Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Đà Linh – Trí thức dấn thân

Đà Linh – Trí thức dấn thân

- Hiền Lê — published 30/09/2014 00:03, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Nhân 30.9.2014, ngày giỗ đầu của nhà văn Đà Linh



Đà Linh – Trí thức dấn thân
Sách về một người làm sách


Hiền Lê



dalinh


Nói đến Đà Linh – tên thật Nguyễn Đức Hùng (bút danh khác: Ða Huyên, 1958 - 2013) là nói đến bản lĩnh của một người làm xuất bản. Những cuốn sách “nhạy cảm” nhất, những cuốn sách “gai góc” nhất, những bản thảo tác giả và đối tác xuất bản biết là “khó” nhất, họ hầu như đều tìm đến Đà Linh để gửi gắm.

Tên tuổi anh gắn liền với những cuốn sách «  Ba người khác  » (Tô Hoài), «  Trần Dần – Thơ  », “Cõi người rung chuông tận thế”, “Mười lẻ một đêm” (Hồ Anh Thái), “Bóng đè” (Đỗ Hoàng Diệu), «  Ngồi  » (Nguyễn Bình Phương), “Chuyện tình mùa tạp kỹ” (Lê Anh Hoài), “Thiên thần sám hối” (Tạ Duy Anh), “Người nhìn thấy trăng thật” (Nguyễn Quang Thiều), “Phòng lạ” (Nguyễn Danh Bằng)… Đặc biệt, về phương diện triết học, có những cuốn sách quý như “Tư duy tự do” (Phan Huy Đường) và bộ sách Minh triết của F. Jullien…

Nhà văn Hồ Anh Thái nhớ lại “Thời Đà Linh là người chịu trách nhiệm bản thảo, sách của nhà xuất bản Đà Nẵng thường được người mua tin rằng đã được bảo đảm chất lượng”.

Nhà văn Tạ Duy Anh có lần tâm sự, rằng cuốn tiểu thuyết “Thiên thần sám hối” (2004) của ông phải trôi dạt qua 7 “nhà” khác nhau rồi mới được chào đời tại “nhà” Đà Nẵng, để sau đó được tái bản tới 5 lần ở nhiều nơi! Lần đầu tiên in sách trong nước, nơi gửi gắm của nhà văn Thuận (Pháp) cũng là Đà Nẵng, với 2 cuốn tiểu thuyết ra mắt cùng năm 2005, là “Phố Tầu” (China Town) và “Paris 11 tháng 8”.

Lại nhớ tới những cuốn sách dịch như “Tình ơi là tình” của nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek vốn ầm ào gây tranh cãi khi đoạt giải Nobel 2004, và khi NXB Đà Nẵng và Nhã Nam in ra (2006, dịch giả Lê Quang), đã bị phê phán gay gắt vì khi chuyển ngữ đã “trung thành với nguyên tác”! Cũng trong năm 2006, cuốn tiểu thuyết “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecq (Cao Việt Dũng dịch - NXB Đà Nẵng và Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây) ra mắt khiến giới mê sách trong nước lại một phen xôn xao.

Sau “sự cố” với tập truyện ngắn “Rồng Đá” (hay là “Mũi Uốn Ván”) của Vũ Ngọc Tiến-Lê Mai, trong đó có những truyện ngắn về cuộc chiến biên giới 1979, Đà Linh về NXB Lao Động. Sau cuộc “hồi hương” về lại Thủ đô, anh lại làm ngay “bà đỡ” cho “Thơ đến từ đâu” của Nguyễn Đức Tùng – một nhà thơ, nhà nghiên cứu hải ngoại, gây chấn động văn giới trong và ngoài nước.

Tháng 9 năm 2013, nhà văn Đà Linh ra đi mãi mãi, nhớ về một người đam mê và có công trong sự nghiệp xuất bản, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, cũng là những người bạn, người anh em, người cộng sự thân thiết của nhà văn Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng đã viết về anh. Tất cả được tập hợp trong cuốn sách “Đà Linh – Trí thức dấn thân” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam). Trong tập sách này, cũng có nhiều truyện ngắn đặc sắc, một số tiểu luận của nhà văn Đà Linh.

Nhà văn Lê Anh Hoài – chủ biên cuốn sách, trong lời giới thiệu, nhận định: “Toàn bộ công việc Đà Linh đã làm, cũng có thể gọi là một quá trình phản biện xã hội. Chỉ có điều anh không ồn ào khoa trương. Anh không đăng đàn diễn thuyết. Anh làm trong lặng lẽ, với thái độ của một trí thức cầu thị văn hóa, đứng về sự tiến bộ”.

Trong cuốn sách, có nhiều ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu về sự nghiệp xuất bản, những kỷ niệm nồng ấm về nhà văn Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhớ lại: “Hiếm thấy một người hết mình với bạn bè như Đà Linh. Anh còn hết mình hơn nữa trong công việc. Gặp nhau ở đâu anh cũng say đắm nói đến công việc. Trong những ngày trọng bệnh, bạn bè đến thăm, anh say sưa nói về những dự định sáng tác, xuất bản, chỉ đến khi mệt lả mới dừng lại lấy sức”.

Nhà văn lão thành Ma Văn Kháng: “Nghề văn là một nghề khó khăn, đặc biệt, lạ lùng, đôi chút tình cờ. Chỉ với một ngọn bút mà gói mở hư vô”. Một định nghĩa về nghề văn quá ư đặc sắc của Đà Linh. Nó cho ta thấy chỉ những người đã dấn thân thật sự và ngày đêm đau đáu nghĩ suy mới có thể nói sâu sắc đầy đủ chính xác về nghề đến như thế”.

Còn GS Phan Huy Đường (Pháp) thì cảm khái: “Ngày nào nước ta có rất nhiều Đà Linh được tự do phát triển tài năng của mình, ngày đó dân ta mới khá được trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, văn chương, nghệ thuật”.

Cuốn sách hiện được phát hành trên toàn quốc.



Những nhà văn, nhà nghiên cứu có mặt
trong “Đà Linh – Trí thức dấn thân”


Ngô Thị Kim Cúc, Cao Việt Dũng, Phùng Tấn Đông, Đỗ Quang Hạnh, Hồ Thế Hà, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Thụy Kha, Ma Văn Kháng, Phạm Thị Phong Lan, Đặng Nguyên Sa, Trần Trung Sáng, Hồ Anh Thái, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Trần Kỳ Trung, Trần Thị Trường, Trần Tuấn, Nguyễn Đức Tùng, Trần Trọng Vũ.

Đỗ Hoàng Diệu, Trần Nghi Hoàng, (Hoa Kỳ),

Trần Thu Dung, Phan Huy Đường, Lê Hữu Khóa (Pháp)

Các nhà thơ: Trần Phương Kỳ, Vi Thùy Linh, Mai Văn Phấn, Đỗ Quyên, Nguyễn Trọng Tạo, Đặng Thân.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us