Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Tri thức và thực tiễn trong nghiên cứu khoa học

Tri thức và thực tiễn trong nghiên cứu khoa học

- Trương Văn Tân — published 05/06/2009 15:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
...Ta hãy xuất phát từ cái cơ bản nhất là: nên quên đi đường lối giáo dục tạo những con gà nòi Olympic, chỉ tập trung vào một thiểu số ưu tú có một vài kỹ năng đặc biệt mang cho ta một tự hào nhất thời, mà nên khám phá tiềm năng của số đông để sản sinh ra những đàn đại bàng biết bay xa, tung hoành ngang dọc...


Tri thức và thực tiễn
trong nghiên cứu khoa học



Trương Văn Tân


"Sự quan tâm về con người
và số phận của con người
lúc nào cũng phải là một mục tiêu
trong tất cả mọi nỗ lực của khoa học kỹ thuật."

Albert Einstein



Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng


Trong nghiên cứu khoa học thường có hai khuynh hướng, "nghiên cứu cơ bản" và "nghiên cứu ứng dụng". Từ lâu đây là một đề tài thường xuyên tranh cãi trong cộng đồng nghiên cứu khoa học và cũng là một đối tượng được phân tích, khảo sát kỹ lưỡng bởi các nhà lập pháp và các cơ quan chính phủ để đưa ra một chính sách hợp lý trong việc phát triển khoa học công nghệ và cung cấp kinh phí nghiên cứu.

Định nghĩa giữa hai trường phái này thì rất mông lung, đường ranh cũng không rõ ràng. Hiểu theo cách của tôi thì "nghiên cứu cơ bản" mang tính cách hiếu kỳ hàn lâm không hướng đến một ứng dụng thực tiễn nào, trong khi "nghiên cứu ứng dụng" ngay từ đầu đã có một mục đích cụ thể. "Nghiên cứu cơ bản" có thể là một nghiên cứu về đề tài thuần lý, mặc dù thành quả của nó có thể là những ứng dụng có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp vào sinh hoạt con người vài chục năm sau hoặc vài trăm năm sau. Thuyết lượng tử là một thí dụ. Là một lý thuyết thành hình và phát triển ở đầu thế kỷ 20, một sân chơi của các nhà toán học và vật lý lý thuyết, diễn tả những đặc tính thế giới vi mô cuả vật chất cực nhỏ như nguyên tử, phân tử, cơ học lượng tử cơ hồ như không dính líu vào cuộc sống đời thường. Nhưng bây giờ nó đã trở thành một cột trụ trong việc phát triển những linh kiện, dụng cụ và hệ thống điện tử, quang điện tử, thậm chí trong một tương lai rất gần, vi tính lượng tử, không thể thiếu trong cuộc sống của một xã hội văn minh.

Lịch sử khoa học đã cho thấy một số thành quả của nghiên cứu cơ bản không sớm thì muộn sẽ có một tác động cụ thể vào sinh hoạt con người. Tuy nhiên, đây là những việc mang tính ngẫu nhiên theo bước đưa đẩy của nhu cầu xã hội loài người được phát triển theo dòng chảy của thời gian bởi tính sáng tạo, thích ứng của các nhà khoa học. Ngày hôm nay, trong cơn lốc của những khám phá khoa học vĩ đại, con người không thể chờ đợi vài trăm năm hay chục năm dựa vào sự đưa đẩy ngẫu nhiên mà cần có một cơ chế quản lý năng động sao cho trong một thời gian ngắn nhất ta có thể đem các phát minh khoa học từ phòng nghiên cứu biến thành vật chất, dụng cụ hữu ích cho xã hội đời thường.

Tại Nhật Bản nơi mà tôi đã từng học tập và nghiên cứu, trong những thập niên 70 và kéo dài đến thập niên 90, các nghiên cứu tại đại học phần lớn có mục đích đi tìm chân lý khoa học và xa rời thực tế. Nói đúng hơn là để thỏa mãn nhu cầu "sản xuất" những bài viết trên các tạp chí chuyên ngành. Giáo sư Nhật không thật sự quan tâm đến những ứng dụng thực tiễn. Các nghiên cứu ứng dụng để tạo ra sản phẩm thường được triển khai tại các cơ quan nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân và rất hiếm có sự cộng tác nghiên cứu giữa đại học và doanh nghiệp. Nhưng điều này không có gì ngạc nhiên khi một trong những mục tiêu cuả đại học là "nâng cao tri thức và sáng tạo tri thức mới". Dưới danh nghĩa này, các nhà nghiên cứu và giáo sư đại học có nhiều tự do trong việc nghiên cứu cơ bản như giải một định đề toán học, tiên đoán sự hiện hữu của một vi hạt, khám phá ra một thiên hà mới, bản chất của lỗ đen vũ trụ, tổng hợp một hợp chất hóa học có cấu trúc tuyệt đẹp v.v..., với một cứu cánh là phổ biến những khám phá của mình trên các tạp chí chuyên ngành được phân hạng cao thấp bằng các loại "chỉ số ảnh hưởng" (impact factor) [1].

