Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Năng lượng và phát triển bền vững

Năng lượng và phát triển bền vững

- Đặng Đình Cung — published 03/07/2008 21:23, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Trong loạt bài này (sẽ đăng làm 4 kỳ), tác giả sẽ đề cập tới những vấn đề chung xung quanh chủ đề năng lượng và phát triển, kể cả nhắc lại những thuật ngữ khoa học kỹ thuật trong ngành. Mục tiêu là... một loạt bài về "năng lượng và phát triển ở Việt Nam", sẽ đăng sau loạt bài chung này.


Năng lượng và phát triển bền vững (I)


ĐẶNG Đình Cung


Kỹ sư Tư vấn



Phát triển bền vững là một chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện nay mà không làm nguy hại đến khả năng những thế hệ sau đáp ứng được nhu cầu của họ. Một vế của chiến lược bền vững là cung ứng và tiêu thụ năng lượng. Làm gì để vẫn còn có thể tiếp tục cung ứng năng lượng khi những nguồn năng lượng không tái tạo sẽ cạn và tiêu thụ năng lượng ra sao để không vi phạm quá đáng đến môi trường tự nhiên ?

Trong bài này, chúng tôi xin mang một số yếu tố đóng góp vào giải đáp vấn đề này bằng cách trình bày những nguồn năng lượng và những công nghệ hiện có hay đang được khai triển để đối phó với triển vọng những nguồn năng lượng hóa thạch một ngày nào đó sẽ không còn nữa. Chúng tôi chỉ trình bày những giải pháp khả thi trên phương diện kinh tế kỹ thuật và hậu quả của chúng.

Những số liệu chúng tôi dẫn chứng và dùng để tính và vẽ các họa đồ trong bài này do EIA, IEA, UNEP và WEC cung câp1. Chúng tôi cập nhật kinh nghiệm cá nhân về năng lượng từ những sách giáo khoa mới được xuất bản, từ những thông số kỹ thuật do ADEME và IFP cung cấp2 và, chủ yếu, từ báo cáo "2007 Survey of Energy Resources" của WEC3.

Các sách báo chuyên môn dùng nhiều đơn vị năng lượng khác nhau. Để tiện việc so sánh và để dùng một đơn vị nhiều người biết đến và quen dùng, trong bài này chúng tôi chuyển những số liệu đã được công bố sang đơn vị TWh (têra watt giờ, một triệu kWh) hay kWh (kilô watt giờ) thường dùng trong ngành điện.
   

PHẦN 1   NHỮNG NĂNG LƯỢNG KHÔNG TÁI TẠO

 
Trên thị trường có hai loại năng lượng : năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo. Khi kế toán năng lượng thì những chuyên gia phân biệt năng lượng ở dạng cơ bản, dạng trung gian và dạng khả dụng.

Trong phần này, chúng tôi xin định nghĩa những khái niệm đó. Sau đó, cho mỗi loại năng lượng, chúng tôi xin trình bày trữ lượng hay tiềm năng, ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường và an toàn dân chúng, những vấn đề kỹ thuật, kinh tế và chính trị.


Những dạng năng lượng

 
Năng lượng thể hiện dưới nhiều dạng hóa học và vật lý : cơ, hóa, nhiệt, điện, quang,… Để thiết kế một chính sách năng lượng người ta phân biệt ba dạng năng lượng :

  • Năng lượng cơ bản là những dạng năng lượng có sẵn ngoài thiên nhiên : than đá, dầu thô, khí tự nhiên, uranium, thủy năng, và những năng lượng tái tạo khác.

  • Năng lượng trung gian là những dạng năng lượng được sản xuất từ những dạng năng lượng khác. Khí hydrô, khí đốt từ những phản ứng nhiệt phân, dầu đã được thanh lọc,… là những thí dụ năng lượng trung gian.

  • Năng lượng khả dụng hay năng lượng cuối cùng (end use energy) là sản phẩm cuối cùng khi dùng hay biến chế sẽ mất đi hay không còn là một năng lượng nữa. Hơi nước nén, than dùng để chế biến thành hóa chất, củi để đun bếp,… là những dạng năng lượng khả dụng.

Năng lượng cơ bản được biến chế thành một số dạng năng lượng trung gian hay năng lượng khả dụng. Năng lượng trung gian được biến chế thành một số dạng năng lượng khả dụng. Trong quá trình biến chế từ năng lượng cơ bản đến những dạng năng lượng khả dụng đó, một phần năng lượng bị hao đi vì đã được tiêu thụ trong những giai đoạn biến chế hay vận chuyển.

