Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Yếu tố con người trong an toàn công nghiệp

Yếu tố con người trong an toàn công nghiệp

- Đặng Đình Cung — published 16/01/2014 22:40, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21

Theo báo Tuổi Trẻ online ngày thứ năm 16/01/2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố tại buổi lễ tổng kết (2013) của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 15.1.2014, có thể hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam cho đến năm 2020. Cụ thể, thủ tướng nói :

PVN phải đảm bảo khí để làm cụm nhà máy điện 5.000MW thay thế cho 4.000MW điện nguyên tử, bởi nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công (theo kế hoạch là năm 2014).

Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.

Cùng với tin này, báo điện tử bsc đã đăng các ý kiến nhất trí của giới chuyên gia Việt Nam chào đón một quyết định đúng hướng mà họ đã kiên trì kiến nghị từ nhiều năm qua nhưng cho tới nay không hề được các nhà hữu trách quan tâm. Tờ báo dẫn lời của các giáo sư Cao Chi, Phạm Duy Hiển, đồng thanh nhắc lại một yêu cầu căn bản mà dự án khởi công nhà máy điện hạt nhân vào năm 2014 (để đưa vào vận hành từ năm 2020) hiển nhiên không thể đáp ứng kịp thời : yêu cầu về nguồn nhân lực chuyên ngành.

Một khía cạnh quan trọng của vấn đề này là khả năng của đội ngũ chuyên gia đối phó với các tình huống nguy hiểm trong nhà máy mỗi khi có sự cố xảy ra. Chính sau tai hoạ khủng khiếp ở nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima mà báo Sài Gòn tiếp thị đã đăng bài viết của tác giả Đặng Đình Cung đặt vấn đề chung hơn : « Yếu tố con người trong an toàn công nghiệp ». Nhân thông tin về việc hoãn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tác giả đã gửi cho Diễn Đàn bài viết hoàn toàn chưa mất tính thời sự này. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc, dưới đây.



Yếu tố con người trong an toàn công nghiệp


ĐẶNG Đình Cung
Kỹ sư tư vấn



Tại sao ở một nước công nghiệp hùng mạnh có trình độ và phương tiện kỹ thuật hiện đại như Nhật Bản lại có thể để xảy ra tai nạn hạt nhân với hậu quả trầm trọng như tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong những ngày vừa qua?

Sự chủ quan của con người

Thời chiến tranh lạnh, mọi người đều biết rằng những lò phản ứng nước nhẹ PWR(*) và BWR an toàn hơn những lò graphit RBMK trong một nhà máy điện hạt nhân. Thế nhưng các vị lãnh đạo của Liên Xô (cũ) vẫn quyết định xây những nhà máy điện RBMK chỉ vì họ đang có sẵn hoạ đồ của kiểu nhà máy điện loại này. Ngoài ra, việc dời ngày sản xuất điện hạt nhân để có thì giờ nghiên cứu một nhà máy điện loại nước nhẹ an toàn hơn, sẽ là sự thú nhận rằng công nghệ của Liên Xô thua công nghệ các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Chủ quan coi rủi ro mà một nhà máy điện hạt nhân kiểu RBMK mang lại cho con người không quan trọng bằng lợi ích chính trị, chính quyền của nước Nga Xôviết đã khơi nguồn cho thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Trở lại với tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Nếu cách đây 40 năm, công nghệ PWR và BWR được coi là đủ an toàn để có thể xây đại trà những nhà máy điện hạt nhân thì ngày nay, người ta biết thêm rằng công nghệ PWR cho nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn công nghệ BWR, vì công nghệ này có thêm một mạch nước giữa lõi của lò phản ứng và cụm phát điện. Chỉ có điều chi phí cho mạch ngăn cách này chiếm 15 – 20% tổng giá trị cụm hạt nhân của một nhà máy điện! Những người lãnh đạo của tập đoàn TEPCO (Nhật) đã chọn xây những tổ phát điện hạt nhân ở Fukushima theo công nghệ BWR để tiết kiệm vốn đầu tư. Sự lựa chọn này đã khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima càng trở nên thiếu an toàn trong tai nạn sóng thần ngày 11.3.

Trước khi xảy ra tai nạn Fukushima, người ta cũng đã phát hiện một số nhà máy điện hạt nhân ở Nhật bị rút ruột và các công ty điện Nhật Bản khai man trong những báo cáo với chính phủ về an toàn và tai nạn hạt nhân. Những thông tin sai lệch đó, khi tai nạn xảy ra, chắc chắn sẽ khiến những quyết định, giải pháp ứng cứu cũng sai lệch dẫn đến kém hoặc không hiệu quả.

Để giảm ảnh hưởng của tính chủ quan từ con người khi nghiên cứu và thiết kế, người ta tự đặt trước những tiêu chuẩn định giá về an toàn và những phương cách tính toán dẫn tới kết luận. Những tiêu chuẩn và phương cách tính toán đó phải được quy định chặt chẽ, khoa học trước khi bắt tay vào thực hiện để tránh các xúc cảm thời sự chi phối, ảnh hưởng khi tiến hành nghiên cứu.

Rủi ro, hiểm nghèo và tai nạn

Các nhà khoa học đã sáng chế từ “cindynique”, mà chúng tôi không biết dịch sang Việt ngữ ra sao, để chỉ môn quản lý ba khái niệm liên quan đến công nghiệp mà chúng ta thường lầm lẫn: “rủi ro”, “hiểm nghèo” và “tai nạn”.

