Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Đỗ Bá Phước – người bạn hiền theo năm tháng cuộc đời

Đỗ Bá Phước – người bạn hiền theo năm tháng cuộc đời

- Ngô Trung Việt — published 16/01/2015 17:50, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Đỗ Bá Phước – người bạn hiền
theo năm tháng cuộc đời


Ngô Trung Việt



Với tôi, Phước vẫn thường xuyên hiện diện trong các nẻo đường cuộc sống, không có sự kết thúc, tất cả vẫn là những gì thường xuyên diễn ra. Luồng tâm thức đó đã hoà cùng với cuộc đời, trong những gì công nghệ để lại dấu vết hay trong tâm khảm của những người đã cùng đi với Phước. Mọi việc xảy ra, ngoài những gì hiển hiện bên ngoài chúng ta đã biết tới, còn có những điều không thể hiện ra, nhưng chúng ta có thể cảm thấy, và chính những cái đó là nền tảng chính cho sự phát triển của cuộc sống. Nói về những điều ngầm ẩn này khó, nhưng nhìn xuyên qua các sự tiến triển thăng trầm trong cuộc sống thì chúng ta có thể thấy được cái gì đó của tình yêu và trí tuệ mà Phước đã đem lại cho cuộc sống này.

Sáng suốt của những người theo sát sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới là ở chỗ có khác biệt lớn giữa làm khoa học thuần tuý và làm khoa học công nghệ. Và thời đại mới đã tới với sự nhấn mạnh vào khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất chính thúc đẩy thay đổi xã hội. Tuy nhiên cách nghĩ về thay đổi này chưa phải là được tiếp nhận đầy đủ bên trong Việt Nam. Đầu những năm 1990 Phước đã về Việt Nam, nhẹ nhàng, điềm đạm và thanh thản, nhưng cùng với Nhàn và Hoàng, đem lại một cách nhìn nhận mới cho những người làm khoa học trong nước.

Điều gây ấn tượng đầu tiên của Phước với tôi là cách tiếp cận các vấn đề khoa học kĩ thuật rất toàn diện, đầy đủ và có tính chất thực tế. Bất kì ai cùng làm việc cạnh Phước cũng đều cảm thấy sự sâu sắc, cẩn thận, chu đáo, và cách nhìn toàn diện của Phước. Điều đó được thể hiện ngay trong chuyến tới thăm và làm việc cùng với Tiểu ban mã chuẩn chữ Việt thuộc Bộ khoa học công nghệ, của các anh Đỗ Bá Phước, Nguyễn Hoàng và Ngô Thanh Nhàn. Anh Hoàng thì tôi đã được biết mấy lần cùng những điều mới mẻ anh nói tới khi anh tới thăm Viện Tin học, còn anh Nhàn thì được biết tên qua những bài viết và nghiên cứu của anh về chữ Việt trên máy vi tính. Hồi đó tôi làm việc ở Viện Tin học nhưng có tham gia các hoạt động về xây dựng bộ mã chuẩn 8-bit cho chữ Việt, dưới sự điều hành của anh Trần Lưu Chương.

Mục đích của buổi làm việc là các anh Nhàn-Phước-Hoàng trình bày về một bài báo đề nghị một cách mã hoá cho chữ Việt trong khuôn khổ 8-bit. Bài báo này đề nghị 3 bảng mã cho chữ Việt đáp ứng được cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả một mục đích là cho phép dùng kĩ thuật tổ hợp hình chữ, ghép dấu thanh với kí tự để tạo các dạng chữ Việt có dấu đầy đủ, ngoài các mục đích là biểu diễn đầy đủ thấy ngay chữ Việt và giữ nguyên các vùng mã điều khiển để cho các hệ phần mềm có trên máy 8-bit làm việc được. Sự độc đáo của đề nghị này là ở chỗ khi đặt chồng ba bảng mã này lên nhau, chúng ta thu được bảng mã tối thiểu mà dùng kĩ thuật tổ hợp có thể tái tạo được mọi chữ Việt. Tôi thấy đồng ý ngay với đề nghị độc đáo này, vì trong nước có rất nhiều nơi đề nghị các loại bảng mã mà không thể thống nhất hay thừa nhận lẫn nhau được. Lí do đơn giản là mạnh ai nấy làm, và chưa có lực lượng người làm phần mềm hỗ trợ.

