Giáo sư Lý Chánh Trung
Giáo sư Lý Chánh Trung:
“Tìm về Dân tộc”
và hướng tới “điểm cùng tận”
Nguyễn Nghị
Nhớ lại những gì đã đọc được của Giáo sư Lý Chánh Trung, một nhân vật đã sống trong một thời kỳ ‘khó khăn’, và có thể nói, đã làm chứng về thời đại mình sống bằng những bài viết xuất hiện công khai trong dư luận, tập sách nhỏ mang tựa đề Tìm về dân tộc, do Trình Bầy xuất bản năm 1967 là cuốn sách đầu tiên của giáo sư tôi được đọc và đó cũng là một trong những tác phẩm và bài viết của ông tôi nhớ lâu nhất. Cuốn sách có vẻ hấp dẫn ngay từ những trang đầu khi ông nhớ về cái tỉnh “đẹp vô song”, đối với người quê ở tỉnh, nhưng chẳng mấy người ngoài tỉnh thèm đặt chân tới dù rất gần:
“Vĩnh Bình là quê tôi, cách Saigon đúng 204 cây số. Muốn đi Vĩnh Bình, phải về miền Tây, qua Bắc Mỹ Thuận, tới Vĩnh Long rồi rẽ qua phía bờ biển. Đi Vĩnh Bình như chui vào cái rọ; tới nữa là lọt xuống biển, sang hai bên thì đụng hai cửa sông Cửu Long. Có lẽ vì cái vị trí “đường cùng” đó mà ít người dám xuống tới tỉnh tôi và mặc dầu không xa Saigon lắm, nó vẫn bị xem là một nơi khỉ ho cò gáy.
“Nhưng ai chê thì chê, chớ đối với dân Vĩnh Bình thì tự nhiên là tỉnh Vĩnh Bình đẹp vô song”.
“Nước mặn đất nghèo, nhưng lòng người chơn thật. Tôi đã sống nơi đây một thời thơ ấu yên lành và trong sáng. Cho nên bài thơ con cóc đầu tiên mà tôi đã rị mọ đẻ ra để ca tụng cái tỉnh “hóc bà tó” của tôi :
“Ở tỉnh Trà Vinh, đất Phật
vàng
Đường thêu bóng mát, rộng
thênh thang
Chiều chiều sương xuống, đèn
lên đỏ
Rộn rã tưng bừng tiếng quốc
vang1.
Có thể xem đây là một trang
trong những trang đầu của một cuốn
Hồi ký mà nhiều người quen biết
và quý mến giáo sư muốn ông
viết, nhưng hình như ông đã
không viết… ….
“Lòng người chơn thật”, “một tuổi thơ yên lành và trong sáng”, quê hương ông, dù có bị đổi tên từ Trà Vinh thành Vĩnh Bình “mà không hỏi ý kiến của người dân bản xứ”, dù có nằm ở vị trí “đường cùng”, với “nước mặn đất nghèo”, nhưng vẫn là một “tỉnh đẹp vô song”, đến cái độ đã khiến ông xuất khẩu thành thơ và phải trả giá đắt : “Có lẽ vì cái tánh thơ thẩn lang thang đó mà năm 1940, tôi thi rớt tiểu học”, như ông đã thú nhận. Nhưng rồi ông cũng đã “giựt được mảnh bằng Tiểu học một cách oai hùng” mặc dù ông học với một ông thầy “làm biếng không ai bằng”.
