Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Năng lượng, phát triển bền vững và Việt Nam (II)

Năng lượng, phát triển bền vững và Việt Nam (II)

- Đặng Đình Cung — published 11/07/2008 08:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


Năng lượng, phát triển bền vững
và Việt Nam (II)



ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư Tư vấn



PHẦN 2 – ĐỀ NGHỊ MỘT MÔ HÌNH CHIẾN LƯỢC
NĂNG LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG


An ninh năng lượng


Những năng lượng hoá thạch


Từ thập niên 1970 cho tới nay nhiều chuyên gia nổi tiếng đã định thời điểm những nguồn năng lượng hoá thạch sẽ cạn hết. Thời điểm đó là ba bốn chục năm tới. Nhưng, mỗi khi giá dầu thô tăng lại có người tính lại thời điểm đó và vẫn thấy thời hạn sẽ hết năng lượng hoá thạch là ba bốn chục năm nữa. Dù những dự báo đó đúng hay sai, thời hạn ba bốn chục năm đủ lâu để Việt Nam tiếp tục có một chiến lược bảo đảm nguồn cung ứng những loại năng lượng này.

1. Việt Nam vẫn cần phải đa dạng hoá nguồn cung ứng bằng cách mua của nước ngoài một số quyền được mua năng lượng dài hạn, quyền khảo sát địa chất và quyền khai thác một số mỏ ở nước ngoài. Để chia sẻ chi phí và rủi ro thất bại, thường có một tập đoàn gồm bởi nhiều đối tác tài trợ chung khảo sát của một vùng và chia nhau trữ lượng của mỏ đã khám phá được. Việt Nam đã tham gia với các nước bạn và các xí nghiệp siêu quốc gia khảo sát và khai thác những mỏ năng lượng hoá thạch ở những nước khác và đã có kết quả đầu tiên1..

Chúng tôi đề nghị Việt nam tăng cường hợp tác đa phương đó tới tối đa khả năng thương lượng của mình. Để làm được việc này một cách hữu hiệu và có hệ thống, chúng tôi đề nghị thành lập một đội ngũ cán bộ am hiểu tình hình chiến lược năng lượng thế giới. Đội ngũ này có chức năng cố vấn chính phủ về những cơ hội giao thương với những đối tác nước ngoài để củng cố tiềm năng cung ứng năng lượng hoá thạch một cách bền vững. Ở nhiều nước đội ngũ cán bộ này tùy thuộc Bộ Công nghiệp hay Bộ Năng lượng. Chúng tôi đề nghị đội ngũ Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao hay Thủ tướng.

2. Năm 2020, Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghiệp và kết cấu tiêu thụ năng lượng sẽ không còn là một ngoại lệ như hiện nay. Xu hướng về năng lượng của các ngành công nghiệp là chuyển sang sử dụng điện nhiều hơn và điện sẽ được sản xuất bằng than và năng lượng hạt nhân nhiều hơn. Than có nhiều trên thế gới. Than là nguồn năng lượng hoá thạch sẽ cạn sau khi dầu thô và khí tự nhiên không còn nữa. Nhưng than là loại năng lượng ô nhiễm nhiều. Ngoài việc cung ứng chất đốt cho những nhà máy nhiệt điện, than sẽ là nguyên liệu để sản xuất những nhiên liệu lỏng thay thế cho sản phẩm dầu và nhiên liệu khí thay thế cho khí tự nhiên. Việt Nam sẽ phải dùng đến những nhiên liệu này vì có trữ lượng than quan trọng.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam tham gia tích cực vào những chương trình quốc tế nghiên cứu triển khai những công nghệ liên quan đến than và hạt nhân.

3. Như mọi quốc gia đang ngoi lên, Việt Nam cấp bách phải xây dựng hạ tầng và bị những xí nghiệp các nước giàu cám dỗ mua lại những thiết bị đã qua sử dụng của họ. So với mua mới, mua lại một thiết bị đã qua sử dụng thì rẻ hơn và, nhất là, tiết kiệm được thời gian chờ thiết bị được thiết kế và chế tạo. Nhưng, đặc biệt về những lò hơi và lò đốt, những thiết bị đã qua sử dụng có hiệu suất kém và ô nhiễm môi trường tự nhiên nhiều hơn là thiết bị mới.

Chúng tôi đề nghị triệt để không mua lại những lò hơi, lò đốt, tuabin khí và những thiết bị bảo vệ môi trường đã qua sử dụng. Những thiết bị sau lò hơi (bộ ngưng, bộ phát điện, bộ chuyển áp,...) cũ có thể mua nếu có chứng minh hãy còn chạy tốt và giá mua vừa phải.


Năng lượng hạt nhân


Chúng tôi đề nghị Việt Nam áp dụng một kế hoạch tương tự như kế hoạch PEON của Pháp2.

1. Ý kiến của những vị lãnh đạo là năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động một hay hai nhà máy, tổng cộng một tới bốn lò phản ứng. Với giả thuyết nhu cầu điện tăng 7,8 % mỗi năm trình bày ở trên thì năm 2020 nhu cầu điện sẽ là 158,3 TWh và phải sản xuất thêm 11,5 TWh so với năm trước. Lượng điện bội thêm này sẽ làm cho một lò hơi hạt nhân 1.500 MW có thể sinh lợi. Ba năm sau đó có thể lắp đặt thêm một lò hơi như thế mỗi năm. Để có điện hạt nhân năm 2020 thì phải đã bắt đầu xây nhà máy năm 2015 và đã bắt đầu đào tạo nhân lực kỹ thuật chậm nhất từ năm 2005. Cho tới nay đọc báo trên mạng chỉ thấy Việt Nam mời những công ty thiết kế nhà máy hạt nhân các nước đến trình bày công nghệ của họ và coi đó là đào tạo nhân lực.

Chúng tôi đề nghị khẩn cấp tạo ra một văn hoá công nghiệp trong mọi tầng lớp nhân dân và đào tạo nhân lực kỹ thuật để có thể xây dựng những nhà máy điện hạt nhân kể từ năm 2025 và đưa vào hoạt động kể từ năm 20303. Dù để phát triển ngành hạt nhân hay mọi ngành kinh tế kỹ thuật nào chăng nữa, Việt Nam cũng không thể tiết kiệm được công lao và chi phí nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực kỹ thuật bản xứ. Mua từ những tập đoàn siêu quốc gia những nhà máy theo dạng chìa khoá trao tay chắc chắn sẽ cho phép có được nhà máy điện hạt nhân và sản lượng điện của nhà máy đó. Nhưng làm như thế không phải là một phương pháp hữu hiệu để vừa dẫn nước Việt Nam vào kỷ nguyên hạt nhân vừa duy trì độc lập quốc gia.

