Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Hai chứng từ về Lê Thành Khôi

Hai chứng từ về Lê Thành Khôi

- Phan Huy Lê & Georges Condominas — published 16/01/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Hai chứng từ về Lê Thành Khôi

Năm nay (chính xác là ngày 3.5 tới), giáo sư Lê Thành Khôi sẽ được đúng 90 tuổi. Mười năm trước, 30 tác giả, những người bạn, đồng nghiệp, học trò của giáo sư đã chung tay thực hiện một chuyên luận (mélanges) gồm nhiều bài nghiên cứu cũng như chứng từ về giáo sư để tặng ông. Cuốn sách mang nhan đề Từ Đông sang Tây đã được xuất bản tại Việt Nam năm 2005 (NXB Đà Nẵng). Nhân dịp này, Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc một bài viết của Nguyễn Tùng (trong số báo Xuân này), một trong bốn người chủ biên của cuốn sách và hai chứng từ rút trong đó, của các sử gia Phan Huy Lê và Georges Condominas (dưới đây).



Vài Ấn tượng về Giáo sư Lê Thành Khôi, nhà sử học và văn hoá lớn của đất nước


Phan Huy Lê*


Lần đầu tiên tôi được biết tên tuổi Giáo sư Lê Thành Khôi là cuối năm 1956 khi đọc cuốn sách “Le Vietnam, histoire et civilisation” (Paris 1955). Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp Ban sử-địa trường Đại học sư phạm và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn cổ sử Việt Nam do Giáo sư Đào Duy Anh làm chủ nhiệm. Trong điều kiện chiến tranh, thiếu thư viện, thiếu sách báo tham khảo, nên khi hoà bình lập lại, năm 1954 được trở về Hà Nội với nhiều thư viện lớn như Thư viện Đại học tổng hợp (vốn là Thư viện của Đại học Đông Dương), Thư viện quốc gia, Thư viện Viện Viễn đông bác cổ Pháp, lớp cán bộ trẻ chúng tôi say mê, hứng thú tìm đọc những sách, tạp chí viết về lịch sử, văn hoá Việt Nam, nhất là những ấn phẩm mới của nước ngoài. Hai cuốn sách để lại nhiều ấn tượng nhất đối với tôi lúc bấy giờ về lịch sử Việt Nam là cuốn sách trên của Lê Thành Khôi và cuốn “Contribution à l´histoire de la nation vietnamienne” (Paris 1955) của Jean Chesneaux. Hai cuốn sách này xuất bản cùng năm và đưa ra cách tiếp cận mới về lịch sử Việt Nam không những trên phương pháp luận sử học hiện đại của phương Tây mà cả trong cách nhìn và thái độ trân trọng đối với lịch sử và văn hoá của một nước thuộc địa vừa giành lại độc lập. Tôi đặc biệt thích thú cuốn sách của GS Lê Thành Khôi vì tác giả là một người Việt Nam xa tổ quốc mà tấm lòng luôn luôn hướng về Đất Mẹ biểu thị dưới ngòi bút của một nhà viết sử vừa khách quan, trung thực, vừa gắn bó với đất nước. Hai cuốn sách trên đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc giới thiệu Việt Nam trên trường quốc tế với diện mạo chân thật của một quốc gia dân tộc có bề dày lịch sử và văn hoá mà tên tuổi một thời bị chủ nghĩa thực dân xoá bỏ trên bản đồ thế giới.

Mãi đến năm 1980, tôi mới có dịp sang Paris theo lời mời của Đại học Paris VII trong quan hệ hợp tác giữa Đại học tổng hợp Hà Nội với Đại học Paris VII. Ngay trong tuần đầu tiên, tôi được Hội người Việt Nam ở Pháp mời tới nói chuyện tại Nhà Việt Nam. Người chủ trì buổi nói chuyện đó là GS Lê Thành Khôi, Chủ tịch Hội khoa học xã hội, một tổ chức thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp, lúc bấy giờ đang hoạt động sôi nổi và thu hút nhiều người tham gia. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp mặt GS Lê Thành Khôi mà từ thuở mới bước vào nghề sử học tôi đã “kiến kỳ thanh” với lòng mến mộ sâu sắc. Anh giới thiệu tôi và điều hành buổi sinh hoạt văn hoá rất linh hoạt trong tinh thần trao đổi cởi mở về văn hoá Việt Nam. Tôi cũng rất bất ngờ là qua lời giới thiệu, anh hiểu biết khá đầy đủ về tôi và các công trình nghiên cứu khoa học của tôi cũng như nắm bắt khá cập nhật về tình hình sử học trong nước. Sau đó, trong những buổi thuyết trình của tôi tại Đại học Paris VII, anh luôn luôn có mặt, cùng với GS Daniel Hémery hay GS Pierre Brocheux chủ trì phần thảo luận.

