Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Nỗi buồn quốc tịch

Nỗi buồn quốc tịch

- Đỗ Kh. — published 10/10/2008 02:06, cập nhật lần cuối 10/10/2008 02:06
Tôi không có ý bàn về câu phát biểu của TGM Ngô Quang Kiệt, hay bàn về văn cảnh, ngữ cảnh bị các cơ quan truyền thông nhà nước bóp méo, trích dẫn xuyên tạc… Hoặc dư luận xoay chung quanh phát biểu này, kẻ nhấn từ « nhục nhã », người nhắm chữ « hộ chiếu » hay là phân tích các động tác « cầm » (lên), « ném » (xuống), « bỏ » (vào sau túi)… Tôi chỉ nhân dịp này mà nhắc đến một số chuyện vui nước ngoài, và trong giới hạn này (nghĩa là chuyện nước ngoài), tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.


Giọt mực, giọt đời

Nỗi buồn quốc tịch

Đỗ Kh.


Minh chính :

Tôi không có ý bàn về câu phát biểu của TGM Ngô Quang Kiệt1, hay bàn về văn cảnh, ngữ cảnh bị các cơ quan truyền thông nhà nước bóp méo, trích dẫn xuyên tạc… Hoặc dư luận xoay chung quanh phát biểu này, kẻ nhấn từ « nhục nhã », người nhắm chữ « hộ chiếu » hay là phân tích các động tác « cầm » (lên), « ném » (xuống), « bỏ » (vào sau túi)…

Tôi chỉ nhân dịp này mà nhắc đến một số chuyện vui nước ngoài, và trong giới hạn này (nghĩa là chuyện nước ngoài), tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.


Trường hợp thứ nhất 


Hộ chiếu :

Cộng hòa Nam Phi

GDP 283 tỉ USD, gấp 4 lần Việt Nam, cường quốc (từng là, hay có khả năng) nguyên tử.

Tên tuổi :

Nelson Rolihlahla Mandela

Ngày sanh :

18 tháng 7, 1918

Quê quán :

Umtata, Transkei

Nghề nghiệp :

Chủ tịch nước về hưu.


Ngày 20.9.2007, Tổng thống Mỹ Bush họp báo2 và cho biết là

« Người ta hỏi, Nelson Mandela đâu ? 

Thì ra, Saddam Hussein đã giết hết những Nelson Mandela ! »


Nhưng ông Mandela đến giờ vẫn còn sống (ông Hussein mới là người đã chết) và một số đại biểu Quốc Hội Hoa Kỳ đã vận động thành công việc tặng quà sinh nhật thứ 90 cho nhà đọat giải Nobel Hoà bình này. Đó là việc lấy tên ông ra khỏi danh sách khủng bố của Mỹ. Cho đến tháng 7.2008 sự hiện diện của Mandela trên danh sách này gây khó khăn cho Mandela trong việc di chuyển, nhất là đi sang Mỹ.

Thời Apartheid, tổ chức ANC bị liệt vào lọai khủng bố và cho đến nay, các thành viên của tổ chức này, muốn sang Hoa Kỳ phải có giấy miễn (waiver) của Bộ Ngọai Giao Mỹ. Chủ tịch Đảng ANC đã từng bị từ chối waiver này. Một cựu đại sứ Nam Phi tại Hoa Kỳ (2002-2006) mới đây khi muốn trở lại Mỹ để thăm thân nhân đang ốm nặng cũng đã gặp rắc rối và chỉ được cấp waiver sau khi thân nhân của bà đã qua đời.

Về trường hợp của ông Mandela, Ngoại trưởng Rice đã thú nhận đây làm cho Bộ phải lúng túng (embarassing) vì dù sao ông Mandela cũng đã từng được ông Bush trao Huân chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ chứ nào có phải là nơi xa lạ (năm 2002, vào lúc tất nhiên là ông Mandela ‘còn sống’), và gần như sinh nhật nào của ông cũng có mặt cựu TT Clinton để chúc thọ.


Trường hợp thứ nhì


Hộ chiếu :

Pakistan

GDP 144 tỉ USD, gấp 2 lần Việt Nam, cường quốc nguyên tử (hẳn hoi).

Tên tuổi :

Yusuf Raza Gilani

Ngày sanh :

9 tháng 6, 1952

Quê quán :

Multan

Nghề nghiệp :

Thủ tướng Chính phủ


Ngày 30.7. 2008, ông Gilani được mời sang thăm nước Mỹ. Đây là cuộc viếng thăm chính thức của một đồng minh cần thiết của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chí ít là trong cuộc chiến chống taliban tại Afghanistan. Pakistan không phải là một nước thù địch, nhận rất nhiều viện trợ quân sự của Mỹ, và chính phủ Gilani cũng không phải là một chính phủ thù địch. Ông Gilani thuộc đảng PPP của bà Bhutto đã quá cố, anh thư và liệt nữ dân chủ của Hoa Kỳ.