2. Xung quanh mọi nhà máy lớn như nhà máy hoá chất, nhà máy lọc dầu, đập thuỷ lợi,... hay nhà máy hạt nhân đều có rủi ro tai nạn công nghiệp. Mọi chính quyền địa phường gần những nhà máy đó cũng đều phải :

    * có sẵn những quy trình bảo vệ người dân khi có sự cố : quản thúc trong nhà, di tản có trật tự, cứu trợ nạn nhân,...

    * có chương trình thao luyện thường xuyên những lực lượng cấp cứu,

    * và thường xuyên tổ chức những đợt tuyên truyền cảnh báo dân chúng về rủi ro của nhà máy và cách cư xử khi có sự cố.

Nếu thiết kế, xây dựng và vận hành đúng thì một nhà máy hạt nhân nguy hiểm không hơn không kém gì một nhà máy lớn khác. Nhưng, cho tới nay, chúng tôi chưa có thông tin gì về những việc này cả.

3. Vấn đề an ninh nguồn cung ứng năng lượng hạt nhân nằm ở khâu làm giàu và sản xuất thanh nhiên liệu cho lò phản ứng. Hai khâu này bị những cường quốc hạt nhân trấn áp. Nhưng những nước khác vẫn có thể xây dựng một công nghiệp nhiên liệu hạt nhân miễn là tôn trọng những quy định của hiệp ước NPT.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam xây một nhà máy làm giàu uranium và một nhà máy sản xuất thanh nhiên liệu chung với các thành viên khác của khối ASEAN và dưới sự kiểm soát chặt chẽ của IAEA. Liên doanh này sẽ giảm "giá vé vào cửa" công nghệ hạt nhân của mỗi thành viên và sẽ trấn an thế giới uranium đã được làm giàu sẽ không bị biến thủ để chế tạo vũ khí hạt nhân. Dù sao muốn làm một quả bom nguyên tử thì phải có uranium đã được làm giàu đến ít nhất 90 phần trăm U 235. Một nhà máy được thiết kế để làm giàu uranium đến 3/5 phần trăm U 235 không thể nào là một đe dọa quân sự được. Với uy tín quốc tế hiện nay của mình, Việt Nam nên chủ động đề xuất dự án này trước khi khởi công xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Chúng tôi không đi sâu hơn nữa vào những lợi thế ngoại giao của dự án này.

4. Xử lý những thanh nhiên liệu đã được phóng xạ không cấp bách mấy vì khối lượng của chúng nhỏ và vì chưa ai biết xử lý những vật liệu này một cách ổn thỏa. Ngoài ra, vào thập niên 2030 dự báo Diễn đàn Generation IV sẽ khai triển xong những hệ thống mới sản xuất năng lượng hạt nhân. Những kiểu lò hơi đang được Diễn đàn Generation IV nghiên cứu triển khai sẽ thay đổi một cách đáng kể những thông số kính tế kỹ thuật về xử lý nhiên liệu đã được phóng xạ4.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam tạm thời bỏ sang một bên vấn đề xử lý những thanh nhiên liệu đã được phóng xạ và xin tham gia vào Diễn đàn Generation IV.


Cung ứng điện


1. Điện là một sản phẩm công nghiệp không thể tích trữ được. Dự đoán nhu cầu về lượng điện trong một khoảng cách thời gian thì chưa đủ vì nhu cầu về công suất ở một thời điểm biến đổi từ giây khắc. Tối ưu hoá một hệ thống sản xuất và phân phối điện là một việc rất phức tạp. Tối ưu hoá mỗi lúc một hệ thống như vậy lại còn phức tạp hơn.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam thiết lập một mô hình toán học tối ưu hoá việc thiết kế và điều hành hệ thống sản xuất và phân phối điện của mình.

2. Điện là một nhu yếu phẩm nên phải do Nhà nước độc quyền quản lý. Nhà nước quản lý cũng có nghĩa là Nhà nước có thể gia công sản xuất một phần lớn điện cho tư nhân hay các xí nghiệp nước ngoài. Chúng tôi đồng ý với chủ chương của chính phủ khi thành lập "Cục Điều tiết Điện lực để cung cấp điện ổn định, thu hút đầu tư rộng rãi vào ngành điện, nhất là đầu tư phát triển nguồn điện, giá điện phản ánh đúng chi phí; khuyến khích cạnh tranh nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh trong ngành điện"5.

Chúng tôi đề nghị khách hàng cuối cùng (end user) được chia làm hai khối : khối cá thể (điện tiêu dùng) và khối sản xuất. Mỗi khối mua điện theo những nguyên tắc sau đây :

    * Phân phối và bán điện tiêu dùng cho cá thể phải là độc quyền của một xí nghiệp quốc doanh tuân theo những chỉ thị của chính phủ về giá biểu và chất lượng dịch vụ. Xí nghiệp đó có thể là một công ty con của EVN và chỉ có xí nghiệp đó mới có quyền mua điện để bán lại cho tư nhân.

    * Những đối tác thuộc khối sản xuất có thể mua điện của bất cứ xí nghiệp sản xuất điện nào. Những điều kiện mua điện sẽ do hai bên tự do thỏa thuận.

3. Chính phủ đã có một biểu giá phản ảnh chính sách chia sẻ thu nhập quốc gia của một Nhà nước xã hội chủ nghĩa : những hộ mua ít điện thì trả dưới giá thành và sai biệt sẽ do những hộ tiêu thụ nhiều điện chịu với giá điện cao hơn. Nhưng biểu giá hiện nay của xí nghiệp quốc doanh EVN phức tạp và không có tính cách giáo dục khuyến khích tiết kiệm điện6.

Đối với khối tư nhân, chúng tôi đề nghị EVN :

    * đồng nhất trên toàn lãnh thổ quốc gia biểu giá điện,

    * giảm số bậc thang trong biểu giá,

    * nhưng tăng cường thêm sai biệt về giá điện giữa những hộ tiêu thụ ít điện (trên nguyên tắc là những hộ nghèo) và những hộ tiêu thụ nhiều điện (trên nguyên tắc là những hộ có khả năng phung phí điện).

Đối với khối sản xuất, chúng tôi đề nghị EVN :

    * ngưng phân loại khách hàng không thuộc diện "sinh hoạt bậc thang" của giá biểu hiện hành và hợp nhất những đối tác này vào khối sản xuất,

    * biểu giá cần có một chi phí cố định tùy ở điện áp thể hiện chi phí đường dây tải điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng,

    * lập trong biểu giá hai bực thang "mùa khô" và "mùa mưa" với định nghĩa thời điểm của hai mùa đó tùy khí hậu ở điểm tiêu thụ điện và lồng vào mỗi bực thang đó những bực thang con tính theo thời điểm cung cấp điện (giờ thường, giờ cao điểm và giờ rỗi) hiện có trong biểu giá.


