Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Ngọn gió Blog

Ngọn gió Blog

- Tú Sụn — published 16/08/2007 13:48, cập nhật lần cuối 16/08/2007 15:16
Ông bộ trưởng bộ "Thông Tin & Truyền Thông" tuyên bố sẽ "cắm" người vào chỗ tổng biên tập của các báo. Hình như ông cắm luôn cả những phó tổng biên tập nữa. Phản ứng của Cô Gái Đồ Long trên blog cá nhân.


Ngọn gió Blog


Ông Bộ trưởng, Anh Tí Trẻ và Cô gái Đồ Long

Đầu tháng 8-2007, ông Lê Doãn Hợp, tân bộ trưởng của cái bộ mới, “ Thông Tin & Truyền Thông ” (từ nay xin gọi là bộ 4T cho nó tiện), đã tuyên bố như sau về chính sách nhân sự để “ tiếp tục đổi mới ” công tác báo chí : “ Tổng biên tập là người của Bộ Thông tin và Truyền thông sau này cắm ở từng tờ báo ” (xem, chẳng hạn, Sài Gòn Giải Phóng ngày 4-8-2007). Đây quả là một câu nói bất hủ, chắc chắn sẽ được ghi vào lịch sử báo chí Việt Nam, thậm chí báo chí thế giới. Nó cũng sẽ nổi tiếng ngang với bàn tay của đồng chí công an (mặc thường phục, chắc là công an... nhân dân) bịt miêng linh mục Lý. Bất hủ về nội dung, mà lại hay về hình thức, câu chữ : một câu 19 chữ, một nửa là chữ hán, nhưng chỉ một chữ “ cắm ” hết sức nôm na, hình tượng là đủ để toát lên quyết tâm huỵch toẹt của đảng ta. Qua một chữ “ cắm ”, người ta thấy rõ khẩu khí của ông 4T.

Ông nói ông “ cắm ” tổng biên tập, nhưng hình như ông “ cắm ” cả chỗ phó tổng biên tập nữa. Bằng chứng là, chưa đầy 10 ngày sau, hai phó tổng biên tập của bảo Tuổi Trẻ đã được cho nghỉ và hai cán bộ “ Thành đoàn ” chưa bao giờ làm báo được “ cắm ” vào. Tác giả trang Blog Cô Gái Đồ Long đã cho biết như vậy : « Mấy bữa nay trong giới xôn xao vì thông tin cùng lúc hai vị phó tổng biên tập đang phụ trách nội dung báo Tuổi trẻ bị đẩy đi - thay vào vị trí đó là hai cán bộ của Thành Đoàn đưa qua mà chưa hề có kinh nghiệm nào về báo chí. Ui cha mẹ ơi! Tờ báo thần tượng của tui chuẩn bị thay máu rùi huhuuu…Cứu....vớiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii .... !!! ».

Và Cô Gái Đồ Long đã sáng tác ngay ra một truyện ngắn nhan đề :

Chuyện về anh Tí Trẻ 


Gia đình nhà Tí có nhiều con, Tí lớn, Tí bé, Tí sồn sồn, Tí Anh, Tí Em v.v… Riêng có một đứa nhờ tính cách trẻ trung, năng động, tài giỏi vượt trội so với các anh em, được cha mẹ nâng niu, đặt cho cái tên trìu mến là “Tí Trẻ”.

eb

Tí Trẻ ra đời vào đúng cái năm giải phóng, thống nhất đất nước 1975. Đúng là đứa bé có tài năng thiên bẩm, nên chỉ trong thời gian ngắn đã nên người. 5 tuổi đã phát triển vượt bậc, 10 tuổi đã khôn lớn. Năm 16 tuổi thì Tí Trẻ đã trở thành một nhà báo nổi tiếng trung thực, dũng cảm, luôn đi đầu trong việc đấu tranh chống tiêu cực, viết nên những bài báo gây chấn động toàn cầu. Tên tuổi của Tí Trẻ không còn quanh quẩn ở cái thành phố Tí sinh ra, mà đã nổi tiếng khắp nước, thậm chí trên trường quốc tế.

