Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Lê Hiếu Đằng viết về Trần Quang Long

Lê Hiếu Đằng viết về Trần Quang Long

- Lê Hiếu Đằng — published 09/02/2014 20:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Bài viết của Lê Hiếu Đằng năm 2004, về một người bạn chiến đấu, cũng là chứng từ về sự dấn thân chính trị của chính anh trong suốt năm mươi năm.

Trần Quang Long 

- những chặng đường đã đi qua


Lê Hiếu Đằng


LHD

LTS : Như thế là Lê Hiếu Đằng đã an giấc nghìn thu!

Chứng từ về nhà thơ Trần Quang Long - mà anh viết vào năm 2004 và được đăng trong cuốn « Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm », NXB Thuận Hóa – 2005 » - cũng là chứng từ về sự dấn thân chính trị của chính anh trong suốt năm mươi năm. Đoạn kết của bài đã nói lên được phần nào các thao thức, trăn trở và tâm huyết của anh vào cuối đời : « Hãy nghĩ đến họ [tức là các đồng chí của anh đã hy sinh trong chiến tranh, như Trần Quang Long] mỗi khi thấy lòng ta bắt đầu nguội lạnh, thờ ơ trước cảnh các em bé gầy còm tranh nhau kiếm sống trên các bãi rác ở ngoại ô thành phố mỗi lúc hoàng hôn xuống. Hãy nhớ đến họ mỗi khi chúng ta cơ hồ xuôi tay, bất lực trước bất công xã hội, trước những tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí... Hãy đứng lên cùng nhau tiếp tục đi theo con đường mà cả một thời trai trẻ chúng ta đã chọn lựa. ».

Trần Quang Long còn có các bút hiệu Chánh Sử, Thảo Nguyên, Trần Hoàng Phong..., nổi tiếng với bài thơ "Thưa mẹ, Trái tim", vở kịch "Tiếng gọi Lam Sơn"...


Những ngày ở Huế

 

Tôi gặp Trần Quang Long trong phong trào sinh viên học sinh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh của những năm 1963-1964 ở Huế. Lúc ấy tôi học đệ nhị trường Quốc học Huế, còn Long đã là sinh viên trường Đại học sư phạm Huế, chủ biên tạp chí Đất mới, tiếng nói của Tổng hội sinh viên Huế. Long hơn tôi hai tuổi. Trong những năm đầu thập kỉ sáu mươi của thế kỉ trước, một bộ phận tuổi trẻ thành phố Huế cũng như các thành thị miền Nam khác, đặc biệt là giới sinh viên, quá thất vọng trước chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm và sau đó là của các tướng tá võ biền, thối nát đang tự tìm cho mình con đường đi. Vào thời điểm ấy, các sáng tác trên các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Thế kỉ hai mươi.v.v... và những sáng phẩm của Albert Camus, J.P.Sartre... ảnh hưởng khá sâu sắc đến giới sinh viên lúc bấy giờ. Những khái niệm như “dấn thân”, “nổi loạn”, “thân phận con người”, “tha nhân”.v... luôn luôn ám ảnh tôi, thôi thúc chúng tôi từ bỏ cái cũ để dấn thân, đi tìm cái mới, phải hành động vì một chế độ xã hội công bằng và tốt đẹp hơn, chế độ xã hội mà Phan Duy Nhân (Thiết Sử) đã mơ ước:

Yêu anh em, yêu xã hội công bằng
Người yêu người xây dựng tới muôn năm
(Thiết Sử - Thư gửi các bạn sinh viên)

Lúc ấy chúng tôi hướng về miền Bắc, hướng về Hà Nội với biết bao hy vọng... Chúng tôi đã quen nhau và đấu tranh trong bối cảnh đó.

Và cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in một kỉ niệm sâu sắc về Long. Trong một đêm tối mịt mùng, Trần Quang Long và tôi thoát khỏi vòng vây của công an, cảnh sát của chính quyền Huế - lúc bấy giờ, vượt qua cầu Bạch Hổ, đi thẳng lên chùa Thiên Mụ. Ngồi bó gối bên nhau, mải miết nhìn dòng sông Hương chạy dịu dàng dưới đêm tối cô tịch, chúng tôi nhớ đến bạn bè, những nam nữ sinh viên học sinh Huế đang tiếp tục bị tù tội, đàn áp, nhớ đến người nữ sinh Đồng Khánh mà tôi rất mực thương yêu không biết bây giờ đăng ở đâu. Bỗng có một vị sư trẻ đến ngồi bên cạnh Long và tôi, nói nhỏ nhẹ bằng một giọng Huế khá nặng: “Hai anh là sinh viên ở mô mà lên cõi đây lánh nạn?” Long cho  vị sư biết hai chúng tôi là sinh viên đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm đang bị đuổi bắt nên phải chạy lên đây nương tựa cửa chùa. Một lúc lâu, sau một phút ngần ngại, vị sư nọ thì thầm nói cho chúng tôi nghe về phong trào đấu tranh của nhân dân các thành thị miền Nam cùng với Huế nổi lên chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Vị sư còn cung cấp cho chúng tôi những dữ liệu về phong trào đấu tranh của nông dân ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng miền Trung và sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng làm chủ tịch. Bằng một giọng lạc quan, ông quả quyết thế nào chế độ Diệm cũng bị sụp đổ. Nói xong ông bật nhỏ chiếc radio đeo bên cạnh cho chúng tôi nghe.