“Tôi được may mắn học Việt văn với cụ Diệp văn Kỳ -mà chúng tôi gọi là Papa2 Kỳ- một nhà báo nổi tiếng thời đó. Papa Kỳ làm biếng không ai bằng, trọn một năm chỉ cho một bài luận mà đến cuối năm, khi chúng tôi dâng hoa và đọc đít-cua3 từ biệt, có đứa cắc cớ nhắc lại bài luận đó thì Papa cười hề hề mà nói: “Văn của tụi bay ai mà sửa cho nổi!” Nhưng Papa có cái tài đặc biệt đưa tâm hồn chúng tôi vào không khí của một áng văn, một bài thơ. Papa cũng tùy hứng mà dạy, không theo một chương trình nào, nên năm đó, chúng tôi được thưởng thức đến cả thơ Lý Bạch: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai…”.Viết lại những giòng nầy, tôi có cảm tưởng còn nghe nước sông Hoàng Hà từ lưng trời ào ào đổ xuống theo giọng nói sang sảng của Papa Kỳ. Đó là cái vốn ‘Văn hóa dân tộc’ tối thiểu mà sau này tôi mới thấy rõ tầm quan trọng”4.
Con đường thênh thang hướng đến “điểm tận cùng”
Con đường Tìm về dân tộc của ông lại không dẫn người ta trở lại phía sau, tới một cái “hóc bò tó”, tuy có thơ mộng và “đẹp vô song” mà là hướng tới phía trước, tới một “điểm cùng tận”, nơi mọi sự trở thành hoàn hảo. Không ít bài viết của ông, dù là ký sự “Những ngày buồn nôn” đăng trong báo Tin Sáng trọn một năm, từ tháng 3/1970 đến tháng 3/71, cũng đều phảng phất một lời mời gọi hướng tới, và cùng xây dựng “một xã hội tốt đẹp”, như ông đã công khai phát biểu khi trả lời phỏng vấn của Tập san Thái độ do Thế Uyên chủ trương, về Chiến tranh, Cách mạng, Hòa bình5.
Câu hỏi được Thái Độ nêu ra: “Cách mạng nào cũng phá hủy mọi cơ cấu tổ chức xã hội cũ để tiến tới xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Ông cho biết theo quan điểm riêng của ông, xã hội tốt đẹp hơn ấy phải như thế nào và ra sao?”
Giáo sư trả lời: “Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có đủ điều kiện để con người có thể đối xử với con người như anh em. Còn bóc lột, áp bức thì không thể có tình huynh đệ. Nhưng chấm dứt bóc lột, áp bức chỉ là điều kiện cần để thực hiện tình huynh đệ, không phải là điều kiện đủ. Một xã hội thực sự huynh đệ là một xã hội trong đó mọi người đều là thánh nhân, trong suốt với chính mình, với kẻ khác và do đó, có thể thông cảm hoàn toàn, hiệp nhứt hoàn toàn với kẻ khác. Đó là cái điểm “omega6” của cha Teillard de Chardin7: cái điểm này ở ngoài lịch sử”.
Cái nhìn của ông về một xã hội tốt đẹp có thể mang bóng dáng của ảo tưởng, nhưng ông lại cũng tỏ ra là con người thực tế khi ông bàn về tính lịch sử của cuộc sống con người để làm nền tảng cho lời mời gọi xây dựng cái xã hội tốt đẹp ấy ngay trong lịch sử này. “Trong lịch sử, chúng ta chỉ có thể tìm cách đập tan những hình thức đàn áp, bóc lột, những điều kiện sinh hoạt trong đó con người chỉ có thể đối xử với con người như lang sói …. Những kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng chấm dứt một hình thức đàn áp, bóc lột không phải là chấm dứt bóc lột đàn áp, Những hình thức khác lại xuất hiện…”.
Nhưng thực trạng này không ngăn cản người ta đi tới. Cái điểm ‘omega’ ấy, cái điểm cần hướng tới dù biết rằng con người chẳng thể đạt tới một cách trọn vẹn bao lâu còn ở trong lịch sử đã lôi kéo ông không dứt, khiến ông thao thức, tìm kiếm, chọn lựa và quyết định...
Và ông bàn về con đường đi tới, nhất là về thái độ cần có của những người đồng hành.
Trong một bài báo đăng trên báo Đại Dân tộc nhằm trao đổi với tác giả của Đường hay pháo đài8 về một chọn lựa của ông không được tác giả trên ủng hộ, Giáo sư đã mượn hình ảnh con đường trong tập sách này để khẳng định về chọn lựa của ông.