Cả tiểu ban mã chuẩn chữ Việt cũng đồng ý với đề nghị này và chúng tôi nhanh chóng chuyển nó thành đề nghị của tiểu ban. Tiểu ban hoàn thành nhiệm vụ về mặt khoa học của mình sau khi đạt được một sự thống nhất về bảng mã đó. Nhưng với quan điểm của Nhàn-Phước-Hoàng, công việc tiến triển sang khía cạnh khác. Cái nhìn sâu của người bên ngoài nước là một đề nghị giải pháp khoa học phải vượt ra ngoài góc độ khoa học để tác động tới thực tế thì mới có giá trị thực tế. Đây cũng là điều tạo nên khác biệt giữa việc phát triển khoa học thuần tuý và việc phát triển khoa học công nghệ, điều đòi hỏi nhiều nỗ lực và hiểu biết hơn để chuyển từ ý tưởng thành hiện thực. Phước, một người làm việc nhiều năm với Unicode cùng Nhàn và Hoàng đặt vấn đề cần đưa đề nghị này thành chuẩn quốc gia thì mới mong có sự hỗ trợ của các công ti tin học quốc tế, trong hoàn cảnh lực lượng công nghệ trong nước còn yếu.

Những điều đó là những hướng dẫn để chúng tôi tiến hành các thủ tục với Trung tâm tiêu chuẩn Việt Nam, và sau một vài năm làm việc, bộ mã chuẩn tiếng Việt TCVN 5712 đã được ban hành. Những lúc khó khăn nhất khi có trục trặc chưa đạt tới đồng thuận để ban hành, Phước đã nói với tôi "Tất cả là tuỳ ở bạn. Làm bây giờ hay không bao giờ." Có nghĩa là nếu chúng ta không dấn lên để làm, sẽ không còn dịp nào để làm nữa. Phước-Nhàn-Hoàng thấy được tầm quan trọng của vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ làm nền tảng cho những phát triển công nghệ thế giới có thể giúp cho Việt Nam, nhất là việc làm cho chữ Việt Nam có trong máy tính thời đó và trong CNTT nói chung.

Đứng ở góc độ nhìn toàn thể sự phát triển của khoa học công nghệ những năm 1990, Phước-Nhàn-Hoàng tiếp đó đã đề nghị đưa chữ Nôm và chữ Chăm vào Unicode. Quả thật lúc đó tôi cũng như nhiều người khác mới chỉ quan tâm tới chữ quốc ngữ còn thì chữ Nôm và chữ Chăm, và nói chung các thứ chữ khác đều chưa quan tâm tới. Nhưng khi được các bạn hiền chỉ cho các chiều rộng lớn hơn của sự phát triển đang diễn ra, tôi hiểu thấu nhiều hơn câu nói của Phước "Tất cả là tuỳ ở bạn. Làm bây giờ hoặc không bao giờ." Mọi việc thế giới đang diễn ra như một con tàu chạy qua, mọi sự tuỳ ở chúng ta đuổi theo để đi cùng hoặc không bao giờ có việc đó nữa khi con tàu chạy qua rồi. Do đó phải học thêm, phải biết thêm những điều mình không biết để đáp ứng cho yêu cầu của thực tế. Một thực tế sôi động đang diễn ra trên thế giới mà nếu chỉ như các quan chức thông thường nhìn cục bộ vào phạm vi nhỏ hẹp trăm nghìn việc hàng ngày thì bao giờ cũng sẽ bị tụt hậu so với thế giới.

