LÊ HỒNG HÀ (1926-2016)
LÊ HỒNG HÀ
(1926-2016)
ảnh Lương Châu Phước, 2009
Ông Lê Hồng Hà đã từ trần ngày 15.11.2016 tại nhà riêng, 62 Ngô Quyền, Hà Nội, sau một thời gian dài bệnh nặng, thọ 90 tuổi.
Lễ truy điệu và hoả táng đã cử hành ngày 18.11. Di cốt ông đã được gia đình đưa về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà ở xã Phú Vinh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Tên thật là Lê Văn Quỳnh, ông sinh năm 1926, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944. Trong một bản tóm tắt tiểu sử, ông cho biết : « tham gia Tổng khởi nghĩa 8.1945, vào công tác ngành Công an từ 20.8.1945, được kết nạp Đảng tháng 7.1946. Tháng 10.1946 là Bí thư chi bộ Đảng khu phố Chợ Hôm, tháng 12.1947 là uỷ viên quận uỷ quận VI và kiêm quận trưởng công an quận VI. 1949 được Trung ương cử đi học lý luận Mác-Lê ở Bắc Kinh (Khoá I), sau đó được giữ lại hướng dẫn cho Khoá II, Khoá III (l951-52). 1953 về nước, phụ trách Trường công an Trung ương (1953-57). 1956 được chỉ định là uỷ viên Đảng đoàn Bộ công an. 1958 làm chánh văn phòng, sau đó là vụ trưởng Vụ tổng hợp của Bộ công an. 1979 chuyển sang công tác tại Uỷ ban Khoa học xã hội, là trưởng ban Thư ký khoa học. Từ 1981 đến 1989 được điều động sang công tác tại Bộ lao động, là Thư ký của Ban dự thảo Bộ luật lao động. 1990 làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước về Vấn đề nguồn lao động và giải quyết việc làm của nước Việt Nam cho đến năm 2000. 1991 về hưu. »
Trong mười năm 1981-1991, ông Lê Hồng Hà đã tập trung nghiên cứu về xã hội Việt Nam và nhiều dịp phát biểu về thực trạng tình hình xã hội – chính trị Việt Nam. Nhưng phải đến năm 1995, tên tuổi của ông mới được dư luận trong nước và ngoài nước biết đến, liên tiếp qua hai vụ việc : mùa xuân năm ấy, ông giúp ông Nguyễn Trung Thành gửi thư cho lãnh đạo ĐCS, yêu cầu công khai giải oan cho toàn bộ những người bị giam tù hay liên luỵ trong vụ « xét lại, chống Đảng, gián điệp » – cả hai sau đó bị khai trừ khỏi đảng ; cuối năm, ông bị bắt giam (sau đó kết án 2 năm tù) vì « tiết lộ bí mật Nhà nước », cụ thể là bức Thư đề ngày 9.8.1995 của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị ĐCSVN .
Đọc những trang viết của ông kể lại quan hệ (từ năm 1951) của ông với ông Nguyễn Trung Thành, người ta có thể hiểu thêm tính cương trực, ý chí đấu tranh vì lẽ phải, bất chấp mọi hậu quả cho riêng mình :
« 1956-1957 chúng tôi lại gặp gỡ nhau khi đ/c Thành tham gia sửa sai trong chỉnh đốn tổ chức, mà tôi với tư cách là uỷ viên Đảng đoàn Bộ Công an tham gia sửa sai về công tác đánh địch trong cải cách ruộng đất. Đây là đợt sửa chữa những sai lầm lớn về đánh địch, về đánh bắt oan trong nội bộ Đảng lớn nhất và rộng nhất trong lịch sử của Đảng ta. Qua đây tôi đã học được nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học chua xót cho công tác của Đảng. Qua đó tôi đã hiểu thêm và có thiện cảm với đ/c Thành.
Đến năm 1963-1964, chúng tôi lại có dịp gặp và cộng tác với nhau trong việc phát hiện và giải oan cho 8 cán bộ lãnh đạo chủ chốt về Đảng, về công đoàn... trong nhà máy cơ khí Gia Lâm, thuộc Bộ kiến trúc lúc đó. Ở đó có xảy ra việc đ/c Võ An Khang, trung tá quân đội chuyển ngành sang làm giám đốc nhà máy bị chết. Công an Hà Nội cho đây là vụ giết người, đã bắt giữ và hỏi cung 8 cán bộ chủ chốt của nhà máy. Chỉ sau một thời gian, cả 8 người này đều nhận có tham gia giết đ/c giám đốc (!). Đ/c giám đốc Công an Hà Nội lúc đó đã báo cáo với 5 uỷ viên Trung ương Đảng, được các đồng chỉ này đồng tình, và chỉ còn việc hoàn chỉnh hồ sơ đưa sang toà án xét xử. Nhưng qua sự phát hiện của một số cán bộ nghiệp vụ của Bộ công an thì thấy rằng đây là một vụ án oan, và việc phát hiện sai lầm để giải oan đã gặp biết bao khó khăn khi người làm sai lại công tác ở cơ quan chuyên chính và ở cương vị phụ trách cao. Sau 4 năm, khi đã kết luận dứt khoát là oan, phải phục hồi và đền bù, khi đ/c Nguyễn Khai (lúc đó là Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương) đến để giải thoát cho người bị oan thì một số đã bị bệnh tâm thần, sức khoẻ đã suy kiệt và gia đình đã tan nát rồi. Trong vụ này, với cương vị chủ trì Ban chỉ đạo vụ án, tôi lại có dịp cùng công tác với đ/c Thành lúc đó là vụ trưởng Vụ bảo vệ Đảng, được Ban bí thư cử theo dõi vụ án. Qua đó, tôi lại hiểu thêm và có ấn tượng tốt về phẩm cách của đ/c Thành. Dù chúng tôi không được khen thưởng gì qua việc giải oan, sửa sai, nhưng chúng tôi đều cảm thấy sung sướng vì đã góp phần giải thoát cho các cán bộ, đảng viên bị oan khuất [...]. Không rõ có phải vì số phận mà những trường hợp cộng tác thân mật giũa đồng chí Nguyễn Trung Thành và tôi đều trùng vào những vụ giải oan cho những người bị oan không ? Và từ đó trở đi, do điều kiện công tác, tôi rất ít gặp anh Nguyễn Trung Thành (từ 1965 đến l995).