Những nguồn năng lượng tái tạo


Ngoài thủy năng, tiềm năng những nguồn năng lượng tái tạo khác và hiệu ứng của chúng đến xã hội và môi trường chưa được Việt Nam xác định.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam nghiên cứu kỹ những vấn đề này trước khi quyết định khai triển chúng một cách đại trà.


Năng lượng sinh học

1. Nông nghiệp Việt Nam mạnh nên sinh ra nhiều phế liệu hữu cơ. Những phế liệu này ủ trong những lò phản ứng khí sinh học sẽ sinh ra khí methan có thể dùng làm nguồn năng lượng các miền đồng quê. Trường đại học Đà nẵng và một số Tổ chức từ thiện phi chính phủ hoạt động tại Việt nam đã thiết kế và thử nghiệm thành công những lò phản ứng này7. Rác đô thị chôn ở một hố rác được thiết kế thích nghi cũng có thể là nguồn khí sinh học hỗ trợ cho mạng phân phối khí đốt đô thị.

Chúng tôi đề nghị :

    * vườn ươm xí nghiệp trường Đại học Đà Nẵng thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường một lò phản ứng khí sinh học tiêu chuẩn cho một hộ nông thôn trung bình,

    * các thành phố 100.000 nhân khẩu xử lý rác trong những hố rác có thể sản xuất khí sinh học.

2. Việt Nam đã nhiều lần chế tạo thành công những lò đốt phế liệu của nông nghiệp : bã mía, trấu, rơm,... Nhưng, ngoài những nhà máy đường đốt bã mía, những lò đốt này không có quy mô lớn và chỉ có tính cách làm để thử nghiệm8.

Chúng tôi đề nghị một trường đại học hay một trung tâm nghiên cứu thiết kế và thử nghiệm một kiểu mẫu lò hơi tiêu chuẩn có công suất chừng 10 MW. Lò hơi này sẽ được thiết kế chủ yếu chạy bằng dầu và, khi có nguồn cung ứng thì chạy thêm bằng bất cứ một chất đốt rắn nào. Trong khuôn khổ kế hoạch đô thị hoá công nghiệp hoá nông thôn lò hơi sẽ đặt ở những khu công nghiệp địa phương để thanh toán vấn đề phế liệu nông nghiệp và để sản xuất điện cho những nhà máy của khu công nghiệp và những làng xã lân cận.

Chúng tôi cũng đề nghị những thành phố hơn 500.000 nhân khẩu đốt rác đô thị trong những nhà máy đồng phát sinh điện và hơi nước. Điện và hơi nước được sản xuất này sẽ tham gia cung ứng năng lượng sinh hoạt của thành phố.

3. Những loại năng lượng sinh học khác cần được nghiên cứu sâu rộng và trong một thời gian lâu để hiểu rõ tiềm năng và hậu quả của chúng đến xã hội và môi trường tự nhiên.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi can ngăn chính phủ đừng vội vã quyết định gì ngoài những quyết định nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai và nghiên cứu khả thi.


Thủy năng

1. Tỷ lệ thủy điện trong kết cấu sản xuất điện của Việt Nam quá cao để có thể ổn định cung ứng điện suốt năm và trên toàn lãnh thổ quốc gia. Những công trình thủy điện xây lâu và tốn nhiều vốn ban đầu hơn là những nhà máy nhiệt điện. Việt Nam đang thiếu điện và thiếu vốn. Vậy ưu tiên là phải xây những nhà máy nhiệt điện chứ không phải là xây những nhà máy thủy điện.

Cho tới khi tỷ lệ thủy điện xuống tới dưới một phần tư nhu cầu9, chúng tôi đề nghị :

    * hủy bỏ những dự án nhà máy thủy điện công suất trên 10 MW nếu không có nhu cầu chính là chống lũ hay cung cấp nước cho nông nghiệp,

    * đình chỉ những công trình chưa khởi công,

    * tạm thời đình hoãn những công trình đã khởi công nhưng, vì lý do này lý do khác, chưa tiến độ mấy hay tiến triển quá chậm.

Tài chính ngắn hạn được giải phóng sẽ dùng để xây nhà máy nhiệt điện.

2. Việt Nam và các nước lân cận có nhiều địa điểm thuận lợi để lắp đặt những máy thủy điện nhỏ và rất nhỏ. Cho tới nay, người dân có nhu cầu điện phải tự chế những bộ thủy điện gồm một ống dẫn nước, một tuabin và một máy phát điện. Vì tự chế và không được thiết kế có quy củ, những bộ thủy điện này có hiệu suất thấp và chế tạo chúng tốn nhiều công và vật liệu.

Chúng tôi đề nghị tư nhân hay chính quyền một địa phương thành lập một xí nghiệp thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường một số bộ thủy điện tiêu chuẩn ở những bậc thang công suất dưới 10 MW (tỷ dụ 10 MW, 5 MW, 1.000 kW, 500 kW, 250 kW, 100 kW, 50 kW, 10 kW). Những tư nhân hay địa phương có nhu cầu chỉ cần phối hợp những bộ tiêu chuẩn đó để đạt công suất của công trình muốn xây. Giá thành, suy ra giá bán, một bộ máy tiêu chuẩn rẻ hơn là một bộ máy thiết kế đặc biệt cho một công trình vì :

    * công lao và tiền của để thiết kế đã được khấu hao trên nhiều đơn vị,

    * những bộ máy bán chạy nhất có thể được chế tạo trước để khách hàng khỏi phải chờ lâu,

    * và nhân lực chế tạo bộ máy sẽ hưởng định luật hiệu ứng tay nghề nên có năng suất cao, giá thành thấp và chất lượng cao10.


Năng lượng mặt trời

1. Ở Việt Nam, năng lượng mặt trời ở dạng nhiệt, những máy nước nóng không mấy phổ biến như ở các nước ven bờ Địa Trung Hải. Có vài xí nghiệp bán những bản hấp thụ ánh sáng mặt trời với những ống rỗng của Đức. Những máy nước nóng đó có hiệu suất cao hơn là những bản mặt trời tự chế nhưng đắt gấp bội. Đức là một nước lạnh, họ cần đến những ống rỗng để mùa đông giữ hiệu suất ở một mức có thể chấp nhận được. Việt Nam là xứ nóng nên sai biệt hiệu suất giữa hai loại bản mặt trời tự chế và nhập từ Đức không đáng sai biệt về giá bán.

