Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Bốn biển từ đây vắng bóng Anh

Bốn biển từ đây vắng bóng Anh

- Nguyễn Ngọc Giao — published 08/01/2014 01:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Tưởng nhớ anh Vĩnh Sính (1944-2014)
 

Tưởng nhớ anh Vĩnh Sính



Bốn biển từ đây vắng bóng Anh


Nguyễn Ngọc Giao


Anh Vĩnh Sính đã viết như thế, cách đây 15 năm, khi được tin anh Bùi Mộng Hùng từ trần. Từ một ai khác, có thể cho rằng câu văn có phần khuôn sáo. Từ một người chừng mực, cẩn trọng như Vĩnh Sính, và đã chứng kiến những cuộc chuyện trò, trao đổi giữa Vĩnh Sính và Bùi Mộng Hùng, tôi biết đây là thực tâm, là tâm trạng trống vắng khi ta mất đi người bạn tri kỷ mà ta quý mến. Đó là tâm trạng của chúng tôi trong ban biên tập Diễn Đàn khi lần lượt mất đi các anh Bùi Mộng Hùng, Bùi Trọng Liễu, Phạm Ngọc Tới... Và nay, anh Vĩnh Sính. Anh Sính không ở trong ban biên tập Diễn Đàn, nhưng trong hơn phần tư thế kỷ vừa qua, từ ngày chúng tôi còn làm  nguyệt san Đoàn Kết, anh đã thường xuyên gửi bài, tổng cộng hơn 50 trước tác.

chua

Vĩnh Sĩnh nói chuyện về Thiền Nhật Bản và Thiền Việt Nam
tại chùa Khuông Việt (Orsay, Pháp) ngày 22.6.2002

Bốn biển... Từ hôm được tin anh ra đi, bạn bè năm châu trao đổi với nhau, về những kỉ niệm với anh Sính. Bạn bè cùng học với anh ở Nhật Bản trong thập niên 1960 – những người đã cùng anh tới chiếm đại sứ quán Sài Gòn ở Tokyo, hay biểu tình trước căn cứ quân sự Mỹ, hay chứng kiến anh “ những ngày kham khổ vừa kiếm sống vừa đi học : đi phát báo, đi giao sữa, và không màn đi kiếm sống bằng một công việc chân tay nào ” (1) – nay người đã về nước, người ở Bắc Mỹ, Tây Âu, người còn ở lại Nhật Bản ; những người bạn cùng hoạt động với anh ở Canada trong thập niên 1970, thời gian anh chuẩn bị luận án tiến sĩ sử học tại Trường đại học Toronto, trước khi được cử làm giáo sư Trường đại học Alberta, hay những anh chị em gặp anh trong một buổi thuyết trình ở Paris, một cuộc hội thảo ở Việt Nam...

Từ đây vắng bóng Anh... Tám năm gần đây, chúng ta ít được đọc những bài mới của Vĩnh Sính : mùa xuân năm 2005, anh bị tai nạn tim mạch khi ra ngoài vườn ngắm hoa, bất tỉnh không biết bao lâu đến khi người thân phát hiện và đưa đi cấp cứu. Phải một thời gian dài, anh mới hồi phục từng bước : ngôn ngữ đầu tiên và, trong nhiều ngày, duy nhất, là tiếng Việt, nên chị Kyong (người Nhật gốc Triều Tiên) rất khó đối thoại với anh. Dần dần, não bộ của anh mới khôi phục khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Anh làm việc trở lại, tất nhiên với nhịp độ và cường độ hạn chế hơn. Năm 2009, cuốn PHAN CHÂU TRINH và những trước tác chính trị (Phan Châu Trinh and his political writings) đã được Trường đại học Cornell (Southeast Asia Program Publications) xuất bản, do anh biên tập và biên dịch. Lần đầu tiên, bốn bài viết quan trọng của cụ Phan được dịch và chú giải công phu sang Anh văn : Pháp Việt liên hợp hậu chi Tân Việt Nam (1910, Hán văn), Thư thất điều (vạch tội Khải Định, 1922), Đạo đức và luân lý Đông TâyQuân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa (hai bài diễn thuyết tháng 11.1925 bằng tiếng Việt, 5 tháng trước khi mất). Rất quan trọng là phần dẫn nhập (tr. 1-55) trong đó Vĩnh Sính trình bày tiểu sử và tiến trình tư tưởng của Phan. Tình trạng sức khỏe đã cho phép anh về nước một chuyến, với sự hộ lý của một sinh viên mà anh hướng dẫn luận án.