Ông trích Đường hay pháo đài: “Nơi trang 15, có một đoạn rất hay : “Trên con đường đó, người ta tha hồ đi; có kẻ đã đặt một chuẩn đích phía trước mặt, có kẻ chỉ hướng về một chuẩn đích chưa rõ rệt và có lẽ chẳng bao giờ rõ rệt, có kẻ mãi mãi lang thang tìm kiếm.
Nhưng ai cũng đi, người này bên cạnh người kia, không phải dẫm chân lên nhau, không ai dừng lại mà dựng lô cốt để yên nghỉ ngay giữa đường, chận bước tiến của kẻ khác. Không ai đem giây thép gai rào ngang. Mọi người vừa đi vừa gặp nhau trong cùng một nỗi khắc khoải của lòng mình, trong sự thu hút của chân trời đằng trước mặt”.
Giáo sư Lý Chánh Trung nhận định:
“Con đường thênh thang lộng gió trên đây là con đường tôn giáo. Nhưng bất cứ con đường nào cũng phải thênh thang như vậy, vì yếu tính của con đường là nối liền chớ không phải phân ly.
“Con đường dân tộc hay con đường hòa bình cũng là một con đường thênh thang trên đó ‘người ta tha hồ đi’.
“Có những người đi bên trái, có những người đi bên mặt, có những kẻ hăng hái tiên phong, có những kẻ tà tà hậu tập, có những người vững một niềm tin sắt đá, có những kẻ lưỡng lự hoài nghi, có những người xông pha ngày đêm không mỏi mệt, có những kẻ lâu lâu phải tìm một bóng mát nghỉ chân… Nhưng tất cả những người đó, khi nào họ còn hướng về phía dân tộc, về phía hòa bình, đều cùng đi trên một con đường”
Đường rộng thênh thang nhưng lại đầy những lựa chọn khó khăn, đôi khi chỉ còn lại lương tâm làm chuẩn mực:
“Mỗi lựa chọn là một sự ‘đánh cược’ với lịch sử mà mỗi người phải làm trước lương tâm mình, và ai cũng có quyền đánh cược. Nhưng dầu lựa chọn cách nào, chúng vẫn đang cùng đi trên một con đường nếu chúng ta thành thật muốn có sự hòa giải giữa người Việt”9.
Giáo sư cũng đã từng cho thấy đối với bản thân ông, sự chọn lựa không phải là dễ dàng. Ông không che giấu những khắc khoải. Một sinh viên10 từng theo học lớp Triết với Giáo sư tại Đại học Văn khoa Saigòn nhớ lại: Có một lần, tại lớp học, Giáo sự đã thổ lộ ông muốn đổi tên thành một Lý Chân Nhân! hay Lý Chơn Tâm, Lý Chân Tâm ,… quả thực đến bây giờ tui không còn nhớ rõ !
Bọt biển và sóng ngầm
Những khắc khoải này của ông cũng còn được bộc lộ qua các bài báo, đặc biệt năm mươi bài ký sự mang tên ‘Những ngày buồn nôn’ đăng trong báo Tin Sáng từ 3/70 đến 3/71. Nguyễn Ngọc Lan, giới thiệu sưu tập Năm chục bài ký sự này mang tựa đề Bọt biển và sóng ngầm của giáo sư Lý Chánh Trung với những hàng sau đây : “Năm mươi bài ký sự là một tài liệu lịch sử quý giá của những ngày đấu tranh gian khổ ở miền Nam. Qua giọng văn trầm buồn và nhất là với đề tựa ‘Những ngày buồn nôn’ người ta có thể liên tưởng đến một thái độ bi quan, co rút –nhưng vẻ chán chường này, nếu có thì chỉ bên ngoài, nhưng niềm lạc quan thật sự đã hiện rõ dần : mặc dù chiến tranh, mặc dù tàn phá, mặc dù gông cùm, mặc dù ngoại bang, dân tộc này vẫn tràn đầy sức sống và dân tộc này sẽ thắng!”.