Chúng tôi đề nghị những xí nghiệp đó ngưng nhập những máy nước nóng và thiết kế những bản mặt trời giản dị để bán cho người tiêu dùng. Một trường đại học có thể đứng ra làm phòng thí nghiệm đo hiệu suất những bản mặt trời và phát giấy chứng nhận năng suất của những máy nước nóng.

2. Về năng lượng mặt trời ở dạng quang điện, cũng có vài nơi ở Việt Nam, đặc biệt trên những ghe thuyền có người cư ngụ, chưa liên kết với mạng phân phối điện quốc gia dùng bản quang điện để có điện nghe đài hay xem truyền hình. Nhưng, so với sức mua điện của người Việt Nam, quang điện vần còn là một thiết bị vẫn còn tốn kém.

Chúng tôi đề nghị thay thế những bản quang điện bằng những tuabin vi thủy điện hay những quạt phong điện loại nhỏ. Những thiết bị này có thể tự chế. Nhưng, tốt hơn, vườn ươm của một trường đại học có thể đứng ra thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường những bộ vi thủy điện và những quạt phong điện tiêu chuẩn có công suất dưới 10 kW.

Chúng tôi cũng đề nghị vườn ươm một trường đại học nghiên cứu thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường một hệ thống câu điện an toàn từ mạng điện quốc gia đến những ghe thuyền.

3. Nhiều chính phủ những nước công nghệ tiên tiến khuyến khích và trợ cấp tư nhân đầu tư vào những nhà có tổng kết năng lượng dương. Những nhà này thường được trang bị bới những bản quang điện gắn trên mái nhà. Mục đích của trợ cấp này là để những xí nghiệp nước họ tích lũy diện tích những bản quang điện đã được sản xuất và, nhờ hiệu ứng tay nghề, giảm giá thành của quang điện ở nước họ xuống dưới giá mua từ mạng phân phối điện quốc gia. Thị trường quốc tế những bản quang điện này rất lớn.

Chúng tôi đề nghị tư nhân hay chính quyền một địa phương thành lập một xí nghiệp sản xuất những tế bào quang điện và chế tạo để xuất khẩu những bản quang điện. Mặc dù chưa có thị trường quốc nội, sản xuất để xuất khẩu sẽ giúp xí nghiệp Việt Nam tích lũy diện tích những bản quang điện đã được sản xuất và có ưu thế về giá khi quang điện có thể đua tranh được với điện cổ điển.

4. Trong khi chờ quang điện có thể đua tranh được với điện cổ điển, quang điện tiện lợi khi cần cung ứng một lượng điện rất nhỏ và những sản phẩm cần đến rất ít điện. Sản xuất những sản phẩm này không cần đến công nghệ quá cao (xin đọc phần II bài “Năng lượng và phát triển bền vững” của chúng tôi). Về tổng số công suất điện thì không có là bao nhiêu, nhưng về tổng số lượng sản phẩm có gắn một tế bào quang điện thì thị trường đa dạng và rất lớn.

Chúng tôi đề nghị tư nhân hay chính quyền địa phương thành lập những xí nghiệp thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm phải dùng pin điện hay cần kéo dây điện để cung ứng một lượng điện rất nhỏ như là đồng hồ, máy tính bỏ túy, máy radio, máy truyền hình nhỏ, đèn điện chiếu sáng vườn cảnh, trạm tín hiệu, cọc tiêu, rờle viễn thông, máy tính tiền đỗ xe, máy phát tiền,…


Năng lượng gió

1. Chúng tôi được biết tỉnh Bình Thuận đang khai triển một trại phong điện11. Đây là một điều đáng tiếc vì một quạt phong điện sản xuất điện không đều đặn và do đó có khả năng làm cho mạng phân phối điện quốc gia mất ổn định.

Chúng tôi đề nghị tách ly khỏi mạng phân phối điện quốc gia những quạt phong điện và dùng chúng để bơm nước vào những hồ tích nước dùng cho nông nghiệp, du lịch, giải trí và sản xuất điện cho mạng phân phối điện quốc gia vào những giờ cao điểm.

2. Ngược lại, ở những hải đảo có cộng đồng ít cư dân thì những quạt phong điện nhỏ hay trung bình sẽ giảm nhu cầu nhiên liệu của ổ phát điện chạy bằng dầu. Ngoài ra, ở ngoài khơi, những quạt phong điện cũng có thể cung cấp điện cho những trạm tín hiệu, cọc tiêu và rờle viễn thông.

Chúng tôi đề nghị một trường đại học nghiên cứu chế độ gió trên các hải đảo Việt Nam và phương pháp liên kết quạt phong điện với những ổ phát điện và bình acquy. Mục đích của những công trình nghiên cứu này là tìm phương pháp tối ưu cung ứng điện cho cư dân những hải đảo.

Chúng tôi cũng đề nghị tư nhân hay chính quyền một địa phương thành lập một xí nghiệp thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường một số quạt phong điện tiêu chuẩn ở một bậc thang công suất dưới 10 kW (tỷ dụ 10 kW, 5 kW, 1.000 W, 500 W, 250 W, 100 W, 50 W, 10 W). Cũng như với quang điện, về tổng số công suất điện thì không có là bao nhiêu, nhưng về tổng số lượng sản phẩm thì thị trường đa dạng và rất lớn.

3. Nhiều nước Âu Châu và Bắc Mỹ đang lắp đặt những trại phong điện. Thị trường này rất lớn. Chế tạo những cột quạt phong điện không khó lắm, tương tự như chế tạo những trụ cầu và trụ dàn khoan mỏ dầu ở ngoài khơi mà Việt Nam đã biết chế tạo và đã xuất khẩu. Hiện nay một xí nghiệp Đức đang thương lượng xây dựng một nhà máy quạt phong điện ở Việt Nam12.

Chúng tôi đề nghị xí nghiệp hợp doanh này không giới hạn chức năng ở khâu lắp ráp những quạt phong điện mà có thể :

    * thiết kế và lắp ráp toàn bộ một quạt phong điện,

    * gửi kíp nhân công đi xây những trại phong điện ở nước ngoài dưới sự lãnh đạo của một kỹ sư dự án trưởng Việt Nam.


Những năng lượng tái tạo khác

Tiềm năng năng lượng biển và năng lượng từ lòng đất ở Việt Nam có thể rất lớn và đáng được chú ý đến. Nhưng những cơ sở để xác nhận điều này Việt Nam chưa có.