Trong các cơ quan nghiên cứu chính phủ hoặc tư nhân, các nhà khoa học cũng có một khoảng không gian tự do để thực hiện nghiên cứu cơ bản có định hướng theo chức năng của cơ quan đó (thí dụ: quốc phòng, công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, y học). Kinh phí cho việc này co giãn từ 5 đến 20 % tổng kinh phí, tùy theo ngân sách giàu nghèo hằng năm và thời thế chính trị. Các loại nghiên cứu này có biệt hiệu là "nghiên cứu trời xanh" (blue-sky research) hay "nghiên cứu tầm xa" (long-range research), hàm ý chưa mang đến một lợi ích thiết thực nhưng cần thiết cho sự phát triển tương lai các chức năng của cơ quan. Nhưng nghiên cứu cơ bản có định hướng không phải là cái thùng rỗng đáy kéo dài mãi mãi. Nếu không có kết quả, kinh phí sẽ bị cắt đứt trong vòng vài năm. Nếu có kết quả tốt đẹp, đề án sẽ được triển khai cho đến giai đoạn chế tạo ra sản phẩm.

Sự thành bại của các ứng dụng đưa đến sản phẩm tùy thuộc vào sự am tường, bén nhạy, cập nhật và biết chọn lọc của các nghiên cứu viên đối với kho tàng các thành tựu của nghiên cứu cơ bản. Sự giao lưu và hợp tác đôi bên đều có lợi với các đại học là chiến lược hàng đầu của những cơ quan này. Qua sự hợp tác, đại học là nơi phần lớn các nghiên cứu cơ bản được thực hiện sẽ có một hướng đi thực tiễn. Đồng thời, cơ quan nghiên cứu chính phủ và doanh nghiệp sẽ là nơi tiếp tục phát huy thành quả hàn lâm của đại học, tránh được trường hợp những thành quả này rơi vào thung lũng chết (valley of death).

Chính phủ Úc có rất nhiều sáng kiến trong việc nối kết nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Hội đồng Nghiên cứu Úc (Australian Research Council, ARC), cơ quan cung cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, tạo ra hạng mục "Các ưu tiên nghiên cứu cho quốc gia" (National research priorities) và "Lợi ích quốc gia" (National benefits) đòi hỏi các ứng viên cần minh định trong những đề án nghiên cứu xin kinh phí của mình phải phù hợp với những tiêu chí về việc nâng cao kinh tế làm giàu đất nước, an ninh quốc phòng kể cả việc bảo vệ lãnh thổ và chống khủng bố. Hằng năm, ARC có một ngân sách hơn 700 triệu đô-la cho các công trình nghiên cứu và chính phủ Úc muốn cho người dân thấy rằng đây là những công trình hữu ích không phí phạm tiền thuế nhân dân.

Trên một quy mô lớn hơn, để tạo một môi trường nghiên cứu mang lại kết quả thiết thực cho người dân và đất nước, từ năm 1991 dựa trên ý tưởng của thủ tướng Bob Hawke và các cố vấn của ông, chính phủ Úc cung cấp kinh phí thiết lập ra những Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu (Cooperative Research Centre) tập hợp các đại học, cơ quan nghiên cứu chính phủ và doanh nghiệp tư nhân vừa thực thi công tác giáo dục đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, vừa tiến hành các mục tiêu nghiên cứu đi từ cơ bản đến ứng dụng và cuối cùng phải đưa đến lợi ích thực tiễn (sản phẩm, phương pháp) trong vòng 7 năm. Các ứng viên là tập thể giáo sư, khoa học gia của các công ty, cơ quan nghiên cứu, cùng đệ trình lên ARC đề án thành lập trung tâm với những mục tiêu rõ rệt. Đề án sẽ được gởi đến các chuyên gia phản biện và thẩm định. Các ứng viên phải qua một cuộc phỏng vấn nghiêm túc và gắt gao. Quyết định cung cấp kinh phí lập trung tâm sẽ dựa vào ý kiến của chuyên gia và kết quả phỏng vấn. Hiện nay, có 49 Trung tâm đang hoạt động với các công trình to lớn về môi trường, nông nghiệp, khoáng sản, vật liệu học, tin học, viễn thông, khoa học và công nghệ y học. Với một mô hình tương tự, gần đây chính phủ Úc thiết lập những Trung tâm Ưu việt (Centre of Excellence) cung cấp kinh phí từ 5 đến 10 năm cho việc nghiên cứu và triển khai chuyên sâu những bộ môn mũi nhọn (công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu và cấu trúc thông minh, tin học lượng tử) đào tạo nhân tài và sản phẩm hóa những phát minh. 