Có loại dạng năng lượng cùng một lúc được coi là năng lượng cơ bản và năng lượng trung gian hay năng lượng khả dụng. Khí tự nhiên là một năng lượng cơ bản, khi đã được nén và làm lỏng để đốt trong một lò hơi để sản xuất điện và hơi nước nén thì gọi là năng lượng trung gian và khi đã được mang tới nhà để dùng trong nhà bếp hay lò sưởi thì gọi là năng lượng khả dụng. Và cũng có nhiều loại năng lượng vừa được coi là năng lượng trung gian vừa được coi là năng lượng khả dụng. Điện là năng lượng trung gian vì được sản xuất từ một lò phản ứng hạt nhân hay một lò hơi cổ điển nếu dùng để nạp điện một bình ắcquy và được coi là năng lượng khả dụng nếu dùng để chạy một động cơ hay nung một lò sưởi.

Phân biệt dạng năng lượng nào là năng lượng cơ bản, dạng nào là năng lượng trung gian và dạng nào là năng lượng khả dụng là một việc cốt yếu để nghiên cứu tính khả thi của một hệ thống sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Nhu cầu năng lượng cơ bản của nhân loại tăng đều đặn 2,1 phần trăm mỗi năm từ năm 1996 để đến năm 2005 dạt 454 Quad (133 400 TWh). Sau khi tiêu hao trong những quy trình biến chế thì chỉ còn có 314 Quad (92 000 TWh) năng lượng khả dụng.

Bảng 1 cho thấy những khác biệt giữa khối lượng các năng lượng cơ bản và năng lượng khả dụng. Tỷ dụ :

  • một phần lớn của 33 800 TWh than đã được dùng để sản xuất điện, khí đốt, dầu tổng hợp và những nguyên liệu của ngành hóa chất nên chỉ còn lại có 7 700 TWh than đã được thanh lọc và hợp cách ở dạng năng lượng khả dụng,

  • tất cả uranium U-235 đã được biến đổi thành hơi nước và, sau đó, một phần nhỏ hơi nước đã được dùng ở dạng năng lượng khả dụng và phần lớn còn lại dùng để sản xuất điện qua một tuabin hơi nên không có uranium ở dạng năng lượng khả dụng,

  • hầu hết tất cả 2 900 TWh thủy năng được biến thành điện,

  • những năng lượng tái tạo khác thường được trực tiếp đưa vào sử dụng nên từ 14 000 TWh ở dạng cơ bản thì vẫn còn tới 11 900 TWh ở dạng khả dụng.


Bảng 1 – Sản xuất và tiêu thụ năng lượng (IEA, 2005)

Thế giới

Việt Nam

Cơ bản
(TWh)

Khả dụng
(TWh)

Cơ bản
(TWh)

Khả dụng
(TWh)

Than

33 824

7 670

211

70

Dầu thô

46 613

129

226

0

Sản phẩm dầu

0

39 772

0

139

Khí

27 581

14 343

72

1

Uranium

8 395

0

0

0

Thủy năng

2 923

0

21

0

Địa năng, hoàng năng, v.v.

686

88

0

0

Chất đốt rắn tái tạo và rác

13 338

11 852

279

270

Điện

0

15 024

0

46

Nhiệt năng

9

3 137

0

0

Tổng cộng

133 370

92 013

809

526


Khi tính hiệu suất một năng lượng thì phải tính hiệu suất năng lượng của mỗi khâu chế biến từ những dạng năng lượng cơ bản khởi đầu qua những dạng trung gian cho đến dạng khả dụng.

Tỷ dụ hiệu suất một lò sưởi điện không phải là 100 phần trăm mà phải bằng hiệu suất nhà máy điện nhân với hiệu suất mạng tải điện từ nhà máy đến nơi tiêu dùng. Tải điện có thể làm mất đến 10/15 phần trăm điện phát từ nhà máy. Một nhà máy thủy điện có hiệu suất 90/95 phần trăm, nhưng một nhà máy điện hạt nhân chỉ bằng khoảng 30 phần trăm. Như vậy một động cơ gia dụng như máy rôbốt xay và băm thực phẩm chỉ có hiệu suất 10/20 phần trăm nếu điện được sản xuất từ một nhà máy nhiệt điện và tối đa 80 phần trăm nếu điện được sản xuất từ một nhà máy thủy điện.

Cũng như thế, khi tính ô nhiễm của một dạng năng lượng thì phải tính ô nhiễm sinh ra từ mỗi giai đoạn chế biến dẫn đến dạng năng lượng khả dụng. Tỷ dụ nói rằng xe ôtô chạy bằng pin nhiên liệu hydrô không ô nhiễm khí quản vì chỉ thải ra có hơi nước là không đúng. Những xe ôtô loại này chưa chắc gì sẽ thân thiện với môi trường hơn xe thuần túy động cơ nhiệt chạy bằng sản phẩm dầu hiện đại. Cho tới nay người ta sản xuất khí hydrô bằng phương pháp cải hóa khí methan bằng hơi nước (steam reforming of natural gas). Phương pháp này sinh ra nhiều khí di oxyd cacbon, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Hơi nước cũng là một khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Nếu tất cả những xe ôtô một thành phố chạy bằng pin hydrô thì một lượng hơi nước lớn sẽ sinh ra một cách tập trung ở gần mặt đất và ở nơi đông dân cư. Chưa ai biết hơi nước này sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống và sức khỏe dân chúng ra sao.