Đầu năm 1995, sau 30 năm hầu như không gặp nhau, tôi lại có dịp gặp anh Nguyễn Trung Thành. Sau những lời hàn huyên thăm hỏi, chúng tôi đã kể lại cho nhau nghe những việc làm đã qua. Anh Nguyễn Trung Thành nói với tôi rằng đã góp phần vào việc giải oan cho một số cán bộ, đảng viên trong một loạt các vụ oan, sai trong Đảng : như vụ đ/c Hoàng Chính, phó bí thư Đảng uỷ Quảng Ninh đã bị giam 6 năm ; như vụ đ/c Đoàn Duy Thành bị nghi vấn chính trị về thời kỳ ở tù Côn Đảo cho tới khi đ/c Đỗ Mười phải chủ trì cuộc họp đối chiếu, nghe các nhân chứng mới kết luận nổi ; như vụ đ/c Mười Hương, nguyên bí thư Trung ương Đảng bị nghi vấn chính trị về thời kỳ Mỹ-Diệm bắt trước kia ; như vụ đ/c Nguyễn Tài, nguyên thứ trưởng Bộ nội vụ bị nghi vấn là tay sai của CIA trong thời kỳ Mỹ-Diệm bắt trước đây : như vụ đ/c Long Xuyên, Mai Trung Lâm bị nghi oan trong vụ anh Chu Văn Tấn ; như các vụ cán bộ, đảng viên bị bắt oan ở Đồng Nai, ở Nghĩa Bình...
Sau khi kể những vụ án oan mà đ/c đã góp sức giải oan thắng lợi, đ/c Nguyễn Trung Thành vẫn băn khoăn bứt rứt vì chưa giải oan được cho các cán bộ đảng viên bị oan khuất gần 30 năm nay trong cái gọi là vụ án " Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại, làm tình báo cho người nước ngoài." Tuy cuối năm 1993, đ/c Nguyễn Trung Thành đã gởi thư cho nhiều đồng chí trong Bộ chính trị nhưng đều bị bỏ qua. Đ/c tự cho đây vẫn là món nợ to lớn đối với những người bị oan, đối với trách nhiệm bảo vệ uy tín và bản chất cách mạng của Đảng, là sự day dứt liên tục và gay gắt đối với lương tâm của người cộng sản. »
Về bức thư của ông Võ Văn Kiệt, ngày nay đã rõ việc bắt giam và kết án các ông Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ) nằm trong bối cảnh cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt, nhóm Nguyễn Văn Linh – Lê Đức Anh tìm cách cô lập và loại trừ Võ Văn Kiệt. Bức thư đã được phổ biến khá rộng rãi trong giới cán bộ, và Diễn Đàn là tờ báo đầu tiên đã công bố toàn văn tại hải ngoại từ số tháng 1.1996 (hơn một năm trước khi Việt Nam có internet). Điều mỉa mai là trong « hồ sơ toà án », chính quyền không dám để văn bản này, mà chỉ vu khống ba bị cáo « phát tán tài liệu bí mật Nhà nước ».
Trái
: tang lễ ngày
18.11.2016. Phải
: vòng hoa
của Diễn Đàn, do nhà văn Phạm Xuân Nguyên mang tới
Từ khi ra tù (cuối tháng 8.1997), mặc dù sức khoẻ suy yếu, ông Lê Hồng Hà không ngừng suy nghĩ về công cuộc dân chủ hoá và phát triển đất nước, đấu tranh chống lại đường lối « mác-lê » phản dân chủ, đưa kinh tế và xã hội Việt Nam vào thảm trạng. Lê Hồng Hà được nhìn nhận như một nhà trí thức trung thực, sâu sắc, thiết tha với vận mệnh đất nước.
Diễn Đàn xin thành thực phân ưu với bà Lê Thi (Dương Thị Thoa) và toàn thể tang quyến.
Diễn Đàn
Cùng bạn đọc
Chúng
tôi xin gửi tới bạn đọc một HỒ
SƠ LÊ HỒNG HÀ, gồm một số bài viết/nói
của tác giả Lê Hồng Hà và một vài bài viết về Lê Hồng Hà. Các bài này
đã được công bố trên Diễn Đàn hoặc những báo mạng khác (có ghi rõ xuất
xứ). Hồ sơ này sẽ được bổ sung thêm trong thời gian tới.
Các thao tác trên Tài liệu