Không nói nhiều, nhưng bằng việc làm cụ thể Phước đã có đóng góp rất lớn cho việc tạo nền tảng các chữ Việt ngày nay được thể hiện trong mọi máy tính. Điều cơ bản mà Phước-Nhàn-Hoàng nhấn mạnh sau một đề nghị giải pháp kĩ thuật là phải có giải pháp tổ chức, phải làm sao đẩy được bộ máy trong nước chạy nhịp nhàng với các tiến bộ công nghệ trên thế giới. Nói cách khác, làm sao đưa những điều chỉ là các vấn đề khoa học công nghệ thuần tuý thành những vấn đề có tính chất thực tế và làm cho nhiều người khác, nhiều tổ chức khác cùng tham gia thúc đẩy. Và qua đó làm cho nhiều người trong Việt Nam tiếp cận được với những tiến bộ công nghệ mới trên thế giới và tham gia cùng với nó chứ không phải chỉ là kẻ đi sau thụ hưởng kết quả công nghệ.

Việc tham dự các hoạt động chuẩn hoá quốc tế là cần thiết để cho chữ Việt Nam có mặt trong các bộ kí tự quốc tế. Điều này không mấy người trong nước vào thời đó, và ngay cả ngày nay, hiểu được là cần thiết và quan trọng thế nào. Do đó trong thời kì đầu tham gia các hoạt động chuẩn hoá công nghệ thông tin thế giới, phần lớn đó là những nỗ lực cá nhân để tham gia dưới danh nghĩa Ban kĩ thuật công nghệ thông tin của Việt Nam. Chỉ khi chương trình công nghệ thông tin quốc gia được thành lập thì mới có một phần ngân sách dành cho các hoạt động chuẩn hoá quốc tế này.

Nhưng cách nhìn của Phước và Nhàn còn vượt xa hơn để giải quyết vấn đề một cách toàn diện hơn. Trong một lần đi họp cuộc họp của WG2 bàn về việc đăng kí kí tự đồng Việt Nam cho Unicode và đề nghị mã hoá chữ Nôm và chữ Chăm, Phước nói với tôi "Tôi thấy tham gia hoạt động quốc tế là tốt nhưng chưa đủ. Vấn đề là người dùng phải có phần mềm dùng thì mới được. Mà trong nước chắc còn dùng phần mềm của các công ti quốc tế nhiều. Vậy phải làm sao để các công ti quốc tế làm các phần mềm giúp chúng ta, tức là phải đưa các kí tự của chúng ta vào các bảng mã của họ." Thế là tôi và Phước quyết định cùng nhau bay lên đại bản doanh của Microsoft tại Redmon để tìm cách làm việc với Microsoft về bảng mã chữ Việt. Kết quả chuyến đi là chúng tôi đã thảo luận với Derek của Microsoft về việc Microsoft xây dựng bộ mã cho chữ Việt, và như chúng ta biết, đã có bảng mã CP 1258 của Microsoft cho tiếng Việt, về căn bản dựa trên đề nghị mã hoá của Phước-Hoàng-Nhàn mà đã được biến thành TCVN 5712.

Tiếp đó chúng tôi làm việc với đại diện của IBM để họ xây dựng bảng mã của họ cho tiếng Việt, và điều đó cũng thành hiện thực với bảng mã CP 1129 của IBM cho chữ Việt. Các kết quả này được giới thiệu với nhóm công nghệ thông tin đa ngữ của Nhật Bản với một ý định về xây dựng bộ mã 8-bit cho chữ Việt theo kiểu họ bộ mã quốc tế 8859, và họ thấy thú vị và quan tâm. Sau đó khi Nhật Bản làm chủ tịch SC2, ông chủ tịch người Nhật đã đặt vấn đề với tôi về Nhật ủng hộ Việt Nam xây dựng bộ mã 8 bit cho chữ Việt theo kiểu bộ mã 8859. Tôi đã thảo luận với Phước và quan điểm của Phước là "Làm gì thì cũng phải có người quan tâm làm. Bây giờ thế giới chuyển sang 16 bit rồi, làm mã 8 bit chỉ được cái tiếng nhưng không ai dùng, không công ti nào ủng hộ thì làm để làm chi?" Thế là chúng tôi chân thành cám ơn nhã ý của phía Nhật và không nêu vấn đề này ra nữa.