Từ những chương trình này, chính phủ Úc bắn một mũi tên trúng nhiều đích, thật sự đầu tư vào giáo dục sau đại học, đồng thời nghiên cứu và triển khai thương phẩm, xóa nhòa lằn ranh giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Chính phủ đã dùng tiền thuế của dân một cách hiệu quả để đầu tư và tạo dựng một chính sách nghiên cứu khoa học mang lại sự giàu có cho đất nước và sự tiện ích của người dân.

Cũng nên nói thêm, tại Úc có ba cơ quan nghiên cứu quốc gia chính là Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation (CSIRO) với 6.000 khoa học gia, Defence Science and Technology Organisation (DSTO) với 2.500 khoa học gia và Australian Nuclear Science and Technology Organisation (ANSTO) với 1.000 khoa học gia. Đây là ba cơ quan nghiên cứu to nhất nước với chức năng chính là biến những thành quả của nghiên cứu cơ bản thành các ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp (CSIRO), quốc phòng (DSTO) và công nghiệp y học hạch nhân (ANSTO). 


Các bài báo cáo khoa học


Một người nào đó đã nói, "Có hai nguồn tri thức: một là do mình tạo ra, hai là tận dụng tri thức của người khác biến thành của mình". Vì vậy, trong một bất cứ công trình nghiên cứu nào, viết bài báo cáo trở thành một thông lệ bắt buộc dù là công bố quốc tế hay công bố quốc nội, tiếng mẹ đẻ hay tiếng Anh. Bài báo cáo khoa học với một nội dung nói về quá trình nghiên cứu thí nghiệm, mang nhiều ý nghĩa. Trước hết đây là một thành tích cá nhân. Đối với cơ quan cung cấp kinh phí nghiên cứu, bài báo cáo là một bằng cớ chứng tỏ người nhận kinh phí đạt được kết quả của những điều đã dự kiến hay đã hứa trong đề án xin kinh phí. Đối với cộng đồng nghiên cứu khoa học, đây là việc phổ biến tri thức cần thiết mà các đồng nghiệp có thể tham khảo, so sánh, triển khai, dẫn chứng và kiểm chứng.

Mọi nước trên thế giới cần phải có những chính sách cụ thể phát triển khoa học và công nghệ tùy theo hoàn cảnh khách quan của mình. Tuy nhiên, việc truyền đạt và thực dụng hóa tri thức là một mẫu số chung không phân biệt sự giàu nghèo của một quốc gia. Việc công bố thành tựu của một công trình là bước đầu trong việc truyền đạt và thực dụng hóa tri thức. Nó có thể ở dạng một bài báo cáo trong một tạp chí hàn lâm, tài liệu báo cáo nội bộ, tài liệu mật mang tính chất thương mãi hay quốc phòng. Dù trong ở dạng nào các bài báo cáo cần qua một quá trình thẩm định của chuyên gia đồng nghiệp (peer review). Trong những công trình nghiên cứu ứng dụng, những kết quả mang tính đột phá, sáng tạo thường đưa đến việc công bố ở dạng "đăng ký phát minh" (patent). Quá trình thẩm định để chấp nhận đây là một "phát minh" phải qua nhiều giai đoạn phức tạp liên quan đến luật pháp, cần nhiều thời gian và phí tổn.

Trong cộng đồng nghiên cứu khoa học người ta thường nghe câu, "Publish or perish". Một lối chơi chữ trong tiếng Anh; "publish""perish" có phát âm hơi giống nhau. Ý muốn nói nếu không có "công bố" thì sẽ "tiêu đời nhà ma". Dù là một câu nói có sự bông đùa nhưng phản ánh một phần sự thật. Những người nghiên cứu nhất là các giáo sư đại học đã bỏ phần lớn thì giờ viết đề án xin kinh phí để có tiền "nuôi" nhiều nghiên cứu sinh, mua thiết bị và cuối cùng để sản xuất các bài báo cáo đăng trên các tạp chí với "chỉ số ảnh hưởng" càng cao càng tốt. Số lượng các bài báo cáo lại được dùng như một thành tích để tiếp tục xin kinh phí cho các đề án khác, tạo thành một vòng luân chuyển trong suốt cuộc đời nghiên cứu của một số nhà khoa học. Cứ như thế con đường hoạn lộ càng mở rộng, tăm tiếng càng bay xa.

