Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Xôn xao theo cuộc đổi dời

Xôn xao theo cuộc đổi dời

- Nguyễn Tam Hữu — published 17/07/2007 10:23, cập nhật lần cuối 17/07/2007 10:33
Tuy vậy, nếu nhìn quá đi các vụ lỉnh kỉnh (nhưng cũng không thoát ra ngoài chiều hướng chung) ta vẫn có thể nhìn ra cộng đồng đang trở mình theo với cuộc sống. Có rất nhiều chiếc đồng hồ mới vẫn hoà nhịp với một khung thời gian chung của thời thế. Trong đó, mọi thứ lệch nhịp, kéo thời gian chạy ngược xảy ra ngay trên đất nước Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tiêu cực nhiều hơn là những sự ồn ã xôn xao (lẻ tẻ) ở Little Saigon.


Xôn xao theo cuộc đổi dời



Nếu tạm bỏ ra ngoài những đao to búa lớn (như: chống cộng, nhân quyền, tự do, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí) hay những tủn mủn rất "đời thường Bolsa" (như: báo A chửi báo B, anh này vạch mặt anh kia là nằm vùng, tiết lộ bí mật chị kia ở báo nọ ngủ với anh nào, lão nọ ngày xưa làm ăng-ten trong trại cải tạo ra sao) thì những vụ sóng sánh trong tách trà nhân gian Little Sài Gòn (như vụ uýnh nhau lủng ca lủng củng quanh báo tuần Viet Weekly, đài la-dô VNCR, rồi báo lớn Người Việt), với sự tham gia của những khuôn mặt khá quen thuộc với nhau, cho thấy vài yếu tố rất đáng để ý.

Tôi chỉ nói đáng để ý và cố tránh dùng những chữ như: tốt hay xấu, lạc quan hay bi quan, đáng mừng vui hay đáng quan ngại; bởi lẽ cái cõi Little Saigon của tôi quả là một cõi ta bà nhốn nháo, đa tạp thu "nhỏ". Các loại tính từ (hay trạng từ) thường khi đủ xô anh này, chị nọ qua một cái "chiến tuyến" làm bằng giấy bồi nào đó, đủ làm thiên hạ đỏ mặt tía tai, trước khi thực chất của vấn đề có dịp thò đầu ra. Bệnh dị ứng với chữ (không nhất thiết là nghĩa) đã trở thành kinh niên; nó càng trầm trọng hơn, khi đã lâu, những thành tựu hay thu hoạch mang chút thực chất ngày càng là của hiếm trong các "nỗ lực" (tạm gọi là) chính trị của "cộng đồng". Uýnh nhau với những thứ rất mơ màng sương khói đã trở thành cuộc-chiến-(cuối)-đời-người.

Đáng để ý là vì, dù lộ rõ hay không, tất cả những vụ sóng sánh kia có liên hệ đến một nhóm sự kiện chung, đặt ra cho cộng đồng (cũng nói chung). Nó dàn trải, và trong nhiều chừng mực khác nhau, thu hút được sự chú ý, suy nghĩ, phản ứng từ, hoặc tác động đến, nhiều người.

Đó là sự thay đổi của tình thế chính trị có liên quan đến Việt Nam.

Và cũng như mọi tập thể xã hội, cộng đồng người Việt ở bên ngoài Việt Nam, sẽ phải phản ứng lại, để rồi may ra tìm được (những) cách ứng xử cho phù hợp, với những thay đổi đang xảy ra. Có thể nói, đây là tất yếu cuộc sống, đặt trên trục thời gian, theo chiều thuận.