Không chỉ vậy Phước-Nhàn-Hoàng trao đổi thêm về việc phải có sự thống nhất sử dụng bộ mã chuẩn trong nước để làm cơ sở cho các phát triển ứng dụng tin học đang diễn ra. Ý kiến này được tiểu ban chuẩn của chương trình công nghệ thông tin quốc gia, dưới sự lãnh đạo của anh Chương ủng hộ và được anh Diệu coi là quan trọng. Từ đó đi tới quyết định đầu tư cho một nhóm làm phần mềm phát triển bộ phần mềm xử lí văn bản ABC dựa trên TCVN 5712. Lực lượng làm phần mềm trong nước bắt đầu được khuyến khích đi theo hướng chuẩn hoá và các cơ quan nhà nước được yêu cầu thống nhất sử dụng bộ phần mềm này. Đây là những hoạt động hướng tới việc thúc đẩy sự phát triển của lực lượng làm phần mềm trong nước cũng như thống nhất hoá dần việc sử dụng phần mềm theo chuẩn.

Quay trở lại nói về chữ Nôm, vì thực ra trong Unicode thì vấn đề mã hoá cho chữ quốc ngữ không còn gì phải bàn nữa, mọi thứ đã có sẵn, Phước nói với tôi, "Bây giờ chúng mình làm mã hoá cho chữ Nôm đi." Tôi trố mắt ra, "Mình có biết chữ Nôm nào đâu, mà nó cổ rồi, có ai dùng đâu, bỏ đi rồi mà." Phước nháy mắt nói, vẫn cái giọng hóm hỉnh "Nhưng mà nó là chữ của Việt Nam." Tôi giật mình, thôi chết, từ lâu mình cứ nghĩ nó là tử ngữ, nó là của Trung Quốc, nhưng thực sự nó là của ông cha chúng ta đã dùng, đã biến hoá cách viết của người Trung Quốc thành cách viết của Việt Nam chứ đâu phải của Trung Quốc. Nhàn thủng thẳng thêm, "Chính là các thế lực thực dân mới muốn người Việt Nam quên gốc rễ văn hoá, xoá bỏ chữ Hán Nôm. Thế rồi hệ thống giáo dục thấy chữ quốc ngữ tiện lợi và không hề nhắc tới việc dân tộc ta có hai thứ chữ viết cần trân trọng. Chữ Nôm là cầu nối với quá khứ của dân tộc, không đọc được thì cũng không biết tỏ tường các vết tích văn hoá lịch sử còn lại. Nếu chúng ta không quyết liệt bây giờ thì bao giờ?" Quan niệm về chữ Nôm khi được hiểu là của chúng ta đem lại cho tôi cách nhìn khác, thân thiết và có trách nhiệm hơn với cái vô minh trước đây của mình về chữ biểu ý này. Thế là tôi bắt đầu cuộc hành trình mã hoá chữ Nôm cùng với Nhàn và Phước và nhiều người nữa, nhưng không nghĩ được rằng nó gian nan thế. Từ lúc bắt đầu năm 1994 tới nay đã hai chục năm trôi qua mà nhiều việc thấy cần làm vẫn còn đầy ra đấy. Nhưng mọi sự đều phải bắt đầu từ những việc nhỏ bé.

Sau cuộc họp tại Hawaii mà Phước và Nhàn tham dự với nhóm chữ biểu ý để chuyển từ nhóm CJK (viết tắt China-Japan-Korea) thành nhóm IRG, Phước và Nhàn đề nghị Việt Nam đứng ra làm nước chủ nhà cho cuộc họp thứ 2 của nhóm IRG mới thành lập, coi như sự bắt đầu của Việt Nam tham gia quá trình chuẩn hoá CNTT thế giới. Tôi bắt đầu tham gia các cuộc họp quốc tế này, và các cuộc họp quốc tế khác của nhóm WG2 liên quan tới việc đưa chữ Nôm vào Unicode. Lúc đầu dự họp thật khó khăn, nghe tiếng Anh còn chưa quen, vấn đề về chữ biểu ý thì không rành, người trong nước thì không hiểu và coi là việc không cần thiết. Nhưng vấn đề thành rõ ràng, nếu chúng ta không tham gia các cuộc họp quốc tế thì không ai đứng ra bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của chữ Nôm trong Unicode và ISO 10646.