Vì sức ép kinh phí cộng với một chút "sân si", những người này quay cuồng trong cái vòng lẩn quẩn, thậm chí trở thành nô lệ với số lượng bài báo. Việc này đưa đến những tệ nạn như dùng một kết quả để "biến hóa" ra nhiều phiên bản khác nhau tăng thêm số lượng bài viết. Trường hợp tệ hại hơn là "đạo văn" kết quả của đồng nghiệp hay ngụy tạo kết quả. Những điều tối kỵ trong khoa học nhưng vẫn xảy ra. Hai trường hợp ngụy tạo nổi tiếng xảy ra gần đây làm chấn động cộng đồng nghiên cứu khoa học là trường hợp của giáo sư Woo Suk Hwang và tiến sĩ Jan Hendrik Schön [2]. Các hội đồng thẩm định đề án nghiên cứu và cung cấp kinh phí chú trọng chất lượng hơn số lượng, đã từ lâu phá bỏ cái vòng ác nghiệt này bằng cách yêu cầu các ứng viên cung cấp những bài báo tiêu biểu trong cuộc đời nghiên cứu của mình.  


Trường hợp của Hàn Quốc và Trung Quốc


Hàn Quốc có những chính sách khoa học kỹ thuật mang tầm nhìn chiến lược và đã hội nhập vào cộng đồng nghiên cứu quốc tế như là một thành viên trẻ và rất năng động. Những thành công này là kết quả của chính sách khoa học kỹ thuật được tổng thống Park Chung-hee, một nhà độc tài quân sự, đặt nền tảng từ thập niên 70 của thế kỷ trước và được các đời tổng thống sau tiếp tục phát huy. Song song với việc phát triển các loại công nghệ nặng, đóng tàu, xe hơi, điện tử, hóa chất, các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản lẫn ứng dụng rất ấn tượng với các tác giả mang họ Kim, Choi, Ahn, Lee... dồn dập xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng trong mười năm qua. 

Năm 1971, Hàn Quốc lập ra Korea Advanced Institute of Science and Technology (KAIST, Hàn Quốc Khoa học Kỹ thuật Viện) đầu tàu của nền khoa học kỹ thuật Hàn Quốc với mục đích đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư, được xem như là một MIT (Massachusett Institute of Technology) của đất nước "kim chi". Hơn 35 năm qua, KAIST đã tạo một ảnh hưởng vô cùng sâu rộng trong nền khoa học công nghệ Hàn Quốc và thế giới. Trên quy mô cả nước, KAIST đã sản sinh 20 % nhà khoa học và kỹ sư với học vị Tiến sĩ, 10 % giáo sư, phó giáo sư khoa học và công nghiệp (engineering) và cung cấp 25 % nghiên cứu viên điện tử, chất bán dẫn, vật liệu học cho tập đoàn Samsung. Gần đây, nhằm quốc tế hoá nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư trên 12 triệu đô-la vào một chương trình rất quy mô gọi là "Đại học Đẳng cấp Thế giới" (World Class University) với bước đầu là mời 81 các học giả, khoa học gia, giáo sư quốc tế trong đó có 9 người đoạt giải Nobel đến giảng dạy và chỉ đạo nghiên cứu tại các đại học Hàn Quốc.

