Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Hàn Mạc Tử, tiểu truyện sơ lược

Hàn Mạc Tử, tiểu truyện sơ lược

- Đặng Tiến — published 21/09/2012 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử


Tiểu truyện sơ lược


Đặng Tiến

Hàn Mạc Tử - Thi sĩ thiên tài của "loài thi sĩ", nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không quá lời trong bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn thi sĩ, một nhà thơ mà Chế Lan Viên đã tỏ lòng cực kỳ kính phục với nhận xét mà Nguyễn Trọng Tạo cho rằng "xuất thần", ngay sau khi ông mới qua đời : "Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mạc Tử". Sau bao nhiêu thăng trầm của thời thế, năm nay Hàn Mạc Tử được xã hội trả lại vị trí đích thực của ông trên văn đàn : những đêm thơ Hàn Mạc Tử được tổ chức ở Huế, Quy Nhơn, tập thơ Gái Quê thất truyền báo nhiêu năm, mới được tìm lại cũng sẽ được tái xuất trong một bản in mới, phát hành vào đúng những ngày kỷ niệm này...

Về phần mình, Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc một "hồ sơ đặc biệt Hàn Mạc Tử" : ngoài bài "Tiểu truyện" này, bài trao đổi giữa nhà thơ Thanh Thảo và nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhân dịp tập thơ Gái Quê "tái xuất giang hồ", 4 bài thơ trong tập thơ, bài của Phạm Đán Bình về các bút hiệu của Hàn Mạc Tử,  bài Hàn Mạc Tử và bài thơ thôn Vỹ của Đặng Tiến, chúng tôi cũng sẽ đăng lại trong "hồ sơ" này một số bài viết khác trong những ngày tới.


HMT

Ký hoạ của Thanh Trí

Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, lần lượt, có khi cùng một lúc, lấy bút hiệu Minh Duệ Thị, Phong Trần, PT, Lệ Thanh, hay Hàn Mặc Tử, thỉnh thoảng trên báo còn dùng dăm ba bút danh khác.

1912 : Nhà thơ ra đời khoảng 8 giờ sáng ngày 22 tháng 9. Âm lịch, nhằm giờ Thìn, ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tý, tại làng Lệ Mỹ, nơi cửa biển Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Gia đình công giáo thuần thành, ông có tên thánh Phanxicô (François) không phải Phê-rô (Pierre) như nhiều tư liệu ghi nhầm.

Thân phụ làm công chức thương chánh (quan thuế), gốc Thanh Hóa, tên Nguyễn Văn Toản, nguyên họ Phạm. Mẹ tên Nguyễn Thị Duy.

1921 : Thân phụ thuyên chuyển đi làm việc nhiều nơi có cửa khẩu : Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Quy Nhơn, Bồng Sơn, rồi trở lại Sa Kỳ. Tử di chuyển theo gia đình, việc học không ổn định.

1926 : Cụ Nguyễn Văn Toản bị bệnh, qua đời. Gia đình dời về Quy Nhơn, số nhà 20 đường Khải Định ; ở cùng người con cả là Nguyễn Bá Nhân, làm thầu khoán, yêu văn thơ, dưới bút danh Mộng Châu, cùng em xướng họa.

Hàn Mạc Tử làm thơ từ đấy, bút hiệu Minh Duệ Thị, thường là thơ theo luật Đường.

Tử học tiểu học tại Quảng Ngãi ; khi dời vào Quy Nhơn học hai lớp cuối cùng bậc tiểu học, và thi không đỗ.

1928 – 1930 : Ra Huế, theo học trường dòng Pellerin (Bình Linh), ngoại trú, lớp Nhất niên B, tức lớp 6 bây giờ. Không phải là lớp Premiere áp cuối bậc trung học thời ấy. Phải ở lại lớp, đỗ bằng Tiểu học, thời ấy gọi là Pháp Việt Sơ học, rồi thôi học.

1930 – 1931 : về lại Quy Nhơn.

Dưới bút danh Phong Trần, đã có thơ đăng báo. Xướng họa và giao tiếp với cụ Phan Bội Châu, được cụ đề cao.