Trữ lượng

 
Nếu bỏ qua những nguồn dầu không cổ điển (non conventional oil) chưa có công nghệ khai thác đại trà và khí clathrate chưa ai giám khai thác4 thì ở ngoài thiên nhiên có bốn nguồn năng lượng cơ bản không tái tạo. Đó là dầu thô, khí tự nhiên, than đá và uranium. Ba dạng năng lượng dầu thô, khí tự nhiên, than đá cũng được gọi là năng lượng hóa thạch.

Trữ lượng những dạng năng lượng đó có giới hạn nên không bảo đảm kinh tế sẽ phát triển một cách bền vững.

Bảng 2 cho thấy những năm còn lại trước khi mỗi nguồn năng lượng không tái tạo sẽ cạn hết nếu tiếp tục nhịp độ khai thác hiện nay. Chúng tôi không đi vào luận chiến có tính cách hàn lâm về thời điểm khai thác một nguồn năng lượng sẽ đạt cao đỉnh và bắt đầu giảm xuống cho tới khi không còn nữa. Thời điểm đó tùy ở độ chính xác của những thông tin về trữ lượng các loại năng lượng và tùy ở nhịp khai thác mỗi loại năng lượng cơ bản trong tương lai.

Bảng 2 – Trữ lượng những năng lượng không tái tạo (WEC, 2005)

Năng lượng

Dầu thô
(
Mt)

Khí
tự
nhiên
(
Gm3)

Than đá
(
Mt)

Uranium
(
Kt)

Thế giới

Trữ lượng

159 644

176 462

847 488

3 297(*)

Khai thác

3 898

2 834

5 901

42

Số năm khai thác còn lại

41

62

144

79

Việt Nam

Trữ lượng

413

365

150

5(*)

Khai thác

19

4

35

?

Số năm khai thác còn lại

22

91

4

?

(*) Với giá thị trường 130 USD/kg


Trữ lượng ghi trên bảng 2 là những trữ lượng đã được chứng minh và đã được công bố, nghĩa là không kể đến những trữ lượng tiềm tàng chưa được phát hiện và những trữ lượng mà các công ty mỏ và các quốc gia thường giấu không công bố. Những đối tác này thường công bố những số liệu về trữ lượng của họ một cách không trung thực để có thế mạnh khi thương lượng những hợp đồng cung ứng năng lượng. Những thông tin về trữ lượng uranium thường sai hơn là thông tin về trữ lượng những năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, uranium được khai thác để đầu cơ nhiều hơn là để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Do đó, những số liệu về trữ lượng thực ra không chính xác. Tỷ dụ, tờ Oil & Gas Journal ước lượng trữ lượng dầu thô của Bắc Mỹ là 213 tỷ thùng còn theo tờ World Oil thì trữ lượng đó chỉ bằng 46 tỷ thùng. Hai ước lượng của khác nhau tới 153 phần trăm (bảng 3).


Bảng 3 – Ước lượng về trữ lượng dầu thô và khí tự nhiên
của hai tờ báo chuyên môn (EIA)

Vùng và lãnh thổ

Dầu thô

Tỷ thùng

Khí tự nhiên

Nghìn tỷ
feet khối

A

B

Sai biệt (%)

A

B

Sai biệt (%)

Bắc Mỹ

213,43

46,14

153

276,95

278,04

0

Trung và Nam Mỹ

103,36

76,5

30

250,84

246,87

2

Châu Âu

16,38

15,98

2

200,75

182,76

9

Châu Âu Á (Eurasia)

77,83

123,22

46

1 952,6

2 040,74

4

Trung Đông

743,41

711,64

4

2 565,4

2 531,56

1

Châu Phi

102,58

109,76

7

485,84

490,88

1

Châu Á & Châu Đại Dương

35,94

36,38

1

391,65

455,7

15

Tổng cộng thế giới

1 292,94

1 119,62

14

6 124,02

6 226,56

2

Việt Nam

0,6

1,35

81

6,8

8,2

19

A = Ước lượng của Oil & Gas Journal

B = Ước lượng của World Oil


Những số năm còn lại để khai thác hết một năng lượng không tái tạo còn tùy ở những biến chuyển kinh tế và công nghệ.

  1. Nhịp độ khai thác trên bảng 2 và, suy ra, số năm khai thác còn lại, là những số liệu nhận thấy vào cuối năm 2005, nghĩa là chưa kể đến ảnh hưởng của những chính sách năng lượng quốc tế và những biến đổi công nghệ năng lượng trong tương lai. Tỷ dụ thời hạn 79 năm trước khi không còn uranium nữa dựa trên giả thuyết trong tám chục năm sắp tới nhân loại không chuyển những áp dụng chạy bằng những năng lượng hóa thạch sang những áp dụng chạy bằng điện và ngành điện hạt nhân vẫn tiếp tục dùng uranium với công nghệ PWR (Ressurized Water Reactor, Lò Phản ứng Nước Nén).