*


Nhiều con người, nhiều khuynh hướng, nhiều phe nhóm (có thể là rất khác nhau, nếu không nói là đối nghịch nhau) đang phải cùng đấu vật với một số thay đổi:

  • Thay đổi về vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, trong một cuộc diện thế giới tự nó đang trải qua nhiều thay đổi phức tạp. Ở đây, người ta thật sự cũng không dễ dàng (bước qua rất nhiều trở ngại khác nhau) để chia sẻ chung một thứ nhận thức hay đánh giá nào đó. Rõ rệt là, dù bình luận theo hướng nào, thay đổi này chiếm chỗ đứng quan trọng trong nhiều cách tư duy.
  • Thay đổi trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Cái mô thức mỗi người Việt Nam mang giữ về mối quan hệ của nước Việt Nam và Hoa Kỳ cũng vô cùng phức tạp. Để thực sự nhận thức, hiểu và sau đó là hoà giải thực tế với cái mô thức chủ quan kia có thể đòi hỏi thời gian dài hơn cả ... một đời người. Có lẽ cụ thể nhất là người ta nghĩ gì, mong gì (và tất nhiên, sau từng trường hợp, nhận ra là mình "được" gì) từ cái vế Hoa Kỳ trong tương quan này. Sự khác biệt trong các tranh luận thường làm lộ rõ mức độ hiểu và tin tưởng (về sức mạnh, đạo lí và sự thành thật) đặt vào các chính trị gia, lớn, be bé và bé tí, của Hoa Kỳ. Đáng để ý là cái "nạn" này có cả ở Bolsa lẫn Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam với tập thể người Việt hải ngoại. Như một tất yếu, cả đôi bên trong mối tương quan – về thực chất, mang nhiều tính chất sâu xa và thiêng liêng – này vẫn liên tục thay đổi; giờ đây, do các tác nhân ngoại lai của môi trường sống đang đi qua chuyển biến lớn, mối tương quan này càng đòi hỏi một duyệt xét, một sự hiệu chỉnh tương xứng. Cuộc trăn trở này không chối từ cả việc khuấy động đến các tầng thâm sâu của tâm lý và ký ức mỗi người. Do đó, các tầng ký ức, các vốn liếng hiểu biết, các ước vọng nhằm vào tương lai rất khác nhau làm nảy sinh các quan điểm (và hành xử) rất khác nhau. Trong mối quan hệ này, chủ trương, thái độ, và các thông điệp của phía những người cầm quyền ở Việt Nam đóng vai trò "kích thích", cũng như yếu tố "môi trường" rất lớn. Sự diễn dịch chủ quan của từng nhóm người, từng cá nhân, tất nhiên sẽ giúp khuếch đại hay nhấn chìm nhiều dạng "sự thật" khác nhau, nhưng cái vai trò của phía Việt Nam vẫn quan trọng.
  • Và sau hết, là các thay đổi nội tại của chính các tập thể người Việt ở hải ngoại. Giờ đây, một thế hệ nòng cốt của cộng đồng đã thật sự trưởng thành và thật sự gánh vác cộng đồng. Dù mang màu sắc nào, nhãn hiệu nào, cung cách và bản lĩnh nào, họ cơ bản rất khác lớp cha anh của mình (họ được giáo dục, nuôi dưỡng, sinh sống và nhiều người thành đạt trong một môi trường xã hội Âu Mỹ). Họ mang nhiều dấu ấn của thời đại mình, hơn là những tì vết sót lại của những va chạm của lớp người trước. Cho đến giờ, các chỉ dấu cho thấy các dòng quan điểm vẫn phát triển đa dạng. Sự can dự đan chen của quá khứ, hiện tại và tương lai còn rất nhằng nhịt. Tuy vậy, các thực tế cuộc sống – những thay đổi nói ở phần trên – ít ra cũng khiến cho lớp người mới này đang phải truy tìm cho mình một vị trí (hoặc vị thế) trong tương quan với chính xã hội Mỹ, với cộng đồng của mình, và với Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang thu nhỏ mà họ là công dân. Lớp người này nhìn Việt Nam với một sự tìm hiểu, săm soi, không kém tính phê phán nghiêm chỉnh. Sự khác biệt của họ với thế hệ trước, có thể nói, nằm ở sự "nghiêm chỉnh" này. Phần cảm tính của họ vẫn còn đó – trong nhu cầu truy tầm căn cước chủng tộc và văn hoá của mình – nhưng phần lý tính của họ thường khách quan, khoa học, và "toàn cầu" hơn. Vì, hôm nay đây, Việt Nam còn là vùng biên cương lập thân và lập nghiệp mới, có tiềm năng cho một số người của họ; họ không đùa với tương lai, họ cũng không bỏ qua các mối hoạ mà quá khứ và hiện tại đã và đang cho họ nhìn thấy.

