dựa ý thức hệ nào nữa.

Thắt bao tử bàn dân không được, xiết họng nó dĩ nhiên càng ngày càng khó, ép hay tranh thủ nó hô hào ủng hộ mình lại còn khó hơn. Ngay cả dùng phong bì để dụ dỗ nó dự hội nghị và vỗ tay kiếm tí tiền đi bia ôm, như đã từng và tiếp tục làm, cũng chẳng ăn thua gì, nhất là đối với nhà văn đích thực : nhân cách của nhà văn, khi còn hoài bão viết văn, đâu rẻ mạt như thế ! Cuối cùng chỉ còn một cách : chấp nhận thất bại, trở mặt vũ phu công an dọa dẫm. Nghĩa là : hạ sách của một chính quyền độc tài tầm thường trong thế phòng thủ, bị động. Thế thôi. Chẳng bao lâu nữa Hội nhà văn Việt Nam sẽ hiện lên nguyên hình với mọi người, kể cả hội viên của nó : một vỏ quyền lực trống rỗng, chẳng văn chương văn học gì hết, tốn kém và bất lực.3

Những hành động kiểu ấy có thể cho phép chính quyền toàn trị kiểu Ziao Chỉ hiện nay tồn tại bao nhiêu lâu nữa, như nó là ? Chẳng ai đoán mò được. Nhưng có lẽ không còn là chuyện năm bẩy chục năm nữa. Chẳng an ủi tí nào cả. Hai ba thế hệ người chứ chơi chơi đâu ?

Ngày lịch sử Ziao Chỉ lật trang, một cách bạo liệt hay ít nhiều yên ả4, có một câu hỏi ám ảnh : xây dựng chế độ chính trị cụ thể nào đây và vì sao điều ấy khả thi ? Những con người sẽ làm chuyện ấy dĩ nhiên sẽ làm với tình cảm, lý trí và những giá trị đạo đức của họ. Những điều ấy lệ thuộc văn hoá thống trị tư duy và tấm lòng của họ, văn hoá Việt Nam ngày nay ở họ. Ở mức đại chúng, đó là một món hổ lốn, lai căng, chí ít có :

a/ văn hoá Ziao Chỉ nguồn, đã lưu lại trong ta những giá trị trong quan hệ gia đình, gia tộc, bạn bè, làng xóm, xã hội, quê hương, đất nước, e tutti quanti. Có đầy trong thơ văn. Vẫn sống động trong ngôn ngữ Ziao Chỉ ngày nay. Nhớ quá em ơi, nhớ những ngày… Hè hè… Có từ bao giờ và còn lại bao nhiêu, đố ai biết được.

b/ văn hoá Trung Quốc, tam giáo.

c/ văn hoá quan lại Tàu, đang thống trị toàn bộ hệ thống quyền lực ngày nay và nhiều quan hệ xã hội thiết thực thường ngày : buôn bán quyền lực.

d/ văn hoá Ky-tô giáo Ziao Chỉ hoá.

e/ văn hoá Khai sáng của Pháp, vẫn còn sinh động ở một từng lớp nào đó, có khi dưới dạng chữ nghĩa lờ mờ thôi.

f/ tư tưởng, ý thức hệ và nhất là ngôn ngữ mácxít-lêninít… Ziao Chỉ. Món này, tuy sẽ còn tác dụng lâu dài trong những tranh chấp quyền lực, sẽ không còn giá trị gì hết về mặt tư tưởng, văn hoá.

Ở Việt Nam, phải chờ ngày chủ nghĩa tư bản định hình xong, người Việt đã nếm mùi thấm thía, tư tưởng của Marx và Engels, may ra, mới có cơ hội hồi sinh trong những lĩnh vực và ở mức độ nó đáng hồi sinh. Đây là chuyện của những thế hệ tới. Tôi mong họ sẽ không "dại dột nhẹ lòng" vứt hết : tư tưởng ấy là thành quả xuất sắc của nhiều thế kỷ phát triển của những nền văn minh Châu Âu, không chỉ tư sản thôi.

g/ những ý thức hệ hiện đại, thậm chí hậu hiện đại, cơ bản là từ Tây Âu (Mỹ, Châu Âu, Nhật…), và từ… Trung Quốc. E tutti quanti, trong thế giới ngày nay, bố ai đoán được !

h/ văn hoá thị trường hằm bà lằn.

E tutti quanti…

Mặt nào đó, ta tất cả những món nộm sứa ấy và không là món nào cả.

Đó chính ta5 ! Trên cơ sở đó, suy nghĩ như thế nào để làm gì đây ? Khó thật ! Khổ thật ! Chán ngán thật !

Nhưng cũng may mắn thật : đó là điều kiện thuận lợi giúp ta tư duy một cách tự do, sáng tạo. Giúp ta làm người Ziao Chỉ đích thực ở thế kỷ 21.

Đó cũng có thể là một nguồn cảm hứng cho nhà văn sáng tác ? Biết đâu ? Hè hè…


P. H. Đ.

2010-08-16




1 tại Đại hội 8 Hội nhà văn Việt Nam.

2 Mấy chục năm liền, nói một đằng, làm một nẻo, ai còn mất thời giờ đọc làm gì nữa ?

3 Điều ấy khiến ta quý trọng đấu tranh của một số hội viên của nó để buộc nó hiện nguyên hình. Đã bắt đầu rồi !

4 bản thân tôi mong nó sẽ yên ả tuy ngờ vực không ít, chán thật !

5 Bạn cứ đặt câu hỏi : ý tưởng này của tôi, từ đâu mà có ? thì biết.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us