Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Tai nạn phóng xạ Goiânia

Tai nạn phóng xạ Goiânia

- Đặng Đình Cung — published 12/09/2008 23:08, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Nhà nước ta đang "khẩn trương" thúc đẩy dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, bất chấp tình trạng lạc hậu của các cơ chế kinh tế - xã hội, cũng như trình độ khoa học kỹ thuật bất cập của giới chuyên gia nói riêng, và của xã hội nói chung. Trong điều kiện đó, tưởng cũng rất nên cùng tác giả ôn lại một tai nạn phóng xạ ít được biết đến, xảy ra ở Brazil hơn 20 năm trước...

Tai nạn phóng xạ Goiânia

ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn



Một năm sau tai nạn Tchernoby, lại xảy ra một tai nạn khủng khiếp tương tự nhưng ít ai nói tới. Đó là tai nạn phóng xạ Goiâna, bên Brazil.

Trong bài này chúng tôi xin trình bày diễn biến của tai nạn và những bài học có thể rút ra từ tai nạn này. Chúng tôi dựa trên điểm báo của tổ chức Info Nucleaire1, báo cáo của IAEA (International Atomic Energy Agency, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế)2 và những gì các đồng nghiệp đã kể cho tôi hồi đó.

Diễn biến

Khi viện y khoa phóng xạ Goiânia đóng cửa năm 1985 thì những viên chức bỏ lại tại chỗ một thiết bị chữa bệnh vẫn còn chứa cesium Ce-137. Sau đó có nhiều người vô gia cư đến tạm trú ở cơ sở bỏ hoang. Ngày 13 tháng chín 1987, hai thiếu niên gỡ đầu của thiết bị đó và ăn cắp mang đi.

Về đến nhà, hai em tìm cách đập phá đầu thiết bị, nhưng chỉ có thể mở được nắp thiết bị và moi ra một vật tỏa ánh sáng màu xanh rất đẹp. Nghĩ rằng đây là một vật lạ có giá trị hai em đem bán cho một người lái buôn đồ đồng nát với giá bán tương đương 30 đô la Mỹ. Người lái buôn này tính gọt vật tỏa ánh sáng màu xanh thành mỹ trang để tặng vợ. Cả ba người đều không biết vật tỏa ánh sáng màu xanh đó là chất phóng xạ cesium Ce-137 và màu xanh là biểu hiện của hiệu ứng Tcherenkov.

Giao dịch này khởi đầu cho một chuỗi nhiễm dịch. Ngoài ba người kể trên, những công nhân xử lý đồ đồng nát bị nhiễm khi đập vỡ thiết bị. Sau đó là vợ và em vợ người lái buôn bị nhiễm độc. Người này đã đánh rơi một chút bụi cesium phóng xạ xuống sàn nhà. Em bé, sáu tuổi, ngồi ở sàn nhà thấy bụi phóng xạ có màu xanh đẹp mang lên miệng nếm và mang một mớ đi khoe mẹ và làm bà mẹ cũng bị nhiễm. Sau đó có hàng xóm và mẹ vợ người lái buôn đến thăm nhà. Họ cũng bị nhiễm. Sau khi chia tay họ vô tình phân tán cesium sang những nhà lân cận. Rất mau, người này nhiễm người kia, cả thành phố Goiânia, con người, cây cỏ cũng như súc vật, bị nhiễm độc. Ngày 25 tháng chín, người lái buôn kia bán lại vật lạ cho một người khác.

Lúc đầu ai cũng hăm hở muốn xem cái vật kỳ diệu tỏa màu xanh này mà không biết đó là một chất độc. Sau vài hôm, vợ người lái buôn nhận thấy những người thân cận của mình đều phát hiện cùng những triệu chứng bệnh đầy ruột : ăn không ngon miệng, nôn mửa và tiêu chảy. Nhà thương tưởng rằng gia đình này bị ngộ độc bởi nước giải khát bà chủ nhà đãi. Nhưng sau khi phân tích, nước giải khát được giải oan. Khi hỏi chuyện, các bác sĩ tình cờ biết được trong nhà người lái buôn đồ đồng nát có một vật lạ khả nghi nên xin bà chủ nhà cho xem. Theo lời yêu cầu của các bác sĩ, ngày 28 tháng chín, vợ người lái buôn lấy xe buýt mang những phần còn lại của nguồn phóng xạ đến bệnh viện. Trong chuyến đi xe buýt này lại có thêm một số người bị nhiễm trong đó có ít nhất năm người bị nhiễm nặng. Khi thấy hiện vật, các bác sĩ hiểu ngay nguyên nhân của căn bệnh : đúng là nhiễm xạ rồi. Ngày 29, một bác sĩ dùng một xạ kế mượn ở Nuclebra (cơ quan nguyên tử năng quốc gia Brazil) để xác định sự có mặt cuả chất phóng xạ. Ngay tối hôm đó báo động được phổ biến giữa công chúng. Chính phủ liên bang Brazil và IAEA can thiệp.