Trong thời gian ba tháng ở Paris, tôi có nhiều dịp gặp gỡ, trao đổi với anh Lê Thành Khôi về nhiều vấn đề sử học trong nước. Anh chị mời tôi đến nhà chơi, cùng ăn cơm và nói chuyện rất thân mật. Anh đưa tôi đi xem tủ sách của anh, đặc biệt phòng bảo tàng gia đình của anh. Anh thu thập được khá nhiều cổ vật và tranh, trong đó có những cả những đồ đá, đồ đồng và di vật văn hoá Đông Sơn cùng một số tranh của các danh hoạ trong nước. Tôi nhớ, anh cho tôi xem một bức tranh lụa của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh mà anh mới mua được và anh băn khoăn không biết là tranh thật hay chỉ là bản copie. Tôi rất biết gia đình cụ Nguyễn Phan Chánh và là bạn học với hai người con trai của cụ là anh Nguyễn Phan Quang và anh Nguyễn Phan Oánh. Tôi nói, theo tôi thì có lẽ đây là bản copie, nhưng với nghệ thuật sao chép rất công phu và tinh tế vì trông rất giống phong cách tranh lụa Nguyễn Phan Chánh kể cả chữ Hán đề cạnh bức tranh. Nhưng bức tranh thật đang được trưng bày ở Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội. Anh hơi buồn nhưng rồi mỉm cười khẽ nói, trên đời này phân biệt thật giả không dễ dàng gì.

Càng gặp và trao đổi với anh Lê Thành Khôi, tôi càng kính trọng và quý mến anh với vốn tri thức uyên bác và tính cách cởi mở, chân tình, lối ứng xử rất tình cảm, tế nhị. Ở anh hình như có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa một nhà khoa học được đào tạo rất căn bản ở phương Tây với phong cách và tâm hồn của một học giả Việt Nam thấm nhuần những giá trị văn hoá phương Đông.

Sau năm 1980, tôi có nhiều dịp sang Paris hoặc trong quan hệ hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với Đại học Pháp, hoặc để tham dự các hội thảo khoa học tổ chức ở Pháp, thời gian có khi 3 tháng, có khi chỉ một vài tuần. Không lần nào qua Paris mà tôi không đến thăm anh chị hoặc gặp nhau ở trường đại học, hoặc chí ít do thời gian quá ngắn thì gọi điện thoại hỏi thăm anh chị Lê Thành Khôi, dĩ nhiên ngoại trừ những lần anh ở nước ngoài. Mỗi lần gặp anh, tôi lại được anh tặng những công trình mới, một quyển sách mới xuất bản hay một vài bài báo vừa công bố.

Tại Việt Nam, măm 1980, tôi rất vui gặp lại anh trong hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ở Hà Nội. Từ đó, thỉnh thoảng anh chị lại về thăm quê hương, gia đình. Cách đây bốn năm, anh chị về nước trong 3 tháng để đi thăm và thu thập tư liệu mới về các đền, đình, chùa trong nước, chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu mới. Tôi giới thiệu một học trò cũ đã trở thành một chuyên gia trên lĩnh vực này là PGS Chu Quang Trứ hướng dẫn anh chị đi tham quan khảo sát. Anh tỏ ra rất hài lòng về chuyến đi này. Cũng trong dịp này, anh đã qua Hội khoa học lịch sử Việt Nam để trao giải thưởng cho những công trình nghiên cứu xuất sắc nhất về lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong ba công trình được hội đồng tuyển chọn có công trình của Chu Quang Trứ. Rất thương tiếc khi tôi viết những dòng này thi Chu Quang Trứ đã mất hơn hai năm rồi.

