“ Ý niệm Đại học ” : Linh hồn của giáo dục cấp cao
“ Ý niệm đại học ” : Linh hồn của giáo dục cấp cao
Bùi Văn Nam Sơn
Sau tháng 5.1945, sự sụp đổ của chế độ toàn trị quốc xã để lại một nước
Đức nói riêng, Tây Âu nói chung, trong cảnh “tan hoang bờ cõi”. Cơ sở
vật chất tan nát dưới bom đạn chiến tranh. Thảm họa nhân đạo cũng vô
tiền khoáng hậu. Cấp bách, đáng lo hơn nữa là sự suy sụp của đời sống
khoa học và đại học, vốn là “vũ khí bí mật” và niềm tự hào đã đưa nước
Đức lên ngôi quán quân về khoa học suốt thế kỷ 19, nhờ thừa hưởng di
sản của mô hình đại học Humboldt, được thành lập từ 1810. Chính sách
chính trị hóa và công cụ hóa khoa học và đại học của chế độ quốc xã đã
đánh đúng vào trái tim và đầu não của quốc gia. Hơn thế, đã hủy diệt
giá trị cốt lõi nhất của nền văn minh Tây phương hiện đại : tinh thần
khách quan và dân chủ trong khoa học. Hàng loạt giáo sư và nhà khoa học
đầu đàn, vì lý do chủng tộc hay chính trị, bị cho nghỉ hưu sớm, cấm
giảng dạy và công bố khoa học, bị giết hại hoặc lưu vong. Nước Đức mất
hơn một phần ba lực lượng khoa học khi chiến tranh kết thúc. Karl
Jaspers, bị cấm giảng dạy (vì có vợ gốc Do Thái), đột nhiên đứng trước
trọng trách lịch sử: khôi phục lại đại học cổ kính và lừng danh
Heidelberg, qua đó góp phần hồi sinh đại học Tây Âu nói chung. Lần hiếm
hoi ta được chứng kiến: những tư tưởng triết học của một triết gia
“hiện sinh” nổi tiếng có dịp đi vào cuộc sống, được thử thách (và thành
công !) trong thực tế ! Trải bao nước chảy qua cầu, nền đại học ngày
nay không thể quên công lao và đóng góp có ý nghĩa lịch sử ấy của Karl
Jaspers !
Tác giả Bùi Văn Nam Sơn
Ảnh chụp tại Trường đại học Humboldt, Berlin (©TVC)
“ Ý NIỆM ĐẠI HỌC ”
Jaspers đã sơ thảo những ý tưởng cốt lõi về đại học từ 1923, viết lại
và bổ sung những ý tưởng mới trước tình hình nghiêm trọng và cấp bách,
lấy nhan đề cũ : Ý
niệm Đại học (Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch, Ban Tu thư ĐH Hoa
Sen, 2013). Việc Jaspers dùng lại nhan đề cũ từ hơn hai mươi năm trước
cho thấy ông đã ôm ấp và không thay đổi nội dung cơ bản. Đó là: đại
học, muốn xứng danh là đại học, phải được một “Ý niệm” dẫn đạo như ngôi
sao Bắc đẩu. Không ai có ảo tưởng, một ngày nào đó, sẽ “đến được” ngôi
sao ấy, nhưng không có nó, ta sẽ lầm lũi và lầm lạc trong đêm tối mịt
mùng. “Ý niệm”, như chân trời vươn tới, như lý tưởng vẫy gọi, vốn là
một trong những thuật ngữ đắc ý nhất và quý báu nhất của nhà đại khai
minh: triết gia Immanuel Kant !
“ LÒNG HIẾU TRI NGUYÊN THUỶ ”
Con người ai cũng ham hiểu biết. Trong đời sống hàng ngày, ta cần và
muốn biết nhiều thứ để có thể đạt được những mục đích nhất định. Chị đi
học tiếng Anh, anh đi học vi tính... để dễ tìm việc. Nhưng, đạt được
mục đích rồi thì thôi, chuyển sang nhu cầu hiểu biết mới. “ Lòng hiếu tri nguyên thủy ” thì
khác ! Nó thể hiện trong việc đi tìm chân lý trong đại học. Nơi đây,
thầy và trò gắn bó với nhau vì cùng chia sẻ một đam mê bất tận, một
khát vọng không bao giờ thỏa mãn là luôn vươn tới trong nhận thức, dù
biết rằng không có chỗ dừng lại và không thể dừng lại. “ Ý niệm đại học ” chính là sự nuôi
dưỡng lòng hiếu tri nguyên thủy khôn nguôi ấy. Không có nó soi đường,
đại học sẽ sa đọa thành... trường phổ thông cấp 4 hay cơ sở khổng lồ
chỉ biết cung cấp nhân lực cho nền kinh tế và bộ máy cai trị. Tinh thần
đại học, như thế, ngay từ bản tính và từ đầu, không thể tương thích với
mọi chính sách công cụ hóa dù về chính trị hay kinh tế.
