Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Đỗ Bá Phước (1952-2015)

Đỗ Bá Phước (1952-2015)

- Hồ Văn Tiến & Vũ Quang Việt — published 10/01/2015 16:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Cập nhật ngày 13-01-2015, chủ yếu về các tài liệu quy chiếu.

Tiễn biệt người đưa chữ Quốc ngữ và chữ Nôm vào Unicode



Đỗ Bá Phước
(1952-2015)



Chúng tôi được tin anh Đỗ Bá Phước (James Do) đã từ trần sáng ngày 10.1.2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 63 tuổi.

Thi hài được quàn tại Nhà quàn Giáo xứ Vườn Xoài, 413 Lê Văn Sỹ, Phường 12, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Chiều chủ nhật 11.1, lúc 17g sẽ tổ chức lễ tưởng niệm tại Nhà thờ Vườn Xoài. Lễ tang sẽ cử hành lúc 10g ngày thứ hai 12.1.2015. Theo ý nguyện của người quá cố, xin miễn phúng viếng bằng hương hoa, tiền quyên góp sẽ gửi giúp quỹ của Viện Hán Nôm.

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn cùng chị Ánh, cháu Minh và toàn thể gia quyến.



Tưởng nhớ Anh Đỗ Bá Phước (James Đỗ)


Tôi bắt đầu trao đổi email với anh Phước từ những năm 1988, 1989 khi mà email còn rất thô sơ và chúng tôi trao đổi tiếng Việt qua dạng VIQR (Vietnamese Quoted Readable).

Anh học toán nhưng làm về công nghệ thông tin và là một trong những nhà nghiên cứu đã cộng tác để đưa chữ Việt và chữ Nôm vào bảng mã Unicode(*) : Đỗ Bá Phước, Ngô Thanh Nhàn, Ngô Trung Việt, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Quang Hồng. Anh là tác giả một bộ chữ Việt mã Unicode đầu tiên để minh hoạ khi anh thảo luận với tổ chức Unicode. Rất tiếc là tôi không còn giữ nó. Anh đã đóng góp công sức, kiến thức và cả tài chánh và thời gian nghỉ ngơi của mình vào việc mã hoá này. Anh kiên trì thuyết phục các nhà làm công nghệ thông tin trong nước từ giã mã TCVN để hoà nhập vào mã quốc tế Unicode. Ngày nay viết và thể hiện dễ dàng tiếng Việt qua các ứng dụng bằng chữ Việt và các ứng dụng quốc tế khác, ít có ai biết đến công lao ấy của anh. Đóng góp kế tiếp của những người nói trên là việc mã hoá Chữ Nôm và đưa vào bảng mã Unicode. Đây là một việc hết sức khó khăn khi các phái đoàn Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên và Việt Nam phải vừa cộng tác vừa cạnh tranh để có một giải pháp kỹ thuật thuận lợi cho mình, mà chữ Nôm yếu thế hơn vì bị coi là tử ngữ. Các anh đã kiên trì đấu tranh để chữ Nôm nằm trong khái niệm của hệ chữ biểu ý và ghi tên Việt Nam vào trong nhóm này. Sau đó, nhóm chữ biểu ý CJKV (Chinese, Japanese, Korean, Vietnamese) ra đời; mà lúc đầu chỉ có CJK (xem CJK Characters).

Trong khi việc bảo tồn chữ Nôm ở trong nước chỉ chú trọng vào việc scan và cất giữ các tác phẩm chữ Nôm, anh đã kiên trì thuyết phục việc phổ biến rộng rãi di sản chữ Nôm. Khi thấy không thuyết phục được các cụ, các anh đã thành lập nhóm nomfoundation, động viên và cộng tác với các bè bạn cho ra đời nom lookup tool, công cụ tra cứu chữ Nôm đầu tiên trên mạng. Có một lần anh rất thích thú hỏi tôi có biết các từ nào được tra cứu nhiều nhất không ? Tôi đoán là tên người. Anh cười và nói anh đã thống kê và các từ đã được tìm nhiều nhất là : cu, cặc, lồn, … Kể ra thì như đùa nhưng đây là chuyện có thật.