Sau khi nhận được hung tín, chính quyền địa phương thiết lập một trung tâm kiểm nghiệm ở vận động trường Goiânia. Dân chúng nhôn nháo xếp hàng để xin được kiểm nghiệm với nguy cơ người thực sự bị nhiễm truyền nhiễm cho người lành.

Mười vạn người đã được kiểm nghiệm. Một nghìn người bị nhiễm một lượng tương đương với một năm hấp thụ phóng xạ tự nhiên. Khoảng 97 phần trăm những người này đã hấp thụ từ 10 đến 200 mSv và có 1/2.000 đến 1/100 số người này có nguy cơ bị ung thư vì phóng xạ. 244 người đã bị nhiễm một lượng đáng kể. Trong số đó 129 người nội thân bị nhiễm. Đa số những người bị nhiễm nội thân này đã hấp thụ một liều lên tới 50 mSv. Tất cả nạn nhân đều được chính phủ liên bang Brazil bồi thường và chạy chữa miễn phí3.

Hai mươi lăm quân nhân một trường võ bị được điều tới để chỉ huy những việc khử nhiễm môi trường. Một phi cơ có gắn xạ kế bay lượn trên bầu trời Gioâna và phát hiện tám nơi trong thành phố bị nhiễm xạ. Người ta điều khiển từ xa một rô bốt ủi đất phá hủy nhà của người lái buôn, đốn cây và cạo đất ở những nơi bị ô nhiễm. Những mảnh vụn của căn nhà cùng với 15 tấn những vật liệu bị nhiễm xạ khác được đổ vào những thùng phuy và chở đi một nơi hẻo lánh cách Goiâna 30 cây số. Người ta đóng bốn quan tài mỗi chiếc nặng 600 ki lô để khâm liệm bốn nạn nhân đã chết.

Trên phương diện hình sự, bảy người bị truy tố, trong đó có năm người bị truy tố về tội vô trách nhiệm dẫn đến tử vong. Năm người đó là cựu giám đốc bệnh viện y khoa phóng xạ Goiânia, ba bác sĩ của bệnh viện và chuyên gia đã lắp đặt thiết bị phóng xạ cho bệnh viện.

Nhận xét

Tai nạn Goiânia và tai nạn Tchernobyl khác nhau ở nhiều điểm.

Trước tiên Tchernobyl là một tai nạn hạt nhân : một lò hơi nổ vì khi thiết kế đã bỏ qua khả năng cacbon trong lò có thể cháy, tăng nhiệt độ và làm cho nước bốc hơi một cách bùng nổ. Số nạn nhân cao vì một lò phản ứng hạt nhân chứa nhiều chất phóng xạ và khi nổ thì tung những vật liệu đó ra một diện tích lớn. Tchernobyl chủ yếu là hậu quả phối hợp của sự vô trách nhiệm ở mọi cấp chỉ huy, từ lãnh đạo Nhà nước Liên xô đã ra lệnh cho thực hiện nhà máy mặc dù đã được cảnh báo lò phản ứng loại RMBK sẽ vận hành ở dạng không ổn định, đến những người điều khiển nhà máy đã tắt hệ thống bảo vệ an toàn để cố ý không tuân theo lệnh cấm tiến hành thử nghiệm họ muốn thực hiện. Tới khi nhận được tin báo động thì mỗi cấp đã bắt đầu kiếm cách che dấu sai phạm của mình bằng cách không báo ngay lên cấp trên tình trạng có tai nạn. Những người này có học nên không thể tránh được trách nhiệm.

Tai nạn Goiâna cũng có nguồn gốc từ sự vô ý thức của một số người có học. Nhưng hai thiếu niên khởi đầu tai nạn Goiâna là những bụi đời không có kiến thức khoa học nên không biết phân biệt một bộ phận chứa chất phóng xạ với một vật khác. Số nạn nhân cao vì người này tiếp cận người kia trao nhau một vật phóng xạ mà không biết nguy cơ của nó. Một tuần sau chính quyền mới phát hiện tai nạn nhờ có một thường dân hợp tác. Nhưng lúc đó đã có nhiều người bị nhiễm rồi. Đây là tai nạn đặc trưng của một nước chậm tiến dân không có kiến thức công nghiệp. Brazil là một nước có đến 30 phần trăm người thất học.