Qua gặp gỡ và trao đổi, tôi được biết anh đã nghỉ hưu từ năm 1992. Anh tặng tôi cuốn ”Un désir de beauté” (Paris 2000) với những cảm nhận rất sắc sảo và tinh tế về mỹ học và đặc biệt với những ảnh minh hoạ rất đẹp do chính anh chụp. Anh nói, tôi đã giành 6 tháng để học chụp ảnh nghệ thuật và tôi cảm thấy thích thú với “nghề phó nháy này”. Một con người đã nghỉ hưu, đã cao tuổi như anh mà vẫn không ngừng học tập và sáng tạo, vẫn say mê với những lĩnh vực mang tính tìm tòi, khám phá mới mẻ.

Trong những lần về thăm đất nước, anh mang theo một ý tưởng rất tốt đẹp. Sau khi tham quan các bảo tàng ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, anh thấy trong hệ thống bảo tàng Việt Nam thiếu hẳn loại hình bảo tàng mỹ thuật thế giới. Từ đó anh nẩy sinh ý tưởng góp phần xây dựng một bảo tàng mỹ thuật ở Hà Nội vì đây chính là quê hương anh, là nơi anh đã sinh ra và lớn lên cùng gia đình với biết bao kỷ niệm của tuổi trẻ. Anh muốn tặng toàn bộ di vật về mỹ thuật phương Đông mà anh đã dày công thu thập ở Pháp và trong thời gian công tác ở nhiều nước châu Á, châu Phi hoặc giảng dạy tại các trường đại học hoặc làm việc với cương vị chuyên gia tư vấn của các tổ chức quốc tế về văn hoá, giáo dục, kinh tế để đặt những viên gạch đầu tiên cho một Bảo tàng mỹ thuật phương Đông ở Việt Nam. Trong bảo tàng riêng của anh có khỏang 800 hiện vật quý thuộc loại này. Anh đã đến gặp ông Bộ trưởng Bộ văn hoá-thông tin, ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Hà Nội để đề xuất ý kiến của mình. Anh đề nghị, bước đầu chỉ cần một địa điểm với một không gian và cảnh quan phù hợp yêu cầu xây dựng bảo tàng mỹ thuật, bao gồm cả phần trưng bày trong nhà và ngoài trời, còn công việc xây dựng và tích luỹ hiện vật sẽ tiến hành qua nhiều bước và bằng nhiều phương thức, trong đó ngoài phần đóng góp riêng, anh có thể đứng ra vận động các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các tổ chức quốc tế xin tài trợ xây dựng nhà bảo tàng và một số hiện vật. Anh được đón tiếp nồng nhiệt và ý tưởng của anh đều được hoan nghênh. Tôi cũng có tham gia vào việc vận động thực hiện ý tưởng hay của anh. Nhưng rồi thời gian trôi qua mà đề xuất của anh không được trả lời chính thức và không một dự án nào về bảo tàng mỹ thuật phương Đông được hình thành. Dù nhiệt tâm có thừa nhưng sự kiên nhẫn của con người chỉ có hạn. Tôi nghĩ giá như trong hoàn cảnh hiện nay của công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế thì ý tưởng của anh dễ trở thành hiện thực hơn. Tôi nhắc lại điều này, dù không thành nhưng cần ghi nhận và trân trọng một ý tưởng hay và đẹp của anh về một Bảo tàng mỹ thuật phương Đông mà tôi tin rằng rồi đây cần phải có mặt trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Anh tâm sự với tôi, nếu không có một bảo tàng mỹ thuật thế giới thì những người Việt Nam không có điều kiện ra nước ngoài làm sao có cơ may được thưởng thức và hưởng thụ một phần di sản văn hoá nhân loại qua ngôn ngữ bảo tàng.