  2. Trữ lượng của mọi khoáng vật tùy ở giá thị trường thế giới. Trữ lượng trên bảng 2 là trữ lượng tính theo giá dầu năm 2005. Bây giời giá dầu thô lên đến hơn 120 USD một thùng. Với lợi nhuận cao hơn, những hãng mỏ quốc tế có thể tìm kiếm và khai thác thêm những mỏ nhỏ hơn, có hàm lượng khoáng sản thấp hơn, nằm sâu hơn dưới mặt đất, ở xa bờ biển hơn và khai thác tốn kém hơn. Tỷ dụ, người ta đã biết trước rằng dưới đáy biển Bắc Hải, giữa Tô Cách Lan và Na Uy, có dầu. Nhưng phải chờ đến khi giá dầu tăng mạnh vào những năm 1970 để những hãng dầu đầu tư vào những dàn khoan dầu ở giữa biển và biến vùng biển Bắc Hải này thành một "Trung Đông thứ hai". Trữ lượng uranium trên thế giới là 3 297 nghìn tấn nếu một kilô uranium trị giá 130 USD nhưng sẽ chỉ là 1 947 nghìn tấn nếu một kilô uranium trị giá dưới 40 USD.

  3. Nhịp tiêu thụ cũng tùy ở giá năng lượng trên thị trường quốc tế. Khi giá năng lượng tăng thì nhịp tiêu thụ năng lượng giảm. Những đối tác tiêu thụ năng lượng sẽ tìm cách tiết kiệm bằng những phương pháp tăng hiệu suất, chuyển sang một loại năng lượng khác rẻ hơn hay chuyển sang một công nghệ tiêu thụ ít năng lượng hơn. Năng lượng tiết kiệm đó sẽ trở lại thị trường làm giảm nhịp khai thác năng lượng.

  4. Những lò phản ứng hạt nhân hiện đại chỉ tiêu thụ đồng vị uranium U 235, nghĩa là 0,7 phần trăm những hạt nhân uranium tự nhiên. Với những công trình nghiên cứu phát triển đang được tiến hành, trong hai chục ba chục năm nữa thì có thể tận dụng được tất cả những hạt nhân uranium tự nhiên và khai thác thêm tiềm năng của những hạt nhân thorium. Lúc đó nhân loại có thể lùi tới hơn một chục thế kỷ thời điểm những năng lượng không tái tạo sẽ cạn hết.

  5. Trước mắt, sau những hiệp ước giảm vũ khí hạt nhân và sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, một lượng vũ khí hạt nhân phải được phá hủy. Những vũ khí đó chứa uranium đã được làm giầu và plutonium có thể dùng làm nhiên liệu cho những nhà máy điện hạt nhân. Theo những giới chuyên môn thì năng lượng chứa trong uranium và plutonium trong các vũ khí tích lũy trên thế giới tương đương với lượng điện hạt nhân đã được sản xuất từ đầu kỷ nguyên hạt nhân5.

Nhưng vấn đề không phải là khi nào những năng lượng không tái tạo sẽ cạn. Vấn đề là làm gì để hoãn lại ngày những năng lượng đó sẽ cạn và làm gì để thay thế chúng khi chúng thực sự sẽ cạn. Dù không chính xác, những số liệu trên bảng 2 vẫn có thể nhắc chúng ta rằng những số năm còn lại để khai thác hết một nguồn năng lượng cơ bản có thể tính bằng chục năm chứ không lâu hơn.


Ô nhiễm và an toàn

 
Khi đốt những nhiên liệu hóa thạch thì sinh ra tro xỉ, khí di oxyd cacbon, khí di oxyd sulfur và khí mono oxyd nitro. Ba khí đó gây ra hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt độ khí quản và gây ra biến đổi thời tiết mà chúng ta bắt đầu nhận thấy. Như mọi khoáng sản, dầu thô, khí đốt và than đá có chứa nhiều khoáng sản khác, trong đó có lưu huỳnh. Ở nhiệt độ cao, lưu huỳnh phản ứng với khí oxy của khí quản để trở thành di oxyd sulfur. Cũng ở nhiệt độ cao, nitro và oxy cuả khí quản hỗn hợp với nhau để trở thành mono oxyd nitro. Một khi phun ra khỏi ống khói của nhà máy hay của động cơ, mono oxyd sulfur và di oxyd nitro tham gia vào hiệu ứng nhà kính, phản ứng với hơi nước của khí quyển và trở thành acid sulfuric và acid nitric, gây ra mưa acid làm ô nhiễm những nguồn nước, làm hại đến bộ hô hấp của sinh vật và làm tổn cháy thảo vật.