Được biết năm qua, anh bị ung thư gan. Và ngày 1 tháng 1-2014 vừa qua, anh than mệt, vào giường nghỉ và tạ thế trong giấc ngủ. Thể theo ý nguyện của anh lúc sinh thời, gia đình không tổ chức lễ tang. Sau khi thi hài được trao cho y học xét nghiệm rồi hỏa thiêu, di cốt sẽ được gia đình gìn giữ một phần ở nhà, phần còn lại sẽ gửi cho sóng nước sông Hương nơi quê nhà.

Từ đây vắng bóng một nhà sử học uy tín về tư tưởng Nhật Bản, về thời kì Minh Trị, về quan hệ Việt Nhật, về phong trào Duy Tân, về hai nhân vật kiệt xuất Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Đối với riêng tôi, tầm cỡ Vĩnh Sính vượt xa những danh hiệu vừa kể trên. Anh có lẽ là nhà sử học duy nhất nắm rõ lịch sử và văn hóa của cả bốn quốc gia "đồng văn" : Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên (ba nước đầu, do quá trình đào tạo và nghiên cứu, còn Triều Tiên đầu tiên do cơ duyên : vợ anh, chị Kyong-Kyōko sinh trưởng ở Nhật Bản, nhưng gốc Triều Tiên). Thời kỳ lịch sử mà anh tập trung nghiên cứu lại là cận đại và hiện đại, nghĩa là thời kỳ mà bốn dân tộc này phải đối diện với vấn đề cơ bản : tính hiện đại. Mở lại cuốn Overturned Chariot (Phan Bội Châu niên biểu, SHAPS Library of Translations, University of Hawaii's Press, 1999), tôi xúc động trước mấy dòng thủ bút anh ghi tặng : "Trang tặng anh... chị... thành quả của một công trình mà qua đó tôi đã trăn trở và suy nghĩ khá nhiều về thân phận người Việt trong thế kỷ XX". Thật đúng như thế, đọc sách hay những bài viết của Vĩnh Sính, người ta cảm nhận rất rõ những "trăn trở và suy nghĩ" của anh.

Do môi trường học tập, làm việc và hoạt động, mãi đến thập niên 1980 tôi mới được gặp anh, và cũng chỉ gặp ở Paris, khi anh có dịp ghé qua đây, trên đường đi Aix-en-Provence, trụ sở Kho tư liệu quốc gia hải ngoại của Pháp (ANOM). Lần nói chuyện lâu nhất có lẽ là năm 1996, khi anh chị nhận lời tới ăn trưa với chúng tôi, anh Bùi Mộng Hùng và anh Hà Dương Tuấn. Tôi nhớ mãi những lời Vĩnh Sính kể về nhân vật Komatsu Kiyoshi, một nhà văn, dịch giả (Gide, Malraux...) đã gặp Nguyễn Ái Quốc ở Pháp vào đầu thập niên 1920, và kết thân với Phạm Ngọc Thạch những năm 1944-45 ở Sài Gòn (việc này có liên quan tới sự ra đời của Thanh niên Tiền  phong). Và nhận xét mà một cựu tướng lãnh Nhật đã kể với anh : trước và sau Cách mạng tháng Tám, con mắt nhìn của người Việt Nam, của thanh niên Việt Nam, khác hẳn. "Trước đó, họ cúi mặt, đôi mắt như ngây dại. Sau đó, họ nhìn thẳng, long lanh..." (nhận xét này, trùng hợp với nhận xét mà bác Hoàng Xuân Hãn kể với tôi về sinh viên, thanh niên Việt Nam hồi ấy). Rồi câu chuyện trở về ba nhân vật đầu thế kỷ : Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và "cuồng điệt" của họ : Nguyễn Ái Quốc. Anh Sính đã viết nhiều, viết "cạn kiệt" về mối quan hệ giữa hai cụ Phan. Chỉ tiếc rằng, anh chưa viết gì về tam giác Phan - Phan - Nguyễn. Hôm nay, tôi tự hỏi, nếu anh còn sống, và tôi được gặp, thì câu chuyện thú vị biết bao : chúng tôi sẽ liên hệ tới một nhân vật nữa, rất xa mà rất gần : Nelson Mandela.