Cũng như Hàn Quốc, khi nền công nghệ cũ đã trưởng thành và nền công nghệ mới manh nha xuất hiện, Trung Quốc ào ạt đầu tư vào việc nghiên cứu khoa học. Bừng tỉnh sau cơn ác mộng "Cách mạng Văn hóa" và mở cửa giao lưu với thế giới, trong 30 năm qua nền khoa học kỹ thuật của xứ sở Vạn lý Trường thành đã có những bước đi vĩ đại. Ngoài những thành tựu mang tính chất "nhất điểm vinh quang", như đưa người vào không gian, bắn vệ tinh quay quanh mặt trăng, triệt hạ vệ tinh bằng tên lửa không gian, chế tạo tàu ngầm nguyên tử, sản xuất đầu xe lửa siêu tốc chạy 350 km/giờ, mang một mục đích chính trị nhằm tăng cường lòng tự hào dân tộc, củng cố sự hiện hữu của Đảng và Nhà nước, khoe mẽ thế giới, Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu cơ bản lẫn ứng dụng bao gồm tất cả mọi ngành khoa học nhờ vào chính sách đúng đắn, "chiêu hiền đãi sĩ". Sinh viên, nghiên cứu sinh và khoa học gia Trung Quốc giờ đây tràn ngập thế giới. Nhiều khoa học gia lỗi lạc đã trở thành giáo sư của các trường đại học hay nghiên cứu viên cao cấp tại cơ quan nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đào tạo những trí tuệ khoa học từ dưới lên. Họ gầy dựng ngân quỹ dịch thuật những sách giáo khoa kinh điển tiếng Anh, mua bản quyền, trả tiền cho dịch giả và xuất bản. Những sách nguyên bản trị giá vài trăm đô-la được dịch lại bán cho sinh viên năm, mười đô-la một cách hợp pháp. Các tạp chí khoa học quyền uy và hữu ích như Nature hay Materials Today và một số tạp chí quan trọng khác có phiên bản tiếng Hoa được phổ biến rộng khắp cho từ những sinh viên mới chập chững đi vào con đường nghiên cứu đến các khoa học gia kỳ cựu. Ngoài kinh phí nghiên cứu trong nước, họ dành một khoản lớn kinh phí cho các nhà khoa học gốc Hoa làm việc tại nước ngoài, khuyến khích việc về nước giao lưu. Họ tôn vinh các nhà khoa học hay giáo sư nổi tiếng nước ngoài còn tại chức hay đã về hưu, thậm chí "mua" kiến thức và mạng lưới liên hệ của các vị này; ban cho họ chức giáo sư danh dự, tiếp đãi ân cần, thù lao hậu hĩnh để họ trực tiếp tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh viên trong nước. Những người làm khoa học phần lớn xuề xòa, không có nhiều đòi hỏi vật chất, chỉ cần tôn trọng, tâng bốc một chút, tặng kinh phí mua thiết bị ở dạng "hợp tác nghiên cứu quốc tế", là bao nhiêu kiến thức họ trút sạch cho không. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ điều này, triển khai triệt để và quyết liệt. Hiện nay, số nhà nghiên cứu, giáo sư nước ngoài chiếm 12,8 % trong ban giảng dạy của Đại học Thanh hoa (Tsinghua University), trường đại học công nghiệp hàng đầu Trung Quốc. Trong khi đó, con số này chỉ là 5 % tại Đại học Tokyo, đại học đứng đầu tại Nhật Bản. Đây là những đầu tư tri thức ít tốn kém nhưng số lãi thu hoạch trong tương lai thì quả thật khổng lồ. 

Năm 1995, Trung Quốc đầu tư 0,6 % tổng sản lượng quốc gia (Gross Domestic Product, GDP) vào việc nghiên cứu và triển khai (R&D). Mười năm sau (2005), con số này tăng 1,34 %, tức là 140 tỷ đô-la, và sẽ tăng dần đến 2,5 % vào năm 2020 [3]. Trung Quốc có hơn 1.700 trường đại học và cao đẳng, nhưng kinh phí nghiên cứu chỉ tập trung vào 100 đại học đứng đầu. Ở các đại học này, Bộ Khoa học và Kỹ Thuật Trung Quốc lập ra các Viện Thí nghiệm Quốc gia với các đề án đa ngành, Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia chú trọng đến ứng dụng thực tiễn và Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia liên quan đến những nghiên cứu cơ sở [4]. Ngoài ra, Viện Hàn lâm Trung Quốc (hay là Trung Quốc Khoa học Viện, Chinese Academy of Sciences) với 100 viện nghiên cứu từ cơ sở đến ứng dụng phân tán khắp cả nước [5]. Viện có hàng trăm cơ sở kinh doanh khoa học công nghệ với công ty điện tử vi tính Lenovo nổi tiếng thế giới.

Trên sự quan sát và tiếp xúc cá nhân tại các đại học, cơ quan nghiên cứu, hội thảo quốc tế, tôi nhận thấy hơn 20 năm qua phong cách giao lưu, trình bày vấn đề trước công chúng, thái độ nghiên cứu của những người nghiên cứu khoa học Trung Quốc từ một nghiên cứu sinh cho đến một giáo sư có sự tiến bộ và tự tin rõ rệt. Từ cái bộ dạng "Hai Lúa đi Sài Gòn" ngơ ngác quê mùa, tiếng Anh chưa nhuần nhuyễn, kết quả, biểu đồ trình bày lung tung, tùy tiện 20 năm trước, các nhà khoa học Trung Quốc ngày hôm nay là những người diễn thuyết chính được mời (invited speaker, plenary speaker) tại các hội nghị khoa học quốc tế quan trọng. Tôi không quên được một nữ nghiên cứu sinh ở tuổi đôi mươi của trường đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh trong một hội thảo khoa học, thao thao bất tuyệt tiếng Anh, hùng hồn giải thích "thuyết đàn tính" (theory of elasticity) của mình với hàng loạt phương trình toán học và những áp dụng vào vật liệu máy bay và tàu vũ trụ, trả lời mạch lạc từng câu hỏi từ thính giả. Tôi cũng không quên cái nhiệt tình và tự tin của một anh giáo sư trẻ của đại học Giao thông Thượng Hải, khi anh nói về pin nhiên liệu (fuel cell) và ứng dụng của nó vào xe buýt thành phố làm giảm thiểu ô nhiễm.