Trong ba nguồn năng lượng đó, than đá là gây ô nhiễm nhiều nhất vì khi sàng thì không thể loại triệt để những đá bần và khi đốt thì không thể đốt triệt để than đã được đẩy vào trong lò đốt. Do đó những cơ sở tiêu thụ than thải ra nhiều bụi, tro và những khí có hiệu ứng nhà kính, đặc biệt khí di oxyd cacbon. Một nhà máy điện than 1.000 MWe mỗi năm thải ra 7 triệu tấn di oxyd cacbon, 200.000 tấn di oxyd sulfur và 200.000 tấn tro xỉ. Nhờ những chương trình nghiên cứu phát triển đang được tiến hành, chương trình công nghệ than sạch (CCT, Clean Coal Technology), các chuyên gia hy vọng sẽ mau chóng cải thiện tình trạng tồi tệ này6.

Dầu thô được lọc thành những nhiên liệu kerozen, dầu xăng, dầu diezen và những dầu đốt khác trước khi đưa vào sử dụng. Vì là một chất lỏng đã được lọc trước nên những sản phẩm dầu cháy kỹ hơn than trong những lò đốt. Tuy nhiên, 60 phần trăm dầu dùng cho giao thông vận tải và một nửa lượng sản phẩm dầu dùng cho giao thông vận tải được đốt trong những máy nổ các phương tiện giao thông cá nhân tập trung ở thành thị. So với những máy nổ dùng trong công nghiệp, những máy nổ của các phương tiện giao thông vận tải có hiệu suất năng lượng rất kém. Vì lẽ đó, ô nhiễm ở những thành thị chủ yếu bắt nguồn từ những sản phẩm dầu đốt trong những phương tiện giao thông vận tải.

Khí tự nhiên được làm lỏng để có thể dược chở đến nơi tiêu thụ. Khi qua khâu làm lỏng những chất bần tách ra khỏi khí methan và khí trở thành một khí tinh khiết khi ở dạng năng lượng khả dụng7. Tỷ dụ, nhờ khí tự nhiên Lacq (miền Tây Nam nước Pháp) có nhiều lưu huỳnh, Pháp là nước sản xuất nhiều lưu huỳnh nhất thế giới trong tất cả những năm mỏ Lacq được khai thác. Vì đưa vào sử dụng ở dạng tinh khiết, khí tự nhiên là nguồn năng lượng hóa thạch cháy hữu hiệu nhất, ô nhiễm ít nhất và hiện được ưa chuộng nhất trong mọi áp dụng.

Ngoài việc tài nguyên sẽ cạn, những chuyên gia lo ngại tiếp tục nếu đốt năng lượng hóa thạch thì sinh ra khí có hiệu ứng nhà kính với hậu quả là biến đổi khí hậu. Để đối phó với sự tăng sinh những khí có hiệu ứng nhà kính người ta nghĩ đến chuyện nhồi khí di oxyd cacbon xuống dưới đáy biển hay vào những khoảng trống để lại trong lòng đất sau khi đã khai thác dầu thô và khí tự nhiên. Những nghiên cứu thử nghiệm đang được tiến hành ở vài nơi. Việc này chỉ khả thi nếu nơi đốt năng lượng hóa thạch ở gần nơi có thể nhồi khí di oxyd cacbon. Điểm này hạn chế tính khả thi của phương pháp này.

Dùng uranium làm nguồn năng lượng hạt nhân thì ô nhiễm môi trường một cách khác. Ở mỏ uranium, xử lý bần quặng đặt ra những vấn đề tương tự như xử lý bần quặng của những mỏ kim loại khác : trung hòa những chất hóa học dùng để tách quặng uranium ra khỏi bần quặng và chôn vùi bần quặng ở một địa điểm thuận tiện. Một nhà máy hạt nhân không thải ra khí có hiệu ứng nhà kính. Nhưng sử dụng nhiên liệu uranium thì thải ra những phế liệu phóng xạ. Khối lượng những phế liệu đó rất nhỏ so với khối lượng phế liệu do việc sử dụng những năng lượng hóa thạch.

Một nhà máy điện hạt nhân Pháp công suất 1 000 MWe mỗi năm tiêu thụ 27 000 kg nhiên liệu gồm bởi uranium đã được làm giầu và sinh ra 26 860 kg nhiên liệu đã chịu phóng xạ. Người ta gọi là nhiên liệu đã chịu phóng xạ vì đó không phải hoàn toàn là phế liệu. Trong khối nhiên liệu đã chịu phóng xạ đó thì 25 920 kg gồm bởi những đồng vị uranium và plutonium và được gọi là nhiên liệu đã qua sử dụng, trên lý thuyết, có thể dùng lại làm nhiên liệu cho những lò phản ứng hạt nhân khác. Chỉ có phần còn lại mới gọi là phế liệu. Phế liệu này gồm bởi 918 kg sản phẩm phân hạch và 22 kg actinid. Chỉ có 22 kg actinid là đặt vấn đề vì có hoạt tính cao và trong thời gian lâu. Từ khởi đầu kỷ nguyên hạt nhân cho tới nay, tích lũy khối lượng những actinid đó rất nhỏ nên có thể tạm tồn trữ chúng một cách an toàn để chờ ngày kiếm được phương pháp thanh toán chúng8.

