Lời thú tội ngày Chủ Nhật
Thong thả sáng Chủ nhật
Lời thú tội ngày Chủ Nhật
Phạm Toàn
(gửi các
em Lê Quốc Quân, Lưu Thiên Ân,
Bùi Thanh
Hiếu và Paulus Ngọc Sơn)
Quân đi theo dõi cuộc xử án tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, một cuộc xử án công khai mà nay thì toàn thế giới và bốn bức tường quý Tòa đã biết rõ tầm công khai của sự kiện đó đến đâu, rồi Quân đã bị những người làm công tác bí mật hè nhau công khai lôi Quân đi, và công khai giam giữ Quân trong chín ngày trước khi ỡm ờ nửa công khai nửa bí mật thả Quân ra.
Tối Chủ Nhật 17 tháng Tư vào hồi 20 giờ tại Nhà của Chúa ở xứ Thái Hà sẽ có cuộc cầu nguyện tạ ơn. Tôi rất muốn đi dự buổi lễ, vì quý trọng và vì tình bạn với anh Quân đã đành, còn vì một kỷ niệm riêng nữa. Năm 1945, nếu bố tôi chưa qua đời và mẹ tôi không nhút nhát, có khi tôi đã được rời nhà để thành một học trò Chủng Viện, theo lời giảng giải của cha Ân (người Canada) khi đó, tôi sẽ được học 6 năm ở Việt Nam rồi học tiếp 4 năm ở Canada, và cuộc đời sẽ run rủi chẳng biết đâu là chừng …
Trở lại chuyện tối nay. Tối nay, Quân ơi, tôi không đến được với em đâu. Tôi đang phải vượt qua cái nỗi sợ khó mà có thể vượt qua. Một nỗi sợ mà ngay cả những kẻ ban phát nỗi sợ cũng khiếp sợ! Nỗi sợ có tên là hệ thống con tin. Tôi hôm nay không còn là tôi hồn nhiên, tôi đã buộc phải nhận thức là mình đã thành con tin của một hệ thống. Một con tin bị vây chặt trong hệ thống có nhiều con tin khác nữa: con đẻ của mình, cháu chắt nhà mình, bè bạn của mình, nhất là một công việc đang còn triển khai mạnh mẽ cùng với những cộng sự còn thân thiết hơn là ruột thịt của mình …
Nỗi sợ đó dẫu sao cũng còn được liệm rồi quàn trong những lý do cao cả! Còn có cả nỗi sợ đê tiện nữa. Quân biết không, hôm xử án chú Cù huy Hà Vũ, mấy người bạn mắt không cận thị đã giữ không cho tôi đến gần lớp hàng rào. Nếu tới sát chốn đó, có những người sẽ đem ảnh ra so, và chắc chắn tôi đã bị bắt buộc phải cùng chia sẻ với Quân những đêm bị muỗi đốt. Thế rồi còn chuyện nữa: chẳng nhẽ đi đến những chốn thiêng liêng đó lại mang sẵn theo thuốc uống mỗi buổi sáng, mang theo pin thay vài ngày một lần cho cái máy điếc và mang theo cả một cái bô cho công việc nhọc nhằn đêm đêm? Mình sợ, và nỗi sợ đã làm cho mình thành con người sống dự phòng một cách đê tiện đến thế!
Nhưng còn lần này, tại sao mình đã định bụng sẽ đến dự cầu nguyện và rồi lại rút quyết định? Đêm qua, lúc gần 2 giờ sáng, một cô giáo trong nhóm soạn sách chat hỏi tội mình “Sao vẫn còn thức?” Hai bên trao đổi vài lời sau khi được nhắc nhở phải đi ngủ, thế rồi, như một thúc đẩy tình cờ, mình nói với cô giáo “Ngày mai tôi đi dự cầu nguyện ở Thái Hà”. Quân biết không, cô giáo đáp lại ngay lập tức bằng chữ k và chữ o kéo dài suốt một dòng. Mình có cảm giác đó là một tiếng kêu dài giữa đêm, dù đó là tiếng kêu trên màn hình! “Không! Không! Không! Không được đi!”
Chỗ đáng đem ra phân tích, ấy là trong tâm lý, hình như chính mình cũng mong nhận được một lời can gián. Sự hèn nhát đôi khi tinh vi lắm. Nó muốn cho đương sự trút bỏ được trách nhiệm. Cách trút bỏ thuận tiện hơn cả là nhờ người khác tìm giúp một cái cớ. Với cái cớ đó, bề ngoài ta yên tâm là không có lỗi. Ta cũng có cái lý do để diễn giải trước mọi người.
Cái lý do ấy, với tôi, lúc này là một công trình lớn tiến hành cùng một nhóm các nhà giáo trẻ. Sống chết gì cuối tháng 9 sang đầu tháng 10 năm nay 2011 chúng tôi cũng phải hoàn thành hai cuộc Hội thảo lớn về Giáo dục (đã lên lịch). Một cuộc phản biện lớn, sau khi tham khảo ý kiến nhiều chiều, ông Patrick Michel giám đốc Trung tâm L’Espace ở Hà Nội đã bỏ tiền ra mời giáo sư Alain Fenet từ Pháp qua, để sẽ cùng với các giáo sư và chuyên gia Việt Nam góp một tiếng nói có trọng lượng cho công việc chúng tôi đang làm. Sau đó tại Hội trường lớn Trung tâm L’Espace là một cuộc ra mắt 17 đầu sách Giáo Dục Hiện Đại, giữa quãng là một đêm kịch của học sinh với vở Chuyện Dế Mèn cây nhà lá vườn, nhưng như thế mới càng vui.
Chỉ chừng ấy “lý do” cũng đủ để một người hèn yếu như tôi bám lấy và cầm lấy điện thoại nháy cho Lê Quốc Quân “Chúc mừng không bị vô lao lý – Không tham dự cầu nguyện mừng em được – Tha lỗi nhé – Love”. Chỉ thế cũng đủ lịch sự và tình cảm chán! Lại còn ý tứ nữa chứ: nói “không bị vô lao lý” chứ không nói “chúc mừng sau 9 ngày đã được tự do”. Vì người ấy, cũng như mọi người, bao giờ cũng vẫn tự do. Nhại theo giáo sư Ngô Bảo Châu, như một định lý kéo theo định luật con cừu, dù sống thân phận nô lệ chứng ta thảy đều tự do. Dù thua, ta vẫn tự do. Dù ngáp ngáp sắp chết ngạt, chúng ta vẫn tự do. Tự do là thứ không đi xin. Tôi có trải nghiệm đó. Bạn bè tôi cũng thảy đều có trải nghiệm đó.
Nhưng người tự do cũng là người biết sợ. Và bọn người ghét bỏ tự do cũng thấu hiểu điều đó. Chúng khoáy vào từng kẽ hở để giúp cho từng con người tự do tự thủ tiêu tự do của mình. Những kẽ hở, hoặc những nhược điểm, thật đầy rẫy trong những người trí thức bản chất vốn tự do.
* * *
Hè hè hè, đến đây, xin bạn hãy đọc kết luận của bản thú tội: Tối nay tôi đến giáo xứ Thái Hà để được thả hồn trong lời nguyện và để ôm chặt bè bạn trong vòng tay bé nhỏ của một con người – NGƯỜI TỰ DO.
Phạm Toàn
Các thao tác trên Tài liệu