Những điều trông thấy... từ Hội thảo bauxite
Những
điều trông thấy…
từ Hội
thảo bauxite
Lại thêm một lần nữa hội thảo quy mô về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được giao kết trong những bản tuyên bố chung cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Việt-Trung – buồn bã trôi qua vào ngày 9/4/2009 tại Hà Nội. Ra về, “ai giữ ý nấy”, kẻ chủ trương tiến hành nêu ra lắm lí do chính trị, kinh tế, phát triển địa phương… để mạnh dạn xúc tiến mặc dù người chủ đầu tư được nhà nước giao nhiệm vụ là tập đoàn Than Khoáng sản Việt nam (TKV) mà đại diện là ông Đoàn văn Kiến đã thú nhận : “Lỗ hay lãi bây giờ chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời” (1). Vậy là sao nhỉ ? đổ ra 20 tỉ đô la cho chương trình khai thác bauxite luyện nhôm đầy “hứa hẹn” mà không chắc ăn, kiểu 50-50 như ông Kiến nói thì liệu có nên không, và ai sẽ chịu trách nhiệm trước núi bùn công nghiệp khoảng 20 triệu tấn khi vùng Tây Nguyên rộng lớn loang lở, khô cằn và hoang vu sau nầy… không kể 20 tỷ đô la nầy vay mượn từ đâu, và “ai”, “lấy gì” để trả nợ cho họ ? Hai lá thư (một từ đầu năm 2009 và một trong ngày hội thảo nói trên) của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ý kiến không được nhà đương quyền hồi đáp, ngó lơ và cuối cùng là “cả vú lấp miệng em” vì đã có “chủ trương lớn” một cách ngạo mạn. Ngao ngán thay !
Không lẽ những nhà tham mưu, trí thức khoa học chung quanh Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng chính phủ, Thủ tướng, Bộ chính trị, Ban bí thư… không thấy sự “vụng về” của tay tổng giám đốc TKV hay sự loè bịp của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án quảng cáo lý thuyết về công nghệ, về khả năng “hoàn thổ” chất thải… mà họ chưa làm được ở nước họ ! Có phải chủ trương “trên cao” đã định thì cứ việc “làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó”, một tư duy “ăn đong” (ăn xổi) thời thượng và là thói quen thành nếp trong khi thành lập các dự án. Cái gì đang ràng buộc họ, lợi ích của đất nước hay… có một nguyên nhân sâu xa nào khác mà chỉ có một số ít người trong BCT mới rõ. Ngay như ĐT Võ Nguyên Giáp cũng không hề biết đến, nói chi là người dân thường như chúng ta. Trách nhiệm trước lịch sử vô cùng nặng nề mỗi khi con cháu chúng ta phải nai lưng trả nợ và gánh chịu mọi hậu quả tai hại vì lỗi lầm của cha ông.
Chợt nhớ câu chuyện cách đây 4 tháng, vào cuối năm 2008, tại buổi Hội thảo về việc chiến lược xây dựng TPHCM “Xã Hội Chủ Nghĩa, Văn Minh, Hiện Đại vào năm 2020”, cả hội trường bỗng “ ngẩn tò te” khi một nhà lãnh đạo tuyên giáo của thành phố HCM, TS Phan Xuân Biên cười cười, dõng dạc phân trần trước những nhà khoa học, thiết kế đô thị lẫn văn hoá, trả lời câu hỏi “tại sao lại là 2020” của một vị TS KH, rằng “thì tôi năm nay 60 tuổi rồi, cũng chỉ sống 20 năm nữa thôi, lập dự án xây dựng thành phố HCM văn minh hiện đại cũng chỉ chừng năm ấy để còn hưởng… tính xa hơn để làm gì” cơ mà ! Cái trò “hội thảo” để nghe ý kiến “phản biện” nầy chẳng qua là một “thủ pháp” dân chủ, làm bộ như “biết lắng nghe” nhưng người chủ toạ (Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài) thì “rút êm” sau khi đọc bài diễn văn hùng hồn để khai mạc. Lần Hội thảo về bauxite nầy cũng thế, tuy là Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nghiêm trang ngồi đến giờ chót nhưng cũng chỉ chờ để kết luận “vũ như cẩn” sau khi “tiếp thu” ý kiến. Ông vẫn khăng khăng xác nhận chủ trương lớn đã có, chỉ còn lại là những vấn đề kỹ thuật ! (2). Bao nhiêu tâm huyết, hi vọng và ưu tư về tương lai của đất nước, về những hiểm hoạ sẽ đến với dân tộc một khi Tây Nguyên còn lại là một vùng loang lở vì ô nhiễm, vùng đất chết như trên sao hoả đỏ lòm… cuối cùng những người có chức quyền, nắm vận mạng dân tộc vẫn “bình chân như vại”, “đâu lại vào đấy” như tính toán của họ.
Hồng Lê Thọ
Các thao tác trên Tài liệu