Vì năng lượng hạt nhân đã được dùng lần đầu tiên với mục đích quân sự và vì những tia phóng xạ không thể phát hiện được nếu không có máy rò nên đại đa số thường dân sợ ảnh hưởng của năng lượng hạt nhân. Cho tới những năm gần đây, sau những tai nạn Three Mile Island và Tchernobyl và dưới sự áp lực của dư luận, không có một nhà máy điện hạt nhân nào được xây thêm nữa ở những nước Tây Âu. Điều này không ảnh hưởng mấy đến phát triển kinh tế thế giới nhờ giá những năng lượng hóa thạch đã xuống rất thấp. Nhưng gần đây, đặc biệt ở các nước Á Châu, có xu hướng muốn khai triển lại nguồn năng lượng hạt nhân vì người ta nhận thấy rằng :

  • giá những năng lượng hóa thạch tăng lên tột đỉnh,

  • dùng những năng lượng hóa thạch gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí quản làm biến đổi khí hậu,

  • tai nạn Three Mile Island đã được kiềm chế dễ như là kiềm chế một tai nạn công nghiệp thường khác, không có tử vong, không có thương vong và không có hậu quả lâu dài gì về an toàn của dân chúng địa phương,

  • tai nạn Tchernobyl rút cục chỉ là hậu quả những người thiết kế và điều hành nhà máy cũng như lãnh đạo Nhà Nước Liên Xô vô trách nhiệm chứ không phải là do bản tính rủi ro của năng lượng hạt nhân.


Những vấn đề kỹ thuật, kinh tế và chính trị


Thiết kế một hệ thống năng lượng không phải chỉ là một vấn đề kỹ thuật mà bao gồm cả những vấn đề tài chính và địa dư chính trị.

Đặc điểm của những năng lượng cơ bản là những phương tiện chuyển chở, thuyên chuyển, xử lý và lưu trữ đều là là những phường tiện chuyên môn, nghĩa là không thể dùng được vào việc khác. Một nhà máy lọc dầu chỉ có thể lọc dầu thô chứ không thể lọc được dầu khác. Một nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một cách tối ưu một loại dầu thô có một số đặc điểm vật lý và hóa học nhất định. Nhà máy có thể lọc một loại dầu khác nhưng sẽ có hiệu suất kém hơn. Một ống dẫn khí chỉ có thể tải khí đốt chứ không có thể dùng để tải dầu được và một bể chứa dầu không thể chứa khí được. Một tầu chở than chỉ có thể mang than đến một cảng nhưng khi rời cảng đó thì không thể mang theo hàng gì khác. Một nhà máy đã được thiết kế để chạy bằng than không thể chuyển sang khí đốt được nếu thấy giá năng lượng này giảm.

Hệ thống hậu cần của những năng lượng hóa thạch rất nặng. Vì khối lượng, trọng lượng và giá trị thương mại riêng kém, dầu thô, khí đốt và than đá cần đến những phương tiện vận chuyển lớn : những tầu thủy có sức chở lớn cả chục nghìn tấn cặp những bến cảng chuyên môn vĩ đại, những đoàn tầu hỏa dài tới gần một trăm toa, những kho hay bãi chứa xây trên những diện tích cả trăm hecta. Dầu và khí có thể được chuyển bằng những ống dầu hay ống khí. Những ống này cố định, nghĩa là một khi đã xây rồi thì không thể dễ dàng di chuyển đi nơi khác nếu tình hình kinh tế hay chính trị biến đổi.

Uranium và những nhiên liệu hạt nhân có hàm lượng năng lượng rất cao. Ngoại trừ vấn đề an ninh, những vấn đề kỹ thuật của hệ thống hậu cần không mấy phức tạp. Những nhà máy chế biến nhiên liệu uranium và những nhà máy điện hạt nhân có thể xây trên một địa bàn có diện tích nhỏ. Một toa tầu hỏa duy nhất hay một chiến hạm cỡ nhỏ đủ để chở những thanh nhiên liệu hay những thùng phế liệu hạt nhân. Hiện nay năng lượng hạt nhân chỉ có công nghệ PWR. Trong vài thập niên nữa sẽ có thêm những công nghệ khác dẫn tới những cơ sở sản xuất điện không tương hợp với nhau. Những thiết bị hậu cần năng lượng hạt nhân rất phức tạp nên rất đắt. Ngoài việc khấu hao hệ thống hậu cần, chủ đầu tư lại còn phải khấu hao những chi phí nghiên cứu phát triển tốn kém.