Cũng như với những năng lượng sinh học, chúng tôi đề nghị các trường đại học và trung tâm nghiên cứu địa chất khảo sát thêm và nếu thấy có triển vọng thì đánh giá kỹ hiệu ứng xã hội, kinh tế và kỹ thuật trước khi chính quyền địa phương quyết định khai thác một loại năng lượng sinh học hay không.


Phát triển kinh tế bền vững


Một định luật quản lý Nhà Nước là "biểu thuế thể hiện chính sách kinh tế của chính phủ và biểu giá một dịch vụ hay sản phẩm cốt yếu thể hiện chi phí sản xuất". Nếu giảm thuế hay trợ giá những sản phẩm cốt yếu như là lương thực hay năng lượng thì sẽ khuyến khích người dân và xí nghiệp lãng phí tài nguyên. Với giá năng lượng cao xí nghiệp sẽ được khuyến khích hiện đại hoá những quy trình sản xuất để tiết kiệm năng lượng. Dù sao giá thực tế những sản phẩm cốt yếu sẽ không bao giờ giảm và ngân sách dành cho những hỗ trợ đó sẽ sớm cạn. Kinh nghiệm các nước cho thấy khi chính phủ không thể tiếp tục hỗ trợ được nữa thì sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế và xáo trộn xã hội.

Chúng tôi đề nghị chính phủ giữ thuế đánh trên năng lượng ở mức cao và không trợ giá năng lượng cho một đối tác kinh tế xã hội nào. Thay vào đó, chính phủ có nhiều cách can thiệp khác :

    * đối với thành phần xã hội có đời sống khó khăn thì phát học bổng một cách hào hiệp, bảo hiểm y tế đại trà, xây chung cư giá rẻ, trợ giá giao thông công cộng,...

    * đối với một ngành nông nghiệp hay công nghiệp có vấn đề thì tăng cường đào tạo nhân lực, tài trợ phiêu lưu (venture financing) và tư vấn xuất khẩu, tài trợ phiêu lưu khai triển sáng kiến, tài trợ đầu tư vào hiện đại hoá những phương tiện sản xuất, lập quỹ ổn định giá những sản phẩm thu hoạch theo vụ (tỷ dụ nông sản) hay tùy thời tiết (tỷ dụ ngư sản),...

Những hình thức hỗ trợ này sẽ giúp người dân duy trì sức mua và các xí nghiệp giảm giá thành. Đây là hai điều kiện để vượt qua một khủng hoảng kinh tế một cách lành mạnh.


Giao thông vận tải


Những xa lộ cao tốc chiếm nhiều đất và ô tô chạy trên đó tiêu thụ nhiều dầu và phun ra nhiều khí có hiệu ứng nhà kính. Những xe vận tải nặng chạy trên những đường cao tốc sẽ không bao giờ đáp ứng được nhu cầu luân chuyển hàng hoá của một quốc gia công nghiệp. Những xa lộ nội thành sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông đô thị. Vận tải bằng đường sắt, đường sông và đường biển chiếm ít đất lộ giới, tiêu thụ ít năng lượng và có trọng tải lớn hơn là bằng đường bộ. Chuyên chỏ công cộng hành khách trong những cụm đô thị tiêu thụ ít năng lượng hơn và ô nhiễm môi trường ít hơn là những phương tiện di chuyển cơ giới cá nhân khác.

Chúng đề nghị :

    * ưu tiên khai triển mạng đường sắt, đường sông và đường biển để giảm nhu cầu giao thông vận tải bằng đường bộ,

    * liên kết những khu công nghiệp với mạng đường sắt để gia tăng tiềm năng vận chuyển hàng hoá giữa những khu công nghiệp với nhau và giữa những khu công nghiệp và các bến cảng,

    * nếu có thể, đặt những khu công nghiệp ở ven sông hay ven biển để tận dụng những phương tiện vận tải bằng đường thủy.


Công nghiệp


1. Ba nguyên tắc của chiến lược quân sự cũng như chiến lược kinh doanh là tập trung lực lượng, giữ thế chủ động và tiết kiệm tiềm năng13.

Về tập trung lực lượng, chúng tôi đề nghị :

    * những tập đoàn quốc doanh chuyên về năng lượng bán lại cho SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước) những công ty con không dính dáng gì đến năng lượng (viễn thông, cao ốc, ngân hàng,...),

    * sau khi cổ phần hoá những hợp tác xã và những xí nghiệp quốc doanh xây dựng cơ sở, sản xuất và phân phối năng lượng, SCIC kết hợp, tùy theo ngành chuyên môn, vào một trong ba tập đoàn lớn chuyên về than (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, TKVN), dầu khí (Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, PVN), sản xuất và phân phối điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN),

    * nếu niêm yết trên thị trường chứng khoán ba tập đoàn này thì SCIC luôn luôn giữ tối thiểu 51 % cổ phiếu để có thể áp đặt chính sách năng lượng của chính phủ,

    TKVN và PVN chỉ có quyền bán chất đốt cho EVN chứ không có quyền xây dựng cơ sở, sản xuất và phân phối điện.

Về giữ thế chủ động, chúng tôi đề nghị mỗi khu công nghiệp trên 200 ha phải có riêng một nhà máy nhiệt điện, có đủ công suất để đáp ứng nhu cầu của khu công nghiệp và những khu đô thị lân cận và bắt buộc liên kết với mạng phân phối điện quốc gia.

Về tiết kiệm tiềm năng, chúng tôi đề nghị nhà máy nhiệt điện của những khu công nghiệp :

    * đốt than và những chất đốt rắn khác như là rác đô thị, phế liệu công nghiệp, phế liệu nông nghiệp, củi gỗ của ngành khai khẩn rừng,...

    * xử lý đúng tiêu chuẩn vệ sinh khói và những phế liệu sinh ra từ việc đốt những vật liệu đó,

    * có tuabin và bộ ngưng đã được thiết kế để cho nhà máy có thể chạy theo chu trình kết hợp.

2. Vì định luật hiệu suất Carnot, một nhà máy nhiệt điện chỉ biến đổi thành điện có 35 đến tối đa 50 phần trăm năng lượng khả dụng. Phần còn lại bị thải ra thiên nhiên qua bộ ngưng.

Chúng tôi đề nghị :

    * nhà máy nhiệt điện xây những ống dẫn hơi nước nén từ bộ ngưng đến các đô thị và các khu công nghiệp lân cận để bán hơi nước nén cho những đối tác có nhu cầu,

    * những khu đô thị gần một nhà máy nhiệt điện có một mạng phân phối để dẫn hơi nước nén đến từng nhà tư nhân.

3. Những thiết bị công nghiệp có hiệu suất cao, tiêu thụ ít năng lượng và ô nhiễm ít môi trường nếu được bảo trì như mới.