Các nhà khoa học Trung Quốc mang một tham vọng giành giải Nobel khoa học trong vài thập niên tới. Họ rất nhạy cảm với những đột phá khoa học trên toàn thế giới. Tháng ba năm 2008, một nhóm khoa học gia Nhật Bản tuyên bố lần đầu tiên đã khám phá một hợp chất sắt trở nên siêu dẫn ở nhiệt độ 26 K (- 247 ºC). Chỉ trong vòng một tháng, các nhà khoa học Trung Quốc sửa đổi cấu trúc hợp chất này đẩy nhiệt độ lên 52 K (- 221 ºC). Đây là một kỳ tích khoa học được thực hiện trong một thời gian cực ngắn. Hợp chất siêu dẫn có ứng dụng càng nhiều khi nhiệt độ chuyển hóa siêu dẫn càng cao. Mặt khác, tinh thần thực dụng buôn bán không những thấy ở một tập đoàn mà còn ở mỗi cá nhân người Hoa bao gồm tất cả mọi ngành nghề kể cả khoa học. Shi Zhengrong (Thi Chính Vinh) lấy học vị Tiến sĩ tại đại học New South Wales (University of New South Wales, Úc) dưới sự hướng dẫn của giáo sư Green Martins nổi tiếng thế giới về pin mặt trời (solar cell). Ông trở về Trung Quốc lập công ty với sự giúp đỡ vốn của chính quyền địa phương để chế tạo pin mặt trời "made in China" giá rẻ. Trong vòng 10 năm, ở số tuổi 45 ông trở thành tỷ phú đô-la, 95 % sản phẩm của ông xuất khẩu sang châu Âu, chủ yếu là Đức. Hằng năm, ông tặng kinh phí nghiên cứu cho người thầy cũ để tiếp tục hoàn thiện pin mặt trời. Thật là một nghĩa cử cao đẹp và một hành động khôn ngoan. 

Đi lên từ sự hoang phế, tàn tạ của 10 năm Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc và trong trường hợp Hàn Quốc từ một dải sơn hà khô cằn, nghèo khó lại bị chiến tranh Triều Tiên tàn phá biến thành bình địa kéo dài từ sông Yalu (Áp Lục) đến tận Pusan, hai đất nước này bay lên như con phụng hoàng từ đống tro còn ngút khói. Trong khi Bộ Giáo dục của ta đang loay hoay quyết định "lên giá, xuống giá" học phí đại học, các quan chức loanh quanh với những tuyên bố, chính sách khoa học vá víu, "lẩn quẩn cối xay", thì những bước đi khoa học vĩ đại và cải cách giáo dục đại học đang rầm rộ xảy ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc, hai đất nước có cùng một bối cảnh lịch sử, chính trị, truyền thống giống như ta. Nó cho thấy một chính sách phát triển giáo dục và khoa học kỹ thuật có định hướng rạch ròi và tầm nhìn chiến lược của bậc lãnh đạo ở các quốc gia này. 


Trường hợp của ta


Như Einstein đã từng nói, "Sự quan tâm về con người và số phận của con người lúc nào cũng phải là một mục tiêu trong tất cả mọi nỗ lực của khoa học kỹ thuật. Đừng bao giờ quên rằng yếu tố này nằm đâu đó giữa những biểu đồ và công thức của bạn". Mọi nghiên cứu không chỉ dừng ở điểm thỏa mãn sự hiếu kỳ hàn lâm. Nhà khoa học cũng không thể đứng ngoài vòng xã hội, chỉ biết hãnh diện với số bài báo cáo khoa học của mình. Tri thức khoa học chỉ thực sự có giá trị nhân sinh và xã hội khi được tận dụng để đào tạo ra vật chất, sản phẩm, đóng góp vào việc kiến thiết hạ tầng cơ sở, nâng cao mức sống người dân, nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng. Khoa học kỹ thuật là nguồn vốn tinh thần và vật chất của một dân tộc, là chìa khóa của sự hùng mạnh và tương lai xán lạn của một quốc gia. Có thể nói là không có sự phát triển kinh tế nếu không có tri thức khoa học. Đồng thời, tri thức khoa học chỉ có giá trị kinh tế khi được phổ biến rộng rãi và tận dụng đúng cách. Nhưng nhà khoa học chỉ có thể tự giải phóng ra khỏi tháp ngà nghiên cứu khi nào có một môi trường nghiên cứu thuận lợi cho sự sáng tạo, phổ biến và thực dụng hóa tri thức. Và đây là trách nhiệm của một chính phủ.