Trần Quang Long và tôi sững sờ, tim như ngừng đập, vừa sung sướng, vừa ngạc nhiên, hồi hộp. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe bài “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc ấy lấy tên là Huỳnh Minh Siêng) Long và tôi lặng đi vì xúc động “Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện đem tươi sáng đến cho muôn người”... Giọng đồng ca hùng tráng, tiếng kèn vang lên thúc giục, xóa tan đi mọi nỗi u uất, sợ hãi trong lòng chúng tôi. Long và tôi như được hồi sinh. Và ngay rạng sáng đêm hôm ấy, mặc dầu thành phố còn giới nghiêm, Long và tôi vẫn liều lĩnh vượt cầu Bạch Hổ, về lại khu trường đại học Y khoa, Đại học Sư phạm, trường Đồng Khánh, Quốc học, tiếp tục cùng bạn bè chuẩn bị cho các cuộc xuống đường, hội thảo với một sinh lực mới...

Đầu năm 1964, do nghi ngờ tôi và một số học sinh Quốc học là cơ sở bí mật của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong phong trào học sinh sinh viên Huế, nên công an Huế đã bắt tôi và hai anh Lí Thiện Sanh, Hà Thúc Thoan. Sau một thời gian khai thác, không tìm được chứng cứ gì, chúng chuyển tôi và Lí Thiện Sanh về lao Thừa phủ. Lúc ấy tôi đang học đệ nhất C (ban văn chương). Lý Thiện Sanh học đệ nhất B (ban Toán) của trường Quốc học. Đến kì thi tú tài II chúng tôi đấu tranh đòi được ra đi thi. Cuối cùng chúng đành chấp nhận với điều kiện là phải có cha hoặc mẹ bảo lãnh, đưa đi thi  và đưa về lại lao Thừa phủ Huế. Ba tôi, trong thời gian tôi bị tù, đã 63 tuổi nhưng phải biết bao lần khổ cực vượt qua cánh đồng An Cựu trong mưa gió để thăm nuôi tôi. Nay ông lại bảo lãnh, đưa tôi đi thi tú tài II. Không rõ từ nguồn tin nào, đến ngày thi, tôi đã thấy ba tôi cùng Trần Quang Long đứng trước ổng nhà tù để đón tôi. Thấy tôi Long mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, lo lắng nhìn tôi không nói một lời. Thấy tôi ốm o, xơ xác, Long bùi ngùi nắm tay tôi thở dài: “Đằng khổ quá”... Như đã chuẩn bị trước. Long nhờ một người bạn chụp cho hai chúng tôi một tấm hình làm kỉ niệm ngay gần cổng nhà tù. Không bao giờ tôi quên buổi sáng hôm ấy... Hình ảnh của một Trần Quang Long chí tình với bạn bè, say sưa với phong trào đấu tranh, không chịu khuất phục, luôn luôn lạc quan tiến về phía trước...


Trần Quang Long ghi phía sau tấm ảnh:
Chiều thứ sáu 22-5-1964 thằng tù trong và thằng tù ngoài.
LHĐ (bên phải) đang bị giam tại lao Thừa Phủ được can thiệp ra dự thi tú tài năm 1964

Những ngày ở Huế còn đọng lại trong tôi nhiều kỉ niệm khác về Long. Những ngày cùng nhau lang thang trên đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu (nay là đường Phan Đăng Lưu). Những buổi hội thảo, xuống đường. Những sáng mai ngồi bên tách cà phê nóng hổi ở quán Dung trong thành nội bàn chuyện văn chương, chuyện thời sự, nghe nhạc tình... Nỗi mừng vui khi số đầu tiên của tạp chí Đất mới - tiếng nói của Tổng Hội sinh viên Huế mới in xong, còn thơm mùi giấy mới. Những đêm gặp gỡ ở quán Bạn... Long vẫn như còn đó