Giáo sư Lê Thành Khôi không chỉ là một nhà sử học mà còn là một học giả trên nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn. Anh đã bảo vệ luận án Tiến sĩ về đề tài kinh tế Nhật Bản, luận án Tiến sĩ nhà nước về công nghệ giáo dục. Anh đã giảng dạy về giáo dục, kinh tế tại nhiều trường đại học ở Pháp, nhiều trường đại học nước ngoài, đã làm chuyên gia tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế. Những công trình nghiên cứu của anh cũng bao quát nhiều lĩnh vực từ sử học, giáo dục, kinh tế đến văn hoá, văn học, mỹ học...Tôi chưa có điều kiện đọc hết khối lượng công trình đồ sộ của anh, nhưng chỉ một số tác phẩm về lịch sử và văn hoá mà tôi đã đọc thì đã tìm thấy ở anh một nhà khoa học rất nghiêm túc, một tư duy và phong cách nghiên cứu rất hiện đại trong tính cổ điển, một trí tuệ minh mẫn đầy sáng tạo, một con người trung thực, thẳng thắn. Đọc cuốn “Histoirre du Vietnam des origines à 1858” (Paris 1982), so với cuốn “Le Vietnam, histoire et civilisation” (Paris 1955), tôi thấy sau gần 30 năm, nhận thức của anh về lịch sử, văn hoá dân tộc đã có nhiều thay đổi theo hướng cập nhật về phương pháp luận, về sử liệu và về chiều sâu của nhận thức. Điều tôi rất trân trọng ở anh là tuy xa đất nước nhưng vẫn dõi theo từng bước tình hình và kết quả nghiên cứu ở Việt Nam, nhất là những phát hiện về khảo cổ học, những thành tựu của các nhà khoa học trong nước. Anh luôn luôn khuyến khích, động viên giới khoa học trong nước, biểu thị và chia sẻ niềm vui mừng về những kết quả nghiên cứu trong nước, nhất là lớp trẻ.

Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà sử học, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, một nhà văn hoá lớn của đất nước. Những công trình nghiên cứu của anh vừa mang tính chuyên ngành sâu, vừa mang tính liên ngành cao. Trong 60 năm sống trên đất Paris, thủ đô nước Pháp, anh tiếp thu được biết bao nhiêu kiến thức hiện đại tại một trung tâm sôi động của văn minh phương Tây, nhưng trước sau anh vẫn là một con người Việt Nam với tấm lòng luôn luôn hướng về Việt Nam, với tâm hồn và phong cách thấm đượm cốt cách Việt Nam kết hợp với những giá trị văn hoá – khoa học Đông-Tây.


* Nhà Sử học, Giáo sư, Đại học quốc gia Hà Nội

Phan Huy Lê

***


MỘT KHÍA CẠNH CỦA SỰ NGHIỆP TRƯỚC THUẬT CỦA LÊ THÀNH KHÔI


Georges Condominas*


Cũng như nhiều người nghiên cứu Việt Nam, tôi đã sử dụng, trong gần ba mươi năm, quyển Le Việt-Nam, Histoire et civilisation của Lê Thành Khôi do Editionds de Minuit xuất bản năm 1955. Nhưng sau đó tôi gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác của anh mà nhiều người đã ca ngợi : L’Histoire du Việt-Nam des origines à 1858, do Sud-Est Asie xuất bản năm 1982.

Hàng trăm trước thuật khác của Lê Thành Khôi về kinh tế, giáo dục, v.v., là bằng chứng cho thấy Lê Thành Khôi quan tâm đến nhiều lĩnh vực trong đó anh tỏ ra rất có thẩm quyền.

Trong chứng từ thân ái này, tôi xin nhường cho các tác giả khác nói lên sự cảm phục đối với sự nghiệp khoa học rất quan trọng của Lê Thành Khôi - nhà bác học lớn, tôi sẽ tập trung ca ngợi Lê Thành Khôi - nhà thơ - nhà văn, được biểu lộ qua nhiều tác phẩm như La Pierre d’amour (Editions de Minuit, 1959), Quelques pas au sud des nuages (Les Indes savantes, 2005),… Quyển sách sau khiến ta nhớ đến các cuốn du ký lớn trong đó chất thơ bàng bạc trong các miêu tả phong cảnh và công trình kiến trúc, cũng như trong các giới thiệu lịch sử của các dân tộc mà tác giả viếng thăm ở Vân Nam.

Tôi cũng muốn nói đến nỗi xúc động của tôi khi đọc – và mỗi lần đọc lại - cuốn La Pierre d’amour do lối tự sự tinh tế của nó : luôn luôn liên hợp các nhân vật và tình cảm, tín ngưỡng của họ với Thiên nhiên (muông thú, cây cỏ, khoáng vật…). Ở Lê Thành Khôi, tôi tìm thấy một phẩm chất mà ít nhà bác học có được : đó là sự nhạy cảm vô cùng tinh tế với chất thơ, hiện rõ trong tất cả các truyện của tác phẩm này.

* Trường Cao học Khoa học Xã hội, Paris, Pháp

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us