Chúng tôi đề nghị :

    * các xí nghiệp có chính sách bảo trì sản xuất cục bộ (TMP, Total Productive Maintenance),

    * tư nhân và chính quyền địa phương thành lập những xí nghiệp phụ trợ chuyên về bảo trì những thiết bị công nghiệp.

4. Như viết ở một phần trên, những cơ sở công nghiệp nặng, nhà máy lọc dầu, nhà máy phân bón, các nhà máy hoá chất,… đều có rủi ro tai nạn như một đập thủy lợi hay một nhà máy hạt nhân.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội thông qua một bộ luật về quản lý tai nạn công nghiệp quy định trách nhiệm và quyền hành của mỗi cơ quan Nhà Nước về phòng ngừa rủi ro công nghiệp và ứng phó khi có tai nạn.

Chúng tôi cũng đề nghị chính phủ lập :

    * một bộ tiêu chuẩn bảo đảm an toàn và kiểm tra an toàn những cơ sở công nghiệp,

    * một bộ chương trình thao luyện thường xuyên những lực lượng cấp cứu,

    * một bộ quy trình tuyên truyền về rủi ro công nghiệp và những phương cách ứng xử khi có tai nạn.

5. Quy ra giá trị gia tăng thì công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường nhiều hơn là công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Nhưng, trong quá trình phát triển kinh tế, Việt nam phải khai triển những công nghiệp nặng để tránh khỏi phải nhập khẩu bán thành phẩm dùng trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Để giảm thiểu nhu cầu năng lượng và những vi phạm đến môi trường, chúng tôi đề nghị chỉ xây dựng những cơ sở công nghiệp nặng có năng suất đủ để đáp ứng những nhu cầu quốc nội. Như vậy có nghĩa là Việt Nam sản xuất đủ phân bón, xi măng, gang thép, bán thành phẩm kim loại,… để đáp ứng tất cả nhu cầu quốc nội của nông nghiệp, ngành xây dựng và các ngành công nghiệp. Đặc biệt chỉ nên xây đủ năng suất lọc dầu để cung ứng nhu cầu quốc nội trung bình về nhiên liệu và hoá chất. Những bất cập của thị trường sẽ được điều chỉnh trên thị trường quốc tế : nhập khẩu khi thiếu và xuất khẩu khi thừa. Những năng suất công nghiệp nặng vượt hơn nhu cầu quốc nội là những nguồn nhập khẩu nguyên liệu và ô nhiễm môi trường quá mức.


Tiện nghi nhà ở


1. Vì Việt Nam vẫn còn là một nước lạc hậu nên củi gỗ và những chất đốt rắn khác là nguồn năng lượng lớn nhất. Tính trạng này uy hiếp môi trường tự nhiên, đặc biệt sinh ra nạn phá rừng.

Chúng tôi đề nghị PVN khai triển một mạng phân phối những bình gas gia dụng đến tất cả các xã, kể cả những những xã vùng xa hẻo lánh. So với mạng phân phối điện của EVN thì xây dựng một mang phân phối những bình gas gia dụng rẻ hơn và có thể được thực hiện trong một thời gian ngắn hơn nhờ PVN có thể dựa trên những kênh phân phối bán lẻ.

2. Những cao ốc phải có thang máy và ban ngày bị mặt trời hâm nóng mà lại không thể mở cửa sổ. Những nhà loại đó tiêu thụ nhiều năng lượng để chạy thang máy và điều hòa không khí.

Chúng tôi đề nghị chỉnh trang đô thị bằng những khu nhà cao tối đa hai ba tầng. Những khu đô thị được liên kết với nhau bằng những trục giao thông rộng lớn. Nhưng những khu nhà chỉ cách nhau bằng ngõ hẻm cấm xe ô tô và đủ rộng để một xe cấp cứu có thể ra vào khi cần thiết. Như thế, nhà này che nắng cho nhà kia. Xung quanh những khu nhà có cây cao tạo ra bóng mát. Những kiến trúc sư nên tìm nguồn cảm hứng ở những nhà cổ truyền Việt Nam và những đô thị các nước ven bờ Địa Trung Hải.

3. Những nhà không được cách nhiệt sẽ nóng và không khí bên trong phải được làm lạnh thì mới ở được. Những máy điều hòa không khí cá nhân có hiệu suất kém và, cho tới này, chỉ có thể chạy bằng điện. Những máy nước nóng cá nhân cũng chỉ có thể chạy bằng điện hay bằng khí đốt.

Chúng tôi đề nghị :

    * chính phủ ban hành những tiêu chuẩn cách nhiệt cho các văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở,

    * chính quyền địa phương chỉ cho phép xây nhà nếu chủ đầu tư chứng minh nhà sẽ được cách nhiệt đúng tiêu chuẩn,

    * nếu gần một nhà máy nhiệt điện thì ưu tiên dùng hơi nước nén của nhà máy để đun nước sinh hoạt và điều hòa không khí theo chu trình hấp thụ.

    * chính quyền địa phương chỉ cho phép xây những nhà hai tầng trở lên nếu có phương án đun nước nóng sinh hoạt bằng ánh sáng mặt trời hay bằng hơi nước nén của một nhà máy nhiệt điện,


Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế


Những vấn đề nêu trên có thể được coi là liên hệ đến nhiều nước khác. Nhưng chúng đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. Vì thế Việt Nam không nên chờ có trợ giúp của nước ngoài mới bắt đầu tìm giải pháp cho những vấn đề của mình. Ở những phần trên, chúng tôi đã đề nghị nhiều cơ hội kinh doanh liên hệ đến năng lượng. Ở phần này chúng tôi sẽ đề nghị một số đề tài nghiên cứu triển khai Việt Nam có thể tiến hành một mình hay trong khuôn khổ hợp tác quốc tế.

1. Tạp chí Hoạt động Khoa học, trích dẫn Ngân hàng Thế giới, nêu năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng công suất 513 360 MW, nhiều hơn 200 lần công suất của Thuỷ điện Sơn La, hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 202014. Một số báo trong nước đăng tin bể than tỉnh Hưng Yên có trữ lượng 210 tỷ tấn than. Theo WEC thì trữ lượng than đủ loại của cả thế giới chỉ có 847 tỷ tấn và sản lượng năng lượng gió của cả thế giới cũng chỉ là 106 TWh mỗi năm. Những sai biệt lớn giữa những số liệu quốc tế và thông tin của báo chí Việt Nam không được cải chính cho thấy Việt Nam chưa nắm được tất cả những số liệu cần thiết để thiết kế một chiến lược năng lượng thực tế.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam khảo sát kỹ lưỡng địa chất, khí tượng, sinh vật, thảo vật, môi trường tự nhiên, môi trường nhân bản và tiềm năng của mỗi năng lượng tái tạo trước khi quyết định về khai triển một loại năng lượng nào.