Thời gian thấm thoát trôi. Tí Trẻ nay đã là người đàn ông trưởng thành, lấy vợ, có con. Từ một người nghèo khổ, với nhà cấp 4, xe đạp cọc cạch, nay Tí Trẻ đã sắm được nhà cao tầng, đi xe hơi, có của ăn của để. Ngoài việc chu cấp cho anh em trong nhà, Tí Trẻ còn tặng học bổng, làm công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo khó, đóng góp cho nhà nước không biết bao nhiêu mà kể.

Những tưởng cuộc đời của Tí Trẻ từ nay sẽ chỉ có thể phơi phới đi lên… Đùng một cái, Tí Trẻ bị bắt đi nhà trẻ! Tí Trẻ giãy nảy, nhưng lệnh là lệnh. Sáng sớm, chàng Tí Trẻ 31 tuổi phải leo lên xe cho mẹ chở đi, Tí Trẻ dư sức có thể đi 1 mình, nhưng ba mẹ không cho, còn quát cho một trận: “Con có thấy đứa bé nào đi nhà trẻ 1 mình chưa?”. Đồ đạc đem theo không có thuốc lá, kẹo chewingum, mà là hộp sữa, khăn vải mùng, núm vú cao su và tã giấy. Tí Trẻ còn phải chạy nhảy, chơi đùa với những đứa bé lóc nhóc, phải nhơi cơm nát, ăn những thức ăn dành cho trẻ 3 tuổi. Khốn khổ chưa hết, khi con của Tí Trẻ lên 3, Tí Trẻ phải đi nhà trẻ cùng với con mình. Oái oăm nhất là chuyện xưng hô giữa Tí Trẻ và con. Xưng hô “cha, con” hợp lý, hợp tình nhất thì bị cô la, còn gọi nhau là “bạn” thì kỳ cục quá. Nên có những lúc Tí Trẻ đành ngậm miệng làm thinh. Tới giờ ngủ là phải nằm im, không được nhúc nhích. Mà cái thân Tí Trẻ to đùng, nên lúc nào nó cũng phải co quắp, dòm tới ngó lui tứ phía mà vẫn còn “đụng” lung tung, không ngày nào không bị la, bị mắng. Đến đây chắc sẽ có người nói được chăm sóc vậy là sướng quá còn gì? Thì Tí Trẻ cũng mong có lúc sẽ được các cô bảo mẫu… tắm rửa, thay quần áo cho mình như cô làm cho các “bạn”, thế nhưng, ác cái các cô lại chỉ chăm chăm hỉ mũi cho Tí Trẻ mà thôi. Thế cũng chưa khổ bằng giờ học. Dù đã có bằng tiến sĩ, song Tí Trẻ vẫn phải ngồi ê a đọc “a, cái ca”, “anh, trái banh”, nhai lại những điều đã biết. Nếu Tí tỏ vẻ buồn chán, lơ là lập tức sẽ bị cô giáo nhắc nhở, kiểm điểm ngay.

Sở dĩ Tí Trẻ 31 tuổi mà vẫn phải bị bắt đi nhà trẻ là vì lúc mới sanh ra, Tí Trẻ đã bộc lộ năng khiếu. Mà theo qui định lúc đó, trẻ năng khiếu phải được quản lý đặc biệt bởi một nhóm giữ trẻ, ở nhà trẻ có tên gọi là “Cơ quan chủ quản”. Lúc ra luật, người ta quên, không tính tới chuyện sau này khi Tí Trẻ lớn lên thì sao? Khi Tí Trẻ lớn chồng ngồng lên rồi, thì người ta lại quên không sửa luật. Mà hễ chưa có luật mới thì cứ luật cũ mà áp.

Sáng nào Tí Trẻ cũng chèo nẹo không chịu đi nhà trẻ, nhưng ba mẹ hai bên xách nách, ép buộc Tí Trẻ phải đi. Thấy thương cho tình cảnh, một vài dì, cô của Tí Trẻ cũng có lên tiếng bênh vực, nhưng ba nghiêm khắc lắm, bảo cơ chế là vậy không được cãi !