Khi chuyên cơ chính phủ của ông Gilani đến Anh Quốc đổ xăng thì đã có vấn đề. Hạ cánh lúc 9 giờ sáng và dự tính cất cánh lúc 10 giờ 50 thì cảng Heathrow cho biết đường băng không có ở đó mà sẵn cho quý vị, phải đợi 17g30 và phải hỏi phép của Bộ Nội An Mỹ trước khi cho cất cánh, phái đoàn cứ về khách sạn mà tạm nghỉ. Sau khi phản đối kịch liệt, chuyên cơ được cất cánh 50 phút trễ.

Đến căn cứ không quân Andrews AFB thì quang cảnh hoang vắng lạ lùng. Một nhân viên Mỹ lên máy bay mời ông bà Thủ tướng xuống, hai ông bà này thôi, còn mọi người ai nấy ngồi nguyên, không được động đậy. Việc này khiến bà Bộ trưởng Thông tin Sherry Rehman yếu ớt phản đối cho có lệ3 nhưng dĩ nhiên là vẫn không đuợc nhúc nhích khỏi ghế. Ông bà Gilani đi xuống, không có duyệt binh, dàn chào, không có thảm đỏ, không có thảm đen, không có thảm xanh, không có thảm. Không có xe đợi, ông bà phải đi bộ 150 thước đến một cái chòi gác (shed) thì gặp một thứ trưởng hàng ba là ông Richard Boucher.

Trên 80 người của phái đoàn còn lại, chỉ có độc nhất một nhân viên của cơ quan Di Trú mang vi tính xách tay làm thủ tục giấy tờ khiến công việc này mất 8 tiếng đồng hồ. Các nhà báo đi theo Thủ tướng còn bị doạ là nếu không có visa truyền thông mà chỉ có visa du lịch thì sẽ bị trục xuất vì nhập cảnh ngoài mục đích đã khai báo (các vị này còn thêm một nỗi bất bình là ngày hôm sau không được sứ quán mời dự tiệc) !

Đây không dám dùng chữ « nhục nhã », sợ người đọc lại cho là tôi có ẩn ý. Thôi thì, tiếp đón một phái đòan quốc gia bạn thế này tạm gọi là thiếu tế nhị, còn thiếu tế nhị hơn là thỉnh thoảng lại ném bom bắn tên lửa sang biên giới mà không báo hay ít ra dùng SMS để nhắn tin trước trên di động cho cơ quan tình báo ISI.


Trường hợp thứ ba


Hộ chiếu :

Cộng hòa Nhân dân Dân Chủ Triều Tiên

GDP 27 tỉ USD, 40% của Việt Nam, (nhưng mà) cường quốc (nghe đâu) nguyên tử.

Tên tuổi :

Kim Chính Nam

Ngày sanh :

10 tháng 5, 1971

Quê quán :

Bình Nhưỡng

Nghề nghiệp :

Ông già tôi là Kim Chính Nhật, còn ông nội tôi là Kim Nhật Thành.


Tháng 4 năm 2001, một người đàn ông đeo kính đen và dây chuyền vàng, mang tên Trung Hoa trên một hộ chiếu của Cộng hòa Dominican đáp xuống phi cảng Narita Tokyo với hai phụ nữ và một em bé trai 4 tuổi. Sau khi bị soi sét, hộ chiếu này bị phát hiện là giả, nhưng người thì lại là con thật của lãnh tụ Bắc Hàn.

Ông thành khẩn khai báo là ông mang con và 2 cô bạn gái (?) sang đây để đi thăm Disneyland, nhân thể ghé Akihabara mua đồ điện tử thế thôi. Nhật Bản bèn mời ông về nước, qua ngả Bắc Kinh. Trước đây, không dẫn theo vợ con và không bị bại lộ, cũng dùng hộ chiếu giả, ông đã đến thăm Tokyo ba lần rồi, chủ yếu là hát cô đầu ở khu nhà tắm cao cấp Yoshiwara, làm như thể là Bình Nhưỡng không có nước nóng vậy.

*

Vậy, ba trường hợp này, ngòai mẫu số chung là những hộ chiếu không được kính trọng, có thể rút ra kinh nghiệm gì không ?

Thì là, bom nguyên tử cũng không lấy oai được với công an cửa khẩu nước ngoài.




1 Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.

2 http://thinkprogress.org/2007/09/20/bush-mandela/

3 Bà này khi bị chính ông Gilani sờ sọang, cũng chỉ nhăn mặt mà không phản đối, dù là lấy lệ http://www.youtube.com/watch?v=OrCKU4ooppQ. A, nhưng hay nhỉ, việc này thì dính dáng gì đến đề tài?

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us