Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Trịnh Công Sơn và nhạc "phản chiến"

Trịnh Công Sơn và nhạc "phản chiến"

- Nguyễn Trọng Văn — published 14/04/2008 10:04, cập nhật lần cuối 14/04/2008 10:04


TRỊNH CÔNG SƠN
và nhạc “ phản chiến ”



Nguyễn Trọng Văn


Khi Mỹ đổ bộ xuống miền Nam tàn phá xóm làng, gây đau thương hận thù cho người Việt thì các phong trào chống chiến tranh của Mỹ bùng lên, lúc đầu chủ yếu do các lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh tại các đô thị. Không nhớ rõ chữ phản chiến ra đời vào thời điểm nào chỉ biết nó dùng để chỉ sự oán ghét cuộc chiến do Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Tên tuổi Trịnh Công Sơn gắn liền với nhạc phản chiến, có thể nói không có Trịnh Công Sơn nếu không có nhạc phản chiến, không có nhạc phản chiến nếu không có Trịnh Công Sơn.

Trong bài này tôi tìm hiểu nội dung của hai chữ phản chiến và hậu quả dai dẳng được lưu lại cho đến ngày nay. Tương tự như những bài viết khác, phương châm của tôi là viết thẳng viết thật. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phê bình.


I. NỘI DUNG PHONG PHÚ VÀ CỤ THỂ

A. Phản chiến là gì ?

Có thể hiểu phản chiến theo nhiều nghĩa khác nhau : a) Chống chiến tranh, b) Chống chiến tranh tại Việt Nam, c) Chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam , d) Chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam và những hậu quả của nó, e) ..v..v..

Nghĩa (a) và (b) đúng nhưng có tính chung chung, nghĩa (c) có thể chấp nhận vì cho biết đó là cuộc chiến do Mỹ gây ra, chi tiết này thường bị bỏ qua nhưng đó lại chính là nguồn gốc của nhiều hiểu lầm, thậm chí xuyên tạc sau này, nghĩa (d) áp dụng cho thời hậu-phản-chiến và những hậu quả của cuộc chiến (chất độc da cam, hội chứng tâm lý hậu chiến tranh Việt Nam đối với lính Mỹ...). Trong bài này chúng ta hiểu phản chiến theo nghĩa (c).

B. Suy nghĩ về phản chiến

Các nhà báo có lối viết ngắn gọn, dễ tham chiếu, cập nhật gọi là RSS (Really Simple Syndycation); trong bài này, tôi cũng xin quy về 3 luận điểm như sau :

(1)Chúng ta” là những con bài do các thế lực quốc tế giật dây ?

Cộng sản hay không Cộng sản, trong nước hay hải ngoại, chúng ta cũng thường nói như vậy đượm chút bi quan, chán ngán. Điều này có thực tuy nhiên , như đã nói ở trên, cần nói thẳng nói thật, những gì quanh co, mù mờ nên xem lai, nếu có thể.

Tôi rất ngại nói về chính trị vì đó không là sở trường của mình, về vấn đề này, theo tôi :

a) Người ta thường phân biệt chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng, chiến tranh xâm lược bị thế giới kết ánn(chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trước kia, tại Iraq hiện nay...) còn chiến tranh giải phóng được mọi người ca ngợi, ủng hộ. Cách gọi tên như vậy có một điểm cần chú ý : xâm lược là đối với Mỹ, còn giải phóng là đối với nhân dân Việt Nam, cùng một sự kiện (chiến tranh) nhưng được đánh giá theo hai lập trường/quan điểm khác nhau.

b) Ai là những con bài do ngoại bang giật dây ? Chúng ta có thói quen đùn đẩy cái xấu cho người khác ; quốc gia đẩy cho cộng sản, cộng sản đùn cho quốc gia ; hải ngoại than phiền trong nước, trong nước trách hải ngoại, cuối cùng rối tinh rối mù lên đen trắng lẫn lộn, khó phân biệt hoặc không cần phân biệt/không phân biệt nổi, đành xí xoá, huề cả làng, ai cũng cảm thấy bị liên hệ, bị lợi dụng. Sự thực không phải như vậy. Muốn phê phán, đánh giá phải cần những chuẩn mực được hai bên công nhận ; nếu không , ít nhất cần có những sự thực khách quan (bút tích, hình ảnh, chứng cớ, nhân chứng, vật chứng...) khiến không công nhận cũng không được. Những hình ảnh thảm hại của đám tàn quân viễn chinh Pháp năm 1954, những hình ảnh tháo chạy kinh hoàng và nhục nhã của Mỹ trên nóc Toà Đại sứ năm 1975, anh còn nhớ hay anh đã quên ?