Công việc về chữ Nôm bắt buộc phải có các chuyên gia vừa am hiểu chữ Nôm vừa am hiểu công nghệ thông tin, điều này đưa tới việc kết hợp tri thức chuyên gia của nhiều người từ hai mảng khác nhau: chữ Hán Nôm và công nghệ thông tin. Thách thức mới nảy sinh là làm sao tổ chức cộng tác được các chuyên gia không quen biết gì nhau để cùng làm việc chung. Lực lượng chuyên gia Hán Nôm và chuyên gia tin học tại viện Hán Nôm được huy động cùng tham gia quá trình chuẩn hoá với các tài trợ tới từ chương trình công nghệ thông tin quốc gia. Lực lượng công nghệ trong nước phải trưởng thành để tiếp nhận những kĩ thuật xử lí font và mã mà quốc tế và Unicode đưa ra và để đi theo kịp việc xây dựng Unicode. Nhưng các công ti tin học trong nước phần lớn tập trung vào kinh doanh và đáp ứng nhu cầu hiện đại, hầu như không có công ti nào làm về mã và font. Điều đó đặt ra tình huống cần phải xây dựng các nhóm chuyên viên trẻ để tiếp nhận công nghệ và kĩ thuật mới.

Nhàn dấn thân vào việc hình thành và xây dựng lực lượng này, nhấn mạnh một điểm quan trọng là có mã rồi phải có font thì máy tính mới hiển thị được chữ Hán Nôm, bằng không, các phần mềm vẫn chưa thể xử lí được. Nhàn đi sâu vào chỉ đạo một nhóm chuyên viên trẻ phát triển và xây dựng bộ font Nomnatong cho các chữ Nôm đã được đưa vào Unicode cũng như các chữ mới đang chờ được đưa vào tiếp. Phước hăng hái giới thiệu các kĩ thuật xử lí mã thay thế (surrogate) đối với các kí tự được mã hoá ở các mặt phẳng bên ngoài mặt phẳng đa ngữ cơ bản BMP. Tôi cũng cùng tham gia với Nhàn vào công việc này, và cũng học tập được rất nhiều kinh nghiệm xây dựng font từ Đỗ Quốc Bảo, người đã phát triển các bộ font Han Nom A-B. Các kĩ thuật xử lí surrogate được dùng hữu hiệu để phát triển các bộ font bên ngoài mặt phẳng đa ngữ cơ bản BMP. Tiếp đó Nhàn cùng Phước đặt vấn đề khuyến khích các thanh niên tham gia phát triển phần mềm gõ chữ Nôm.

Rồi đến khi web phát triển, nhu cầu hiển thị chữ Hán Nôm trên web trở thành quan trọng, trong khi các bộ font chữ Hán Nôm vừa lớn vừa chưa được phổ biến. Phước đã đi tiên phong trong việc dùng kĩ thuật SVG để tạo ảnh cho các chữ Hán Nôm cho phép hiển thị trên trang web mà không cần cài đặt bộ font nào. Tôi luôn hình dung thấy Phước cặm cụi mỗi lúc lại đưa ra một điều mới để phổ biến cho mọi người mỗi khi có những tiến bộ mới, điều mà tôi ngồi trong nước chả thể nào biết được. Vấn đề rõ dần ra là với mọi kiểu chữ viết, mã hoá trong máy tính là một phần cơ bản, nhưng tiếp đó phải phát triển font, phải phát triển chương trình gõ chữ thì mọi người mới dùng được. Rồi trên cơ sở đó mới nói tới chuyện các hệ phần mềm ứng dụng khác đáp ứng cho nhu cầu truy nhập và xử lí các vốn văn hoá cổ.