jd


Anh sống ở Mỹ từ nhỏ, quen với suy nghĩ dám nói – dù anh là người rất ít nói – dám làm, suy nghĩ  độc đáo nhưng hết sức tôn trọng những ý kiến khác nhau, và sự tự do suy nghĩ. Sau việc mã hoá là cổ động Việt Nam sử dụng phần mềm mở nguồn và dạy học, truyền bá những kiến thức mới của công nghệ thông tin về Việt Nam. Một lần nữa anh đã dành những ngày nghỉ phép hằng năm của mình để về Việt Nam dạy học và cổ động việc sử dụng phẩn mềm mở nguồn và tôn trọng bản quyền. Trong một lần hội nghị về phần mềm mở nguồn tại Hà Nội năm 2000, anh đã khuyến khích tôi trình bày về các loại bản quyền trong lãnh vực này. Trong một lần anh Nhàn và anh Phước họp về chữ Nôm với tổ chức Unicode ở Hawai, (chuyện này do anh Nhàn kể lại), các anh đi xe buýt ra biển. Có một ông già cứ đi theo các anh nói là sẽ cố vấn các anh làm sao để đi đến những nơi đẹp, ít tốn kém nhất, …

palsAnh Phước cũng rất thích thú câu chuyện này và thường ví anh và các bạn là ông già kia, người ta không cầu mà chúng mình cứ cung với những đóng góp hoàn toàn không vụ lợi và đầy nhiệt tình ở Việt Nam. Các anh tự gọi mình là Old Men on the Bus vì thế. Sau hội thảo về công nghệ thông tin năm 2000 ở New York, một hôm bạn bè đi bộ trên phố đùa nhau là chúng ta  không những đã bắt đầu già mà còn ít đi điều kiện để thực hiện các hoài bão của mình, không còn cả xe để là « Người già trên xe buýt » mà là « người già đi bộ ». Nhóm OFOF (Old Folks On Foot) ra đời từ sự so sánh ngộ nghĩnh ấy, tập trung những người bạn thân và cùng chia sẻ mong muốn giúp đỡ Việt Nam dù phải gặp đủ mọi cản trở, khó khăn. Anh và chị Ánh, vợ anh, là thành viên sáng lập hội « Vòng Tay Thái Bình » (Pacificlinks) để đóng góp cho Việt Nam trong lãnh vực giáo dục. Anh chị cũng đã đồng sáng lập tổ chức VNHELP sau chiến tranh. Trong những ngày đi dạy học với anh ở Việt Nam, có những khi quá bực mình về những khó khăn mà chúng tôi đã gặp phải, nhiều lần bàn bạc với nhau, anh bao giờ cũng phản bác việc suy diễn quá xa các câu phát biểu của những người gây khó khăn. Bao giờ anh cũng bảo phải dựa vào bằng chứng, và phân tích nếu chúng ta không tổ chức được các khoá học thì ai là người sẽ chịu thiệt thòi nhất ? Thế hệ sau. Vậy phải tìm ra cách thoả hiệp. Lớn lên ở Mỹ, xuất thân từ một gia đình khoa bảng, trung lưu nhưng anh chưa bao giờ than thở gì về những điều kiện thiếu thốn hay những hành động cửa quyền ở Việt Nam. Anh đã hết sức kiên nhẫn và đảm nhận việc liên lạc tổ chức những khoá học ITBC (IT Boot Camp), kiên trì tháo gỡ các khó khăn để chúng được thực hiện. Tính lạc quan này đã giúp chúng tôi tổ chức rất nhiều khoá học. Đến khoá học cuối ở thành phố Hồ Chí Minh, « họ » đã không thực hiện đúng hợp đồng : không có máy điều hoà, không đủ máy tính, ăn trưa rất tệ khiến các học viên và người giảng dạy không thể chịu được. Khi giáo sư Trần Lưu Chương ở Việt Nam, người rất thiết tha với việc tổ chức các khoá học này, qua đời thì các ITBC cũng không còn. Một lần cùng đi ăn tối với anh ở Hà Nội, vào năm 2000. Một quán ăn tư nhân. Anh không uống rượu, không hút thuốc, sống hết sức điều độ và thể thao, có thói quen gọi soda khi đi ăn uống ở ngoài. Cô phục vụ hỏi anh và cả nhóm đã gọi soda chanh là muốn soda chanh đường hay chanh muối. Vốn sống ở miền Nam nên cả nhóm rất phấn khởi chọn soda chanh muối. Cô phục vụ sau đó đưa ra bốn lon soda, một đĩa chanh và một đĩa muối. Anh chịu thua « thực tế ». Anh rất dí dỏm, thích đùa và khôi hài một cách rất rất độc đáo.