 

Vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh  Như thuở đó...” và những ngày ở Sài Gòn

 

Năm 1967, Long dạy học ở Cần Thơ, cuối tuần hay về Sài Gòn - Long thường rủ tôi đi uống caphe và trong những lúc như vậy Long đều đề nghị chủ quán cho nghe bài Hương xưa của Cung Tiến. Một hôm khi nghe đến đoạn: “vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó...” Long bỗng hỏi tôi: Đằng đó biết Quỳnh Như đang học Đại học Kiến Trúc không? Mình gặp Quỳnh Như ở trại hè đà Lạt. Gặp nhau thời gian ngắn nhưng sao thấy thích Quỳnh Như quá. Mình có viết thư cho Quỳnh Như một vài lần nhưng không thấy hồi âm. Giá như được gặp lại...” Tôi cười thầm vì Long đã hỏi đúng địa chỉ. Đối với tôi, gia đình Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ xem tôi như người thân. Một hôm, sau khi đã  hẹn trước với Quỳnh Như, Long và tôi đến thăm. Quỳnh Như tiếp chúng tôi rất thân tình. Trước  sự vồn vã, mạnh bạo của Quỳnh Như, Long có vẻ khớp chỉ ngồi cười mỉm... Ngồi một lúc, tôi lấy cớ đi họp ở Tổng hội sinh viên Sài Gòn nên để Long lại một mình. Và từ đó mỗi chiều thứ bẩy, chủ nhật cuối tuần, Long chống nạng (do hậu quả của cuộc đàn áp ở Quy Nhơn) vượt qua cầu Trương Minh Giảng (nay là cầu Lê Văn Sỹ) hăm hở đến thăm Quỳnh Như. Mối tình giữa Long và Quỳnh Như khởi đầu như thế đó.

Thời gian này Long thường xuyên về Sài Gòn nên Tổng hội sinh viên Sài Gòn mời Long làm ủy viên văn nghệ của Tổng hội và làm Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác, chuẩn bị cho sự ra đời của tuyển tập “Tiếng hát của những người đi tới” - Long lao vào công việc mới một cách say mê, như mê say trong tình yêu mới của mình. Trong không khí sôi sục của Sài Gòn của những năm 1966-1967, Long đã sáng tác “Thưa mẹ, trái tim...”, một bài thơ có sức lay động dữ dội mà sinh viên học sinh Sài Gòn cũng như ở các thành thị miền Nam đã trích một số câu để sử dụng như là khẩu hiệu hành động, thúc giục sinh viên học sinh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại tiến lên...

Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho việc tập hợp lực lượng quần chúng phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng hội sinh viên Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tập thơ Tiếng hát những người đi tới, ra đời trong bối cảnh đó mà người đem hết tâm sức ra để làm nên tập thơ chính là Trần Quang Long.

Tôi còn nhớ khi tập thơ này mới in xong, Trần Quang Long, Trương Thìn và tôi đã tổ chức một buổi đọc thơ, ngâm thơ tại nhà chị Đồng, chị của Long, trong cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải quận 10.Tp.HCM). Buổi giới thiệu tập thơ đã thu hút nhiều anh chị em trong phong trào sinh viên Sài Gòn, trong Tổng hội sinh viên Sài Gòn và từ đêm đó, tập thơ đã trở thành người bạn đường của sinh viên học sinh Sài Gòn trong những ngày đấu tranh quyết liệt trên đường phố, trong giảng đường, trường học, trong những đêm không ngủ bên ánh lửa bập bùng...

Trong những ngày tháng ở Sài Gòn, Long đã yêu đã sống và chiến đấu như thế đó...

 

Những ngày cuối cùng ở chiến khu

 

Đầu năm 1968 trong khói lửa mịt mù của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, tôi rời Sài Gòn để tham gia Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam(LM các LLDTDC&HBVN). Vừa đi, tôi vừa lưu luyến nhìn về phía Sài Gòn, ở đó, bạn bè, đồng đội tôi đang chiến đấu trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong đó có Trần Quang Long. Tâm trạng tôi hoàn toàn khác với Nguyễn Đình Thi khi rời Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến 1946.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...