Một điều nữa Phước Nhàn và tôi hay nói chuyện với nhau và thấy ra vấn đề với việc mã hoá các chữ viết trong Unicode là tri thức chuyên gia của các chuyên gia ngôn ngữ và văn hoá trong nước không đủ đáp ứng được cho đòi hỏi cao của các nhóm làm việc quốc tế trong Unicode cho nên các đề nghị của mình với tổ chức quốc tế nhiều khi không được chấp nhận. Trong hoàn cảnh này chúng tôi thấy phải tận dụng năng lực và uy tín của các chuyên gia quốc tế thì mới có thể giúp cho quá trình đưa chữ viết của Việt Nam vào Unicode. Điều đó được áp dụng cho hoàn cảnh các chữ dân tộc Chăm và chữ dân tộc Thái của Việt Nam.

Dự thảo đầu tiên về đưa chữ Chăm của Việt Nam vào Unicode do Nhàn đề xuất và đã trình cho cuộc họp của WG2 từ năm 1994 và được treo đó. Chúng tôi đã cộng tác với các chuyên gia chữ Chăm cả trong lẫn ngoài nước để thu thập thông tin và cách cấu tạo chữ Chăm rồi đặc biệt đề nghị một chuyên gia quốc tế về chữ viết theo họ chữ Brahmic (Ấn Độ), Michael Everson, làm chủ trì cho dự án về chữ Chăm. Sau 13 năm đeo đuổi, chữ Chăm đã được đưa vào Unicode năm 2007.

Dự thảo đầu tiên về đưa chữ dân tộc Thái của Việt Nam vào Unicode do anh Cầm Trọng và tôi đề nghị với nhóm làm việc WG2 cũng bị treo lại. Lí do là vì bộ chữ đề nghị là chữ Thái cải tiến của nhóm anh Cầm Trọng, không được đông đảo người dùng và chuyên gia quốc tế chấp nhận. Các cuộc hội nghị về mã hoá chữ dân tộc Thái trong các năm 2005-2006 với sự tham gia và tổ chức của Phước và đặc biệt mời Jim Brase, một chuyên gia về các chữ Thái của Việt Nam (tên quốc tế gọi là chữ Tai), làm người phụ trách soạn thảo, đã quay về với bộ chữ Thái cổ truyền và được đề nghị cho WG2 cuối cùng cũng đưa tới kết quả là chữ Thái của Việt Nam được đưa vào trong Unicode năm 2007.

Việt Nam nằm tại điểm hợp lưu của nhiều luồng văn hoá, cho nên cũng đã xuất hiện đủ ba loại chữ viết lớn trên thế giới ở Việt Nam: chữ biểu ý, chữ theo dòng Brahmic (chữ Ấn Độ) và chữ latin. Chữ của dân tộc Thái và chữ của dân tộc Chăm ở Việt Nam đại diện cho luồng văn hoá chữ viết du nhập từ phía Tây (Ấn Độ) vào. Chữ Hán Nôm thì ai cũng rõ là sáng tạo của ông cha chúng ta để cải biên chữ Hán (du nhập từ phía Bắc) cho biểu diễn tiếng Việt. Và chữ quốc ngữ là việc mượn cái vỏ chữ latin để biểu diễn cho tiếng Việt được du nhập vào từ phương Đông theo đường tầu biển.

Điều khá thú vị là nếu chúng ta nhìn vào các từ điển xưa của Huỳnh Tịnh Của hay các tài liệu từ thời đó, sẽ thấy một số kí tự chữ dân tộc Thái Việt Nam còn được ghi lại để biểu diễn cho cách nói của người Việt. Dựa trên sự kiện này có một số suy đoán rằng có thể dạng chữ Thái Việt Nam là chữ Việt cổ, có từ thời Hùng Vương. Có người còn bỏ rất nhiều công sức để phục dựng và tạo dạng cho cách viết tiếng Việt bằng việc dùng các con chữ Thái cổ được cải biên. Tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng khai quật lịch sử nào hỗ trợ cho mong ước về một loại chữ cổ như vậy.