2. Với bốn chục năm chiến tranh, Việt Nam có kinh nghiệm tổ chức cứu trợ khi có thảm họa. Nhưng an toàn công nghiệp là một ngành khoa học kỹ thuật. Vấn đề không những là xử lý tai nạn mà, quan trọng hơn, ngăn ngừa tai nạn. Những bộ tiêu chuẩn và quy trình về an toàn công nghiệp chúng tôi nêu ở một phần trên cần đến nhiều chuyên gia được đào tạo quy củ và có kinh nghiệm thâm niên viết và đưa vào thi hành. Hiện nay, mới chỉ có 100 người đang được đào tạo để điều hành an toàn bức xạ hạt nhân mà những chu trình bảo đảm an toàn và đối phó với sự cố thì phải viết đến cả pho sách15. Tự viết, dù là với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài, rồi đưa vào áp dụng tất cả những chu trình đó thì đến năm 2020 sẽ không xong. Sau đó lại còn phải thử nghiệm để sửa chữa những khuyết điểm trước khi quảng bá giữa dân chúng và chính quyền điạ phương.

Chúng tôi đề nghị chọn mua bản quyền những tiêu chuẩn và quy trình bảo đảm an toàn và cấp cứu của một cường quốc công nghiệp như là Pháp, Đức, Nhật hay Hoa Kỳ, dịch sang Việt ngữ và đưa vào dùng thử ngay. Sau này, với sự giúp đỡ của AEIA và các nước bạn, sẽ tuần tự cải biên để cho thích hợp với điều kiện của Việt Nam. Dù sao, những chu trình và tiêu chuẩn kỹ thuật đều người này chép người kia. Sau Thế chiến II, Nhật Bản cũng chỉ chép nguyên văn những tiêu chuẩn của Hoa Kỳ để "đi tắt đón đầu".

3. Các nước công nghệ tiên tiến vẫn còn tiến hành những dự án nghiên cứu triển khai về sản xuất, ứng dụng và tiết kiệm những loại năng lượng này.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam tham gia vào phong trào này và xin gợi ý vài đề tài liên quan mật thiết với Việt Nam :

    * công nghệ than sạch CCT,

    * lỏng hoá và khí hoá than,

    * những công nghệ hoá học than,

    * những tuabin khí nhỏ chạy theo chu trình kết hợp,

    * lọc và rửa khói thải ra từ những nhà máy.

4. Về năng lượng hạt nhân, những cường quốc hạt nhân đã có sẵn công nghệ làm giàu uranium nhưng chưa biết xử lý ổn thỏa nhiên liệu đã được phóng xạ. Nhưng Diễn Đàn Generation IV đang nghiên cứu triển khai một hệ thống sản xuất năng lượng hạt nhân giảm cường độ của hai vấn đề này.

Như viết ở một phần trên, chúng tôi đề nghị Việt Nam :

    * xây một nhà máy làm giàu uranium và sản xuất những thanh nhiên liệu hạt nhân chung với các nước bạn thuộc khối ASEAN,

    * và xin tham gia vào những dự án nghiên cứu triển khai quốc tế đó, mặc dù lúc đầu chỉ là một đóng góp khiêm tốn.

5. Mặc dù nhân lọai chủ yếu dùng năng lượng sinh học cho tới cách mạng công nghiệp thứ nhất, ảnh hưởng kỹ thuật, kinh tế và xã hội của những loại năng lượng này vẫn còn là một bí hiểm.

Chúng tôi đề nghị Việt Nam tham gia tích cực vào những chương trình nghiên cứu triển khai quốc tế và xin gợi ý vài đề tài liên quan mật thiết với Việt Nam :

    * trồng rong biển làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học,

    * trồng cây mọc mau như là tre, cây bạch hạc,… tại những vùng bị chiến tranh ô nhiễm hay phá hoại để làm củi đốt cho các nhà máy điện địa phương,

    * dùng phế liệu nông nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học như là dầu điêzen sinh học, ethanol sinh học,...

Xin chú ý chúng tôi đề nghị dùng phế liệu nông nghiệp chứ không dùng những thảo vật được trồng đặc biệt để làm nguyên liệu cho ngành năng lượng sinh học.



Kết luận


Nói chung thì Việt Nam tiêu pha năng lượng chứ không chăm chú dùng năng lượng để sản xuất. Những chính sách công nghiệp, giao thông vận tải cũng như thiết kế đô thị dẫn tới lãng phí năng lượng. Đầu tư vào những cơ sở sản xuất điện cầm chân nhiều vốn một cách vô ích và, dù đầu tư bao nhiêu chăng nữa, tình trạng thiếu điện sẽ duy trì.

Mỗi nước có tài nguyên thiên nhiên và điều kiện khí hậu khác nhau. Chép lại y nguyên mô hình chiến lược phát triển kinh tế xã hội của một nước, dù nước đó là một cường quốc công nghiệp, không phải là một phương kế. Việt Nam phải rà xét lại tất cả chiến lược công nghiệp, giao thông vận tải và thiết kế đô thị để thiết kế những chính sách thích ứng với hoàn cảnh riêng của mình. Công nghiệp hoá hiện đại hoá kinh tế xã hội Việt Nam vẫn còn ở dạng sơ khai. Những yếu kém nêu trong bài này vẫn còn có thể chữa lại được. Tài nguyên thiên nhiên không có nhiều nhưng vẫn đủ để Việt Nam kế hoạch hoá tăng trưởng kinh tế bền vững trước khi những nguồn năng lượng hoá thạch cạn hết.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề quốc tế và Việt Nam cũng phải quan tâm nếu muốn được coi là một quốc gia có tinh thần trách nhiệm và tiếp tục "làm bạn với mọi người". Nhưng Hoa kỳ, quốc gia giàu nhất thế giới, không giảm lượng khí có hiệu ứng nhà kính để duy trì phát triển kinh tế của họ thì tại sao Việt Nam phải hy sinh tăng trưởng kinh tế của mình để cứu nhân loại ? Khủng hoảng năng lượng, như mọi khủng hoảng, chỉ có tính cách trạng huống. Lý do duy nhất mà Việt Nam phải chuyển sang năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là những nguồn năng lượng hoá thạch có xu hướng sẽ cạn.