c) Những hình ảnh các lãnh tụ cách mạng tiểu tư sản, các chính khách quốc gia bôn ba hải ngoại, các nhà bất đồng chính kiến luôn nhờ/xin Mỹ cho Việt Nam một bài học, có làm anh suy nghĩ không ? À, suýt thì quên, một số người ăn theo muốn đục nước béo cò, họ có phải những con bài “bị/được” ngoại bang giật dây không ?

(2) “Nội chiến”, chẳng có kẻ thắng người thua...?

Danh từ nội chiến cũng được nhiều người sử dụng trong đó có Trịnh Công Sơn, mỗi người đem lại cho nội chiến một ý nghĩa khác nhau. Tôi đã suy nghĩ nhiều về chữ nội chiến của Trịnh Công Sơn nhưng cho tới giờ phút này ý nghĩa thực sự của từ đó hình như vẫn chợp chờn bên ngoài tầm nhận thức của tôi. Ít ra vì ba lý do :

a) Trịnh Công Sơn biết rõ ai thắng ai thua nhưng anh vẫn dùng từ nội chiến như một nhắn nhủ tuyệt vọng, một thách thức bi tráng. Không ý thức sao lại có những câu hát như Ba mươi năm nhọc nhằn đã qua, hôm nay thấy mặt trời bừng sáng... cùng hát xông đất mới cho trời cao vui với lòng người ... ?

b) Trong lối diễn đạt mơ hồ mà chính xác được người hâm mộ coi như trên cả tuyệt vời nhưng không biết tại sao và như thế nào, người ta thích thú với sự “u mê”, “mù loà” (chữ của Trịnh Công Sơn ) rất sáng suốt đó. Có người nói Trịnh Công Sơn là một phù thuỷ của âm thanh, có người coi anh là của chữ nghĩa, điều đó có thể đúng, có người lại coi anh chính là của mầu sắc (anh là một hoạ sĩ tài ba) điều này cũng đúng. Theo tôi Trịnh Công Sơn không phải là phù thuỷ, anh là nhạc sĩ nổi tiếng của dân tộc, can đảm, trung thực, dám sống đời mình và thời đại mình.

c) Quan niệm của Trịnh Công Sơn về một cõi đi về. Đó là một cách nói đầy văn ảnh, khêu gợi sự nghiền ngẫm, suy tưởng. Anh theo ban Triết, đọc rất kỹ triết học, văn học hiện sinh của J.P.Sartre, A. Camus..., anh cũng thường khuyên nhủ cần một chút vốn liếng triết học. Trong khi diễn đạt tình yêu, sự sống, cái chết... anh có lối nói/viết nửa chừng, để người ta đoán tiếp phần còn lại. Thường thì mỗi người đoán tiếp và khám phá ra ý nghĩa mới mẻ một cách khác nhau, điều lạ lùng là tất cả như hội tụ lại một điểm : thân phận nhược tiểu, da vàng, tàn phá của chiến tranh. Người con gái da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín đã chết nhưng tại sao Trịnh Công Sơn vẫn âu lo đi tìm ? Như vậy âu lo đi tìm phải hiểu theo một nghĩa khác. Trong nhiều bài, chữ nghĩa hàm hồ cố ý chẳng hạn, không có cái chết đầu tiên, không có cái chết sau cùng câu này cũng rất lạ. Triết lý Công giáo, Phật giáo hay một thứ nào khác, thực ra chỉ có Trịnh Công Sơn trả lời được. Trước kia, chúng ta âu lo đi tìm người con gái da vàng đã chết vì bom đạn chiến tranh, ngày nay chúng ta đi tìm người nhạc sĩ hát rong của một thời đạn bom, một thời hoà bình.