Nhìn lại những sự việc đã xảy ra và những kết quả đọng lại trong Unicode đều thấy nổi lên trí tuệ và niềm say mê của Phước phảng phất đâu đây. Ngồi nói chuyện với nhau, Phước có lần nói, "Công nghệ có nhiều phát triển mới, mình làm sao làm cho công nghệ hỗ trợ được cho văn hoá dân tộc thì cũng là điều tốt." Tôi cũng đồng ý với điều này vì thực sự mình không tham gia vào các hoạt động kinh doanh công nghệ, thì mình có thể làm việc chuẩn bị nền tảng cho vốn văn hoá dân tộc rồi đây sẽ được công nghệ hỗ trợ để phổ cập cho mọi người. Công việc chuẩn bị đường, vạch lối cho những phát triển về sau nhiều khi phải được nghĩ tới, tính tới từ nhiều năm trước.

Qua những việc đã xảy ra, đã được làm, đã có kết quả trong một thời kì nào đó, tôi chợt nhận ra là Phước không phải chỉ là một chuyên gia giỏi về công nghệ, hình như Phước còn có phẩm chất bẩm sinh của người lãnh đạo để kết hợp được nhiều người cùng làm việc. Vì hai phẩm chất cơ bản nhất của người lãnh đạo là tạo ra viễn kiến mới và làm hứng khởi mọi người khác cùng làm theo Phước đều có cả. Vẫn cách nói nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng khắc vào lòng người những điều sẽ xảy ra và từ đó hình thành nên cái gì phải làm, và sự thôi thúc cùng chung tay vào một cái gì đó tạo thành đợt sóng để rồi còn để lại các dấu ấn về sau. Phước cho tôi một hình ảnh rất đẹp về một con người khiêm nhường nhưng đầy hiểu biết, mạnh dạn tiến lên làm người lãnh đạo qua các viễn kiễn và tính thuyết phục của mình. Hoàn thành xong việc rồi lặng lẽ ra đi như không việc gì xảy ra. Con người đó chân chính ở chỗ khi thấy hoàn cảnh yêu cầu thì tự gánh vác và giải quyết vấn đề. Làm xong lại bước xuống, nhường chỗ cho những người khác có khả năng bước lên giải quyết vấn đề khác. Người lãnh đạo thực sự không phải là vì họ ở chức vụ nào đó mà là vì năng lực và tấm lòng của họ. Không có chuyện người làm, đó chỉ là những điều cuộc sống muốn thực hiện qua chúng ta, chúng ta chỉ là những thành phần tham gia vào sự sáng tạo vĩ đại này.

Những việc cần làm ở giai đoạn hình thành nên Unicode dần qua đi, những điều mới xuất hiện lại đưa Phước vào những hoạt động mới. Nhìn vào thực tại phát triển công nghệ trong Việt Nam, Phước nói một nhận xét với tôi, "Tôi thấy các công ti ở Việt Nam làm việc chưa được bài bản, làm sao để cho mọi người biết cách phối hợp làm việc với nhau thì mới theo được với thế giới." Chắc cũng từ nhận xét đó mà Phước đã cùng một số anh chị khác nêu ra sáng kiến tổ chức các khoá đào tạo công nghệ thông tin, IT Boot Camp cho những người đang làm việc trong các tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam. Anh Hoàng, anh Hà Dương Tuấn, anh Tiến, anh Thịnh, anh Khánh, anh Hiển, nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực cũng cùng tham gia vào hoạt động đào tạo và phổ biến các tri thức công nghệ và kĩ nghệ này cho lực lượng phát triển CNTT ở trong nước.

Phước tham gia việc hoạch định và tổ chức đưa các tri thức mới vào Việt Nam. Tôi thấy rất thú vị ở những bài trình bày của Phước, vì nó hoàn toàn đi ra khỏi cách giảng dạy truyền thống. Nó là những bài luyện trực tiếp, các trò chơi, các vấn đề mà người học phải làm và tự rút ra những kết luận cần thiết cho mình về cách tổ chức làm việc thế nào. Tôi lờ mờ cảm thấy một cái gì đó mới trong phương pháp giảng dạy, nhưng hồi đó không hình dung ra được là gì. Mãi cả chục năm sau tôi mới ngày càng thấy rõ phương pháp dạy và học mới này, mà bây giờ đã khá phổ biến ở các nước tiên tiến: Học qua hành. Từ những vấn đề rất kĩ thuật của khoa học công nghệ, giờ Phước lại thể hiện những vấn đề mới của tổ chức và quản lí. Tôi hiểu đây là đòi hỏi mới của người làm công nghệ, người ta không thể chỉ là người công nghệ thuần tuý được nữa, người ta còn phải là người lãnh đạo và quản lí những người khác cùng cộng tác trong các hoạt động tri thức. Và nếu trong doanh nghiệp, đòi hỏi thực tế là người ta phải được trang bị thêm các tri thức về doanh nghiệp thì lúc đó mới đáp ứng được yêu cầu mới của thời đại: con người công nghệ và doanh nghiệp.