Tình cờ tôi đọc được một bài viết về việc tranh luận "công bố quốc tế" hay "công bố quốc nội" của các đề án khoa học trong một buổi họp mặt của các đồng nghiệp trong nước [6]. Nó thoang thoảng cái bệnh thành tích cố hữu trong cung cách làm việc của ta. Chuyện công bố với hình thức này hay hình thức khác là việc đương nhiên phải làm, không phải để tạo tăm tiếng "uy phong" nhưng vì những lý do đã được nêu bên trên. Cuộc tranh luận chỉ nêu ra vấn đề "ngọn", trong khi những vấn đề "gốc" như chính sách giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ, chế độ cung cấp và sử dụng kinh phí nghiên cứu, thái độ và môi trường nghiên cứu, phương hướng đào tạo các khoa học gia tương lai vẫn là những vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết. Khi những đề án tốt nghiệp của sinh viên năm cuối đại học, thậm chí sau đại học chỉ là những đề án lan man, chung chung lập lại những điều đã biết, khi viết luận văn thì có khuynh hướng "cắt và dán", thì có lẽ còn rất lâu ta mới có thể hội nhập quốc tế.

Chỉ khi nào những vấn đề cơ bản về "trồng" con người khoa học và thiết lập chính sách được chính phủ quan tâm đúng mức và thi hành triệt để, việc "công bố quốc tế" sẽ tự nhiên thành, không cần phải gượng ép. Trên bình diện kinh doanh của một doanh nghiệp hay an ninh quốc phòng của một quốc gia, một bài báo cáo viết về những bí mật chế tạo thương phẩm hay cách điều chỉnh đường bay tên lửa, quỹ đạo tàu vũ trụ, dù là tiếng mẹ đẻ hay tiếng Anh đều có giá trị như nhau. Để bên ngoài những luận điểm chính trị, những quan điểm đạo đức tốt xấu, việc Bắc Triều Tiên ngang nhiên thử bom nguyên tử hay bắn tên lửa tầm xa, tầm gần, thách thức cộng đồng thế giới, gây ra lắm chuyện đau đầu cho các nước xung quanh và khiến các "đàn anh" Nga, Trung Quốc phải kiêng dè lắng nghe, phản ánh những thành tựu to lớn của các nhà khoa học Triều Tiên. Chắc chắn phần lớn các khoa học gia này chưa bao giờ có "công bố quốc tế".

Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, công bố quốc tế của một công trình khoa học có lẽ không phải là một vấn đề phải đem ra bàn cãi khi trình độ nghiên cứu tại bậc đại học chưa đạt đến một chuẩn mực, xin được gọi là "đẳng cấp quốc tế". Tuy nhiên, những luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ hay Tiến sĩ cũng như các bài báo cáo cần phải được phổ biến tích cực trên các tạp chí trong nước sau khi qua một quá trình thẩm định nghiêm túc, có tóm tắt tiếng Anh để đăng trên các dịch vụ tóm tắt (abstract services) như Chem Abstract, Scirus, Scopus Database. Những thẩm định viên có thể là những chuyên gia trong nước hay chuyên gia Việt kiều.

Một vấn đề cơ bản quan trọng khác nằm trong chính sách phát triển khoa học công nghệ là việc sử dụng tiền thuế nhân dân để cung cấp kinh phí nghiên cứu. Những đề án nghiên cứu xin kinh phí trước hết phải có định hướng ứng dụng theo những ưu tiên được quy định bởi một Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia. Các ứng viên phải là chuyên gia trong ngành với những thành tích giảng dạy, chỉ đạo, nghiên cứu cụ thể được đánh giá qua những bài viết, báo cáo, giáo trình hay các sản phẩm chế tạo. Những đề án cấp quốc gia cần phải có sự thẩm định và phản biện của các chuyên gia ẩn danh trong và ngoài nước. Quá trình thẩm định các bài báo cáo hay đề án xin kinh phí là những hoạt động miễn phí trong cộng đồng nghiên cứu khoa học.