(3) Có nhiều thứ chiến tranh, nội chiến, phản chiến... anh nói thứ nào ?

a) Có một số chữ đang trở thành thời thượng như hội nhập, toàn cầu hoá..., trước đó chữ hoà hợp hoà giải cũng là một chữ đẹp thường được nhắc tới. Tôi còn nhớ trên một tạp chí hải ngoại nổi tiếng người ta bàn luận sôi nổi hoà hợp, hoà tan, hoà đồng, làm sao hoà hợp mà không hoà tan v.v... Giờ thấy toàn chuyện tư biện, thực tế là muốn hoặc không muốn hoà hợp hoà giải cũng không được, vấn đề không đơn giản. Anh muốn hoà hợp hoà giải nhưng có những thế lực không muốn, cũng vậy, anh không muốn hoà hợp hoà giải nhưng có những thế lực cương quyết muốn. Vấn đề là tương quan so sánh chứ không phải muốn hay không muốn. Nếu muốn hay không muốn trở thành sự thật ngay thì cần gì có cuộc đời !

b) Trong số từ có vẻ thời thượng nhưng thực ra không thời thượng, đó là các từ nội chiến, phản chiến. Cứ tới tháng tư mỗi năm, người ta nhắc tới Trịnh Công Sơn và các từ phản chiến, nội chiến, ở trong nước và hải ngoại, để ca ngợi hoặc phê bình. Người ta dễ dàng nhận ra những từ đó có ý nghĩa khác nhau tuỳ quan điểm : Có những ngóc ngách, những đường hẻm, những khu ổ chuột không đèn chứ không phải toàn xa lộ, đại lộ, bin-đinh, nhà máy. Rất đồng ý. Vấn đề là ai đứng ra hoà giải ? Ai là chủ, ai là khách trên đất nước này ? Nước nào có chủ quyền, có luật pháp nước đó không nên lêu bêu, chạy vòng ngoài hoặc “ngồi nhầm lớp”.

c) Thành ra, theo một nghĩa nào đó, cần phân biệt nhiều thứ chiến tranh, nội chiến, phản chiến; nhiều thứ hoà hợp hoà giải v.v... Trước mắt có thể tạm chia ra hoà hợp hoà giải thực tếlý thuyết. Có một cuộc chiến thực sự đã qua đi và để lại nhiều hậu quả tang thương, mọi người đang cố gắng hàn gắn bằng những hành động cụ thể. Đó là một mặt của vấn đề. Mặt khác, đây là điều đáng lưu ý, cũng cuộc chiến, cũng hậu quả, cũng việc làm cụ thể nhưng với ý hướng khác nhau. Nói cách khác, có những người muốn lợi dụng cuộc chiến hơn là cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉ có hoà hợp hoà giải trên lý thuyết. Trên thực tế việc bôi đen, phá rối không phải quá hiếm hoi. Nói theo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn vẫn còn cuộc chiến “u mê”, “mù loà” trong lòng một số người, trong nước cũng như hải ngoại.


II. TẠM KẾT


Thật là thiếu sót nếu nói tới Trịnh Công Sơn chỉ với mấy trang giấy, để tạm kết về anh tôi xin nêu hai ý, một về bản thân Trịnh Công Sơn, một về thời đại mà anh sống.

a) Trước nhất, anh có nói một ý mà giờ này tôi vẫn còn suy nghĩ : cần một chút vốn liếng triết học. Những từ mà người ta thường dùng để ca ngợi hoặc chống phá anh (phù thuỷ của âm thanh, chữ nghĩa, mầu sắc, nhạc sĩ tài hoa, hát rong, sống trọn vẹn cuộc đời và thời đại v.v...) hình như bắt nguồn từ chút vốn liếng triết học mà anh có được từ hồi còn học ở trường Providence, Huế.

b) Thứ hai, vốn liếng đó được nâng cấp nhờ những kinh nghiệm, suy ngẫm bản thân từ cuộc đời, về cuộc đời, nói cách khác, về cuộc chiến, về thân phận, về một cõi đi về của con người Việt Nam. Trịnh Công Sơn đọc và nghiền ngẫm triết học, nhất là văn học hiện sinh của Sartre, Camus... Triết học hiện sinh có hai khuôn mặt. Những điều mà triết học hiện sinh đề cao như sống thực đời mình và thời đại mình, tự do và trách nhiệm, trước đứa trẻ sắp chết đói cuốn La nausée là con số không... chúng ta cũng tìm thấy nơi Trịnh Công Sơn.

Đôi lúc tôi tự hỏi giữa Sartre, triết học hiện sinh và Trịnh Công Sơn, ca khúc da vàng, trong hoàn cảnh Việt Nam nên chọn ai ? Dĩ nhiên tôi chọn Trịnh Công Sơn.

Nguyễn Trọng Văn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us