Đào tạo cho doanh nghiệp lúc đó là cần thiết vì nhiều người làm việc ở các công ti công nghệ ở Việt Nam chỉ được đào tạo ở đại học với vốn tri thức chuyên môn thuần tuý, và nhiều khi còn chậm sau thế giới nhiều năm, cần được đào tạo cách làm việc theo kĩ nghệ, theo qui trình. Nhưng việc đào tạo này chỉ có thể được tiến hành nếu có đầu tư và sự quan tâm của các công ti, mà các công ti thì lại dần không mặn mà với việc đào tạo nữa vì tình trạng mất người và nhảy việc của nhân viên cũng như tình trạng săn đầu người của các công ti khác. Thời gian này tôi không cùng làm việc nhiều với Phước nữa, nhưng theo dõi những việc Phước làm, tôi cảm nhận rõ là Phước có ý định chuyển giao những hiểu biết về doanh nghiệp công nghệ cho người Việt Nam bằng việc trực tiếp tham gia vào các công ti đang hoạt động tại Việt Nam. Chính qua điều này mà những người làm việc với Phước sẽ được chuyển giao các tri thức và kinh nghiệm tốt nhất.

Bây giờ chúng ta lại đang đứng trong một giao thời mới, bước chuyển từ các vấn đề của công nghệ máy móc sang các vấn đề của sự cộng tác tri thức giữa những con người tri thức trong các tổ chức tri thức, xã hội tri thức. Những việc làm trước lúc ra đi của Phước làm hé lộ ra chiều hướng phát triển mới này và là điều chúng ta cần cảm nhận để chia sẻ cùng Phước những băn khoăn và trăn trở với dân tộc trong thời kì phát triển mới. Tri thức và tài năng sẽ trở thành nguồn lực chính mà các công ti và quốc gia trên thế giới ra sức chiếm giữ. Trong bối cảnh đó, những người tài sẽ hướng tới những nơi cung cấp cho họ hoàn cảnh làm việc và cuộc sống thuận lợi nhất. Các nước đang phát triển làm sao có thể khai thác được nguồn tài năng và tri thức của mình để phát triển lên được? Mọi xu hướng đang dồn vào việc làm sao có thể phát huy tài năng trí tuệ của quốc gia và biến thành sức mạnh vật chất. Điều này chuyển sang vấn đề phát triển những công nhân tri thức mới, thay đổi và cải cách căn bản giáo dục đào tạo, gắn chặt phát triển công nghệ cao, kinh tế với đào tạo toàn xã hội. Chính những việc làm của Phước cho phép hình dung ra sự phối hợp giữa công nghệ và doanh nghiệp và giáo dục để hình thành nên những lực lượng lao động tri thức trong tương lai.

Nhìn lại những chặng đường qua, mọi thứ đã đến rồi đã đi, cái còn lại vẫn là một người bạn hiền, Đỗ Bá Phước, một niềm say mê, một trí tuệ bao quát toàn diện, và cứ thế lặng lẽ tiến hành mọi việc cần thiết, làm sao có lợi cho chữ Việt, cho người Việt. Cuộc sống đơn giản vậy thôi, và tôi nghĩ chắc Phước cũng thấy hài lòng vì đã làm hết mình, đáp ứng mọi đòi hỏi của hoàn cảnh, để đi hết những năm tháng cuộc đời mình.

Ngô Trung Việt



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us