Cô Gái Đồ Long hình như là nhà báo. Điều chắc chắn là cô quen biết giới báo chí và nhiều giới khác ở thành phố. Để "khuyến mãi" bạn đọc vào blog của cô, xin giới thiệu thêm một bài nữa :


Viết cho ngày 30-4.


“Ông ngoại em nguyên là Thiếu tướng Cục truởng Cục quản lý xe của Quân đội nhân dân Việt Nam - đang sống ở Hà Nội. ”

“Dạ, phải!”

“Ông nội là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đã mất.”

“Dạ, đúng rồi!”

“Bác ruột hiện là Đại tá truởng phòng hình sự Công An Quảng Ngãi!”

“Dạ!”

“Hai cậu ruột đang là sĩ quan cao cấp trong Lực lượng vũ trang nhân dân. Công tác ở Hà Nội.”

“Dạ, phải!”

"Gia đình có công cách mạng đấy!".

.....

….

“À! Ông già làm cho Tòa án Quân sự chế độ VN Cộng Hòa!”

"Dạ!"

“À…mà nè, ông anh tham gia Không lực VN Cộng Hòa à! Hồ sơ ghi là Phi công - tử trận. Ông chú là Quận truởng Nghĩa Hành, bị Việt Minh xử tử hình tại chỗ....Chà….nghĩa là gì em biết hả!”

“Dạ, là có...nợ máu!”

“Vậy hồ sơ em gặp vấn đề rồi!”

“Dạ… xin lỗi !!! ”

Cứ có việc gì phải xài đến cái lý lịch của mình ra là y như rằng tôi đều buộc trả lời vấn đáp như vậy. Và, cũng vì cái lý lịch thế tôi đã bị từ chối rất nhiều cơ hội tốt đẹp, nhất là trong những ngành nghề đặc biệt! Hôm nay một người bạn hỏi tôi: “Sao không đi đâu đó ăn mừng 30-4 !?” Tôi chỉ cuời. Đối với thế hệ trẻ như tôi thì được sống hòa bình nhìn thấy đất nước thịnh vượng, phát triển, cuộc sống sung túc, an lành, không phải lo bom cày đạn xới, núp hầm ngủ bụi…là quan trọng nhất. Mọi chuyện thù hằn đã kết thúc! Nhưng với những gia đình có hoàn cảnh tương tự thì 30-4-1975 là một sự kiện khá đặc biệt: Cha mẹ - con cái - anh em - họ hàng thân thích lại sum họp sau hàng chục năm trời ly tán Bắc – Nam. Không còn ranh giới của chính kiến, mọi chiến tuyến đều được san bằng. Nhưng đây cũng chính là ngày mà chúng tôi mặc niệm cho những người thân đã ra đi của mình. Chiến tranh mà, có bao nhiêu gia đình rơi vào hoàn cảnh éo le như thế...sao tránh khỏi được. Đó là số mệnh của người VN!

Không quá đỗi vui mừng hay u sầu buồn bã. Và cũng không có ai biểu hiện gì đặc biệt cho lắm... Bình thản. Tôi nghĩ, đó là một thái độ tế nhị và hợp lý mà mọi người trong gia đình tôi đã lựa chọn từ 32 năm nay, cho thời điểm đầy sôi động này.

Theo chỉ dẫn của Yahoo, Cô Gái Đồ Long đã bắt đầu Blog này từ tháng 12.2005. Tính đến ngày 14.8.2007, khi tôi chép hai bài này, số trang được đọc của Cô đã vượt quá con số 800 000. Không biết hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu cái blog như của Cô ? Chỉ biết tổng số blog cá nhân ở Việt Nam đã lên tới khoảng 200 000 cái.

Nếu thế thì làm sao ông 4T “ cắm ” cho xuể ? “ Cắm ” không xuể thì bịt à ?

Tú Sụn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us