Nghĩ tới anh, tôi mang nhiều nuối tiếc và ân hận. Nuối tiếc : anh chưa lần nào tham gia Hội thảo Hè mà chúng tôi tổ chức hàng năm kể từ mùa hè 1998 (ở Trường đại học New York). Năm 2005, anh gần như chắc chắn sẽ về Đà Nẵng dự hội thảo (lần đầu tiên chúng tôi tổ chức ở trong nước). Tiếc thay, anh bị tai nạn tim mạch vào mùa xuân... Chúng tôi tự an ủi : dầu sao anh cũng đã có mặt ở Đà Nẵng qua cuốn Từ Đông sang Tây / Tập biên khảo Khoa học Xã hội và Nhân văn mà anh là chủ biên (cùng với các anh Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng và Trần Hải Hạc), và Nhà xuất bản Đà Nẵng và anh Nguyễn Đức Hùng đã khẩn trương phát hành kịp tháng 7.2005. Vì có đóng góp tí chút vào việc biên soạn cuốn sách vinh danh anh Lê Thành Khôi này (soạn tiểu sử và thư mục Lê Thành Khôi, dịch bài của Daniel Hémery và Alain Ruscio), nên tôi cũng ở trong danh sách trao đổi email trong suốt nửa năm chuẩn bị. Do đó, tôi được đọc những lá thư của anh Vĩnh Sính và gặp lại sự cẩn trọng, nghiêm túc của anh, những phẩm chất mà tôi đã quen thuộc và mến phục khi biên tập những bài viết mà anh gửi đăng Diễn Đàn.

Còn ân hận ? Năm 2009, ngay từ trước khi cuốn Phan Châu Trinh của anh in xong, anh Sính đã gửi cho tôi chế bản pdf để tôi đọc trước, có thời giờ viết bài giới thiệu kịp ngày phát hành sách. Tôi đọc đi đọc lại 55 trang anh viết về Phan Châu Trinh, đọc lại những trang anh viết về Phan Bội Châu niên biểu, bài anh viết về tác phẩm "Pháp Việt liên hợp" (trong Từ Đông sang Tây) và mấy cuốn khác về Phan Châu Trinh,... đã bắt đầu chấp bút, mà rồi không bao giờ xong. Lười, thiếu tổ chức, chạy theo việc gấp... cũng là những lí do có thật, nhưng không phải là lí do chính. Lí do cốt lõi là sai lầm của tôi : thay vì khiêm tốn viết bài giới thiệu một công trình mẫu mực, tôi lại muốn suy nghĩ về mối quan hệ giữa hai cụ Phan và Nguyễn Ái Quốc, về con đường của ba người. Tất nhiên, suy nghĩ chưa đủ sâu để viết. Và như thế là tôi mắc lỗi với anh. Tất nhiên tôi đã viết thư xin lỗi anh, và anh đã bao dung trả lời. Tôi không biết anh có buồn không, nhưng tôi thì rất buồn. Và ngượng. Bằng chứng là, mùa hè 2011, khi soạn Bản ý kiến Cải cách toàn diện để phát triển đất nước, anh em đề nghị tôi liên lạc với anh để mời anh tham gia, tôi đã xin anh Cao Huy Thuần "thế mạng" cho tôi. Biết là anh đồng lòng, nhưng tôi ngại nếu vì sao anh không thể tham gia mà từ chối, thì anh có thể ngại rằng tôi cho rằng anh còn giận ! Tất nhiên, đó là một lo ngại lẩm cẩm, do ngượng mà nghĩ quẩn. Anh Sính đã vui vẻ nhận lời và đã tham gia với tất cả sự nghiêm túc và cẩn trọng quen thuộc.

Bao giờ tôi có thể chuộc lỗi với Vĩnh Sính bằng cách ngồi đọc lại những trang viết của anh, và viết một bài đàng hoàng về Phan Châu Trinh, về "thân phận người Việt trong thế kỷ XX" để chia sẻ những trăn trở và suy nghĩ của anh ? Trước mắt, xin viết vội đôi dòng này để tưởng nhớ anh, chia buồn với chị Kyong và hi vọng nụ cười độ lượng của anh sẽ giúp tôi học hỏi thêm. Dù cho từ đây vắng bóng anh.

Paris, 7.1.2014

Nguyễn Ngọc Giao






(1) Chứng từ của anh Huỳnh Mùi, nhà toán học.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us