‘Đó là những niềm tin tưởng mà tôi muốn gởi đến những khuôn mặt anh em trước thềm năm mới” (trong bài “Những khuôn mặt anh em”) –Phải chăng đó cũng là ý nghĩa của “Bọt biển và Sóng ngầm” : những đợt sóng ngầm mang tên Hòa bình, độc lập công bằng, tự do, đang lặng lẽ dâng lên từ lòng dân tộc.”11.
Xin kết thúc bài viết này bằng một kỷ niệm nhỏ. Tôi thỉnh thoảng được giao nhiệm vụ tới nhà giáo sư Lý Chánh Trung lấy bài ông đã nhận viết và đã hẹn ngày tới lấy. Thời này chưa sử dụng mạng nên phải tới tận nhà nhận bài viết. Một lần nhận nhiệm vụ là một lần hồi hộp: may lắm thì được giáo sư hẹn “chờ một chút. Có mấy chỗ tôi cần coi lại.” Không may thì về không. Nhưng dù may hay không may, khi cầm bài viết của ông trong tay, tôi luôn được chút yên ủi là tin chắc bài viết mình nắm trong tay sẽ là bài viết có sức hấp dẫn đối với người đọc và được người đọc tin tưởng vì biết rằng những gì ông viết, dù hợp ý hay không hợp ý mình, cũng là những lời chân thành, những hàng chữ diễn tả những gì tác giả nghĩ, khắc khoải và như muốn kêu gọi người đọc cùng nhau đi tới cái “điểm tận cùng”, nơi mọi sự trở nên hoàn hảo.
Nguyễn Nghị
Nguồn: Bài viết cho tạp chí Xưa & Nay, số tháng 3.2016, bản tác giả gửi Diễn Đàn.
Bọt biển và Sóng ngầm:
Dưới đây là đường dẫn về 4 tập của bộ phim tài liệu sử thi Bọt biển và Sóng ngầm, dựa trên tác phẩm của GS Lý Chánh Trung, do VTL Communication Group thực hiện, bản đầy đủ chứ không phải bản bị cắt xén như khi phát hành trên VTV.
Tập 1 : www.youtube.com/watch?v=jQ9SjFP5IWg
Tập 2 : www.youtube.com/watch?v=Yu3kC-dhu0s
Tập 3, phần 1 : www.youtube.com/watch?v=QeKR42kc9HQ
Tập 3, phần 2 : https://www.youtube.com/watch?v=PqhMqb5_Yr8
Chú thích:
1 Lý Chánh Trung, Tìm về dân tộc, Trình Bầy, 1967, trg. 11-13.
2 tiếng Pháp, có ý nghĩa như ba, bố hay tía của tiếng Việt.
3 Discours : diễn văn
4 Lý Chánh Trung, sđd., trg. 17.
5 Thái Độ, Nghĩ về Cách mạng Chiến tranh và Hòa bình, Saigon, 1967
6 Thường đi với Alpha, là hai mẫu tự Hy lạp đầu tiên và cuối cùng, chỉ đầu và cuối, thủy và chung. Riêng omega được dùng để chỉ đích điểm cuối cùng.
7 Một linh mục người Pháp, dòng Tên, cũng là nhà Khảo cổ học, tác giả cuốn Le phénomène humain, du Seuil, 1955. Bản dịch tiếng Việt đã được Tri Thức xuất bản.
8 Nguyễn Ngọc Lan, Đường hay pháo đài, Trình Bầy, 1969.
9 Lý Chánh Trung, nhật báo Đại Dân Tộc, số 17, 4-6-1972, đăng lại trong Nguyễn Ngọc Lan, Nước ta còn đó, Đối Diện xuất bản, 1973, trg. 190.
10 Người sinh viên kể lại chi tiết này hiện là Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Hữu Quang đang làm công tác nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ
11 Lời giới thiệu cuốn Bọt biển và sóng ngầm của Lý Chánh Trung, do Đối Diện xuất bản, trong cuốn Nước ta còn đó của Nguyễn Ngọc Lan, năm 1973)
Các thao tác trên Tài liệu