Nói rằng ở những nước công nghiệp một tai nạn như Goiâna sẽ không xảy ra thì quá đáng. Bệnh viện Epinal ở miền Đông nước Pháp đang bị tai tiếng vì một số bệnh nhân bị kích xạ ngoài lượng cố định4. Nhưng xác suất một tai nạn phóng xạ như vậy rất nhỏ và nếu tai nạn xảy ra thì sẽ có ít người hơn bị ảnh hưởng. Lý do là :

  • những chất phóng xạ đều được bịt kín trong những khối vừa nặng vừa cồng kềnh nên không ai có thể vô ý mang theo mình được5,

  • không có người nghèo thất học làm nghề đồng nát vì nghề này tập trung ở những tập đoàn công nghiệp lớn, họ có những thiết bị tối tân rà xét tự động mọi vật đã được đưa vào nhà máy của họ và họ có nhân viên đã được đào tạo quy củ về an toàn vệ sinh,

  • nếu thất lạc một nguồn phóng xạ thì hệ thống bảo vệ an toàn nhân dân đã báo động ngay và người dân có đủ kiến thức khoa học để báo động khi phát hiện một vật lạ có vẻ nguy hiểm.

Ở Việt Nam liệu có thể xảy ra một tai nạn tương tự như Goiâna không ?

Cuối năm ngoái, ở Vũng Tàu, có một nguồn phóng xạ bị lạc ở một công trường xây lắp dàn khoan. Rất may hậu quả chỉ là công trường phải ngưng hoạt động trong một vài giờ6. Nhưng, với tăng trưởng kinh tế, những áp dụng y tế và công nghiệp của phóng xạ mỗi ngày mỗi nhiều và xác suất một nguồn phóng xạ thoát khỏi vòng kiềm chế của các chuyên gia mỗi ngày mỗi cao. Cũng như Brazil, lãnh đạo và nhân dân ta chưa có văn hóa an toàn công nghiệp. Nghề moi bới rác, tìm kiếm phế liệu kim loại và buôn bán xử lý đồ đồng nát một cách thủ công vẫn thịnh hành. Rất có thể có một đơn vị nào đó đánh lạc hay bị đánh cắp một nguồn phóng xạ rồi có một người nào đó vô tình phân tán nguồn phóng xạ đó giữa công chúng và thiên nhiên. Brazil đất rộng người thưa thế mà tai nạn Goiâna đã khủng khiếp rồi. Ở nước ta, mật độ dân cư cao hơn nhiều, một tai nạn tương tự sẽ biến thành một tai họa quy mô quốc gia.

Dù chúng ta quyết định sản xuất điện hạt nhân hay không, thì trong quy trình phát triển công nghiệp chúng ta cũng vẫn phải nâng cao kiến thức công nghiệp của toàn dân để có nhân lực cho kinh tế và để bảo vệ an toàn dân chúng và môi trường. Bài này chỉ nêu lên một tình huống về an toàn phóng xạ. Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ mạn phép trình bày những hậu quả tiêu cực khác, bi thảm hơn, của phát triển kinh tế khi trình độ dân trí chưa tương ứng.

ĐẶNG Đình Cung

1 Điểm báo này đăng ở đây.

3 mSv là một đơn vị đo lượng phóng xạ bao gồm năng lượng phóng xạ đã hấp thụ và hiệu ứng của phóng xạ trên cơ thể. Hiệu ứng đó tùy bộ phận bị nhiễm xạ và tùy loại bức xạ. Khi xưa, người ta dùng đơn vị rem (Roentgen Equivalent Man, Tương đương Hiệu ứng Roentgen Trên Con Người) với tỷ suất 1 Sv bằng 100 rem. Để tiêu chuẩn hóa việc đo hiệu ứng phóng xạ trên con người, CIRP (International Commission on Radiological Protection, Ủy ban Quốc tế Bảo hộ Chống Phóng xạ) đã đặt ra một thang tỷ lệ hiệu ứng tương đương của phóng xạ với các bộ phận cơ thể con người. Những nấc thang hiệu ứng đó tính bằng đơn vị Sievert, viết tắt là Sv. Một mSv (milli Sivert) là một phần nghìn Sivert.
Theo thang đo đó, mọi người hấp thụ từ 2,5 đến 10 mSv mỗi năm do phóng xạ tự nhiên và nếu, vì một lý do nào đó, một người hấp thụ một lúc trên 100 mSv thì hậu quả y tế sẽ từ đáng kể cho đến rất nguy hiểm (ung thư máu, mất khả năng miễn dịch,...).

4 Độc giả có thể tham khảo chi tiết sự việc này trong bộ điểm báo của Info Nucleaire.

5 Quy định là tối thiểu một hình khối mỗi cạnh 10 cm và nặng bằng một khối thép có cùng kích thước đó.

6 "Rơi thỏi phóng xạ: phong tỏa, sơ tán hàng trăm công nhân" đăng ở đây.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us