Ta chỉ yêu nước...
Ta chỉ yêu nước khi chịu
hy sinh cho đất nước
Phạm Duy Hiển
Ta phải xuống đường vì không còn cách nào khác để biểu thị thái độ của mình trong cái thế chông chênh hiện nay của đất nước. Xuống đường để phản đối những hành động gây hấn trên biển Đông, cũng là để tri ân những người đã và đang bám biển, bám đảo vì từng tấc đất thiêng do cha ông để lại.
Người ta bảo đó là tình yêu nước. Không sai về mặt chữ nghĩa. Song yêu
nước đến mức nào lại là vấn đề. Ở đây cần phải có một thước đo giống
như trong vật lý học. Theo tôi, cũng như bất cứ tình yêu nào, tình yêu
nước chỉ hiện hữu khi ta chịu hy sinh bản thân mình cho đất nước. Nếu
không chịu hy sinh, nhất là khi sơn hà nguy biến, thì dù ta có gào thét
trên các loại diễn đàn sang trọng bao nhiêu đi nữa, cái gọi là tình yêu
ấy chỉ mông lung, mơ hồ, thậm chí có khi ta chỉ yêu bản thân mình.
Theo thước đo này, khi xuống đường biểu tình, dù có bị đánh đập quát
tháo như hôm 17 tháng 7 vừa qua, tình yêu nước của chúng ta vẫn chưa
bằng cái móng tay so với các chiến sỹ và ngư dân đã và đang hy sinh để
bảo vệ biển đảo ở ngoài trùng khơi kia. Xuống đường chỉ là chuyện tầm
thường như vậy, sao người ta lại cứ thêu dệt như những hành động quả
cảm. Khó hiểu quá !
Sáng chủ nhật 24/4 vừa qua, trước tượng đài đức vua Lý Thái Tổ, mỗi
người chúng tôi được phát một tờ giấy A3 trên đó có tên một chiến sỹ đã
hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Tôi đọc tên Anh – Trương
Hồng Đào, hy sinh ngày 19/1/1974 tại Hoàng Sa – rồi trân trọng trương
tờ giấy ra trước ngực đi theo đoàn biểu tình.
Nhà vật lí Phạm Duy Hiển
mang biểu ngữ vinh danh liệt sĩ
TRƯƠNG HỒNG ĐÀO, hi sinh tại Hoàng Sa ngày 19.1.74
Ảnh : Blog Nguyễn Xuân Diện
Anh là ai, đồng đội của Anh hôm ấy có những ai, mà sao đến tận bây giờ
một người Việt Nam có học như tôi mới biết? Tôi đi theo đoàn biểu tình
vòng quanh Hồ Gươm, miệng hô vang Hoàng Sa – Trường Sa theo đám trẻ mà
không ngớt bần thần tưởng tượng ra Anh cùng đồng đội đã ngã xuống thế
nào trong cái giờ phút định mệnh ấy của Tổ quốc. Là một người làm khoa
học vốn quen đo lường phân tích, tôi thấy mình mới chỉ làm được một ép
xi lôn (ε) vô cùng bé (một khái niệm toán học) so với Anh và đồng đội.
Đất nước ta không thiếu đất để làm sân golf, không thiếu rừng để cho
người nước ngoài cai quản, xin hãy dành ra một ép xi lôn (ε) để dựng
lên khu tượng đài các chiến sỹ Hoàng Sa đã anh dũng hy sinh này
19/01/1974. Xin hãy chịu hy sinh một ép xi lôn (ε) đi để chúng tôi còn
noi theo mà yêu nước hơn. Bao nhiêu năm rồi chúng ta đã mắc lỗi với các
chiến sỹ ấy, mà cũng chính là mắc lỗi với đất nước này.
Mấy ngày hè nóng bỏng vừa qua, một số người đã xuống đường. Con số ít
lắm, vài trăm không hơn. Lại cũng chỉ là một ép xi lôn (ε) so với dân
số Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Nhưng những hình ảnh từ đây đã để lại bao
nhiêu cảm xúc dâng trào cho hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên thế
giới. Nhiều người đã khóc. Ngay đến bản thân tôi, nước mắt tưởng đã ráo
hoảnh từ lâu rồi, mà sao vẫn cứ tuôn trào.
Thế thì tại sao trên 700 tờ báo cách mạng không có lấy một dòng nào?
Tại sao không có lấy một vị Tổng biên tập nào dám hy sinh một ép si lôn
(ε) đi để vừa được yêu nước như các vị thường rao giảng trên các trang
báo của mình, lai vừa khơi dòng chảy thông tin tưới tắm cho đất nước?
Hóa ra giờ đây chỉ cần một tý ép xi lôn (ε) đó đủ để làm cho bạn hóa
thân thành anh hùng dân tộc.
Khó hiểu quá! Tôi xin thề rằng trong cuộc đời làm khoa học của mình tôi
chưa bao giờ được trải nghiệm một nghịch lý quá bí hiểm như thế này.
Khoa học sinh ra để giải quyết các nghịch lý trong thế giới tự nhiên và
xã hội. Vậy xin mách dùm lời giải để còn đẩy khoa học tiến lên phía
trước.
NGUỒN : Blog
Nguyễn Xuân Diện
Các thao tác trên Tài liệu