Vượt qua Maren, qua đồng Chó ngáp, theo con đường du kích tôi đến địa điểm tổ chức Đại hội thành lập Liên minh các LLDTDC&HBVN vào lúc mờ sáng sau một đêm không nghỉ và thức trắng. Thật vui mừng và bất ngờ khi tôi gặp lại ở đây giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ thân sinh chị Quỳnh Như vợ của Trần Quang Long. Giáo sư Dương Kỵ trước đây dạy tại đại học Văn khoa Sài Gòn, cùng nhiều nhân sĩ, trí thức khác tham gia phong trào Hòa bình Dân tộc tự quyết nên đã bị chính quyền lúc bấy giờ “tống xuất” ra miền Bắc qua cầu Bến Hải (cầu Hiền Lương) cùng với bác sĩ Phạm Văn Huyến (thân sinh luật gia Ngô Bá Thành), nhà báo Cao Minh Chiến. Biết tôi là bạn thân của Trần Quang Long nên giáo sư hỏi rất nhiều về người con rể mà giáo sư chưa hề gặp mặt.

Thời gian sau, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật cũng lên địa điểm tổng kết. Tôi mừng rỡ ôm chầm lấy hai anh, cảm giác lẻ loi trong những ngày đầu ở chiến khu không còn nữa. Biết hoàn cảnh Long và Luật nên tôi càng cảm phục hai anh. Trần Triệu Luật xuất thân từ một gia đình miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Anh là sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn và là một cây bút sinh viên hết sức sắc bén trong các bài chính luận, đồng thời là một thuyết trình viên đanh thép, sôi nổi trong các cuộc hội thảo đòi hòa bình, đòi quyền dân tộc tự quyết, chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Tôi cứ đinh ninh rằng với hoàn cảnh gia đình của anh, anh khó có thể dứt bỏ tất cả đi vào chiến khu theo cách mạng. Còn hoàn cảnh Trần Quang Long càng thương tâm hơn ở khía cạnh khác. Anh ra đi trong lúc vợ anh - chị Quỳnh Như đang mang thai cháu Xuân Thắng. Đêm đầu tiên nằm kề nhau trên cánh võng, Long đã nói cho tôi nghe những đấu tranh, dằn vặt, đau đớn của anh khi phải rời xa người vợ yêu thương đang mang thai đứa con đầu lòng để ra đi mà không biết bao giờ trở về... Như là một định mệnh, Long đã có những câu thơ như báo trước số phận của mình:

Ta đi không kịp ẵm con thơ
Không kịp về thăm người vợ chờ
Bao năm biền biệt chẳng tăm hơi
Em chắc ngờ ta đã chết rồi
Chôn chặt căm thù trong đất lạnh
Rừng chiều núi sớm vọng hồn ai
(Tiếng hát của người tù. Trích Vực thẳm và hi vọng)

Không khí chuẩn bị Đại hội thành lập Liên Minh các LLDTDC&HBVN rất sôi nổi nhưng Long ít nói, có vẻ buồn, trầm ngâm suốt ngày. Tuy nhiên một thời gian ngắn sau đó, Long gạt bỏ mọi nỗi buồn, lao vào cuộc sống ở chiến khu như một chiến sĩ. Anh lấy bí danh là B40, tên của một loại vũ khí chống tăng có sức xuyên phá rất hiệu quả của quân giải phóng. Chắc hẳn thơ anh giờ đây không chỉ là chông gai “xuyên gan lũ giặc”, không chỉ là kiếm sắc “chặt đầu bọn tay sai” mà còn dữ dội như khẩu B40 có sức công phá phi thường. Anh và Trần Triệu Luật đã sống rất hòa bình với anh em cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, chịu đựng mọi gian khổ, hiểm nguy, bệnh tật, không một lời than vãn, được mọi người yêu mến kính trọng.

Sau đại hội thành lập Liên minh các LLDTDC&HBVN, tôi và một số thành viên trong liên minh được phân công qua Ban tuyên huấn Trung ương  cục miền Nam (B9)  để thực hiện giờ phát thanh của Liên minh trên đài Giải Phóng. Tổ gồm nhà giáo Thiên Giang, nữ văn sĩ Vân Trang, kỹ sư Trần Thiện Tứ, Trần Quang  Long, Trần Triệu Luật và tôi. Bốn anh em chúng tôi được ở chung một nhà, sinh hoạt đầm ấm, vui vẻ mặc dầu bom đạn, bệnh tật vẫn rình rập quật ngã chúng tôi không biết khi nào. Thời gian này Long thường nhắc đến Quỳnh Như và đứa con sắp ra đời. Long buồn vì đã để Quỳnh Như ở lại một mình trong nỗi cô quạnh của những tháng ngày thai nghén không có chồng bên cạnh. Quỳnh Như là người bề ngoài rất mạnh mẽ nhưng trong sâu kín lại rất nhạy cảm hay buồn tủi.