Việt nam phải chuẩn bị sản xuất tối đa điện bằng năng lượng hạt nhân và tiêu thụ tối đa năng lượng dưới dạng điện vì :

    * trong tương lai, phải dành những năng lượng hoá thạch cho công nghệ hoá học,

    * năng lượng hạt nhân là loại năng lượng không sinh ra khí có hiệu ứng nhà kính,

    * một nước nắm công nghệ hạt nhân và điện hoá những quy trình sản xuất là một quốc gia công nghệ tiên tiến.

Việt Nam cũng phải chuẩn bị sản xuất và tiêu thụ đại trà những năng lượng tái tạo vì :

    * tiềm năng của Việt Nam về năng lượng tái tạo rất lớn,

    * công nghệ năng lượng tái tạo có tiềm năng thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, một vế của phát triển bền vững mà Việt Nam có thế mạnh.

Chọn trở thành một quốc gia công xưởng là chọn phải nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu để sản xuất mỗi ngày mỗi nhiều hơn và chọn phải ô nhiễm môi trường tự nhiên mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn. Chuyển hướng kinh tế xã hội để thành một quốc gia công nghệ tiên tiến thì Việt Nam phải nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực kỹ thuật. Đây hai việc khó khăn, tốn nhiều công nhiều của. Nhưng thực hiện được hai việc sớm bao nhiêu thì chuyển hướng kinh tế xã hội sẽ mau chóng và dễ dàng bấy nhiêu.


Kỳ I : Phân tích chiến lược


Đặng Đình Cung




1 "Petro Việt Nam đầu tư 208 triệu USD sang Algeria" đăng trên Nhân Dân ngày 28 08 2006 và ở địa chỉ Internet
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub=131&article=71963.

"Hơn 1,8 tỷ USD xây dựng nhà máy thủy điện tại Lào" đăng ở địa chỉ Interrnet
http://vietnamnet.vn/kinhte/2007/12/760566/

"VN sẽ khai thác mỏ dầu đầu tiên ở nước ngoài" đăng trên Thanh Niên ngày 10 05 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www2.thanhnien.com.vn/Kinhte/2008/5/10/238058.tno.

2 Vào cuối thập niên 1970, chính phủ Pháp thông qua kế hoạch PEON (Production d’Electricite d’Origine Nucleaire, Sản xuất Điện từ Nguồn Hạt Nhân). Kế hoạch này đại khái là như sau. Mỗi năm nhu cầu điện gia tăng và có những nhà máy điện cần phải thay thế. Công suất phải lắp đặt thêm cộng với công suất những nhà máy điện phải thay thế sẽ được đáp ứng tối đa bằng những nhà máy điện hạt nhân. Để bảo đảm an ninh năng lượng, kế hoạch PEON được tăng cường bới chính sách khuyến khích tư nhân và xí nghiệp chuyển sang sử dụng điện thay vì sử dụng những năng lượng phải nhập khẩu.

3 "Công nghệ hạt nhân và Việt Nam", đăng ở địa chỉ Internet
http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u163ddcung.html.

4 Để giải quyết vấn đề nguồn uranium khai thác như hiện nay để sản xuất năng lượng cũng sắp cạn, mười hai quốc gia và tổ chức quốc tế hiệp sức để khai triển sáu loại lò phản ứng hạt nhân sản xuất năng lượng. Nhóm này mang tên Diễn đàn Generation IV và bao gồm Anh, Brazil, Canada, Euratom, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Nga, Nam Phi, Nhật, Pháp, Thụy Sĩ, Trung quốc.. Mục đích là nghiên cứu triển khai một hệ thống sản xuất năng lượng :

  • bền vững,

  • an toàn và đáng tin cậy,

  • khả thi về kinh tế,

  • không gây tăng sinh vữ khí hạt nhân và bảo vệ bằng những phương tiện của vật lý học.

Hệ thống này có tiềm năng giải quyết những vấn đề năng lượng của nhân loại cho một nghìn năm sắp tới !

5 "Xây dựng thị trường riêng cho ngành điện" đăng ở địa chỉ Interrnet
http://www.icon.evn.com.vn/Home/Nh%C3%A2nv%E1%BA%ADts%E1%BB%B1ki%E1%BB%87n/
tabid/68/TopicId/12/ItemId/5346/language/vi VN/Default.aspx

6 "Biểu giá điện" đăng ở địa chỉ Interrnet
http://www.icon.evn.com.vn/Home/News/tabid/55/TopicId/91/language/vi VN/Default.aspx

7 "Đà Nẵng sản xuất 1.000 máy phát điện mini chạy bằng biogas" đăng ở địa chỉ Interrnet
http://www.sggp.org.vn/kinhte/2008/6/155857/

8 "Năm 2008, sẽ xây dựng nhà máy điện đốt bằng trấu công suất 10MW tại Thốt Nốt " đăng trên Báo Cần Thơ ngày 11 05 2007 và ở địa chỉ Interrnet
http://moi.gov.vn/News/detail.asp?Sub=6&id=29045

"Trà Vinh dùng lò hơi đốt trấu tiết kiệm 10 triệu đồng/ngày" đăng trên Tiền Phong ngày 08 05 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=121720&ChannelID=3.

9 Chúng tôi chỉ gợi ‎tỷ lệ này. Tính chính xác tỷ lệ cần đến một algorithm phức tạp vận động nhiều số liệu của thống kê thiên văn và thống kê về dạng nhu cầu điện hàng ngày.

10 "Hiệu ứng tay nghề" đăng ở địa chỉ Internet
http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/kinhte/hieu ungtaynghe.htm

11 "Bình Thuận: Xây dựng nhà máy điện sử dụng năng lượng gió" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/1/72827.laodong

12 "Xây dựng nhà máy chế tạo turbine điện gió tại miền trung" đăng trên Nhân Dân ngày 30 05 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=41&sub=72&article=123130

13 Gil Fievet : "De la strategie Militaire a la Strategie d'Entreprise", InterEditions, 1992. Đọc giả có thể tham khảo thêm những bài viết của Ferdinand Foch và Mao Trạch đông về những nguyên tắc này.

14Tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng gió ở Việt Nam" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp?code=2846

Mỏ than 210 tỷ tấn dưới lòng Đồng bằng sông Hồng” đăng ở địa chỉ Internet
http://vietnamnet.vn/kinhte/2004/04/60569/

15 Tỷ dụ xem quy trình ORSEC của Pháp đăng ở địa chỉ Interrnet
http://www.interieur.gouv.fr/sections/a_l_interieur/defense_et_securite_civiles/dossiers/plan orsec/downloadFile/file/Guide_ORSEC.pdf?nocache=1190566360.0
hay tổ chức đối phó tai họa của Hoa kỳ ở địa chỉ Interrnet http://www.fema.gov/index.shtm

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us