Trong một lần dạy học ở Cần Thơ, nơi anh đã từng sinh sống khi cụ Đỗ Bá Khê ba anh là hiệu trưởng đại học Cần Thơ trước 1975, anh rất tự nhiên hỏi một  người  trong ban tổ chức tại sao tỉnh này lại gọi là Cần Thơ. Những cố gắng giải thích từ nguyên lẫn lịch sử vẫn không làm anh hài lòng và anh nói tỉnh khô : « Chắc là dân ở đây thiếu văn hoá nên mới cần thơ ». Chỉ sau đó người khác mới hiểu là anh đùa. Sau năm 2008, hai anh chị về Việt Nam sống và làm việc, sau khi tham gia thành lập nhóm VA-NGO, mạng chung cho nhiều hội thiện nguyện ở Mỹ để kết mạng và tối ưu hoá những đóng góp vật chất và kiến thức. Từ khi không có những cơ hội làm việc chung, mỗi người trong chúng tôi tiếp tục đóng góp riêng trong khả năng của mình. Chúng tôi vẫn gặp nhau mỗi khi có dịp về Việt Nam. Tôi gặp anh lần cuối vào tháng 12 năm 2013. Hôm nay được tin anh mất, tiếc thương anh vô hạn. Đất nước và thế hệ sau đã mất đi một người lặng lẽ nhưng kiên trì suốt đời đóng góp cho quê hương. Nếu gõ vào google để tìm Đỗ Bá Phước hay James Do, chúng ta còn thấy tên anh trên các trạm phỉ báng anh là tay sai cộng sản. Sinh ly tử biệt, tôi gửi những lời này thay cho lời chia buồn đến chi Ánh, Minh, con trai anh chị và nhóm « những người già đi bộ ». Vô cùng thương tiếc anh Đỗ Bá Phước, người đã đóng góp cho hoà bình, xây dựng đất nước và một lòng một dạ vì thế hệ sau.  

Thuỵ Sĩ, 10.1.2015

Hồ Văn Tiến



 

Trong nhóm tham gia phong trào đòi Mỹ rút quân chấm dứt chiến tranh

Phước là người trẻ tuổi nhất hăng hái tham gia

Lại cố gắng bồi bổ tiếng Việt vì bước chân tới Mỹ với tuổi đời còn quá nhỏ

Lúc nào cũng vui vẻ làm tất cả mọi chuyện, từ nhỏ đến lớn

Không thấy lớn tiếng, dù khó lòng không có lúc bực mình.

Bởi vì chàng trẻ tuổi hình như lúc nào cũng vui, luôn với nụ cười ngày ấy, vẫn không khác gì trên tấm hình mới chụp ở Phú Quốc, do một người bạn gửi, hai tay cầm hai trái dừa.

Sau chiến tranh, Phước tham gia nhiều chuyện khó mà kể hết.

Giúp chàng Cooperman, giúp nàng Ladinsky đẩy mạnh hợp tác khoa học Việt Mỹ

Mở đường cho bình thường hóa ngoại giao

Hợp tác với Nhàn, Hoàng làm chuẩn chữ Nôm, bảo tồn vốn cổ

Cùng với Ánh và các bạn mở VNhelp kiếm quĩ giúp học sinh nghèo

Và khi mọi người vẫn đang nghĩ đến về quê

Thì Phước về quê

Bây giờ thì Phước về quê thật

Vĩnh viễn

Như ngôi sao vụt tắt

Những ngôi sao trên trời có tuổi hàng tỷ năm

Cũng lấp lánh rồi biến

Ngôi sao Phước, tuổi đời nhỏ hơn nhiều, cũng tắt

Đó là lẽ tự nhiên

Vài hàng ghi lại lấp lánh của ngôi sao bạn

Vũ Quang Việt




(*) Chú thích của Diễn Đàn: Anh Đỗ Bá Phước thời đó còn là thành viên của tổ chức chuẩn hoá Unicode. Từ sớm anh đã chú ý nhiều đến việc mã hoá chữ Việt, chữ Nôm, và bàn luận về điều này qua các bài báo đăng Diễn Đàn sau đây:

  1. Chữ Việt trong máy tính : tiến tới tiêu chuẩn thống nhất; Diễn Đàn số 13, tr. 18, tháng 11.1992.
  2. Chữ Nôm : Văn hoá cổ truyền và thời đại thông tin (đồng tác giả) : Diễn Đàn số 99, tr. 19, và số 100, tr. 32 đã trích đăng một phần bài này. Toàn bài đã đăng tại Tạp chí Ngôn ngữ, tr. 11-22 số 4 năm 1999, Hà Nội.
  3. Chữ Việt theo Unicode : Diễn Đàn số 100, tr.30, tháng 10.2000.
  4. Unicode và chữ Việt : Diễn Đàn số 115, tr. 18, tháng 2.2002.

Về hai bài cuối, chúng tôi rất tiếc chỉ có thể đưa đường dẫn đến bản chụp toàn bộ hai số báo dưới dạng pdf. Việc số hoá các bài này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Anh Đỗ Bá Phước còn là đồng tác giả của báo cáo Phát triển phần mềm chữ Nôm tại Hội thảo Hè 2001, Aix en Provence, Pháp.

Ngoài ra, chúng tôi xin giới thiệu những thành quả quan trọng gần đây hơn về nghiên cứu chữ Nôm tại Số đặc biệt về chữ Nôm của tạp chí Thời đại mới (số 5, tháng 7-2005); và một tóm lược công việc chuẩn hoá Unicode cho chữ Nôm tại bài viết Chữ Nôm của tác giả Nguyễn Hoàng, Diễn Đàn số 16, tháng 02-1993.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us