Có những buổi chiều, Long và tôi ra ngoài trảng trống, im lặng ngồi bên nhau, nhớ về Sài Gòn. Tôi chợt nhớ 4 câu thơ của Lê Anh Xuân:

Đã bao năm lòng ta bầm đỏ
Phía trời xa, thành phố Sài Gòn
Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó
Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về.

Long kể cho tôi nghe thời gian sau ngày tôi giới thiệu Long với Quỳnh Như. Long yêu Quỳnh Như mãnh liệt, mê đắm. Trong tình yêu, Long bao giờ cũng vậy... Thoạt đầu Quỳnh Như kiêu hãnh chưa chấp nhận tình yêu của Long. Nhưng với sự lì lợm, kiên trì vốn có của Long cộng với sự chân tình của một tình yêu thật sự say đắm, cuối cùng Quỳnh Như chấp nhận lời cầu hôn của Long. Thế là hai người bạn của tôi đã sống bên nhau, khi đằm thắm, khi dữ dội. Long nhắc lại những ngày ấy với một giọng buồn thương da diết và bảo tôi hát lại cho Long nghe bài “Hương xưa” của Cung Tiến. “Vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó”...

Thế rồi như là một định mệnh, thơ anh đã thành hiện thực: Long không bao giờ gặp lại Quỳnh Như và đứa con đầu lòng được nữa. Thật kì lạ, đến trước buổi sáng oan nghiệt đó, Long nhận được thư của Quỳnh Như và hình của đứa con trai đầu lòng mới được mấy tháng tuổi. Long vui như mở hội, đem khoe với chúng tôi. Quỳnh Như đã đặt tên cho con là Xuân Thắng, như là một thông điệp gửi cho Long và bạn bè trong chiến khu một niềm tin về một mùa xuân thắng lợi. Nhưng đau đớn và xót xa biết bao khi Long đã cùng Trần Triệu Luật ngã xuống vào buổi sáng ngày 11-10-1968 sau một trận đánh bom ác liệt  của máy bay Mỹ vào căn cứ của Ban tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam(B9). Quả bom 500kg của máy bay phản lực F105 của Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của Long và Luật, đào thành một hố sâu hoắm, chỉ cách căn hầm tôi núp 15 mét. Trần Quang Long, Trần Triệu Luật đã hy sinh như thế đó. Hôm truy điệu hai anh, nhiều vị thành viên trong Liên minh, nhiều cán bộ chiến sĩ của cơ quan Liên minh đã không cầm được nước mắt, khóc cho cuộc đời ngắn ngủi của hai anh. Tôi đọc điếu văn mà nước mắt chảy ròng ròng... Cầm trên tay bản thảo tập thơ Sao Rừng lỗ chỗ miểng bom, tôi lại nhớ đến chị Quỳnh Như và cháu Xuân Thắng.

Tôi viết những dòng hồi ức này về những chặng đường đã qua của Trần Quang Long như là một nén hương tưởng nhớ đến anh, đến Trần Triệu Luật và biết bao bạn bè, người thân trong phong trào học sinh sinh viên đã nằm xuống mãi mãi vì lí tưởng công bằng xã hội, vì Miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đã 36 năm ngày Long, Luật hi sinh (11-10-1968 - 11-10-2004) đã gần 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất một nhà, khoảng thời gian dài của một nửa đời người nhưng chúng ta đã làm được gì? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi mãi và những gì mà anh và biết bao người đã ngã xuống để lại cho đời, cho đất nước này luôn nhắc nhở chúng ta những người còn sống sót sau những năm tháng chiến tranh, không thể vô ơn, quên lãng nỗi khát khao cháy bỏng của biết bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam về một xã hội công bằng, một xã hội mà “Đến con trâu cũng nghé ọ yêu người” (Thơ Thiết Sử - Thư gửi các bạn sinh viên), về một đất nước Việt Nam thật sự Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Hãy nghĩ đến họ mỗi khi thấy lòng ta bắt đầu nguội lạnh, thờ ơ trước cảnh các em bé gầy còm tranh nhau kiếm sống trên các bãi rác ở ngoại ô thành phố mỗi lúc hoàng hôn xuống. Hãy nhớ đến họ mỗi khi chúng ta cơ hồ xuôi tay, bất lực trước bất công xã hội, trước những tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí... Hãy đứng lên cùng nhau tiếp tục đi theo con đường mà cả một thời trai trẻ chúng ta đã chọn lựa...

Tháng 10-2004

LÊ HIẾU ĐẰNG

(Trích trong tập Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm, NXB Thuận Hóa 2005)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us