1932 – 1933 : Làm thư ký sở Đạc điền (Địa chính) Quy Nhơn. Đọc sách, nghiên cứu ; có thơ đăng nhiều báo : Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, … Đơn phương yêu Hoàng Cúc (Hoàng Thị Kim Cúc) và bắt đầu liên lạc thư từ với Mộng Cầm (Huỳnh Thị Nghệ).

1934 – 1935 : Thôi việc, theo bạn bè vào Sài Gòn làm báo. Phụ trách trang văn chương báo Sài gòn, viết cho báo Công luận, Trong khuê phòng. Lấy bút hiệu Lệ Thanh và Hàn Mạc Tử.

Dưới bút hiệu Lệ Thanh, được một giải thưởng thơ gì đó.

1936 : Anh ruột là Nguyễn Bá Nhân qua đời vì tai nạn.

Cảm thấy sức khỏe suy giảm và trở về Quy Nhơn. Chấm dứt quan hệ tình cảm, sau hai năm giao du thân mật với Mộng Cầm, cư ngụ tại Phan Thiết.

Xuất bản tập thơ Gái quê, ký Hàn Mặc Tử, in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội, xong ngày 23.10.1936, 48 trang, khổ 12,50 x 19,40, gồm 34 bài. Tự phát hành.

Về Huế, bán tác phẩm tại Hội chợ, gặp lại Hoàng Cúc, vẫn là sơ giao.

1937 : Bệnh phong (cùi) phát lộ rõ, nhưng vẫn sinh hoạt văn nghệ tại nhà. Gặp gỡ bạn bè văn nghệ, đứng tên xuất bản đặc san Nắng xuân. Thành lập Trường Thơ Loạn, mà tuyên ngôn là bài tựa thi tập  Điêu tàn  của Chế Lan Viên.

Khi bệnh phát nặng thì rời nhà, sống lẩn tránh nhiều nơi ngoại vi thành phố, có khi về nhà. Cắt đứt liên lạc thư từ với bạn bè. Mai Đình (Lê Thị Mai) đến thăm nhiều lần, trong quan hệ văn chương.

Tài chánh khó khăn, phải nhờ cậy bè bạn, nhất là Quách Tấn.

1938 : tập hợp tác phẩm thành tập Thơ điên, sau đổi tên là Đau thương, nhưng không tìm ra được nhà xuất bản, và cũng không còn khả năng tự xuất bản như với tập Gái quê trước đó.

1939 : Tiếp tục sáng tác trong hoàn cảnh quẫn bách.

Đề tựa cho Tinh huyết của Bích Khê, viết bạt cho Một tấm lòng của Quách Tấn. Tập hợp bản thảo tập thơ Xuân như ý rồi Thượng thanh khí.

Liên lạc thư từ với Thương Thương (Trần thị Thương Thương), một nữ sinh Huế 15 tuổi, qua liên hệ của bạn văn là Trần Thanh Địch, chú ruột cô gái, muốn an ủi người bệnh. Quan hệ này, chỉ qua thư từ, và cái tên Thương Thương, đã gây cảm xúc và cảm hứng cho Hàn Mạc Tử sáng tác tập Cẩm châu duyên gồm một số bài thơ và hai kịch thơ Duyên kỳ ngộQuần tiên hội ; tác phẩm cuối cùng này nửa chừng đã đình chỉ theo lời gia đình cô gái yêu cầu ngưng sử dụng tên cô..

1940 : Bệnh tình nguy kịch, gia đình đưa vào bệnh viện Quy Nhơn, ngày 8 tháng 9 ; rồi chuyển vào trại cùi Quy Hòa, ngoại thành Quy Nhơn, ngày 20 tháng 9.

Qua đời về bệnh kiết lỵ lúc 5 giờ 45 sáng, ngày 11 tháng 11 năm 1940, và được mai táng ngay buổi chiều ngày hôm đó tại nghĩa địa của bệnh viện, theo thông lệ của trại cùi ; người trong viện không biết bệnh nhân quá cố là nhà thơ Hàn Mạc Tử ; gia đình không được thông báo.

Mộ phần Hàn Mạc Tử sẽ được cải táng, dời về Gành Ráng, Quy Nhơn, năm 1959. Trùng tu 2008.

Ngày nay, thơ Hàn Mạc Tử được nhiều nơi in lại và phổ biến rộng rãi.



Đặng Tiến

Đối chiếu và thiết lập, Orléans ngày 10-7-2012

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us