Trong cindynique, rủi ro là điều bất ngờ không may như một vụ lụt, một cơn bão, một trận động đất; hiểm nghèo là một tình huống có tiềm năng làm hại đến sự toàn vẹn của cơ thể, của tài sản hay của môi trường; tai nạn là một sự kiện không ai muốn xảy ra, nhưng đã xảy ra và xâm phạm sự toàn vẹn đó. Người ta cũng phân biệt ra thảm hoạ, một tai nạn có hậu quả trầm trọng với sự cố, một tai nạn có hậu quả không đáng kể trong cindynique.

Để được – thua một điều gì đó trong cuộc sống, chúng ta thường chấp nhận cuộc sống có những rủi ro với hậu quả có thể chấp nhận được nếu tai nạn xảy ra. Chính vì vậy, các chuyên gia về cindynique nghiên cứu việc xác định, định giá và quản lý rủi ro để giảm xác suất xuất hiện, giảm tình huống hiểm nghèo và giảm hậu quả của tai nạn. Họ vận dụng những môn khoa học tự nhiên (chủ yếu là địa chất, thiên văn, thuỷ văn), khoa học chính xác (chủ yếu toán học, vật lý học và hoá học) và khoa học nhân văn (chủ yếu là tâm lý học, xã hội học và kinh tế học) để thực hiện điều này. Trong số ba ngành khoa học nói trên, ngành khoa học nhân văn có vẻ khó nhất vì liên quan đến yếu tố con người. Đây là yếu tố rất quan trọng vì hậu quả của tai nạn do con người gây ra có thể rất lớn, rất lâu dài và cái chính là khó tiên đoán được hết các tình huống tai nạn mà con người có thể gây ra do vô tình hay hữu ý.

Con người là quan trọng nhất

Bản chất con người là không thể tiêu chuẩn hoá được bởi dù có được đào tạo theo những tiêu chuẩn chung đi nữa thì mỗi con người vẫn có những phản ứng riêng rất khác nhau.

Một cỗ máy luôn làm đúng theo quy định thiết kế cho tới khi hỏng hóc. Còn con người thì có thể làm đúng hoặc sai, sai ít hay sai nhiều tuỳ vào tâm trạng, sức khoẻ... Chưa kể chuyện đúng, sai của con người còn thường xuyên bị chi phối bởi những yếu tố khác: chủ quan và hiếu thắng (như trường hợp thảm hoạ Chernobyl) hay lợi ích, thiếu trách nhiệm (trường hợp chọn công nghệ BWR tại nhà máy Fukushima; thông tin sai lệch về an toàn và tai nạn tại một số nhà máy điện hạt nhân khác tại Nhật) v.v.

Kinh nghiệm cho thấy những đất nước có nền công nghiệp mạnh cần ít nhất một thế hệ để có thể hình thành được nền văn hoá an toàn công nghiệp thông qua giáo dục, rèn luyện, thực tập. Trên cái nền văn hoá xã hội về an toàn công nghiệp đó, mới mong kiến thức khoa học cũng như ý thức cá nhân của từng con người về an toàn công nghiệp được nâng cao, được hoàn chỉnh – yếu tố rất quan trọng góp phần đảm bảo an toàn cuộc sống của toàn xã hội.

Một nước công nghiệp tiên tiến như Nhật mà an toàn công nghiệp vẫn chưa đảm bảo, vẫn bị đe doạ bởi yếu tố con người – thể hiện qua vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima – thì mọi dự đoán lạc quan hay chắc chắn về tương lai hạt nhân an toàn đều cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Đặng Đình Cung


Chú thích: 

(*) Có ba loại lò phản ứng hạt nhân được xây dựng để sản xuất điện một cách công nghiệp : PWR (Pressurized Water Reactor, lò phản ứng nước chịu nén, BWR (Boiled Water Reactor, lò phản ứng nước sôi) và RBMK (Reaktor Bolshoy Moshchnosti Kanalnyy, lò phản ứng kiểu kênh năng lượng cao). Chỉ có Liên Xô và các nước Đông Âu cũ mới xây lò phản ứng RMBK. Dây chuyền phản ứng trong một lò RMBK sẽ gia tăng nếu không có tác động để kìm hãm nó. Đó là nguyên do tai nạn Tchernobyl trở thành thảm hoạ sau khi lò phản ứng bị mất điều khiển. Ngược lại dây chuyền phản ứng trong một lò PWR hay BWR sẽ tự động tắt nếu không có tác động để duy trì nó. Do đó chúng được coi là an toàn nhất và hiện nay được thông dụng nhất. PWR là loại lò được dùng nhiều nhất vì có ba màng chắn chất phóng xạ. BWR không còn được xây mới nữa vì chỉ có hai màng chắn. Các lò bị tai nạn ở Fukushima thuộc loại BWR. Nhưng việc các lò đó chỉ có hai màng chắn không phải là nguồn gốc và diễn biến của tai nạn. Cả hai tai nạn Tchernobyl và Fukushima là tình huống khủng khiếp nhất các chuyên gia về năng lượng hạt nhân có thể tưởng tượng mà họ gọi là Chinese Syndrom : lò phản ứng bị nung chảy.
Ngược với một số tin đồn, hai lò phản ứng Nga dự định bán cho ta ở Ninh Thuận không thuộc loại RMBK. Theo chúng tôi được biết thì hai lò đó mang thương hiệu VVER (Vodo Vodyanoi Energetichesky Reactor, lò phản ứng nước nước), một kiểu lò PWR.


Nguồn: bài đã đăng trên SGTT (trừ phần chú thích), tác giả gửi Diễn Đàn nhân có tin hoãn khởi công nhà máy nguyên tử.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us