Một dự án năng lượng có đời sống kỹ thuật (technical life cycle) có thể lâu đến nửa thế kỷ hay hơn nữa. Một mỏ than lớn có thể được khai thác trong hai thế kỷ. Có vài mỏ dầu ở Trung Đông đã được khai thác liên tục từ sau Thế chiến II cho tới nay. Những nhà máy biến chế năng lượng có đời sống kỹ thuật tối thiểu là ba chục năm. Những nhà máy điện hạt nhân dự tính sẽ chạy trong bốn chục năm. Nhưng vì thấy vẫn còn bền, chúng sẽ được sử dụng thêm hai chục năm nữa, tổng cộng sáu chục năm.

Như thấy ở trên, những cơ sở hậu cần cho năng lượng lớn và không tương hợp với nhau nên cần đến nhiều vốn. Mặc dù gần đây giá năng lượng lên thang mau, năng lượng rút cục vẫn là một sản phẩm rẻ tiền. Một dự án năng lượng cần đến rất nhiều vốn để sản xuất một thương phẩm sinh ra một lề thao tác (operational margin) nhỏ nên phải chờ lâu mới hoàn được vốn. Trong ngành năng lượng, thời gian hoàn vốn (payback time) này lâu tới hơn hai chục năm.

Vì thời gian hoàn vốn và đời sống kỹ thuật lâu, khi thiết kế một hệ thống hậu cần cho ngành năng lượng thì phải tính tỷ số lợi nhuận dựa trên những dự báo kinh tế kỹ thuật cho đến ba bốn chục năm hay hơn nữa. Những dự báo lâu năm như vậy thường không chính xác. Dự báo làm sao cho thực tế nhất là nhân tố quan trọng cho sự thành công hay thất bại của một dự án năng lượng. Cả về khả năng dự báo kinh tế kỹ thuật và khả năng huy động vốn, chủ đầu tư dự án thường là một quốc gia, với điều kiện quốc gia đó là một cường quốc công nghiệp, hay một tập đoàn năng lượng tầm vóc quốc tế. Những tiểu quốc có tài nguyên năng lượng chỉ có thể bán tài nguyên của mình cho một cường quốc công nghiệp hay cho một tập đoàn siêu quốc gia.

Như mọi nguồn khoáng sản, nưng lượng cơ bản đặt ra vấn đề địa dư chính trị : có nước có tài nguyên, có nước có nhu cầu, có nước có cả hai và có nước thiếu cả hai. Trên thế giới có ít quốc gia có tài nguyên về một năng lượng cơ bản đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa của họ. Tình trạng này đặt ra vấn đề chuyển vận những năng lượng cơ bản từ nơi này đến nơi nọ. Vì năng lượng là một sản phẩm thiết yếu, sự an toàn của những tuyến vận chuyển đó phải được bảo đảm. Vì một dự án năng lượng là một dự án rất dài hạn, những nguồn cung ứng và những tuyến vận chuyển phải được bảo đảm lâu dài. Để bảo đảm những việc đó, các nước có tài nguyên, các nước có nhu cầu và các tập đoàn siêu quốc gia thương lượng với nhau trên những hợp đồng dài hạn. Nếu thương lượng không ngã ngũ, các cường quốc có thể mang quân đội xâm chiếm vũ lực một tiểu quốc bằng hay dựng lên ở tiểu quốc đó một một chính quyền bù nhìn thừa lệnh họ.

Năng lượng hạt nhân đặt thêm vấn đề tăng sinh vũ khí hạt nhân và khả năng những tiểu quốc tiếp cận công nghệ hạt nhân.

Theo hiệp ước TNP (Nuclear Non Proliferation Treaty, Hiệp ước Chống Tăng sinh Vũ khí Hạt Nhân) năm 1968 quy định chỉ có năm cường quốc thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có quyền khai triển và giữ vũ khí hạt nhân9. Những nước khác đã ký hiệp ước TNP chỉ có thể khai triển năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình và sẽ được cơ quan IAEA (International Atomic Energy Agency, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) trợ giúp nếu có yêu cầu. Hầu hết tất cả các thành viên Liên hiệp quốc đã ký hiệp ước TNP. Một số nước, như Hàn Quốc, đã thi hành nghiêm chỉnh những quy định của hiệp ước nên đã hưởng sự giúp đỡ đó và đã trở thành cường quốc về năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình.