[Sự kiện các thay đổi nội tại của xã hội Việt Nam không được liệt kê ra đây là một cố ý. Không phải vì nó không quan trọng, mà ngược lại. Song, do mức độ lớn lao và phức tạp của nó, tạm thời chỉ xin thu gọn ở mức độ các tương tác của xã hội ấy đối với bên ngoài]


*


Có thay đổi tất có sự thúc đẩy, thích nghi, lẫn sự ngăn chận, đề kháng. Nếu thêm vào cái phương trình ấy các thông số của sự tranh đoạt, kèn cựa, mặc cả, chen lấn, rất phổ biến của cuộc nhân sinh, ta sẽ có những xao động tạo nên cái sóng sánh hiện giờ. Cho nên, một sinh thể sống và tràn đầy sinh lực như cộng đồng của tôi ở Little Saigon có làm văng ra đôi ba giọt nước tràn ly cũng là chuyện phải có.

Các diễn viên của những chương hồi "chính trị cộng đồng" trước đây vẫn còn lác đác tái hiện. Các tia hồi quang vẫn còn le lói, đôi khi vẫn tạo được sự ồn ào chói chang trong một góc hẹp nào đó. Trường hợp xôn xao sóng sánh dính líu tới mấy tờ báo ở Bolsa gần đây có được sự ồn ã, hào hứng của các sân khấu cũ vì sự việc lại xảy ra ở cái phần giao (intersection) của các loại hình sinh hoạt của các thế hệ khác nhau: "báo chí Bolsa". Mỗi phía lại mang vào đó những giới hạn và vướng mắc của mình, cho nên mới "có chuyện".

Tuy vậy, nếu nhìn quá đi các vụ lỉnh kỉnh (nhưng cũng không thoát ra ngoài chiều hướng chung) ta vẫn có thể nhìn ra cộng đồng đang trở mình theo với cuộc sống. Có rất nhiều chiếc đồng hồ mới vẫn hoà nhịp với một khung thời gian chung của thời thế. Trong đó, mọi thứ lệch nhịp, kéo thời gian chạy ngược xảy ra ngay trên đất nước Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tiêu cực nhiều hơn là những sự ồn ã xôn xao (lẻ tẻ) ở Little Saigon. Chuyện Việt Nam, trước tiên phải là chuyện của Việt Nam và ở tại Việt Nam.

Thực tế, dù còn khá hiếm hoi về số lượng và đơn giản về chất lượng, cho ta thấy: sự kết thông và quan hệ bình thường giữa "trong và ngoài" vẫn được thực hiện hiệu quả giữa người dân với nhau. Các nghệ sĩ sáng tác và trình diễn (nhiều lĩnh vực), các doanh nhân và tiểu thương, những người quan tâm đến các vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội (kể cả giáo dục) – bên ngoài những cái khung tổ chức mang tính "công cụ của chuyên chính" xung khắc với tính hỗ trợ phải có cho một xã hội công dân lành mạnh và hữu hiệu vận hành – vẫn đến được với nhau, hợp tác và thân ái, mang cái dáng vẻ thật bình thường của quan hệ đồng bào (hoặc nhân loại). Đôi khi, vấn đề đâm ra phức tạp hơn khi bàn tay sắp xếp hay "chỉ đạo" của cái guồng máy cai trị chưa chạy theo kịp thời thế thò vào, khuấy động. Nếu nền chuyên chính Bolsa lại xía vô "góp sức" thì chỉ còn là những kiểu quan hệ rất nặng mùi.

Rốt lại, quê hương có là chùm khế ngọt hay chua (theo ví von gần đây của một nhà lãnh đạo cỡ bự CHXHCNVN ngay tại Orange County, California) vẫn là chuyện và việc của phía Việt Nam. Thứ đến, là phía những người bên ngoài lúc nào cũng ra rả lòng ... yêu nước Việt Nam.


Nguyễn Tam Hữu

(7-2007)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us