BA NHÂN TỐ CỦA “ Ý NIỆM ĐẠI HỌC ”
Xét như là định chế, “ Ý niệm ” hay “ lòng hiếu tri nguyên thủy ” trong
đại học thể hiện qua ba nhân tố :
- sự thống nhất luôn mới
mẻ của các ngành khoa học. Vì “ đại học là nơi thực hiện năng lực hiếu tri
nguyên thủy ” trong phạm vi rộng lớn nhất, do đó, dù phân ngành
và chuyên môn hóa đến đâu, các phân khoa phải có mối dây liên hệ nội
tại, đảm bảo tính nhất quán và hữu cơ của một toàn bộ, truyền sức sống
cho nhau như từ một cơ thể. Nếu không thế, đại học sẽ thoái hóa thành “
cửa hàng bách hóa ” phục vụ theo ý thích của “ khách hàng ” như một
loại “ dịch vụ kiến thức ” đơn thuần, “ mua ” rồi, “ xài ” rồi thì thôi
! Vì thế, nghiên cứu khoa học là lý do tồn tại của đại học, song hành
với công việc giảng dạy. Không có nghiên cứu “ bất tận ”, lòng hiếu tri
chỉ là nhất thời.
- định chế đại học,
xét cho cùng, chỉ là điều kiện vật chất cho việc phát huy nhân cách của
những con người sống và làm việc trong đó. Đinh chế “ được đánh giá tùy vào việc nó có đào tạo
nên những nhân cách tốt đẹp nhất hay không và liệu nó có khả năng đảm
bảo những điều kiện tinh thần cho việc nghiên cứu, truyền thông và
giảng dạy ”.
- về mối quan hệ giữa đại
học và nhà nước, Jaspers nhận ra sự tương hỗ luôn căng bức : đại
học vừa thuộc nhà nước, vừa tự trị, không mang tính nhà nước. Thành hay
bại là ở chỗ xây dựng được cơ chế hợp tác bền vững, ổn định và tôn
trọng lẫn nhau.
NHIỆM VỤ TỐI CAO CỦA ĐẠI HỌC : ĐÀO LUYỆN ĐỜI SỐNG TINH THẦN
Nghiên cứu và giảng dạy cần kết hợp với tiến trình đào luyện con người.
Cái sau mới là thành tựu quý báu nhất và là nhiệm vụ tối cao của đại
học. “ Giáo dục đại học là tiến
trình đào luyện sự tự do đầy thực chất, mà cụ thể là tham gia vào đời
sống tinh thần đang diễn ra ở đó ”. Sự đào luyện ấy chủ yếu diễn
ra trong tinh thần Socrates. Hoạt động khoa học mang những con người có
lòng hiếu tri nguyên thủy lại với nhau, tạo nên một cộng đồng, một nền
“ cộng hòa những học giả ”,
trong đó chỉ có luận cứ là được xem trọng chứ không phải quyền lực hay
quyền uy.
Trong lời giới thiệu in ở đầu tác phẩm này (“ Ý niệm đại học, như một giá trị cốt lõi
”), chúng tôi đi đến kết luận : “ Đến
với công trình tâm huyết này của Jaspers, ta chỉ có thể trân trọng
“lòng tin triết học” của ông rằng : đại học hiểu như sự thống nhất của
các ngành khoa học không chỉ là một Ý niệm phát triển từ triết học, dựa
trên một tiến trình lịch sử đã qua, mà còn là một Ý niệm sẽ điều hướng
diễn trình trong tương lai. (...) Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là một
“ sáng kiến ” chủ quan, mà là kết quả của lao động trí
tuệ, vì thế, không thể tìm thấy nó một cách dễ dàng trong thực tế.
Nhưng, không một cơ quan, tổ chức hay xã hội nào có thể trường tồn mà
không tìm ra và bảo vệ những giá trị cốt lõi. Hiểu theo nghĩa ấy, biết
đâu Ý niệm có khi mạnh hơn thực tại, vì nó định hình thực tại ”.
Bùi Văn Nam Sơn
Bài này đã gửi đăng trên Người Đô Thị (27.8.15) và Văn Hoá Nghệ An (2.9.15)
Các thao tác trên Tài liệu