Nhưng

  • còn một vài nước không ký hiệp ước (khoảng bốn chục nước),

  • hai nước đã ký hiệp ước rồi tuyên bố rút lui (Kampuchea và Triều Tiên),

  • có vài nước đã ký hiệp ước nhưng bị cáo buộc là lén lút khai triển vũ khí hạt nhân, có khi với sự trợ giúp không chính tức của một số cường quốc thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hay của những nước không ký hiệp ước hay đã ký nhưng đã rút lui,

  • một số nước có đủ kiến thức công nghệ và đủ thiết bị công nghiệp để có thể mau chóng sản xuất vũ khí hạt nhân khi cần đến.

Phản ứng của cộng đồng thế giới tùy ở thái độ của Hoa Kỳ đối với những nước đó. Nam phi và Libya chịu áp lực không nổi đã phải ký hiệp ước. Israel, Pakistan và Ấn độ đã khai triển thành công vũ khí hạt nhân thì được coi như là việc đã rồi. Những tiểu quốc như Triều Tiên và Iran thì bị cấm vận kể cả về những sản phẩm và dịch vụ không dính líu gì đến năng lượng hạt nhân.

Kỳ II : "Những năng lượng tái tạo"


Đặng Đình Cung




1 IEA (International Energy Agency, Cơ quan Năng lượng Quốc tế) là một bộ phận của OECD (Organization for Economic Cooperation and Development, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Bộ phận này làm tư vấn cho 27 thành viên của OECD trong việc bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng đáng tin cậy, phải chăng và sạch. Địa chỉ Internet : http://www.iea.org/Textbase/stats/index.asp/.

EIA (Energy Information Administration, Sở Thông tin Năng lượng) là một bộ phận của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Địa chỉ Internet : http://www.eia.doe.gov/iea/.

UNEP (United Nations Environment Program, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc) là một bộ phận của Liên hiệp quốc. Địa chỉ Internet : http://www.unep.org/.

WEC (World Energy Council, Hội đồng Năng lượng Thế giới) là một tổ chức bao gồm gần một trăm quốc gia với mục đích xúc tiến việc cung ứng và sử dụng bền vững tất cả các loại năng lượng để mang lại nhiều lợi ích nhất cho mọi người. Địa chỉ Internet : www.worldenergy.org/.

2 ADEME (Agence de l'Environnement et de la Maîtrise de l'Energie, Cơ quan môi trường và Tự chủ Năng lượng) là một bộ phận của chính phủ Pháp. Địa chỉ Internet : www2.ademe.fr.

IFP (Institut Français du Petrole, Viện Năng lượng Dầu Pháp) là một trường kỹ sư và một trung tâm nghiên cứu Pháp.

3 Báo cáo này đăng ở địa chỉ Internet
http://www.worldenergy.org/documents/ser2007_final_online_version_1.pdf.

4 Người ta gọi dầu không cổ điển dầu chứa trong cát hay đá phiến ở một số nơi như là Canada, Úc,… Để chiết dầu từ những cát và đá phiến đó thì tốn kém về năng lượng và vi phạm rất nhiều đến môi trường. Giá năng lượng trên thị trường quốc tế bây giờ khá cao nhưng chưa đủ cao để những mỏ đó được đưa vào khai thác đại trà. Trong điều kiện đó mọi ước lượng chỉ là tư biện.

Gần đây, nhân đi tìm kiếm mỏ hydrô cacbua tiềm tàng ở những vùng đất đóng băng thường xuyên (permafrost) và dưới chân các thềm lục địa, người ta khám phá những cấu trúc tinh thể phân tử nước chứa những phân tử methan và gọi những tinh thể đó là clathrate. Tổng lượng khí methan chứa trong những clathrate đó có vẻ có trữ lượng năng lượng tương đương với trữ lượng năng lượng trữ lượng đã chững minh được của than, dầu và khí đốt cộng lại. Tuy nhiên đây là một khám phá rất mới nên chưa ai biết nếu khai thác những cấu trúc clathrate thì sẽ gây tai họa gì đến môi trường.

5 Đề nghị độc giả tham khảo báo cáo "The Future of Nuclear Energy" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.energyandenvironment.undp.org/undp/indexAction.cfm?
module=Library&action=GetFile&DocumentAttachmentID=1012
.

6 Đề nghị độc giả tham khảo báo cáo "The Future of Coal" đăng ở địa chỉ Internet
http://web.mit.edu/coal/

và bài "Clean Coal Technologies" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.world nuclear.org/info/inf83.html.

7 Vì khí methan không có mùi, người ta trộn thêm một phân tử có mùi để dễ phát hiện khi có khí thoát ra ngoài khí quyển với rủi ro gây nổ.

8 Để nghị độc giả tham khảo thêm về vấn đề này trong bài “Những phế liệu hạt nhân” đăng ở địa chỉ Internet
http://vietsciences.org/timhieu/khoahoc/vatly/nhungphelieuhantnhan.htm.

9 Để nghị độc giả tham khảo nguyên văn hiệp ước này ở địa chỉ Internet
http://www.iaea.org/Publications/Documents/Infcircs/Others/infcirc140.pdf.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us