Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Hoàng Ngọc Hiến, một đời lương thiện

Hoàng Ngọc Hiến, một đời lương thiện

- Phan Huy Đường — published 25/01/2011 17:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22


Hoàng Ngọc Hiến,
một đời lương thiện



Phan Huy Đường



Hoàng Ngọc Hiến chết rồi.

Thuở ấy, chưa có oép, meo. Thông tin giữa Ziao Chỉ Quận và PhuLăngXa, khỏi nói. Tôi chưa hề nghe tên Hoàng Ngọc Hiến.

Một hôm, một bà đầm trao cho tôi một bài Hoàng Ngọc Hiến gửi, tiếng Pháp. Thế là "quen nhau".

Tôi dịch văn chương của học trò của chàng. Toàn là nhà văn có vấn đề. Qua đó, tôi biết chàng có uy tín đối với những người có tác phẩm tôi quý trọng.

Nước mình nó thế. Nhưng đời nó cũng thế : cuối cùng cũng gặp nhau. Ở Paris.

Chàng thích triết lý của François Jullien, muốn dịch qua tiếng Việt, nhờ tôi liên lạc. May quá, tôi đã từng thư từ với François Jullien, tôi giới thiệu hai người với nhau và cả hai thực hiện được hoài bão của mình.

Nhân một dịp chàng qua Pháp làm việc, hai đứa gặp nhau. Xin lỗi, tôi hơi bị mất dạy đối với vị giáo sư tiền bối1, nhưng thực tế thì Hoàng Ngọc Hiến đối xử với tôi như một người bạn. Danh lam thắng cảnh Paris và vùng lân cận, đầy người đưa chàng đi xem. Tôi chỉ dẫn chàng lê lết vỉa hè Paris, nhậu và tán gẫu với nhau thôi. Đáng thật. Chàng thích ăn ngon, nhậu thật tình, chẳng xã giao tí nào. Quá hợp với tôi, thằng thà ăn nhiều mà ngon còn hơn ăn ít mà dở, ăn thô bạo và ồn ào (tuy nói nho nhỏ thôi để khỏi phiền người bên cạnh).

Thuở đó, trong một phố nhỏ cạnh sông Seine có tiệm La Rotissoire chuyên bán thịt nướng lửa. Tôi lôi chàng đến đó nhậu. Chàng chọn liền hai món tủ của tôi ở đó !

Khai vị : xương tuỷ ! Điên thật. Hai khúc xương, một khoanh tuỷ ở giữa, vài hạt muối thô vùng Guérande. Sao mà ngon thế… Mỗi lần tôi nấu phở, tôi vẫn nấu xương tuỷ. Không bao giờ ngon như vậy. Tôi nghi chủ tiệm vứt mấy khúc xương bên lửa, kệ nó từ từ ấm và đem hầu khách, thế thôi. Nhờ thế mà độ đặc, vị bùi của tuỷ rất đặc biệt, không thể nào nấu mà có được ?

Món chính : bồ câu quay. Món ấy, ở Việt Nam, thiếu gì ? Thế mà ở Paris, tìm nổ con ngươi mới có được ! Hình như chỉ còn hai anh fermier ở vùng Bresse chuyên sản xuất cho các tiệm ăn sang thôi. Một con bồ câu phanh thành hai miếng, thăn khứa 3-4 lưỡi dao, thịt còn ứa máu. Thơm ngon hết xảy.

Ờ, phải ăn nhậu với nhau mới biết nhau thế nào.

Có lúc chàng định viết về mình theo kiểu Edward Wadie Saïd. Một bạn người Áo của chàng nhờ tôi dịch bài đầu qua tiếng Pháp. Đọc xong, ông rất phấn khởi, thôi thúc tiến hành và tích cực tìm nhà xuất bản. Nhưng rồi tôi chẳng nhận được gì thêm.

Tự dịch xong quyển Tư duy tự do, tôi gửi cho chàng. Chàng bảo : buổi sáng chàng mở ra đọc có hai vị quan nào đó ghé thăm và xin một bản mang đi, rồi chiều hôm ấy có hai nhà xuất bản muốn đăng, nhưng chàng đã quen làm việc với nhà xuất bản Đà Nẵng và muốn xuất bản nó tại đấy. Thế là nhờ chàng và Đà Linh, quyển sách ấy được có mặt ở Việt Nam. Lời tựa của chàng đã làm nổi bật mấy nội dung cơ bản của quyển sách.

Lần cuối tôi nghe về chàng qua một người bạn chung. Chàng bảo : PHĐ trước hết là một con người lương thiện. Tôi ngạc nhiên. Chưa ai đánh giá tôi như thế bao giờ. Nhưng tôi hiểu. Con người tử tế nó thế. Nó thích gán những điều tốt đẹp ở chính mình cho người khác mà nó cảm mến. Chàng cũng thế. Vì chàng đã sống được một đời tử tế, lương thiện, trong hoàn cảnh chẳng dễ tí nào.

Thôi, hẹn gặp lại nhau nay mai.


P. H. Đ.

2011-01-24

Diễn Đàn : Để nhớ về Hoàng Ngọc Hiến và biết thêm về ông, bên cạnh bài viết của Phan Huy Đường, mời bạn đọc thưởng thức một bài ông viết (bài bằng tiếng Anh) cho hội nghị "Humour in ASEAN", ngày 4-5 tháng 8 2010. Xin bấm vào dòng "tài liệu đính kèm" cuối bài để đọc bằng chương trình Acrobat Reader. Đây có lẽ là bài viết cuối cùng của Hoàng Ngọc Hiến.


1 có người gọi bằng thầy hay cụ.


Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us