Ba mươi năm đã trôi qua từ lúc Trung Quốc mở cửa hội nhập vào cộng đồng thế giới; từ thời đại Park Chung-hee, Hàn Quốc cũng có 30 năm. Kể từ khi hòa bình thống nhất, ta cũng có ngần đó thời gian nhưng tiếc thay ta vẫn là ta. Những lời tâm huyết về cải cách giáo dục, hướng đi của phát triển khoa học công nghệ từ các nhà giáo dục, nhà khoa học ưu thời mẫn thế trong, ngoài nước như những tiếng gào thét kêu cứu tan vào cõi không gian vô tận. Chúng ta đang ở một thế kỷ trong đó nền tảng xã hội, sự hùng mạnh kinh tế, sự an nguy dân tộc tùy thuộc vào tri thức và thực tiễn hóa tri thức. Chúng ta phải có một tầng lớp lãnh đạo kỹ trị, hiểu rõ sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Ta hãy xuất phát từ cái cơ bản nhất là: nên quên đi đường lối giáo dục tạo những con gà nòi Olympic, chỉ tập trung vào một thiểu số ưu tú có một vài kỹ năng đặc biệt mang cho ta một tự hào nhất thời, mà nên khám phá tiềm năng của số đông để sản sinh ra những đàn đại bàng biết bay xa, tung hoành ngang dọc, và những đại thụ làm rợp bóng thế giới.

Cơ bản hơn, phải có một cuộc cải cách lương bổng cho các khoa học gia và giáo sư đại học; đánh giá đúng tài năng khoa học không phải qua móc nối liên hệ hay sự thâm niên. Phải có một cơ cấu phản biện nghiêm túc, chọn lựa các đề án nghiên cứu để cấp kinh phí, thẩm định các bài báo cáo và luận văn Thạc sĩ và Tiến sĩ theo đúng chuẩn mực. Quan trọng hơn hết, phải có cơ cấu phòng chống sự rò rỉ kinh phí và tham nhũng trong khoa học, bòn rút của công. 

Thiết nghĩ, bây giờ không phải là thời điểm bàn về "công bố quốc tế" hay "công bố quốc nội", viết tiếng Anh hay tiếng Việt, tạp chí uy tín hay lá cải, "chỉ số ảnh hưởng" cao hay thấp. Một đồng nghiệp trong nước đã phải thốt lên, "Nghiên cứu để công bố quốc tế và nghiên cứu để phục vụ nhu cầu thiết thực cho đất nước cái nào quan trọng hơn?". Câu trả lời thật quá hiển nhiên.


Trương Văn Tân

May-June 2009




Tài liệu tham khảo và ghi chú


[1] "Impact factor" tạm dịch là "chỉ số ảnh hưởng", một con số đánh giá chất lượng của một tạp chí khoa học dựa trên số lần trích dẫn các bài báo đăng trên tạp chí này.

[2] Ông Woo Suk Hwang là giáo sư sinh học tại Seoul National University (Hàn Quốc). Ông nổi tiếng thế giới về các công trình nghiên cứu sinh sản vô tính (cloning) và đã được dân Hàn Quốc tôn vinh là anh hùng khoa học. Ông ngụy tạo kết quả thí nghiệm trong việc tạo ra phôi con người, khôn khéo vượt qua quá trình duyệt xét và công bố "kết quả" trên tạp chí Science (2005). Ông từ chức vào tháng 12, 2005. Một sự kiện khác là trường hợp của tiến sĩ Jan Hendrik Schön. Schön là một nhà nghiên cứu trẻ có nhiều triển vọng nhưng trong khi làm việc tại Bell Labs (Mỹ) ông ta ngụy tạo kết quả 16 lần trong khoảng thời gian 1998-2001, đăng hơn 40 bài báo cáo trên các tạp chí nổi tiếng như Nature, Science, Applied Physics Letters và tuyên bố đã chế tạo ra transistor dưới dạng phân tử. Schön bị đuổi việc lập tức và bị dẫn ra khỏi Bell Labs như một tội phạm. Hàng triệu đô-la và một số lớn thì giờ của các nhà khoa học và nghiên cứu sinh đã bị hoang phí khi phải làm thực nghiệm để lập lại và xác định những "kết quả" của Schön.

[3] "Rise of the dragon", Physics World, 21, August 2008, 14.

[4] "Riding the red dragon", Physics World, 22, May 2009, 46.

[5] http://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_Academy_of_Sciences#Organization

[6] http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2643&CategoryID=3


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us